Nguyễn Văn Trí (Hà Nam)
Tăng huyết áp (THA) là bệnh lý có xu hướng ngày càng tăng và trẻ hóa. Do bệnh THA diễn biến thầm lặng, ít có các biểu hiện lâm sàng, nên bệnh nhân đều chủ quan, đặc biệt là người bệnh trẻ tuổi. Có trường hợp đi khám mới phát hiện ra huyết áp đã ở mức rất cao (trên 180/110mmHg), điều này rất nguy hiểm, do THA gây ra các biến chứng rất nặng nề cho người bệnh như: tai biến mạch máu não, những biến chứng cho tim, mắt, thận và mạch máu lớn...
Bác sĩ kê đơn cho bạn dùng thuốc có chứa hoạt chất metoprolol, là thuốc thuộc nhóm chẹn beta giao cảm, có tác dụng điều trị tăng huyết áp, ngoài ra thuốc được dùng trong các tình trạng đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim... Việc huyết áp của bạn đã trở về mức bình thường và ổn định cho thấy hiệu quả điều trị của thuốc với cá nhân bạn rất rõ rệt. Trong quá trình dùng thuốc metoprolol, nếu bạn thấy có các phản ứng phụ như: mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, mất ngủ, chậm nhịp tim, phù và đau vùng trước tim, buồn nôn, nôn, đau bụng, co thắt phế quản (gây ra các cơn khó thở), lạnh tay chân... thì cần thông báo cho bác sĩ để được tư vấn. Không tự ý tăng, giảm liều dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Việc điều trị THA nhằm hai mục đích: phòng ngừa lâu dài các biến chứng của bệnh. Nếu đã xảy ra các biến chứng thì điều trị tích cực chống tái phát và hạn chế tối đa tiến triển của bệnh. Người bệnh THA cần tuân thủ một nguyên tắc điều trị quan trọng nhất, nhằm giảm các tai biến do THA, đó là: điều trị THA là một điều trị lâu dài, thậm chí suốt đời. Nguyên tắc này dễ bị người bệnh bỏ quên nhất. Bởi sau khi dùng thuốc một thời gian, thấy khỏe mạnh, huyết áp đo bình thường, thì lại muốn bỏ thuốc hoặc uống thuốc không đều đặn. Cho đến khi xuất hiện trở lại các triệu chứng, biến chứng hoặc đo huyết áp thấy cao, lúc đấy mới lại dùng thuốc. Điều trị như vậy sẽ không có tác dụng dự phòng được các biến chứng của THA, có nghĩa là không có hiệu quả. Vì vậy, người bệnh THA tuyệt đối không được dừng thuốc khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.
DS. Lê Hà Thanh