Giáo Lý Về Luân Lý Tính Dục

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 302 khẳng định rằng: “Trần gian được tạo dựng trong tình trạng lên đường, hướng đến sự hoàn hảo cuối cùng mà Thiên Chúa đã định cho chúng”. Điều này có nghĩa là: Thiên Chúa đã đặt trong tất cả thụ tạo những nguyên lý vận hành (luật tự nhiên) giúp chúng có khả năng hoàn thành “ơn gọi” của mình. Đối với con người, Thiên Chúa còn ban cho dư đầy khả năng để họ tham dự vào chương trình quan phòng này một cách tự do hơn[1] . Như thế, với tư cách là một thụ tạo được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa[2], con người cần khám phá giá trị của thân xác, hiểu biết những hỗ trợ tự nhiên cũng như siêu nhiên dựa vào luật mạc khải (luật thiết định bởi Chúa), nhờ đó đạt đến sự trưởng thành và có khả năng xây dựng tương lai ngày một tốt đẹp hơn.
1. Thân xác [3]bạn là đền thờ Chúa Thánh Thần
Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô đã khẳng định thân xác là đền thờ của Chúa Thánh Thần[4]. Quan niệm này phải đặt trong toàn bộ nhân vị của con người[5]. Con người là một hữu thể vừa thể xác, vừa tinh thần.
Thánh Kinh dùng lối hình tượng để diễn tả điều đó, qua việc Thiên Chúa lấy bùn đất mà nặn ra hình người rồi thổi sinh khí vào lỗ mũi (St 2,7). Con người mang một “xác đất” giống như các sinh vật khác, nhưng lại  mang “sinh khí” mà các sinh vật khác không được ban (x.St 2,19-20). Phải khẳng định rằng: “sinh khí” được nói đến ở đây chính là Thần Khí, nguyên lý sự sống của chính Thiên Chúa. Với nguyên lý sự sống này, con người được mời gọi không chỉ hoạt động theo nghĩa “automatic” (theo luật tự nhiên) mà còn phải đoán định rất tự do, trong ánh sáng mạc khải của Chúa Thánh Thần.
Chúa Giêsu đã khẳng định: “Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì” (Ga 6,63). Sau tội nguyên tổ, con người quả thật đã rơi vào tình trạng tồi tệ của xác thịt. Cái hèn hạ mạnh thế, khiến ta muốn vươn lên bậc sống của mình cũng khó khăn. Thánh Phaolô tông đồ cũng nói: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Chúa Giêsu cứu độ con người là để ban lại cho họ Thánh Thần, giúp họ có khả năng chiến thắng xác thịt, khẳng định giá trị của chính mình, trong chương trình đầy yêu thương của Thiên Chúa.
2. Giá trị của sự tiết độ, trưởng thành:
    a. Giá trị của sự tiết độ: 
Con người không phải là thiên thần, vì thế, vẫn phải mở một cánh cửa cho những hoạt động của thân xác: ăn uống để phát triển; hôn nhân để duy trì nòi giống .v.v. Tuy nhiên,  nô lệ cho chính những hoạt động này lại làm cho ta trở nên thấp hèn. “Tinh thần” cần cứu độ thân xác, theo cách thức, linh hồn được coi là “mô thể” của thân xác[6]. Điều này có nghĩa là: phải dùng đến những khả năng mà Thánh Thần ban cho, để định lề lối cho những đòi hỏi nhiều khi quá đáng của thân xác. Ta vẫn cần ăn để sống, nhưng ăn thế nào để có lợi cho tinh thần và thể xác là điều cần lưu ý. Ta cũng không cấm giác quan hướng về các vấn đề tính dục, nhưng bắt nó trong khuôn khổ nào đó là điều cần thiết. Nhờ sự tiết độ này, chúng ta thoát được cảnh nô lệ cho những cái thấp hèn và dần mặc vào tư cách tự do của con cái Chúa.
    b. Sự trưởng thành về tính dục: 
“Trưởng thành” là mức độ vươn đến những khả năng xứng bậc của một tạo vật có hồn thiêng. Tính dục tự bản chất là tốt đẹp, được Thiên Chúa trao ban, để giúp con người thể hiện chính mình. Với phương tiện này, trước tiên, con người được mời gọi để diễn đạt tình yêu đích thực như “Thiên Chúa là tình yêu”[7]. Thứ đến, tính dục hướng về sự sống, giúp con người cộng tác với Thiên Chúa, Đấng là chủ sự sống[8]. Cuối cùng, con người có thể làm chủ tính dục của mình để thể hiện lòng trung tín, như chính Thiên Chúa là Đấng trung tín[9]. Như thế, nhờ trưởng thành về tính dục, con người làm cho mình mỗi ngày nên giống Thiên Chúa hơn.
3. Những hỗ trợ tự nhiên và siêu nhiên trong đời sống hôn nhân:
Thông điệp Humanae Vitae, số 10, đã nêu ra không ít những thách đố, liên quan đến hành vi vợ chồng, như về: phương diện sinh lý học; khuynh hướng bản năng tình dục; điều kiện thể lý, kinh tế, tâm lý và xã hội. Để giúp cho đôi bạn vẫn giữ được những đòi buộc của luật Chúa, mặt khác, cảm thấy nhẹ nhàng hơn trong trách nhiệm và bổn phận, xin được nêu lên những hỗ trợ tự nhiên và siêu nhiên dưới đây.

Những hỗ trợ tự nhiên:

- Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nhận định: “Thiên Chúa khôn ngoan vô cùng đã thu xếp và thiết lập những định luật, những chu kỳ tự nhiên của mầm sống: Chính những chu kỳ ấy có sức giảm bớt số sinh”[10]. Như thế, Thiên Chúa đã sắp sẵn một trật tự luân lý ngay trong con người, mà dựa theo đó, đôi bạn vẫn có thể kiểm soát việc sinh sản một cách hợp pháp, có trách nhiệm và không đánh mất phẩm giá của hôn nhân. Sách Hôn Nhân Công Giáo của giáo phận Xuân Lộc (trang 29) đã đề nghị hai phương pháp khả thi là: Ogino-Knauss (Ghi nhận chu kỳ kinh nguyệt) và Billings (quan sát tình trạng bài tiết của người nữ).
- Khoa học ngày nay có khả năng phân định những yếu tố dinh dưỡng chứa trong các loại thực phẩm, theo đó, người sử dụng có thể chọn lựa vì những mục đích rất riêng biệt của mình. Tránh những thứ thực phẩm gây nhiều kích thích có thể giúp tiết độ, làm chủ được bản năng của mình.
- Ngoài ra, những đòi hỏi quá mức về tình dục có thể là hậu quả từ những sinh hoạt mang tính thời đại hôm nay như: sách báo xấu, phim ảnh xấu, v.v. Ta cần phải chỉnh trang lại nếp sống hằng ngày, sao cho thanh thoát và lành mạnh, để có thể làm chủ chính mình, trong lãnh vực hôn nhân gia đình.
    b. Những hỗ trợ siêu nhiên:
Với những hỗ trợ tự nhiên, ta cần phải tìm kiếm nguồn hỗ trợ khác, sâu hơn, đó chính là những hỗ trợ siêu nhiên.
Đời sống siêu nhiên chính là đời sống dưới tác động của ân sủng, cái được Thiên Chúa thêm vào cho sự sống tự nhiên[11]. Con người ta, nếu chỉ bằng sự sống tự nhiên thì rất dễ dàng quy thuận những cái thấp hèn của xác thịt. Bằng ân sủng của Thiên Chúa, ta mới có thể quy hướng các cơ năng của mình để phục vụ cho những mục đích cao đẹp. Các Bí Tích chính là nguồn ân sủng cần thiết, giúp người tín hữu có khả năng đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa trong đời sống gia đình.
Thật vậy, chiến đấu là việc của Thiên Chúa (x.1Sm 17,47b). Tông huấn Amoris Laetitia, số 314, còn khẳng định rất mạnh mẽ rằng: “Chúa Ba Ngôi hiện diện trong đền thờ của sự hiệp thông vợ chồng”. Chính nhờ sự nhận biết này mà cái khó lại hóa dễ, cái không tưởng lại trở thành hiện thực. Qua đời sống cầu nguyện, ta có thể khẳng định, Chúa không bao giờ bỏ rơi ta trong những vấn đề khó khăn của gia đình[12].
4. Đón nhận luật mạc khải: Điều răn VI
Luật mạc khải là mời gọi sâu hơn của chính Thiên Chúa đối với con người để khi đón nhận với tự do mà con người được nên giống Thiên Chúa hơn. Chính vì thế, Thập Điều được ban ra trong bối cảnh của một giao ước, qua đó, dân Do Thái được nhận làm Dân Riêng[13]. Những giới luật này được Chúa Giêsu kiện toàn khi nhấn mạnh tính nội tâm giữ luật[14]. Trong sự kiện toàn này, Giáo Hội, dân riêng của Thiên Chúa, hiểu rằng: “Điều răn thứ sáu đề cập đến mọi lãnh vực về tính dục của con người”[15]. Trong khuôn khổ của bài viết, xin được đề nghị vắn tắt hai mục dưới đây:

Đức Khiết tịnh:

“Sự khiết tịnh là việc hòa nhập thành công tính dục trong nhân vị. Nó đòi hỏi việc tập luyện sự tự chủ cá vị”[16]. Chính vì thế, “mọi người đã chịu Phép Rửa đều được kêu gọi sống đời khiết tịnh tùy theo bậc sống riêng của mình”[17].
Các sách tu đức chia khiết tịnh thành ba loại trong đời sống người giáo dân như sau:
+ Khiết tịnh thiếu niên: là kiêng mọi nhục thú cho tới lúc thành hôn.
+ Khiết tịnh hôn nhân: là kiêng mọi thứ nhục thú không được phép trong bậc hôn nhân.
+ Khiết tịnh góa bụa: là kiêng mọi nhục dục sau khi bạn đời chết, cho tới khi tái hôn hay đến chết.
Những tội nghịch với đức khiết tịnh cần được lưu ý là: Thủ dâm, gian dâm, mại dâm, hình ảnh khiêu dâm, đồng tính luyến ái[18] , tự do sống chung; sống thử nghiệm…

Tính dục trong đời sống vợ chồng:

            Tuy được phép tìm niềm vui thú về tính dục trong đời sống hôn nhân gia đình[19], nhưng tự bản chất các hành vi vợ chồng phải hướng về những mục đích cao cả mà Thiên Chúa đã thiết lập. Tách rời khỏi các mục đích này, con người đã đương nhiên làm cho mình nên thấp hèn và xúc phạm đến chính Chúa.
- Với mục đích yêu thương: Tính dục trong đời sống vợ chồng, nhắm đến sự hiến thân cho nhau[20], hầu giúp họ chung thủy với nhau trọn đời[21]. Quả vậy, theo mẫu mực Chúa Kitô đã yêu thương Hội Thánh (x.Ep 5,32), vợ chồng cũng cần phải nên một trong nhau, để có thể chu toàn những đòi buộc của hôn nhân. Vì tính dục trong hôn nhân không nhằm thỏa mãn những đòi hỏi ích kỷ của mỗi người, vợ chồng cần phải xa tránh thái độ bắt người phối ngẫu trở thành nô lệ tình dục cho mình.
Những tội liên quan đến mục đích này, được sách Giáo Lý của Hội Thánh liệt kê : ngoại tình ; ly dị; ly thân bất hợp pháp (; đa phu đa thê; loạn luân …
Với mục đích truyền sinh: Hành vi tính dục của vợ chồng, hướng về sự sinh sản con cái[22], như lời mời gọi tích cực tham dự vào quyền sáng tạo của Thiên Chúa (số 2367). Như vậy, Thiên Chúa đã đặt trong hành vi này một trật tự mà con người không có quyền thay đổi. Mọi can thiệp vào tiến trình tự nhiên này, nhằm chấm dứt mục đích sự sống, đều là bất hợp pháp.
Những tội liên quan đến mục đích này có thể kể đến: phá thai; tránh thai bằng thuốc, bao cao su, xuất tinh ra ngoài, đặt vòng tránh thai…
5. Lời kết:
Con người cần đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, thông qua luật tự nhiên và luật mạc khải, để hoàn thiện chính mình. Tính dục có thể giúp con người thăng hoa về giá trị, nhưng nó cũng là nguy cơ kéo người ta xuống tình trạng thấp hèn. Với những hỗ trợ của Hội thánh, trong tác động củaThánh Thần, mong rằng những người bước vào đời sống hôn nhân có được những hành trang cần thiết để tự khẳng định mình, trước mặt Thiên Chúa.
 
[1] Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG), số 307.
[2] Ibid., số 362.
[3] Ibid., số 362.
[4] x. 1Cor 6, 9.
[5]  GLHTCG, số 364.
[6] x. GLHTCG, số 365
[7] x.1Ga 4, 8
[8] x.Ga 11,25
[9] x. 2Tm 2, 13
[10] X. ĐGH Phaolô VI, Thông điệp Sự sống con người H
[11] x. Lm Mt Phạm Hảo Kỳ,  Đời Sống Kitô Hữu – chương 2 -
[12] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Niềm vui của tình yêu Amoris Laetitia, số 317-318
[13] x. Xh 19,5; Dnl 6,6
[14] x. Mt 5,17
[15] x.GLHTCG – số 2336
[16] GLHTCG – số 2395
[17] GLHTCG – số 2394
[18] x.GLHTCG – số 2396
[19] GLHTCG – số 2362
[20] GLHTCG – số 2361
[21] Ibid., số 2364
[22] GLHTCG – số 2366