Giáo Hội trên đường

Canh tân Giáo Hội không phải là chuyện chỉ diễn ra trong những kế hoạch mang tính chiến lược hay trong những tài liệu bàn giấy. Bất cứ một công cuộc canh tân nào cũng cần được thực hiện bằng cả lời nói và hành động.

Có lẽ cần phải sau nhiều năm nữa chúng ta mới thấy được những ảnh hưởng thật sự của Thượng Hội Đồng Giám Mục toàn vùng Amazon. Ảnh hưởng ấy không chỉ thu gọn nơi những điều được xác định bởi tài liệu cuối cùng, dù tài liệu này thật sự đã đưa ra những đề nghị thay đổi đầy ấn tượng, như việc truyền chức cho những Phó Tế đã có gia đình hay việc mở ra với khả thể có nữ Phó Tế.

 

Nếu Công Đồng Vatican II đã định hình nên Giáo Hội đương đại, Thượng Hội Đồng Amazon đã lên men cho một cuộc đổi mới đầy ý nghĩa. Tự bản thân việc nhóm họp Thượng Hội Đồng này đã là một biến cố đầy ý nghĩa, có thể nói là biến cố quan trọng nhất trong triều Giáo Hoàng của Đức Phan-xi-cô.

 

Giống như Công Đồng Vatican II, Thượng Hội Đồng Amazon sẽ được nhớ đến như là một nỗ lực làm tái sinh sứ mạng của Giáo Hội. Thượng Hội Đồng tập trung vào vùng đất hầu như đã bị lãng quên, nhưng lại là vùng đất có tầm quan trọng sống còn đối với cả hoàn cầu. Giống Công Đồng Vatican II, Thượng Hội Đồng Amazon được bén rễ từ chính kinh nghiệm sống của cộng đoàn dân Chúa, từ cảm thức đức tin chung, sensus fidelium. Thượng Hội Đồng là một lối diễn tả mới về cung cách hiện hữu của Giáo Hội. Theo đó, Giáo Hội chuyển mình từ cung cách hành xử “thông truyền” đến “lãnh nhận”. Thượng Hội Đồng đã lắng nghe tiếng nói của 87.000 cung giọng chứng nhân khác nhau. Đức Phan-xi-cô đã mời gọi mọi người tham dự dành ra những giây phút thinh lặng phản tĩnh xen giữa những cuộc thảo luận. Những bài phát biểu của Ngài là kết quả tổng hợp của những cuộc tham luận đã diễn ra từ ngày 6 đến ngày 27 tháng 10 vừa qua.

 

Việc nhấn mạnh đến tinh thần phân định đã cho phép Thượng Hội Đồng lắng nghe được những cung giọng thường xuyên bị làm ngơ ở những Thượng Hội Đồng trước. Một trong những cung giọng mạnh mẽ nhất ở Thượng Hội Đồng lần này là tiếng nói của nữ giới. Theo Đức Cha Evaristo Pascoal Spenger, Giám mục dòng Phanxicô, người Brazil, hơn 60 phần trăm các cộng đoàn Công Giáo vùng Amazon được hướng dẫn và điều phối bởi nữ giới. Trước thực tế này, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã nói rằng Ngài sẽ mở lại Uỷ Ban mà chính Ngài đã thiết lập năm 2016 để xét đến vấn đề này. Trong bài nói chuyện đầu tiên của mình trước các tham dự viên của Thượng Hội Đồng, Đức Phan-xi-cô nói: “Nữ giới mời gọi chúng ta: làm ơn hãy lắng nghe chúng tôi. Làm ơn cho chúng tôi cơ hội được lắng nghe!” Ngài tiếp: “Và chính tôi đã tiếp nhận lời thỉnh cầu ấy!”

 

Còn quan trọng hơn cả những chuyện xoay quanh câu hỏi về vai trò và thừa tác vụ, những câu hỏi được đặt ra cho Thượng Hội Đồng lần này hướng đến tận tâm điểm của việc định hướng cho sứ mạng tương lai của Giáo Hội. Liệu Giáo Hội có thể có được một sự “cẩn trọng đầy mạo hiểm”, như điều mà Đức Phan-xi-cô đã đặt ra cho các tham dự viên của Thượng Hội Đồng trong Thánh Lễ Khai mạc, nhằm gieo những hạt giống của Tin Mừng vào giữa lòng thế giới hiện đại? Liệu Giáo Hội có sẵn sàng tin tưởng vào những điều ngạc nhiên mà Thánh Thần Thiên Chúa sẽ mang lại, hay lại thu mình trở về với những luật lệ, thói quen và cung cách cố hữu của quá khứ?

 

Dưới mắt Đức Phan-xi-cô, Giáo Hội phải đối mặt với một chọn lựa quan trọng: hoặc tự biến mình thành một “bảo tàng đức tin”, hoặc trở thành một Giáo Hội thực sự và sống động. Đấy là thách đố đặc biệt dành cho các Giáo Hội ở Bắc Mỹ và Châu Âu, những nơi chống đối Thượng Hội Đồng mạnh nhất. Đây là lời ngôn sứ mà vị Hồng Y Dòng Tên, Carlo Maria Martini đã nói trước khi qua đời: “Giáo Hội tại các nước giàu có của Châu Âu và Mỹ đã mệt mỏi. Nều văn hoá của chúng ta đã già cỗi. Nhà thờ và các cơ sở tôn giáo của chúng ta đồ sộ nhưng trống rỗng rồi. Những thủ tục pháp lý trong Giáo Hội càng lúc càng nhiều. Các nghi lễ và phẩm phục của chúng ta lại đầy hoành tráng và phô trương.”

 

Tôi chứng kiến ba giây phút quan trọng trong tháng 10 đầy kịch tính ở Roma. Cả ba đều chỉ ra rằng Thượng Hội Đồng là thời khắc hoán cải quan trọng, thời khắc mà Giáo Hội để cho mình được đổi mới bởi Chúa Thánh Thần.

 

Đức Mẹ vùng Amazon

 

Đầu tiên là buổi nghi thức diễn ra trong Vườn Vatican vào đêm trước ngày khai mạc Thượng Hội Đồng. Buổi họp mặt ấy trùng vào ngày lễ Thánh Phan-xi-cô Át-si-di, vị thánh của khó nghèo, hoà bình và của sứ mạng chăm sóc các tạo vật. Buổi nghi thức được hướng dẫn bởi một nhóm người thổ dân Amazon, gồm nghi những thức thờ phượng Ki-tô giáo thấm đẫm sự tôn trọng dành cho văn hoá và cho thế giới tạo vật. Vào cuối buổi nghi thức, một nữ thủ lãnh của thổ dân mang lên một tượng gỗ tạc một người nữ đang mang bầu, đầu của bức tượng đang cúi xuống, về phía Đức Giáo Hoàng. Vị nữ thủ lãnh gọi đấy là bức tượng: “Đức Mẹ vùng Amazon”. Amazon đã được mang đến tận trái tim của Giáo Hội.

 

Vài hãng truyền thông Công Giáo Bắc Mỹ đã giễu cợt rằng Vatican đã cho phép một nghi thức thờ phượng ngoại giáo, đồng thời loan tin giật gân rằng Giáo Hội khuyến khích việc thờ cúng tượng thần. EWTN là một trong những hàng truyền thông ác cảm và hung hăng nhất trong chiến dịch bài Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô. Bức tượng “Đức Mẹ vùng Amazon” được đặt trong một nhà thờ gần Đền Thờ thánh Phêrô. Nhưng liền sau đó, bức tượng này bị hai người đàn ông đánh cắp và ném xuống dòng sông Tiber. Đức Hồng Y nghị phụ Christoph Schönborn, một trong những thần học gia trỗi trang nhất của Thượng Hội Đồng đã giải thích với hãng truyền thông EWTN rằng bức tượng người nữ mang thai này là một biểu tượng về sự thánh thiêng của sự sống, một biểu tượng phò sự sống.

 

Trung thành với truyền thống thánh hoá các phong tục văn hoá, Thượng Hội Đồng đã ra kiến nghị về việc thành lập nghi lễ Amazon, là nghi lễ cho phép hội nhập các nghi thức truyền thống của thổ dân. Những chống đối nặng nề dành Thượng Hội Đồng là dấu chỉ về nỗi sợ hãi của những người chống lại công cuộc canh tân của Đức Phan-xi-cô.

 

Lễ Khai mạc

 

Giây phút quan trọng thứ hai là lễ khai mạc Thượng Hội Đồng. Khi đoàn rước gồm những người đại diện cho các cộng đoàn thổ dân, các nghị phụ, các nữ tu, cùng với Đức Phan-xi-cô tiến bước từ ngôi mộ của Thánh Phê-rô đến sảnh đường Phaolo VI. Đoàn rước mang theo bức tượng người nữ thổ dang mang thai, bức ảnh Các Thánh Tử Đạo vùng Trung Mỹ và Châu Mỹ Latinh, và một chiếc thuyền độc mộc. Nhìn đoàn rước đi qua Quảng Trường Thánh Phê-rô, tôi bị đánh động bởi hình ảnh một Giáo Hội đang trên đà chuyển động, một cộng đoàn Giáo Hội liên đới và hướng đến sứ mạng. Đức Hồng Y Dòng Tên, Pedro Barreto, Tổng Giám Mục giáo phận Huancayo, đã nói với giới báo chí tại Roma: “Chúng ta đang ở trên cùng một chiếc thuyền, và chúng tôi đang cùng chuyển động. Những người chỉ trích là những kẻ đứng trên bờ. Họ không muốn đặt mình lên thuyền.” Đức Hồng Y còn giải thích thêm: Giáo Hội như một con thuyền, đang vươn mình ra đại dương của tình yêu, của sự công chính và hoà bình trong Đức Ki-tô. Những người đứng trên bờ lại muốn có một Giáo Hội bình chân như vại, không phải thay đổi điều gì…

 

Thoả Ước Hang Toại Đạo

 

Giây phút quan trọng thứ ba là buổi sáng Chúa nhật ngày 20 tháng 10 tại hang toại đạo Domitilla. Các Giám mục và những tham dự viên giáo dân của Thượng Hội Đồng họp nhau tại một vùng nghĩa trang Ki-tô giáo cổ để nhắc lại “Thoả Ước Toại Đạo” đã được 42 Giám mục thượng phụ ký vào thời điểm kết thúc Công Đồng Vatican II. Trong thoả ước ấy, các Giám mục thượng phụ kêu gọi việc bảo vệ người nghèo, lên tiếng bênh vực những người không có tiếng nói, tìm kiếp sự cộng tác từ phía giáo dân trong những thừa tác vụ. Các thượng phụ kêu gọi trở về với tinh thần của các Ki-tô hữu đầu tiên, khi họ sẵn sàng từ bỏ của cải riêng, từ bỏ cả những danh vọng chức tước mang lại quyền lực và ưu đãi.

 

Trong “Thoả Ước Toại Đạo cho Ngôi Nhà Chung”, các Giám mục nghị phụ của Thượng Hội Đồng Amazon lên tiếng kêu gọi việc bảo vệ vùng rừng nhiệt đới Amazon trước nguy cơ đối mặt với việc nóng lên của toàn cầu và việc cạn kiệt nguồn nguyên liệu thiên nhiên. Trong Thánh Lễ trước khi ký Thoả Ước, Đức Hồng Y Cláudio Hummes, người Brazil, nói rằng Thượng Hội Đồng Giám Mục vùng Amazon là hoa quả của Công Đồng Vatican II, đồng thời cũng nhấn mạnh đến mối dây liên kết giữa Giáo Hội mang đặc tính truyền giáo trong vùng Amazon và các Ki-tô hữu đầu tiên.

 

Hoán cải, tâm điểm của tài liệu cuối cùng

 

Trong diễn từ bế mạc của mình, Đức Phan-xi-cô nói rằng Thượng Hội Đồng vùng Amazon đã đưa ra những phân tích và chẩn đoán mang đầy tính mục vụ, thiêng liêng, văn hoá và sinh thái cho toàn vùng. Tâm điểm được đề cập đến trong tài liệu cuối cùng là sự hoán cái. Đức Hồng Y Michael Czerny, Dòng Tên, một nhân vật quan trọng bậc nhất trong việc soạn thảo tài liệu cuối cùng của Thượng Hội Đồng, đã giải thích rằng: không có hoán cải, tất cả những gì chúng ta làm chỉ là sao lặp chứ không có thay đổi thật sự. Tài liệu cuối cùng mô tả vùng Amazon như “một nét đẹp bị thương tổn và bị làm méo mó”. Nét đẹp ấy vẫn bị tàn phá mỗi ngày. Diện tích rừng bị thu hẹp là duyên do làm cho địa cầu nóng dần lên. Tương lai của hành tinh này gắn liền với tương lai của toàn vùng Amazon. Cuộc khủng hoảng sinh thái thật sự nguy kịch, đến độ Đức Hồng Y Czerny cảnh tỉnh: Nếu chúng ta không thay đổi, chúng ta sẽ không thể sống còn.

 

Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã khuyến cáo giới truyền thông hãy nhìn vào toàn cảnh của bức tranh. Ngài cũng cảnh cáo những người cho rằng mình thuộc giới “ưu tú” trong Giáo Hội nhưng lại chỉ thiển cận tập trung vào một chi tiết nhỏ nào đó của Thượng Hội Đồng: “Họ cho rằng mình đứng về phía Thiên Chúa, nhưng họ lại không có đủ can đảm để đứng về phía toàn thế giới”, Đức Giáo Hoàng bình luận.

 

Trong Thánh Lễ bế mạc Thượng Hội Đồng, Đức Giáo Hoàng tiếp tục gởi lời nhắn nhủ đến những người tự cho mình thuộc giới “ưu tú” trong Giáo Hội với thái độ tôn gáo tự cho mình là công chính và vẽ ra một hình ảnh lạnh lùng của Thiên Chúa. “Tiếng kêu cứu của người nghèo” phải trở thành “tiếng kêu vì hy vọng đặt vào Giáo Hội”. Đức Giáo Hoàng còn nhấn mạnh: những người nghèo nhất chính là những người canh giữ cửa trời.

 

Nói với những người tham dự Thánh Lễ bế mạc tại Quảng Trường Thánh Phê-rô, Đức Giáo Hoàng đã kết luận rằng: Thượng Hội Đồng này đã thôi thúc Giáo Hội từ bỏ vị trí an nhàn trên bờ để ra đi tiến về những vùng nước mới. Đó không phải là những vũng nước đọng của ý thức hệ, nhưng là một đại dương thênh thang rộng mở, trên đó Thánh Thần Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy tung lưới bắt cá.

 

Thượng Hội Đồng đã thỉnh xin Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô viết phúc đáp của mình dành cho tài liệu cuối cùng của Thượng Hội Đồng. Thời hạn cuối của phúc đáp này là vào cuối năm nay. Thượng Hội Đồng Amazon thật sự đã trở thành đất canh tác cho công cuộc canh tân của Đức Giáo Hoàng, mang lại nhiều bài học quý cho toàn Giáo Hội. Đã có nhiều sóng gió và thách thức, nhưng Giáo Hội của thế kỷ XXI đã nhổ neo và căng buồm ra khơi.

 

Tác giả: Christopher Lamb

Nguồn: Tạp chí The Tablet

Người lược dịch: Cao Gia An, S.J.

(dongten.net 04.11.2019)