Lo âu, stress là một vấn đề quá phổ biến ngày nay, không chỉ người lớn mà ngay trẻ em cũng phải đối mặt. Vậy làm thế nào để bảo vệ trẻ khỏi những căng thẳng, stress, lo âu?
Cũng như ở người lớn, trẻ em phản ứng khác nhau đối với stress và lo âu tùy thuộc vào lứa tuổi, tính cách cá nhân và kỹ năng đối phó. Khi nói đến sự lo âu, các học sinh lớp nhỏ có thể không hiểu đầy đủ hoặc không giải thích được những diễn biến cảm xúc của chính mình. Trẻ lớn hơn có thể hiểu những gì xung quanh đang làm phiền chúng, mặc dù chưa chắc rằng trẻ sẽ chia sẻ thông tin đó với cha mẹ hoặc người thân.
Căng thẳng ở trẻ có thể biểu hiện với các hành vi không bình thường và điều quan trọng là cha mẹ phải nhận ra những dấu hiệu của sự căng thẳng và tìm kiếm các nguyên nhân. Bởi một số trẻ có thể bị rối loạn lo âu không kiểm soát được cần có sự can thiệp của y tế.
Dấu hiệu stress và rối loạn lo âu ở trẻ em
Trẻ em có thể không nhận ra sự lo lắng của bản thân và thường không biết cách giải thích các vấn đề căng thẳng thực sự hoặc lo âu của chúng. Điều này có thể gây ra một loạt các dấu hiệu rối loạn về thể chất và xuất hiện các hành vi bất thường, và cha mẹ cũng có thể không biết được liệu đây có phải là những triệu chứng của lo âu hay là một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Trẻ có thể bị stress do áp lực học hành hoặc quan hệ bạn bè gặp rắc rối.
Một số dấu hiệu thường gặp của stress và lo âu ở trẻ, bao gồm: Trẻ thường phàn nàn hay đau bụng hoặc đau đầu; Tăng thèm ăn hoặc ngược lại không thiết ăn; Rối loạn giấc ngủ hoặc gặp ác mộng; Đái dầm; Khó tập trung; Những thay đổi về hành vi, chẳng hạn như tâm trạng, tính khí khó chịu hoặc gắt gỏng; Phát triển một thói quen xấu, chẳng hạn như hay cắn móng tay; Xu hướng tách rời khỏi gia đình hoặc bạn bè; Từ chối đi học; Gặp rắc rối trong sinh hoạt và học tập ở trường.
Nguyên nhân phổ biến gây stress và lo âu ở trẻ em
Nguồn gốc của stress và lo âu ở trẻ em thường do các yếu tố bên ngoài tác động lên trẻ, chẳng hạn như một vấn đề rắc rối ở trường, những thay đổi trong gia đình hoặc xung đột với bạn. Những cảm giác lo lắng cũng có thể do cảm xúc và áp lực từ nội tại bên trong của trẻ, chẳng hạn như muốn học giỏi hơn hoặc cố hòa hợp được lòng bạn bè...
Những thay đổi lớn: Những thay đổi lớn trong cuộc sống có thể dẫn đến stress và lo âu ở trẻ em, như cha mẹ ly dị hay ly thân, người thân trong gia đình mất, di chuyển thay đổi nơi ở hoặc sự ra đời của một thành viên mới trong gia đình. Những thay đổi lớn trong cuộc sống có thể làm “lung lay” cảm giác an toàn, dẫn đến stress và lo lắng cho trẻ. Chẳng hạn một đứa em mới ra đời có thể khiến một đứa trẻ cảm thấy bị đe dọa mất quyền ưu tiên và trở nên ghen tỵ. Một người mất đi trong gia đình có thể tạo ra đau buồn và có thể gây ra những lo sợ hoang mang về cái chết.
Sự bất ổn của cha mẹ: Cha mẹ căng thẳng về tiền bạc và lo lắng về công việc, gia đình thiếu ổn định và cha mẹ hay gây gổ có thể dẫn đến cảm giác bất an cho trẻ em và có thể chúng cảm thấy chỗ dựa cho bản thân bị uy hiếp.
Áp lực học tập: Nhiều trẻ lo lắng về việc học. Áp lực học tập càng cao hơn gặp phổ biến ở những trẻ sợ mắc lỗi hoặc thiếu tự tin.
Sợ cộng đồng bỏ rơi: Đối với học sinh nhỏ tuổi, nỗi lo sợ bị bạn bè tách biệt và không chơi với mình khá phổ biến. Khi trẻ lớn lên, hầu hết trẻ em muốn hòa nhập với những đứa trẻ khác và như thế tạo ra áp lực buộc trẻ phải phù hợp với bạn bè có thể dẫn đến stress và lo âu.
Bắt nạt: Bắt nạt là một vấn đề nghiêm trọng đối với nhiều trẻ em và có thể dẫn đến tổn hại về thể chất và tinh thần. Trẻ em bị bắt nạt thường cảm thấy xấu hổ về việc bị bộc lộ điểm yếu và chúng có thể giấu giếm chuyện này với người khác (cha mẹ hoặc giáo viên).
Một bộ phim đáng sợ hoặc một cuốn sách có nội dung không lành mạnh: Những câu chuyện hư cấu cũng có thể gây ra đau khổ hoặc lo âu ở trẻ em. Trẻ em thường bị ảnh hưởng bởi những cảnh đáng sợ, bạo lực hoặc khó chịu từ một bộ phim hoặc đoạn văn trong một cuốn sách.
Cha mẹ cởi bỏ stress và lo âu cho trẻ cách nào?
Khuyến khích con nói chuyện với bố mẹ về bất kỳ vấn đề nào mà bé có thể gặp phải, động viên trẻ nói về cảm xúc của mình một cách công khai và trung thực. Một trong những cách quan trọng và hiệu quả nhất mà trẻ có thể đối phó với stress là nói chuyện với cha mẹ về vấn đề rắc rối của chúng.
Lắng nghe trẻ: Lắng nghe, thấu hiểu sẽ khuyến khích con bạn cung cấp tất cả các thông tin bạn cần biết, cho phép bạn đủ thời gian suy nghĩ và cân nhắc trước khi đưa ra nhận xét hoặc thể hiện ý kiến của bạn.
Thực hiện hoạt động trẻ ưa thích trong khi bạn nói chuyện với trẻ: Một số trẻ có thể cảm thấy thoải mái hơn khi nói về các vấn đề của chúng trong khi tham gia vào một hoạt động ưa thích với cha mẹ. Hãy làm điều gì đó mà cả hai ưa thích, chẳng hạn như đi dạo, vào bếp làm bánh hoặc chơi bóng rổ hoặc cùng đạp xe trước khi yêu cầu con bạn thảo luận về một vấn đề mà trẻ có thể gặp phải. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các bé trai thường cảm thấy thoải mái hơn khi chia sẻ cảm xúc của chúng nếu đang tham gia vào một hoạt động thể chất trong khi nói chuyện.
Hãy thử một số cách giảm stress nhanh cho trẻ: Giúp trẻ tập một số bài tập thở sâu có thể giúp trẻ đẩy đi những lo âu trong tâm trí. Giúp trẻ tập các tư thế yoga đơn giản cũng là một cách tuyệt vời ngay cả khi trẻ chỉ làm điều này trong vài phút, tốt nhất vào buổi sáng trước giờ học hoặc vào buổi tối trước khi đi ngủ.
BS. Thanh Hoài
nguồn: Suckhoedoisong.vn