Đứt dây chằng chéo trước gối: Khi nào cần phẫu thuật?

Phẫu thuật không phải con đường duy nhất và bệnh nhân bị tổn thương dây chằng chéo gối cũng không cần được mổ ngay lập tức một số trường hợp có thể điều trị bảo tồn để tránh các nguy cơ phẫu thuật cũng như chi phí y tế đắt đỏ.

Vai trò của dây chằng chéo trước trong giữ vững gối

Hệ thống dây chằng vùng gối bao gồm hai dây chằng bên trong, bên ngoài và ở giữa khớp gối là hai dây chằng chéo trước, chéo sau.Cùng với hệ thống gân cơ quanh gối, các dây chằng vùng gối tạo nên cơ chế giữ vững động, giúp chúng ta vận động gối vừa linh hoạt mà lại chắc chắn.Trong đó, dây chằng chéo trước gồm hai bó trước - trong và sau - ngoài, đóng vai trò chống lại chuyển động trượt ra trước và xoay của mâm chày so với lồi cầu đùi.

Vì vậy khi dây chằng chéo trước bị tổn thương, đứt rách gây mất chức năng giữ vững một phần hay toàn bộ, bệnh nhân có thể cảm thấy gối “bị trượt”, không cảm giác vững vàng khi đi lại, đặc biệt khi làm việc nặng hoặc tham gia các hoạt động thể thao phải giảm tốc, chuyển hướng đột ngột. Những trường hợp này được gọi là khớp gối suy giảm chức năng dây chằng chéo trước.

dut-day-chang-cheo-truoc-goi-khi-nao-can-phau-thuat-1

Phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước hay điều trị bảo tồn?

Khi đã có chẩn đoán, câu hỏi đặt ra tiếp theo sẽ là điều trị như thế nào? Ở Mỹ hiện nay hàng năm có đến hơn 200.000 trường hợp tổn thương dây chằng chéo trước, trong đó đa số bệnh nhân được khuyến cáo nên phẫu thuật tái tạo.Các lợi ích của phẫu thuật được đề cập là giúp quay trở lại mức độ sinh hoạt trước chấn thương, phục hồi độ vững và chức năng gối, ngăn ngừa tổn thương thêm sụn khớp và sụn chêm.

Tuy nhiên mỗi cuộc phẫu thuật đều đi kèm với nguy cơ như tai biến gây mê, nhiễm trùng sau mổ, các vấn đề liên quan mảnh ghép hay phẫu thuật thất bại. Vì vậy có nhiều bệnh nhân không phẫu thuật, quá trình theo dõi sau đó cho thấy một số thích ứng tốt với việc tập phục hồi chức năng và điều chỉnh sinh hoạt, thậm chí quay lại chơi thể thao như trước, trong khi một số cảm thấy không cải thiện sau một thời gian và cuối cùng phải được phẫu thuật tái tạo.

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy tái tạo dây chằng chéo trước không giúp ngăn ngừa thoái hóa khớp trên bệnh nhân về lâu dài, đồng thời tỷ lệ thoái hóa khớp gối giống nhau giữa nhóm phẫu thuật và nhóm điều trị bảo tồn.

Qua đó có thể thấy, phẫu thuật không phải con đường duy nhất, bệnh nhân bị tổn thương dây chằng chéo gối cũng không cần được mổ ngay lập tức mà có thể thử điều trị bảo tồn để tránh các nguy cơ phẫu thuật cũng như chi phí y tế đắt đỏ.

 

dut-day-chang-cheo-truoc-goi-khi-nao-can-phau-thuat-2

Điều trị bảo tồn với phục hồi chức năng tích cực cũng giúp ích trong nhiều trường hợp

Các yếu tố quyết định phương pháp điều trị

Bệnh cảnh thường gặp là bệnh nhân đến với khớp gối sưng to, giới hạn gập duỗi, với bệnh sử chấn thương trực tiếp hoặc gián tiếp. Giai đoạn này rất khó để đánh giá chức năng gối trên lâm sàng, do đó bệnh nhân cần được theo dõi, chườm lạnh, băng ép, kê cao chân trong thời gian 2 - 3 tuần.

Đến khi xuất huyết trong khớp thuyên giảm, bệnh nhân lấy lại tầm vận động bình thường, việc thăm khám cần được tiến hành kỹ lưỡng, đánh giá đầy đủ các tổn thương đi kèm nếu có. Rách sụn chêm đi kèm có thể làm hạn chế việc tập vật lý trị liệu tích cực, hay một tổn thương độ III đồng thời dây chằng bên trong gây bán trật khớp gối, do đó có chỉ định phẫu thuật để xử lý triệt để.

Với đứt dây chằng chéo trước đơn thuần, việc lựa chọn phương pháp điều trị cần dựa trên chức năng, độ vững khớp gối và các mục tiêu mong muốn của bệnh nhân. Nếu kỳ vọng quay lại lao động nặng hoặc chơi thể thao, có thể lựa chọn phẫu thuật. Tuy nhiên, phục hồi chức năng sau mổ là một hành trình dài hơi, đòi hỏi cam kết mà đôi khi bệnh nhân thấy khó có thể theo được.

Điều trị bảo tồn với phục hồi chức năng tích cực cũng giúp ích trong nhiều trường hợp, bệnh nhân trở về sinh hoạt bình thường và có thể phù hợp nếu không có mong muốn quay lại hoạt động cường độ cao.

Cần lưu ý, điều trị bảo tồn tích cực khác với không làm gì cả, có thể ở nhiều nơi bệnh nhân không tiếp cận được chương trình phục hồi chức năng chuyên biệt cho khớp gối suy giảm chức năng dây chằng chéo trước, dẫn đến phẫu thuật lại là lựa chọn phù hợp hơn trong bối cảnh thực tế. Không đáp ứng với phục hồi chức năng, bệnh nhân vẫn cảm thấy mất vững gối hay không đạt được mục tiêu cá nhân, cũng là một chỉ định phẫu thuật.

Để có thể giúp dự đoán những trường hợp cần phẫu thuật hay có thể điều trị bảo tồn, nhóm nghiên cứu Đại Học Delaware, Hoa Kỳ, đã đề xuất phương pháp tầm soát, cho điểm dựa trên một số tiêu chí bao gồm khả năng nhảy lò cò một chân, bảng câu hỏi bệnh nhân tự trả lời và ghi nhận số lần khớp gối mất vững, bị trượt từ khi chấn thương.

 

ThS.BS. NGUYỄN NAM ANH

nguon: Suckhoedoisong.vn