Chỉ 2 giờ sau khi nhập viện, bệnh nhi rơi vào hôn mê, đồng tử 2 bên co nhỏ, phản xạ ánh sáng kém, tim nhịp nhanh, huyết áp tụt, triệu chứng suy gan cấp, rối loạn đông máu nặng, men gan tăng cao. Các bác sĩ đánh giá đây là trường hợp bệnh nặng, tiên lượng tử vong nếu không được ghép gan.
Chỉ dùng thuốc giảm đau, hạ sốt khi thân nhiệt trẻ trên 38,5 độ C
Paracetamol là một thuốc giảm đau, hạ sốt được sử dụng rộng rãi nhất. Khi trẻ bị sốt, paracetamol thường làm hạ nhiệt độ của trẻ. Tuy nhiên, sốt là một phản ứng có lợi của cơ thể, là cách để hệ miễn dịch của trẻ làm việc nhằm kiểm soát nhiễm trùng. Nhưng nếu nhiệt độ cao quá sẽ gây đau đầu, cảm giác mệt mỏi và đau nhức toàn cơ thể, trong trường hợp này việc sử dụng thuốc để hạ thân nhiệt giúp trẻ có cảm giác thoải mái hơn. Chỉ nên dùng thuốc này để hạ sốt khi sốt trên 38,5 độ.
Paracetamol có thể giúp giảm các cơn đau từ nhẹ đến vừa, nhưng không làm cho nguyên nhân gây đau biến mất. Khi trẻ bị đau tai, đau họng... sử dụng các thuốc này có thể giúp trẻ dễ ngủ hơn. Nếu đau kéo dài tới vài giờ hoặc đau dữ dội hoặc trẻ có vẻ không khỏe, thì việc đến gặp bác sĩ để tìm nguyên nhân gây đau là quan trọng hơn việc dùng thuốc giảm đau cho trẻ.
Hiện nay, paracetamol dành cho trẻ em có rất nhiều hàm lượng khác nhau và được sản xuất bởi nhiều công ty khác nhau nên có rất nhiều tên gọi. Paracetamol có thể dùng dạng uống, nhét trực tràng hoặc tiêm tĩnh mạch. Paracetamol có các dạng viên nén, viên đặt, viên sủi, dạng gói bột, sirô... Các loại hàm lượng như 80mg, 150mg, 250mg hoặc 500mg; viên đặt 80mg hoặc 150mg; cũng có thể dạng siro mà trong mỗi 5ml có 120mg paracetamol.
Không dùng thìa trong bếp để đong thuốc cho trẻ.
Phòng tránh ngộ độc paracetamol
Việc sử dụng thuốc cần đúng theo liều lượng được in trên bao bì cho trẻ theo cân nặng hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Liều an toàn là từ 10-15mg cho mỗi kg cân nặng. Lưu ý, nếu trẻ đang dùng các loại thuốc khác, cần kiểm tra xem những thuốc này có chứa paracetamol không, để chắc chắn rằng trẻ không dùng thuốc quá liều. Thuốc paracetamol có thể sử dụng mỗi 4 -6 giờ một lần, nhưng không nên quá 4 lần/một ngày. Nên cho trẻ uống nhiều nước khi uống paracetamol.
Đối với dạng dung dịch, hỗn dịch... cần lấy muỗng đong, cốc đong hoặc xilanh lấy thuốc đi kèm lọ (chai) thuốc để đảm bảo chính xác liều lượng. Không lấy thìa trong nhà bếp để đong thuốc, tránh quá liều thuốc.
Không sử dụng thuốc của người lớn cho trẻ em. Việc chia liều từ thuốc của người lớn cho trẻ sẽ không chính xác dễ gây quá liều hoặc như trường hợp trên lấy nguyên viên thuốc hàm lượng 500mg của người lớn cho trẻ dùng đã dẫn tới suy gan cấp… Việc uống lượng lớn thuốc có thể gây hại cho gan của trẻ và đôi khi gây tổn thương cả thận. Trẻ ngộ độc paracetamol có biểu hiện: mệt mỏi, buồn nôn, nôn, khó chịu, vã mồ hôi, đau bụng, chán ăn, rối loạn ý thức, đau hạ sườn phải, tăng cảm giác đau, vàng da, đái ít...
Không để thuốc trong tầm tay của trẻ, vì vô tình trẻ uống phải cũng dễ gây ngộ độc.
Lời khuyên của thầy thuốc
Sốt và đau là những triệu chứng rất thường gặp ở trẻ em và bố mẹ có thể tự cho trẻ uống thuốc tại nhà. Cần đưa con mình đến gặp bác sĩ nếu trẻ có một trong những biểu hiện sau: trông trẻ có vẻ không khỏe, khó ngủ hoặc kích thích; diễn tiến bệnh trầm trọng hơn; trẻ có ban ngoài da, đau đầu, đau tai, đau bụng; nôn hoặc không uống được; co giật; thở mệt, ho, khò khè; sốt kéo dài hơn 24 giờ; sốt cao trên 40oC; có vết thương đau; hoặc nếu trẻ nhỏ hơn 12 tháng tuổi; hoặc nếu bạn cảm thấy lo lắng; đưa trẻ đến ngay bệnh viện khi sử dụng quá liều paracetamol hoặc ibuprofen.
Khi trẻ sốt cần cho bé uống nhiều nước, mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, lau mát cho bé bằng nước ấm giúp mau chóng hạ sốt; Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C...
ThS.BS. Nguyễn Văn Tuy