Bài 94: ĐỨC TIN HAY MÊ TÍN
Thiên Di CND - CSA
Hỏi: Con tin có Thiên Chúa, nhưng thỉnh thoảng trong suy nghĩ lại nghĩ đó là mê tín. Vả lại nhiều người không cùng tôn giáo cũng cho là những người tin theo Chúa quả là mê tín. Xin giúp con trong vấn nạn này?
Trả lời:
Bạn thân mến,
Để bắt đầu trả lời câu hỏi của bạn, chúng ta cùng đi tìm những định nghĩa về mê tín là gì, đức tin là gì? Rồi từ đó có những hướng giúp cho niềm tin của mình thêm vững mạnh trước những thách đố mà bạn đặt ra nhé.
Vậy mê tín là gì? Theo Wikipedia tiếng Việt: “Mê tín dị đoan là tin vào những điều mơ hồ, nhảm nhí, không phù hợp với lẽ tự nhiên (như tin vào bói toán, chữa bệnh bằng phù phép, đi thi cúng vái, không ăn chuối,...) dẫn tới hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Mê tín dị đoan bao gồm những hành vi ông đồng, bà cốt, tin xin xăm bói quẻ, tin ngày lành tháng dữ, tin số mạng sang hèn. Vì vậy, cần phải đấu tranh chống mê tín dị đoan.”
Còn từ điển Công giáo Việt Nam định nghĩa rằng: “Mê tín là thờ phượng một cách lệch lạc hay bất kính hoặc dành cho tạo vật một sự tôn thờ chỉ có Thiên Chúa đáng được tôn thờ. Thờ phượng Thiên Chúa theo xu hướng thích ma thuật. Tôn thờ tạo vật như Thiên Chúa có thể dưới hình thức sùng bái ngẫu tượng, bói toán hay phù phép.”
Còn đức tin là gì? Theo Wikipedia: “Đức tin là niềm tin hoặc tin tưởng vào một người, sự vật hoặc khái niệm. Những người theo tôn giáo thường nghĩ về đức tin là sự tự tin vào ai đó dựa trên mức độ nhận thức của sự bảo đảm. Trong khi những người khác nghi ngờ tôn giáo có xu hướng nghĩ rằng đức tin chỉ đơn giản là niềm tin mà không có bằng chứng.”
Còn theo Giáo lý Hội Thánh Công giáo (GLHTCG) ta có thể tóm lược về đức tin: Đức tin là nhân đức siêu nhiên, là hồng ân Thiên Chúa ban giúp ta vững lòng tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa mà chấp nhận những điều Chúa dạy và nhờ Hội Thánh truyền lại cho ta.
Với niềm xác tin chúng ta biết rằng: Đức tin không phải ai cũng có, mà nó là ân ban của Thiên Chúa dành cho những người mà Ngài muốn. Bạn nói “con tin có Chúa”, đó là một tuyên xưng tuyệt vời không phải ai cũng nói được. Với những định nghĩa trên bạn có thể nhận thấy bạn đang sống đức tin ở mức độ nào của niềm tin hay đang đi lệch hướng, tin một cách méo mó so với những gì mình tuyên xưng…
Có thật là có Thiên Chúa?
Đó là một câu hỏi vẫn làm người ta tốn không ít giấy mực, phí tổn nhiều công sức. Nhìn vũ trụ tuyệt đẹp với muôn vật, muôn loại, đủ muôn loại sắc hương... người ta tự hỏi ai là chủ nhân của vũ trụ này? Người vô tín trả lời: “Đây là nhà vô chủ. Nó tự nhiên mà có, không ai tạo thành cả!” Vậy để có một ngôi nhà, người ta phải làm gì? Có phải có một đống gạch rồi tự nhiên sẽ hóa thành nhà thành lâu đài theo ý mình ư? Một đống gạch để đó thì trăm năm vẫn là gạch. Nếu như không có những bàn tay khéo léo, cùng công sức của người thợ thuyền bỏ ra thì mãi mãi gạch vẫn là gạch chưa kể đến sự hao mòn, phân hủy của chúng theo thời gian.
Bạn có thể khám phá hệ mặt trời của chúng ta trên các trang Web, Youtube. Hệ mặt trời gồm có một mặt trời ở trung tâm và có 8 hành tinh quay chung quanh theo thứ tự từ gần đến xa. Trong đó có trái đất của chúng ta. 8 hành tinh đều nằm trên cùng một mặt phẳng với mặt trời và đều quay quanh mặt trời theo một quỹ đạo nhất định, với một vận tốc không thay đổi. Từ hàng triệu triệu năm qua không bao giờ đi chệch ra khỏi quỹ đạo, không nhanh hơn và chậm hơn dù chỉ một vài giây!
Cách đây nhiều năm, Isaac Newton (1643-1727), một nhà vật lý, triết gia, nhà toán học nổi tiếng đã tạo ra một mô hình thu nhỏ của hệ mặt trời trong phòng làm việc của ông. Nhờ hệ thống răng cưa nối kết những quả cầu với nhau. Khi dùng tay quay cần quay thì 8 quả cầu nhỏ xoay quanh quả cầu lớn (mặt trời) cách đều đặn. Mô hình như một hệ mặt trời thu nhỏ đang vận hành nhịp nhàng ngay trong phòng của ông.
Khi Newton đang khảo sát bộ máy thì có một người bạn vốn là người không tin có Thiên Chúa là Đấng tạo dựng vũ trụ, người này đến thăm Newton. Ông ta kinh ngạc trước bộ máy đang vận hành rất nhịp nhàng, chính xác, ông ta thốt lên: “Ồ Newton, thật tuyệt vời! Ai đã tạo nên cho bạn một bộ máy diệu kỳ này vậy?”
Nhà khoa học đáp: “Không ai cả, nó tự có trong phòng tôi đó chứ!”
Người bạn đáp: “Ông cứ đùa, nếu vậy thì thật phi lý! Phải có người tạo ra chúng chứ?…”
Nhà khoa học Newton nhìn ông và đáp: “Càng vô lý hơn khi bạn cho rằng trái đất và vũ trụ bao la này tự nhiên mà có”. Sau này Newton tuyên bố: “Điều ta biết được chỉ là một giọt nước, điều ta chưa biết là cả một đại dương bao la. Những xếp đặt hài hòa của vũ trụ chỉ có thể xuất phát từ bản vẽ của một Đấng toàn năng và toàn tri.”
Có người đã từng tuyên bố khoa học càng phát triển thì dương như niềm tin vào Thiên Chúa đang bị lu mờ, vì khoa học đã soi cho nhân loại thấy chẳng có Thiên Chúa nào cả. Nhưng kỳ thực ngược lại, con người càng khám phá ra sự kỳ diệu của vũ trụ thì hình ảnh của Thiên Chúa lại được sáng tỏ: nhà hóa học lừng danh Justus von Liebig (1803–1873) đã tuyên bố:“Sự vĩ đại và trí khôn vô tận của Đấng Tạo Hóa sẽ chỉ được nhận thấy bởi những người cố công rút ra những ý tưởng của mình từ cuốn sách vĩ đại mà chúng ta gọi là thiên nhiên”.
Khi những cố gắng của con người tìm ra nguồn gốc của chính mình thì con người ngày càng thấy khoa học và tôn giáo không thể tách rời: “Tôi có thể khẳng định việc từ chối đức tin là thiếu nền tảng khoa học. Theo quan điểm của tôi, không có bất kỳ sự mâu thuẫn nào giữa đức tin và khoa học.”- Robert Millikan (1868–1953), nhà vật lý Hoa Kỳ, giải Nobel 1923 khẳng định.
Còn Charles Darwin (1809–1882), trong thuyết tiến hóa ông cũng tuyên bố: “Tôi không bao giờ từ chối sự hiện hữu của Thiên Chúa. Tôi nghĩ thuyết tiến hóa phù hợp với niềm tin vào Thiên Chúa. Tôi cho rằng bằng chứng mạnh mẽ nhất về sự hiện hữu của Thiên Chúa đó là ta không thể giải thích hay hiểu được vũ trụ mênh mông vượt xa mọi phép tính toán và không thể giải thích được rằng con người là kết quả của ngẫu nhiên.”
Đức Giêsu có phải là Thiên Chúa không?
Trong niềm tin, chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, Công giáo và Tông truyền”. Tông truyền được hiểu là chúng ta tin vào chính những điều các Tông đồ loan báo (truyền lại). Chính Đức Giêsu đã gọi đích danh các ngài, để các ngài ở với Người và Người sai các ngài đi rao giảng. Các tông đồ đã làm chứng về một Đức Giêsu - Con Một Thiên Chúa đã xuống thế làm Người, Người đã chữa lành những vết thương của nhân loại bằng chính lòng xót thương của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã đến “cắm lều giữa chúng ta” để mạc khải cho loài người biết về Thiên Chúa và về tình yêu của Ngài dành cho con người. Nhưng có lẽ, sự kiện này vượt quá trí tưởng của con người nên: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Và cũng bắt đầu từ đó, những nghi ngờ, chống đối nối tiếp nhau chống lại Đấng chính là Thiên Chúa.
Dọc theo chiều dài lịch sử của Giáo hội đã có rất rất nhiều cuộc bách hại khắp nơi để ngăn cản những người tuyên xưng Danh Đức Giêsu. Máu các anh hùng tử đạo khắp nơi vẫn chảy đã thấm đẫm sự đau thương của người tín hữu, điều gì đã khiến đức tin của họ vẫn mạnh mẽ trước những bắt bớ, tra tấn, ngục tù dã man như vậy: “Dù trăng trói, gông cùm tù rạc; chén ngục hình xiềng tỏa chi nề; miễn vui lòng cam chịu một bề; cho trọn đạo trung thần hiếu tử” (thánh Phêrô Quý) - Thánh tử đạo Việt Nam. Chính Sự Thật về tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại đã trở thành đức can trường dũng cảm cho người người nối tiếp nhau tuyên xưng Danh Chúa. Quyết tâm bảo vệ niềm tin của cha ông của chính họ cho dù có phải đầu rơi máu chảy.
Sau khi Đức Giêsu Phục Sinh, các Tông đồ thời sơ khai bị quan quyền lùng bắt bách hại khắp nơi vì đã loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Thời đó có một người Pharisêu tên là Gamaliên đứng lên nói giữa thượng Hội đồng khi các tông đồ đang bị bắt tù vì Danh Đức Giêsu; ông là một kinh sư được toàn dân kính trọng, ông nói: "Thưa quý vị là người Ítraen, xin quý vị coi chừng điều quý vị sắp làm cho những người này. Thời gian trước đây, có Thêuđa nổi lên, xưng mình là một nhân vật và kết nạp được khoảng bốn trăm người; ông ta đã bị giết, và mọi kẻ theo ông cũng tan rã, không còn gì hết. Sau ông, có Giuđa người Galilê nổi lên vào thời kiểm tra dân số, và lôi cuốn dân đi với mình; cả ông này cũng bị diệt, và tất cả những người theo ông ta đều bị tan tác. Vậy giờ đây, tôi xin nói với quý vị: hãy để mặc những người này. Cứ cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá huỷ; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá huỷ được; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa" (CV 5,34-39). Họ tán thành ý kiến của ông. Và hơn 2000 năm qua Giáo hội của Ngài vẫn trường tồn và không ngừng lớn mạnh, lan rộng khắp nơi vì đó là ý định của Thiên Chúa.
Niềm tin của bạn của tôi của những người tin vào Đức Giêsu không hề mơ hồ, nó đã được chứng thực qua Tin Mừng của Ngài (Lời Chúa), qua chứng tá của các Tông đồ, qua chính cái chết của các anh hùng tử vì đạo khắp nơi. Sự kiện Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết chứng tỏ cho chúng ta thấy Ngài không phải là người phàm nhưng đích thực là Con Thiên Chúa làm Người. Ngài đã đập tan quyền lực của sự chết, sự khống chế của tội lỗi để cứu độ chúng ta. “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em thật hão huyền” (1 Cr15,17).
Bạn thân mến,
Đức Kitô đang sống và hoạt động trong lòng Giáo hội, Người hiện diện trong cuộc đời của mỗi chúng ta Ngài nói: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy… Anh em hãy yêu thương nhau như thầy yêu thương anh em” (Ga 15,12). Lệnh truyền của Ngài chỉ là “hãy yêu thương nhau”, qua nghĩa cử yêu thương, việc tử tế bạn dành cho tha nhân là Thiên Chúa đã hiện diện trong chính bạn. Ngài hứa “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20), chúng ta không hề đơn độc trong đức tin của mình. Điều bạn tin không phải là mê tín, có điều chúng ta đang thiếu lửa của đức tin. Các Tông đồ đã xin Đức Giêsu: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc17,5). Vậy chúng ta cũng hãy xin Chúa tăng thêm đức tin cho mình để ta thêm vững tin.
Bên cạnh đó tôi xin chia sẻ cho bạn một vài chỉ dẫn về bổn phận của người có đức tin nhờ vậy bạn an vững vượt qua những khó khăn bạn gặp phải.
- Hãy luôn có tâm tình tạ ơn: Chúa vì Ngài đã ban ơn đức tin cho bạn.
- Để bảo vệ đức tin của mình: trước những bối cảnh hoài nghi, hoang mang, khủng hoảng, bạn cần bình tĩnh, thinh lặng cầu nguyện, chia sẻ với quý cha, quý sơ mà bạn tin cậy, xin Chúa soi sáng hướng dẫn cho mình. Rất cần tránh những ảnh hưởng sai lạc (những nhóm lạc giáo) có thể làm lung lay dẫn đến mất đức tin. Tuyệt đối không nên đọc những sách báo nguy hại cho đức tin. Bạn thử đọc Kinh Thánh, những sách đạo đức, sách Giáo lý Công giáo, những sách đã được Giáo hội công nhận. Luôn bênh vực đức tin không mặc cảm khi bị chế diễu, phỉ báng.
- Nuôi dưỡng đức tin: bằng việc tham dự Thánh lễ, rước Mình Thánh Chúa, học hỏi giáo lý, đọc Lời Chúa, cầu nguyện suy niệm Lời Chúa, lãnh nhận các Bí tích...
- Làm chứng cho đức tin: Bằng chứng tá yêu thương tha nhân qua lời nói, hành động tử tế. Tự tin khi xưng mình là Kitô hữu nơi công cộng (làm dấu trước bữa ăn, tạ ơn Chúa khi thấy niềm vui may lành, làm dấu cầu nguyện trước những cuộc thi, biến cố…).
- Loan truyền đức tin: Tham gia một vài hội đoàn trong giáo xứ (ca đoàn, Giáo lý viên), ủng hộ công việc truyền giáo qua việc chia sẻ giúp đỡ người nghèo, những vùng truyền giáo xa xôi. Cầu nguyện cho những người mất đức tin hoặc chưa có đức tin, đọc kinh cầu nguyện cho người đã qua đời.
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 5, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)
WHĐ (24.07.2023)