Đức Thánh Cha thánh hiến bàn thờ mới nhà thờ...

Đức Thánh Cha thánh hiến bàn thờ mới nhà thờ chính tòa tổng giáo phận Panama

Đức Thánh Cha thánh hiến bàn thờ mới nhà thờ chính tòa tổng giáo phận Panama. Ảnh: Vatican Media.

Sáng thứ Bảy, 26/01/2019, hoạt động chính của Đức Thánh Cha là chủ sự lễ thánh hiến bàn thờ mới của Nhà thờ Chính tòa và cũng là Vương cung thánh đường Đức Mẹ Maria Antigua ở khu cổ thành Panama.


G. Trần Đức Anh, O.P. - Vatican

Thánh đường tọa lạc cạnh Tòa Tổng giám mục Panama và đã được khởi công xây cất năm 1608 tức là cách đây 411 năm, nhưng chỉ được khánh thành 108 năm sau đó và phải đợi thêm 80 năm nữa mới được thánh hiến. Sau trận động đất năm 1882, nhà thờ được tu bổ toàn diện nhờ sự tài trợ của công quĩ. Cách đây 5 năm, do lời thỉnh cầu của Hội đồng Giám mục Panama, Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích đã nâng nhà thờ này lên làng Tiểu Vương Cung Thánh Đường.

Ảnh Đức Mẹ La Antigua, Đức Mẹ Cổ Kính, vốn được đặt ở nhà thờ chính tòa Sevilla ở miền nam Tây Ban Nha, đã được những người Tây Ban Nha đưa đến Panama này vào năm 1510: Đức Mẹ đang đứng bồng Chúa Hài Nhi và trong tay có cầm một đóa hoa hồng. Đức Mẹ La Antigua được tôn làm bổn mạng của Panama cách đây 18 năm (2001) và lễ kính hàng năm vào ngày 9-9.

Hiện diện trong Vương cung thánh đường, ngoài các hồng y, giám mục đồng tế, còn có các linh mục, tu sĩ nam nữ và các thành viên phong trào giáo dân.

Bài giảng

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha đã quảng diễn đoạn Tin Mừng theo thánh Gioan kể lại Chúa Giêsu đi đường mệt mỏi, ngài ngồi cạnh một giếng nước. Và khoảng trưa có một phụ nữ xứ Samaria đến kín nước. Chúa nói với bà: “Xin hãy cho tôi uống” (Gv 4,6-7).

Từ câu này, Đức Thánh Cha nêu nhận xét: Chúa Giêsu đã chia sẻ sự mệt mỏi của con người, của các môn đệ. “Trong sự mệt mỏi của Chúa, có chỗ cho bao nhiêu mệt mỏi của các dân tộc chúng ta ngày nay, của các cộng đoàn chúng ta và của tất cả những người mệt mỏi và bị áp bức” (Xc Mt 11,28).

Những nguyên nhân gây mệt mỏi

Đức Thánh Cha nói: “Có nhiều nguyên nhân và động lực có thể gây ra mệt mỏi trong hành trình của chúng ta là những linh mục, tu sĩ nam nữ, thành viên các phong trào giáo dân: từ những giờ làm việc lâu dài, khiến chúng ta không có còn giờ cho việc ăn uống, nghỉ ngơi và ở trong gia đình, cho tới những điều kiện “ngộ độc” khi làm việc và trong tình cảm, đưa tới sự kiệt lực và hao mòn con tim; từ sự tận tụy đơn giản và thường nhật cho đến gánh nặng của thói quen đều đều khiến chúng ta không còn thấy hứng thú, không được nhìn nhận hoặc nâng đỡ để đáp ứng những nhu cầu hằng ngày; từ những tình trạng phức tạp thông thường và có thể lường trước được cho đến những giờ căng thẳng lo âu. Đó là những thứ gánh nặng ta phải chịu đựng”.

“Không thể tìm cách ôm lấy tất cả những tình trạng làm hao mòn đời sống của những người thánh hiến, nhưng trong tất cả những tình trạng ấy, chúng ta cảm thấy cần cấp thiết tìm được một giếng nước để giải khát và làm dịu bớt sự mệt mỏi do hành trình. Như một tiếng kêu âm thầm, tất cả đều mong một giếng nước để từ đó có thể tái khởi hành.

“Mệt mỏi hy vọng” – suy giảm hy vọng

Từ tình trạng mệt mỏi thể lý đó, Đức Thánh Cha nhận xét: từ ít lâu nay có một thứ mệt mỏi tế nhị lẻn vào các cộng đoàn của chúng ta, đó là một sự cám dỗ mà chúng ta có thể gọi là “mệt mỏi hy vọng”, suy giảm hy vọng. Thứ mệt mỏi này nảy sinh khi những tia nắng gắt của mặt trời làm cho giờ trưa không thể chịu nổi và ở cường độ khiến ta không thể tiến bước hoặc nhìn về đằng trước. Như thể tất cả trở nên mờ nhạt.

Theo Đức Thánh Cha, đó là một sự mệt mỏi làm tê liệt. Nó nảy sinh từ cái nhìn hướng về đằng trước nhưng không biết phản ứng thế nào trước cường độ và sự bấp bênh của những thay đổi mà chúng ta, trong tư cách là xã hội, đang trải qua. Những thay đổi ấy dường như không những đang đặt lại vấn đề cho những cách thức diễn tả và dấn thân của chúng ta, những thói quen và thái độ của chúng ta đứng trước thực tại, nhưng trong nhiều trường hợp, chúng còn làm cho chúng ta ngờ vực không biết có thể tiếp tục đời tu trì ngày nay hay không.

Sự suy giảm, mệt mỏi trong hy vọng nảy sinh từ nhận thấy một Giáo Hội bị thương tổn vì tội lỗi của mình và nhiều khi không biết lắng nghe tiếng kêu trong đó có tiềm ẩn tiếng kêu của Thầy Chí Thánh: “Lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ con?” (Mt 27,46)

Và thế là chúng ta quen sống với một niềm hy vọng mệt mỏi đứng trước một tương lai bất định và mù mịt.. Tình trạng này khiến cho chúng ta thấy tất cả dường như tiến hành bình thường, nhưng trong thực tế, đức tin bị hao mòn và tiêu tán. Không còn tin tưởng đối với một thực tại mà chúng ta không hiểu hoặc trong đó chúng ta nghĩ là không còn chỗ cho đề nghị của chúng ta, chúng ta có thể nhường chỗ cho một trong những lạc giáo tệ hại nhất trong thời đại chúng ta khi nghĩ rằng Chúa và các cộng đoàn của chúng ta chẳng còn gì để nói trong thế giới mới đang hình thành hiện nay” (EV 83). Và khi ấy điều mà đã được sinh ra để làm mối đất và ánh sáng thế gian, rốt cục nó chỉ để cống hiến quan niệm riêng của mình, còn tệ hại hơn.

Giếng nước dồi dào của mối tình đầu với Chúa Giêsu

“Xin hãy cho tôi uống”! Khi nói lên câu này, chúng ta bộc lộ sự mỏi mệt hy vọng của chúng ta để trở về giếng nước dồi dào của mối tình đầu, khi Chúa Giêsu đi qua con đường của chúng ta, nhìn chúng ta với lòng thương xót và gọi chúng ta theo Ngài; khi nói lên câu đó, chúng ta nhớ lại thời điểm trong đôi mắt của Chúa gặp đôi mắt chúng ta, lúc mà Chúa làm cho chúng ta cảm thấy Ngài yêu thương ta, không phải như cá nhân, nhưng cả như cộng đoàn nữa. Đó là trở về những bước đường của chúng ta, trong tinh thần sáng tạo, lắng nghe thấy Chúa Thánh Linh không kiến tạo một công trình đặc thù, một kế hoạch mục vụ hoặc một cơ cấu tổ chức cần thiết, nhưng là, qua bao nhiêu vị thánh ở cửa bên cạnh, trong đó có các vị sáng lập dòng chúng ta, có các giám mục và các cha sở, đã biết mang lại những nền tảng vững chắc cho các cộng đoàn - đã mang lại sức sống và dưỡng khí trong mỗi bối cảnh lịch sử dường như đang bót nghẹt và đè bặp mọi hy vọng và phẩm giá”.

“Xin hãy cho tôi uống!” - can đảm để cho mình được thanh tẩy

“Xin hãy cho tôi uống” có nghĩa là có can đảm để cho mình được thanh tẩy và phục hồi phần chân thực nhất trong các đoàn sủng nguyên thủy của chúng ta - không phải chỉ giới hạn vào đời sống tu trì,m nhưng cho toàn thể Giáo Hội - và xem những đoàn sủng ấy có thể diễn tả thế nào ngày nay.

“Xin hãy cho tôi uống!” – cần Chúa Thánh Linh

“Xin hãy cho tôi uống” có nghĩa là nhìn nhận mình cần Chúa Thánh Linh biến đổi chúng ta thành những người nam nữ nhớ lại một sự đi qua cứu độ của Thiên Chúa, và tín thác rằng, như Chúa đã làm trong quá khứ, Ngài sẽ tiếp tục làm trong tương lai: “Đi đến tận gốc rễ giúp chúng ta sống hiện tại một cách thích hợp, không sợ hãi. Cần sống mà không sợ hãi, đáp lại cuộc sống với niềm hăng say dấn thân với lịch sử, dấn thân vào thực tại. Đó là một sự say mê như người đang yêu” (Papa Francesco - Fernando Prad, La forza della vocazione, ibid. 44).

Đừng đánh mất vẻ đẹp của truyền thống

Trong phần cuối của bài giảng, Đức Thánh Cha nhắc đến sự kiện Nhà Thờ chính tòa La Antigua này được mở lại sau một thời gian dài trùng tu. Trước đây là nhà thờ chính tòa Tây Ban Nha, rồi của thổ dân, người Mỹ châu gốc Phi châu và nay trở thành nhà thờ chính tòa Panama. Thánh đường này không phải chỉ thuộc về quá khứ, nhưng là vẻ đẹp của hiện tại.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng; “Anh chị em thân mến, chúng ta đừng để mình bị lấy mất vẻ đẹp mà chúng ta đã thừa hưởng từ cha ông chúng ta! Ước gì vẻ đẹp này là cội rễ sống động và phong phú giúp chúng ta tiếp tục làm cho lịch sử cứu độ được tươi đẹp và có đặc tính ngôn sứ tại phần đất này”.

Nghi thức thánh hiến

Sau bài giảng, Đức Thánh Cha đã chủ sự nghi thức thánh hiến và xức dầu bàn thờ tượng trưng Chúa Kitô.

Bàn thờ làm bằng đá cẩm thạch Carrara màu trắng mua từ Italia, phía trước có tạc hình chim bồ nông với các con nhỏ: chim này tượng trưng Chúa Kitô, vì khi không tìm được mồi để nuôi con, chim đã nuôi các con bằng chính máu mình. Ngoài ra bàn thờ cũng được trang trí bằng nhiều thứ đá từ các nước.

Bàn thờ không được trải khăn nào và Đức Thánh Cha đã xức dầu hương thảo (olio crisma) trên đó để thánh hiến, rồi xông hương, trước khi đọc lời nguyện. Tiếp đến bàn thờ được trải khăn lên và đặt các cây nến sáng trên đó. Đức Thánh Cha là vị đầu tiên tôn kính bàn thờ này trước khi cử hành thánh lễ, trước sự hiện diện của thánh tích của 3 vị thánh Mỹ châu la tinh và một vị người Ba Lan: thánh nữ Rosa de Lima, thánh Oscar Arnulfo Romero, thánh Martino de Porrés và thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng.

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ rưỡi trưa và Đức Thánh Cha lên xe tiến về đại chủng viện thánh Giuse, cách đó 15 cây số.

Nguồn:http://vietnamese.rvasia.org