Linh Mục bí thư thứ 5
Ngày 01/08/2020, báo chí Công Giáo ồ ạt đưa tin: ĐTC Phanxicô đã chọn một LM bí thư riêng mới để thay thế Đức Ông Yoannis Lahzi Gaid, 45 tuổi, người Ai Cập, mãn nhiệm ngày 31/07/2020 sau 6 năm phục vụ cạnh ngài. Đó là Cha Fabio Salerno, năm nay 41 tuổi (1979), thuộc Tổng giáo phận Catanzaro, miền nam nước Ý. Sau khi tốt nghiệp trường ngoại giao Tòa Thánh, cha được gửi đi phục vụ tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Indonesia, rồi sau đó tại Phái Bộ quan sát thường trực của Tòa Thánh cạnh Hội đồng Âu Châu ở Strasbourg bên Pháp, trước khi về phục vụ tại Bộ ngoại giao Tòa Thánh. Trong nhiệm vụ mới, cha Fabio Salerno cùng với cha Gonzalo Aemilius, 41 tuổi người Uruguay, phụ giúp ĐTC trong những công việc thường nhật.
Các bí thư của các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm
Khác với các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm, trong 7 năm làm Giáo Hoàng, ĐTC Phanxicô đã có tới 5 vị bí thư riêng. Và đây cũng là một đặc điểm của ngài được dư luận đặc biệt chú ý. Thực vậy, các vị Giáo Hoàng trước đây thường có vị bí thư riêng, bí thư thứ I, lưu nhiệm cho đến khi các vị qua đời. Ví dụ thánh Gioan 23 có Đức Ông Loris Capovilla, Thánh Phaolô 6 có Đức Ông Pasquale Macchi, Thánh Gioan Phaolô 2 có Đức Ông Stanislaw Dziwisz, nay là Hồng Y nguyên TGM Cracovia. Đức Ông Dziwisz làm bí thư trong 40 năm trời và ĐTC Gioan Phaolô 2 cũng chọn các bí thư thứ hai để phụ giúp Đức Ông Dziwisz, trong đó có Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, làm bí thư thứ 2 trong 8 năm từ 1988 đến khi về hưu năm 1996 lúc được 78 tuổi.
ĐGH Biển Đức 16 có Đức Ông Georg Gaensein, 64 tuổi (1956) hiện vẫn là vị TGM phụ giúp ngài. Các vị bí thư đó là những nhân vật được biết đến nhiều trong dư luận quần chúng, nhiều khi các vị đó còn giữ những vai trò ngoài nhiệm vụ bí thư riêng.
Đặc điểm của ĐTC Phanxicô
Đối với ĐTC Phanxicô thì sự việc thay đổi. Sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, ngài đã làm nhiều người ngạc nhiên vì không mang theo từ Buenos Aires một cộng sự viên thân tín nào, và ngài luôn yêu cầu các bí thư riêng của ngài hết sức kín đáo và dè dặt. Ngay sau khi đắc cử, ĐGH Phanixcô thừa hưởng vị bí thư do ĐGH Biển Đức 16 để lại, đó là Đức Ông Alfred Xuereb người Malta. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, ngài cử Đức Ông Xuereb làm đại biểu của ngài tại Ủy ban Tòa Thánh về Viện Giáo Vụ, tức là Ngân hàng Vatican, rồi chuyển sang làm Tổng thư ký Bộ kinh tế từ năm 2014 và sau cùng thăng TGM Sứ thần Tòa Thánh đưa đi nơi xa xăm, tại Hàn quốc và Mông Cổ từ năm 2018.
Đức Ông Pedacchio Leaniz
Sau khi được bầu làm Giáo Hoàng hồi tháng 3 năm 2013, ĐTC Phanxicô cũng chọn Đức Ông Fabian Pedacchio Leaniz, người Argentina, làm bí thư riêng. Vị LM này lúc đó 49 tuổi, thuộc tổng giáo phận Buenos Aires và chính ĐHY Jorge Bergoglio đã nhường cho Tòa Thánh để phục vụ như một viên chức tại Bộ Giám Mục. Mỗi khi có dịp đến Roma để hội họp hoặc công tác, ĐHY Bergoglio vẫn trọ tại nhà giáo sĩ quốc tế nơi Đức Ông Fabian cư ngụ.
Đức Ông Xuereb
Sau khi Đức Ông Xuereb chuyển qua Bộ Kinh Tế, cùng năm 2014, ĐTC chọn thêm một vị bí thư thứ hai là Đức Ông Lahzi Gaid, thuộc Giáo Hội Công Giáo Copte Ai Cập. Đức Ông gia nhập ngành ngoại giao Tòa Thánh và bắt đầu phục vụ từ năm 2007, đặc biệt tại hai tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Irak và Giordani.
Đức Ông Gonzalo
Mãn 6 năm phục vụ, trước sự ngạc nhiên của nhiều người, Đức Ông Fabian ngưng làm bí thư riêng của ĐTC cuối năm 2019 lúc được 55 tuổi và trở về Bộ GM tiếp tục phục vụ như một viên chức từ năm 2007, và ngày 21/01 năm nay (2020), Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, Ông Matteo Bruni, chính thức thông báo: ”ĐTC đã gọi cha Gonzalo Aemilius, thuộc giáo phận Montevideo, Uruguay, làm bí thư riêng của ngài. Cha Gonzalo 41 tuổi, sinh ngày 18/09 năm 1979, thụ phong LM ngày 06/05/2006 và là một tiến sĩ thần học”. Đây là lần đầu tiên Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo một tin như vậy, vì từ trước đến nay, việc bổ nhiệm bí thư như thế được coi là một chuyện riêng tư của ĐGH.
Báo chí nhắc lại rằng ĐTC Phanxicô đã biết cha Gonzalo trước đó. Thực vậy, sáng ngày 17/03/2013, Đức Phanxicô mới được bầu làm Giáo Hoàng 4 ngày, trong lúc chào thăm đám đông, ngài nhìn thấy cha Gonzalo và mời theo ngài vào nhà thờ thánh Anna ở cổng Vatican, nơi ngài sắp cử hành thánh lễ đầu tiên với các tín hữu sau khi đắc cử Giáo Hoàng. Sau lễ, ĐTC gọi cha Gonzalo đến gần, giới thiệu với tất cả mọi người, và xin cầu nguyện cho vị linh mục và công việc của cha với các trẻ bụi đời ở Uruguay.
Vậy là hai bí thư riêng của ĐTC hiện nay đều 41 tuổi, và chưa có tước ”Đức Ông”. Đức Ông Lahzi Gaid không tiếp tục ngành ngoại giao Tòa Thánh nhưng trở về Ai Cập phục vụ trong Giáo Hội nguyên quán. Theo qui luật mới do ĐTC Phanxicô đề ra, các LM triều ở các Giáo Hội địa phương, chỉ có thể được tước ”Đức Ông” khi tròn 65 tuổi, tuy rằng qui luật này không áp dụng có các LM triều phục vụ tại Tòa Thánh.
Công việc của các linh mục bí thư
Đối với ĐTC Phanxicô, các LM bí thư của ngài làm các công việc bình thường như nhắc nhở ngài về agenda, những công việc cần làm đã lên chương trình, trực điện thoại, đón tiếp những người đến thăm ĐTC trong căn hộ riêng ở nhà trọ thánh Marta, giúp lễ riêng. v.v.. LM bí thư cũng là người lập danh sách những ai được vào dự lễ riêng ĐTC cử hành thường thường lúc 7 giờ sáng tại nguyện đường nhà trọ thánh Marta, v.v..
Chủ trương của ĐTC Phanxicô
ĐTC không muốn các LM bí thư của ngài trở thành những người ”có quyền thế”, sắp xếp cho những ai được lui tới với ngài, hoặc đi quá vai trò ”khiêm hạ” của mình. Để ngăn ngừa những cám dỗ đó, giải pháp ĐTC Phanxicô đề ra thật là đơn giản: ngài muốn các bí thư riêng của ngài không phải là những người làm trọn giờ cho nhiệm vụ này, vì thế, họ được chọn trong số những người đã có một công việc trong giáo triều và thường chỉ làm việc một nửa giờ cho vai trò bí thư riêng.
Người ta cũng ghi nhận một điều: đối với các vị Giáo Hoàng trước đây, các Đức Ông bí thư luôn đi theo ngài như hình với bóng, nhưng đối với ĐTC Phanxicô, cả trong các cuộc tông du, các cuộc viếng thăm ở hải ngoại, người ta không thấy có linh mục bí thư đi theo.
Thời gian phục vụ có hạn định
Ngoài ra, một ý tưởng ĐTC đề ra là các LM phục vụ tại Tòa Thánh chỉ làm việc 5, 6 năm, rồi trở về giáo phận hay dòng tu nguyên quán của mình, cùng lắm có thể gia hạn một nhiệm kỳ nữa trong công tác làm bí thư riêng. Biện pháp này tránh cho đương sự khỏi cám dỗ theo đuổi con đường ”công danh sự nghiệp” trong giáo triều, và đàng khác để giáo phận hay dòng tu của đương sự không bị ”hy sinh” luôn một linh mục. Theo báo chí, đây là biện pháp có thể được đưa vào trong Tông Huấn mới về giáo triều Roma ”Praedicate Evangelium” (Các con hãy rao giảng Tin Mừng) về giáo triều Roma, sắp được công bố.
G. Trần Đức Anh OP
(VaticanNews Tiếng Việt 09.09.2020)