Một sinh viên năm 2 nghe thầy giảng bài liên quan đến Đức Giêsu, để nhắn mỗi người cần nhận lỗi khi mình làm sai. Thầy kể câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình (Ga 8,2-11) để minh họa. Theo luật Cựu Ước, người phụ nữ ấy phải bị ném đá. Tuy nhiên, Đức Giêsu lại bênh vực cho chị ta. Thầy nói: “Những người tố cáo lần lượt bỏ đá xuống đất và đi. Khi mọi người đi hết, Đức Giêsu cũng cầm hòn đá bỏ xuống đất và nói chị ta đi về.” Thầy giáo còn giải thích thêm: “Chính Đức Giêsu cũng có tội, vì thế nên, chúng ta phải tự biết lỗi lầm của mình.”
Chúng ta không biết rõ bối cảnh thầy giáo trên đây giảng bài. Tuy nhiên, theo lời kể của bạn sinh viên này, thầy giáo cho rằng Đức Giêsu cũng có tội! Theo lời Đức Giêsu, chỉ có người vô tội mới được ném đá người phụ nữ ngoại tình. Ai cũng cảm thấy mình có tội, nên họ bỏ đi hết. Đức Giêsu ở lại, vì ngài không có tội. Thú vị là, chính Đức Giêsu có quyền ném đá chị ta, nhưng ngài không ném. Vậy vấn nạn đặt là Đức Giêsu thực sự có tội không?
Bạn thân mến,
Đức Giêsu vô tội
Thầy giáo trên đây chưa chính xác khi nhận xét: Chính Đức Giêsu cũng có tội. Đây là câu chuyện tranh luận xôn xao trong nhiều thế kỷ đầu của Giáo Hội. Khi nói Đức Giêsu là con người, chúng ta liền nghĩ ngài cũng chung số phận tội lỗi của kiếp người. Khi Đức Giêsu gặp Gioan Tẩy giả để rửa tội, nhiều người nghĩ Đức Giêsu cũng có tội.
Giáo Hội Công giáo dạy rằng: “Tội là hoàn toàn từ bỏ Thiên Chúa, từ chối không đón nhận Tình yêu Thiên Chúa, khinh thường không giữ giới răn của Thiên Chúa.” Hoặc trước đó, thánh Augustinô cho rằng: “Sự ác (tội lỗi chẳng hạn) là sự vắng mặt của một sự thiện phải có.” Hiểu như thế, Đức Giêsu hoàn toàn vô tội, vì Ngài hằng ở với Thiên Chúa Cha và luôn thực thi sứ mạng Chúa Cha trao phó.
Thực vậy, trong Kinh Thánh và trong đức Tin Kitô giáo khẳng định rằng: “Đức Giêsu được sinh ra trong thời gian, làm con Đức Trinh Nữ Maria, giống như chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi.” (x. Pl 2,6-7 và Dt 4,15). Đành rằng nhân vô thập toàn, làm người ai cũng có lỗi lầm, nhưng Đức Giêsu là trường hợp ngoại lệ. Đức Giêsu Kitô có hai bản tính: bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại (Công Đồng Chalcedon tuyên tín, năm 451). Đây là chủ đề quá lớn và luôn được bàn luận trong Giáo Hội. Khi nghiên cứu, tranh luận và trải nghiệm về Đức Giêsu, Giáo Hội tuyên xưng Đức Giêsu không có tội, vì Ngài là đường, là sự thật, và là sự sống. Hơn nữa, chính Ngài đã chiến thắng tội lỗi và thần chết trong biến cố Phục Sinh. Từ đó, Chúa Giêsu kéo chúng ta ra khỏi vòng xoáy của tội lỗi, để chúng ta cũng nên hoàn thiện như Chúa Cha ở trên trời.
Vả lại, Đức Giêsu cũng không thể phạm tội, bởi Ngài là Thiên Chúa. Trên dương thế, Ma Quỷ không ít lần cám dỗ Đức Giêsu phạm tội, từ bỏ sứ mạng cứu độ con người. Nó đã thất bại hoàn toàn! Ngay cả trước cái chết, Đức Giêsu cũng một vâng theo ý Chúa Cha. Nếu chúng ta tin Đức Giêsu là Thiên Chúa, thì theo “logic”, Thiên Chúa luôn là Đấng thiện hảo, tròn đầy!
Vấn đề tội tổ tông
Chúng ta biết rằng bất kỳ ai sinh ra đều mang lấy tội tổ tông. Khi nói “Tội tổ tông truyền, không có ý nói đến tội của cá nhân nhưng muốn đề cập đến tình trạng thê thảm mà mỗi người khi vừa được sinh ra thì đã vướng mắc rồi, dù họ chưa hề tự ý phạm một tội nào, nhưng do tổ tông truyền lại.” (Youcat, số 68). Đức Giêsu của chúng ta lại là một trường hợp khác, vì Ngài đến từ Thiên Chúa Cha. Theo đó, Đức Giêsu không mắc tội nguyên tổ. Ngài cũng không có những khuynh chiều về những điều xấu. Chúng ta tuyên xưng và tin nhận nơi Đức Kitô vắng bóng tội lỗi, chỉ có sự thánh thiện. Đó là gương mẫu tuyệt vời cho những ai muốn nên thánh và hướng về trời cao. (Ngoài ra, Đức Maria cũng vỗ nhiễm nguyên tội).
Có lần thánh Augustinô cho rằng tội tổ tông là “tội hồng phúc” cho con người; vì nhờ đó, Đức Giêsu xuống thế làm người. Chúng ta nhớ lại khi con người phạm tội, “Thiên Chúa không đành nhìn con người dần dần hủy hoại mình và những gì chung quanh mình, do hiệu ứng dây chuyền của tội lỗi. Người gửi đến cho ta Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu rỗi và Đấng Chuộc tội, Người cứu chúng ta khỏi quyền lực tội lỗi.” (Youcat, số 70). Đó là chương trình cứu độ của Thiên Chúa dành cho chúng ta, hôm qua, hôm nay và mãi mãi.
Đức Giêsu mang lấy tội của con người
Nếu thầy giáo trên đây nói “Đức Giêsu mang lấy tội của nhân loại”, thì hoàn toàn đúng. Bởi ngay từ đầu, thánh Phaolô cho biết: “Đức Giêsu chẳng hề biết tội là gì, nhưng Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (2 Cr 5,21). Cách Phaolô 700 năm, tiên tri Isaia cũng tiên báo về một người tôi tớ đau khổ (x. Is 52,13-53,12), mà sau này là Đức Giêsu. Người tôi tớ ấy đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta. Như vậy, Đức Giêsu liên đới với loài người tội lỗi, để con người có thể nối lại nhịp cầu với Thiên Chúa. Giáo Hội cũng hiểu những gì Đức Giêsu chịu để nên hy lễ đền tội cho con người.
Đỉnh cao của hy lễ ấy là Cuộc Thương Khó. Tổng trấn Philatô xét thấy Đức Giêsu vô tội; còn giới lãnh đạo và dân chúng lại buộc tội ngài. Kết quả là ngài phải chịu án tử. Cái chết ấy như một hiến lễ dâng về Chúa Cha. Ngài chết vì tội lỗi của con người. Về sau, khi chiêm ngắm Cuộc Thương Khó, thánh Bernard (Bê-na-đô) thốt lên rằng: “Khi bàn tay Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá, Người đã đóng đinh cả tội lỗi ta vào thập giá nữa.”
Thánh Phao lô còn khẳng định thêm: “Khi sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta, Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình.” Như thế, Đức Giêsu nhập thể và dấn thân vào cuộc sống, vào thân phận tội lỗi của con người. Từ đó, Ngài mang lấy tội lỗi của chúng ta. Bởi đó, nếu cây thập giá là biểu tượng của tội lỗi, thì Đức Giêsu đã vác nó thay cho chúng ta, lên đồi Ca-vê. Trong nghĩa này, Đức Giêsu vẫn vô tội. Sở dĩ Ngài chịu đóng đinh vào thập giá là vì chúng ta, và để cứu độ chúng ta. (x. Kinh Tin Kính, và 1Cr 15,3-6).
Tạm kết
Chia sẻ với thầy giáo và các bạn vài điều như thế để thấy chúng ta đang tin vào Đức Giêsu là Thiên Chúa và là Con Người. Ngài không có tội, nhưng vì yêu thương, đã mang lấy tội của tôi, của bạn và của chúng ta. Trong đức tin và đức mến, chúng ta hiểu được những điều trên. Bởi đơn giản, Đức Giêsu giống chúng ta phần con người, nhưng khác chúng ta hoàn toàn phần Thiên Chúa. Ước gì Đức Giêsu tiếp tục kể cho bạn, cho chúng ta những điều thú vị khác về chính Ngài.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Nguồn: https://dongten.net/2019