Như đã thưa, càng ngày lệnh đóng cửa các nhà thờ và đình chỉ cử hành các thánh lễ công cộng càng làm nhiều tín hữu mất kiên nhẫn hơn. Do đó, một vị Tổng Giám Mục Ý đã lên tiếng chính thức đặt câu hỏi với chính phủ về lệnh này trong khi chính phủ bắt đầu cho nới lỏng nó. Tại Mỹ, theo Ed Condon của CNA, Đức Cha Peter Baldacchino của giáo phận Las Cruces, New Mexico, đã chính thức cho phép các linh mục của ngài cử hành thánh lễ công cộng miễn là nghiêm ngặt thi hành các biện pháp vệ sinh và khoảng cách an toàn xã hội của chính quyền dân sự để tránh lây lan Covid-19.
|
Trong lá thư gửi cho các linh mục của ngài, ngài nói rõ ngài biết hậu quả lây lan chết người của Covid-19 nhưng ngài cũng biết tác động tiêu cực về mặt xã hội của việc buộc phải ở trong nhà: đường dây nóng về khủng hoảng của chính phủ liên bang Hoa Kỳ gọi là Disaster Distress Helpline do cơ quan Substance Abuse and Mental Health Services Administration quản trị, đã nhận được sự gia tăng phần trăm con số gọi đến 891%, thời đại dịch, đa số thuộc phạm vi ngăn ngừa tự tử. Con số bạo hành gia đình cũng gia tăng kinh khủng.Kết luận của ngài “nói một cách đơn giản, giữa bất trắc tài chánh, sự sợ hãi cho sức khỏe của chính bản thân, lo âu xao xuyến vì đại dịch và việc giam hãm ở trong nhà, người ta nhất định cần lời hy vọng. Chúng ta, trong tư cách các linh mục, chúng ta được mời gọi mang Lời Hằng Sống đến cho người ta, chúng ta được kêu gọi thừa tác các bí tích ban sự sống. Các Thánh Lễ truyền hình là các cố gắng lấp đầy khoảng trống trong thời này, nhưng càng ngày tôi càng xác tín rằng việc này không đủ”.Trong khi ấy, theo tạp chí America ngày 16 tháng 4, các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Đức lên tiếng chỉ trích quyết định đóng cửa các nhà thờ và đền Hồi giáo. Chủ tịch Ủy Ban Trung Ương Các Người Công Giáo Đức (ZdK), Thomas Sternberg, nói: ông hiểu rằng các biện pháp phòng ngừa là cần thiết nhưng ông kêu gọi nhanh chóng tái lập các buổi lễ tôn giáo công cộng, với con số người tham dự giới hạn và tuân theo các qui định nghiêm ngặt.
Đức Cha Wolfgang Ipolt của giáo phận Goerlitz cũng nói ngài lấy làm tiếc về lệnh cấm kéo dài. Thậm chí phát ngôn viên tôn giáo sự vụ của một nhóm dân biểu bảo thủ tại hạ viện, Hermann Groehe, cũng lên tiếng yêu cầu nới lỏng lệnh cấm: “các buổi lễ tôn giáo cử hành chung với nhau là biểu thức chủ chốt của tự do tôn giáo và đối với nhiều tín hữu là nguồn hy vọng và sức mạnh trong thời buổi khó khăn”. Tổng thư ký của Phong Trào Hồi Giáo Milli Goerus ở Đức cũng cho rằng ông “không thể nào hiểu được tại sao các đền Hồi Giáo, các nhà thờ hay hội đường Do Thái Giáo phải tiếp tục đóng cửa trong khi việc mua sắm trong thành phố thì được phép”.
Các ưu tư như thế hiển nhiên tác động lên Đức Phaxicô, người vẫn khuyên anh em giám mục của mình phải có mùi chiên, nghĩa là gần gũi chiên chứ không phải chỉ là hương hoa tinh thần để chỉ cần “kính nhi viễn chi”.Cũng có thể vì nhớ mùi chiên, sau cả hơn tháng trời cử hành thánh lễ với vài “mạng” thân cận ngày nào cũng thấy mặt nhau, nên trong thánh lễ ngày 17 tháng 4 tại Nhà Thánh Marta, lần đầu tiên, Đức Phanxicô lên tiếng ủng hộ việc giáo dân tiếp cận với các bí tích và nhà thờ.Theo Zenit, trong bài giảng lễ, nhân bình luận về đoạn Tin Mừng Gioan 21:1-14, Đức Phanxicô đã cổ vũ, dĩ nhiên một cách luôn thận trọng và khôn ngoan, việc tín hữu được tiếp cận các bí tích. Ngài nhấn mạnh rằng lý tưởng của Giáo Hội luôn là có các bí tích và Dân Chúa tụ họp với nhau, và suy nghĩ khác thế là điều nguy hiểm.Ta biết đoạn tin mừng Gioan nói trên thuật lại cảnh Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ ở bờ biển Galilêa và cùng ngồi ăn với các ông bên lò than hồng có bánh và cá. Cảnh ấy nói lên tình thân mật không hẳn chỉ là giữa thầy và trò, mà là giữa những người cùng một gia đình thân quen. Đúng là một bối cảnh trìu mến để Đức Phanxicô nói đến tình thân mật thân quen với Chúa Phục Sinh.Cái tình thân mật ấy nay người Công Giáo chỉ có thể cử hành khi cùng nhau tham dự các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. “Nghĩ khác thế là điều nguy hiểm”.Đức Phanxicô nói: “một tình thân mật mà không có cộng đồng, không có Bánh, không có Giáo Hội, không có người ta, không có các Bí tích là điều nguy hiểm. Theo chúng ta, đó là thứ thân mật ngộ đạo, thứ thân mật chỉ để cho riêng tôi, xa lìa dân Thiên Chúa. Sự thân mật của các Tông đồ với Chúa luôn là sự thân mật của cộng đồng, luôn luôn ở bàn ăn, dấu chỉ cộng đồng; luôn luôn với Bí Tích, với Bánh ăn”.Sau đây là trọn bài giảng của ngài:Các môn đệ là những người đánh cá: thật vậy, Chúa Giêsu gọi họ lúc họ đang làm việc. Anrê và Phêrô đang thả lưới. Họ bỏ lưới của họ và đi theo Chúa Giêsu (xem Mt 4: 18-20). Điều tương tự xẩy ra với Gioan và Giacôbê: họ bỏ cha và các chàng trai làm việc với họ và đi theo Chúa Giêsu (xem Mt 4: 21-22). Ơn gọi quả thực diễn ra trong công việc ngư dân của họ. Và đoạn này của Tin Mừng hôm nay, phép lạ này, về mẻ cá kỳ diệu, khiến chúng ta nghĩ đến một mẻ cá kỳ diệu khác, mà Luca đã kể lại (xem. Lc 5: 1-11), điều tương tự cũng xảy ra ở đó. Họ đã có mẻ cá, khi họ nghĩ họ đã không có gì. Sau khi Phêrô ngưng tiếng, Chúa Giêsu bảo: “ra chỗ sâu hơn đi” – “chúng con làm việc vất vả suốt đêm mà nào có bắt được gì!” "ra chỗ sâu đi". Tin tưởng vào lời nói của Người - Phêrô nói “con sẽ thả lưới”. Tin Mừng thuật lại chính số lượng ở đó làm “họ rất ngạc nhiên” (Xem Lc 5: 9) trước phép lạ đó.
Hôm nay, trong mẻ cá khác này, không ai nói đến chuyện ngạc nhiên. Một sự tự nhiên nào đó được nhận thấy, người ta thấy có sự tiến bộ, một con đường đầy sự hiểu biết về Chúa, đầy sự thân mật với Chúa; Tôi chỉ xin nói một chữ duy nhất: thân mật quen biết với Chúa. Khi Gioan thấy điều ấy, ông nói với Phêrô: “Chúa đấy!”, Và Phêrô mặc vội quần áo vào và nhảy xuống nước để đến với Chúa (xem Ga 21: 7). Lần trước, ông quỳ xuống trước mặt Người và nói: “Hãy rời xa con, vì con là người tội lỗi (xem Lc 5: 8). Lần này ông không nói gì, ông tự nhiên hơn. Không ai hỏi: Ngài là ai? Họ biết đó là Chúa, cuộc gặp gỡ với Chúa là điều tự nhiên; sự thân mật quen thuộc của các Tông đồ với Chúa đã lớn lên.
Các Kitô hữu chúng ta cũng vậy, trong hành trình của đời chúng ta, chúng ta đang ở trong tình trạng tiến bước, tiến bộ trong sự quen thuộc thân mật với Chúa. Tôi dám nói, Chúa có phần nào đó “trong tầm tay”, nhưng “trong tầm tay” vì Người đi với chúng ta; chúng ta biết đó là Người. Không có ai ở đây hỏi Người: Ngài là ai? Họ biết đó là Chúa. Sự thân mật của một Kitô hữu là sự thân mật hàng ngày với Chúa. Và, chắc chắn, họ đã ăn sáng với nhau, với cá và bánh mì; chắc chắn họ đã nói về nhiều thứ chuyện một cách tự nhiên. Sự thân thuộc này của các Kitô hữu với Chúa luôn thuộc về cộng đồng.
Vâng, nó rất thân mật, nó rất bản thân nhưng trong cộng đồng. Một sự thân quen không có cộng đồng, một sự thân quen không có Bánh, một sự thân quen không có Giáo hội, không có dân chúng, không có các Bí tích là điều nguy hiểm. Chúng ta dám nói rằng nó có thể trở thành thứ thân quen ngộ đạo, một thứ thân quen chỉ dành cho bản thân tôi, tách rời khỏi Dân Chúa. Sự thân quen của các tông đồ với Chúa luôn là sự thân quen của cộng đồng, nó luôn ở tại bàn ăn, dấu hiệu của cộng đồng; nó luôn luôn với Bí tích, với Bánh ăn.
Tôi nói điều này bởi vì một ai đó đã khiến tôi suy ngẫm về mối nguy hiểm mà chúng ta đang sống thời điểm này, thời đại dịch đã khiến tất cả chúng ta thông đạt, kể cả về mặt tôn giáo, qua các phương tiện truyền thông, kể cả Thánh lễ này, tất cả chúng ta đều thông đạt, nhưng không cùng với nhau, mà chúng ta chỉ ở với nhau cách thiêng liêng thôi. Số người [hiện diện] thì ít (về số lượng) nhưng có rất nhiều người: chúng ta tuy cùng nhau, nhưng không ở với nhau. Bí tích cũng thế: anh em có nó, có Bí tích Thánh Thể, hôm nay, nhưng những người nối kết với chúng ta chỉ có sự Rước Lễ thiêng liêng. Và đó không phải là Giáo hội: đó chỉ là Giáo hội trong hoàn cảnh khó khăn, mà Chúa cho phép, nhưng lý tưởng của Giáo hội luôn luôn là với người ta và với các Bí tích - luôn luôn.
Trước lễ Phục sinh, khi xuất hiện tin tức tôi sẽ cử hành lễ Phục sinh trong một Nhà thờ Thánh Phêrô trống rỗng, một Giám mục đã viết cho tôi - một Giám mục tốt lành, tốt lành, và ngài đã quở tôi. “Nhưng sao lại thế, Nhà thờ Thánh Phêrô rất lớn mà, tại sao Đức Thánh Cha không đặt ít nhất 30 người ở đó, để mọi người nhìn thấy? Có nguy hiểm gì đâu...” Tôi nghĩ: “ông này nghĩ gì trong đầu mà nói thế với mình?” Ngay lúc đó, tôi không hiểu. Tuy nhiên, vì ngài là một giám mục tốt lành, rất gần gũi với người ta, hẳn phải muốn nói điều gì đó với mình. Khi tôi gặp ngài, tôi sẽ hỏi ngài. Rồi tôi hiểu ra. Ngài muốn nói với tôi: “Đức Thánh Cha hãy cẩn thận, đừng ảo hóa Giáo hội, đừng ảo hóa các Bí tích, đừng ảo hóa Dân Thiên Chúa.
Giáo hội, Bí tích, Dân Thiên Chúa là cụ thể. Đã đành tại thời điểm này, chúng ta phải có sự thân quen với Chúa theo cách này, nhưng chúng ta phải ra khỏi đường hầm, không ở lại đó mãi. Còn đây là sự quen thuộc thân mật của các Tông đồ: không phải là ngộ đạo, không ảo hóa, không vị kỷ cho mỗi người trong các vị, nhưng là một sự thân quen cụ thể giữa những con người – sự thân quen với Chúa trong cuộc sống hàng ngày, thân quen với Chúa trong các Bí tích, giữa Dân Thiên Chúa. Họ dấn bước trên con đường trưởng thành để thân quen với Chúa: chúng ta cũng hãy học cách làm như thế. Họ hiểu ngay từ giây phút đầu tiên rằng sự thân quen này khác với sự thân quen họ tưởng tượng và họ đã đạt được sự thân quen này. Họ biết đó là Chúa, họ chia sẻ mọi sư: cộng đồng, các Bí tích, Chúa, bình an và cử hành.
Xin Chúa dạy chúng ta sự thân mật này với Người, sự thân quen này với Người nhưng trong Giáo hội, với các Bí tích, với dân thánh trung thành của Thiên Chúa.
Đức Giáo Hoàng đã kết thúc việc cử hành bằng việc Thờ Lạy và Phép Lành Thánh Thể, mời gọi các tín hữu thực hiện một rước lễ thiêng liêng.
Đây là lời cầu nguyện Đức Giáo Hoàng đã đọc:
Lạy Chúa Giêsu của con, con phủ phục dưới chân Chúa, và con xin dâng lên Chúa sự ăn năn trong cõi lòng thống hối của con, một cõi lòng đã tự hạ xuống hàng hư vô trước Thánh Nhan Chúa. Con thờ lạy Chúa trong Bí tích Tình yêu của Chúa, Bí tích Thánh Thể khôn tả. Con mong muốn được nhận Chúa vào nơi ở nghèo nàn mà trái tim con dâng lên Chúa. Trong khi chờ đợi hạnh phúc được Rước lễ Bí tích, con muốn chiếm hữu Chúa cách thiêng liêng. Lạy Chúa Giêsu, Xin Chúa hãy đến với con để con được đến với Chúa. Xin tình yêu của Chúa đốt cháy toàn bộ con người con khi sống và khi chết. Con tin Chúa, con cậy Chúa, con yêu Chúa.
Trước khi rời Nhà nguyện kính Chúa Thánh Thần, Đức Giáo Hoàng đã xướng Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng...