ĐTC Phanxicô: Người nghèo bên cạnh anh em lúc nào cũng có

Sáng thứ Hai, tại Nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha dâng thánh lễ cầu nguyện đặc biệt cho các tù nhân và cho những người có trách nhiệm tìm ra các giải pháp cho tình trạng quá tải trong các nhà tù. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha tập trung nói về người nghèo, nạn nhân của chính sách kinh tế bất công và nhắc các tín hữu nhớ rằng trong ngày phán xét chung, chúng ta sẽ chịu phán xét về mối tương quan của chúng ta với người nghèo.

 
 

Bắt đầu Thánh lễ Đức Thánh Cha nói: “Tôi nghĩ đến một vấn đề nghiêm trọng đang tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới. Hôm nay, tôi muốn chúng ta cầu nguyện cho tình trạng quá tải trong các nhà tù. Trong đại dịch này, đây là một mối nguy hiểm sẽ dẫn đến thảm họa nghiêm trọng. Chúng ta cầu nguyện cho những người có trách nhiệm tìm ra giải pháp đúng và sáng tạo để giải quyết vấn đề này”.

 

Bài giảng của Đức Thánh Cha tập trung về người nghèo, vì Tin Mừng hôm nay có một đoạn nói về người nghèo. Tin Mừng thuật lại việc Marta và Maria đón tiếp Chúa tại nhà mình cùng với Ladarô đã được Chúa cho sống lại. Maria đã lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu. Cả nhà sực mùi thơm. Giuđa phản ứng trước hành động của Maria với câu hỏi sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo. Trong Tin Mừng cũng chỉ rõ Giuđa nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung.

 

Bài giảng của Đức Thánh Cha khởi đi từ cuối đoạn Tin Mừng, việc các thượng tế quyết định giết Ladarô vì ông là “chứng nhân của sự sống lại”, nhưng sau đó Đức Thánh Cha dừng lại trên những lời của Chúa Giêsu: “Người nghèo bên cạnh anh em lúc nào cũng có”.

 

Đức Thánh Cha giải thích: “Câu chuyện về người quản lý không trung tín như Giuđa luôn có trong mọi thời. Nó xảy ra ngay cả trong các tổ chức từ thiện, nhân đạo. Các tổ chức này có nhiều nhân viên, cuối cùng khi phúc lợi đến với người nghèo chỉ còn 40%, vì phần còn lại để trả lương cho nhiều người. Đó là một cách lấy tiền của người nghèo”.

 

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng xung quanh chúng ta có rất nhiều người nghèo, từ “người nghèo mà chúng ta có thể thấy, họ chỉ là phần nhỏ”, và “người nghèo chúng ta không thấy”. Đức Thánh Cha giải thích: “Chúng ta không thấy người nghèo nguyên nhân do sự dửng dưng, thờ ơ của chúng ta. Hoặc do chúng ta có thói quen xem người nghèo như một vật trang trí”.

 

Theo Đức Thánh Cha, phần lớn người nghèo mà chúng ta không thấy họ là “nạn nhân của chính sách kinh tế, tài chính”, nạn nhân của cơ cấu bất công của nền kinh tế thế giới. Hậu quả là nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu phải âm thầm tới tổ chức Caritas để xin hỗ trợ, họ không dám lộ diện vì xấu hổ.

 

Đức Thánh Cha cảnh báo: “Đây là hình thức nghèo đói mới, thành phần này rất nhiều. Trong cuộc phán xét chung, câu hỏi đầu tiên của Chúa Giêsu sẽ là: Các ngươi đã làm gì cho người nghèo? Các ngươi đã cho họ ăn? Đã thăm viếng khi họ ở trong tù, trong bệnh viện? Đã giúp đỡ người góa phụ, người mồ côi? Bởi vì Ta là những người nghèo đó. Chúng ta sẽ bị xét xứ về những điều này”.

 

Đức Thánh Cha kết luận: “Chúng ta sẽ không chịu phán xét vì sự xa hoa hoặc những chuyến đi đây đó hoặc các hoạt động xã hội quan trọng mà chúng ta đã thực hiện. Chúng ta sẽ chịu phán xét theo các tương quan của chúng ta với người nghèo. Nhưng nếu hôm nay, chúng ta phớt lờ người nghèo, để họ qua một bên, thì trong ngày phán xét Thiên Chúa cũng sẽ phớt lờ chúng ta”.

 

Ngọc Yến

(VaticanNews Tiếng Việt 06.04.2020)