Nữ tu Ngọc Lan, fmm
Mục lục
Dẫn nhập
Đôi nét về truyền thông Công giáo tại Việt Nam cho đến nay
Những giá trị lớn lao của truyền thông
III. Những thách đố của ngành truyền thông
Vấn nạn sống ảo và mất khả năng tập trung
Vấn nạn tin giả và các thông tin sai lệch
Những lạm dụng trên không gian mạng
Những trang web xấu làm suy đồi đạo đức
Vấn đề “nghiện ngập” truyền thông
Vấn nạn từ những tiến bộ công nghệ thời 4.0
Những quan điểm chính của Giáo hội về truyền thông
Định hướng cho ngành truyền thông Công giáo tại Việt Nam
Đầu tư cho việc đào tạo nhân sự truyền thông
Hiện diện, đồng hành và hướng dẫn người trẻ trong các mạng truyền thông mới
Tận dụng các thế mạnh của truyền thông cho hoạt động mục vụ
Truyền thông trong việc củng cố đức tin và Loan báo Tin mừng
Cảnh giác với các chương trình lừa đảo, tin giả, quảng cáo tiếp thị…
Quan tâm đến các công nghệ mới
Để kết
Dẫn nhập
Vào dịp đại lễ thánh nữ Clara Assisi ngày 11 tháng 8 năm 2020, Cha Tổng Phục Vụ Dòng Anh Em Hèn Mọn đã gửi một lá thư cho các Chị Em Thanh Bần Clara, và kể lại sự kiện xảy ra trong Đêm Vọng Lễ Giáng Sinh năm 1252, khi thánh nữ Clara đau nặng không thể tham dự Đại Lễ Chúa Giáng Sinh cùng với chị em. Thánh nữ đã than thở rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, này con đã bị bỏ mặc một mình ở đây”... Chắc hẳn Chúa đã nghe tiếng kêu than thống thiết đó và đã an ủi thánh nữ khi cho Ngài nhìn thấy và nghe được bài thánh ca mà các anh em OFM hát tại Vương Cung Thánh Đường Phanxicô. [1] Thánh nữ Clara đã được phong thánh vào năm 1255, chỉ 2 năm sau khi ngài qua đời. Và vào năm 1958, Đức giáo hoàng Piô XII đã đặt vị thánh bần hàn cả cuộc đời sống trong dòng tu kín này làm bổn mạng cho ngành truyền hình. Đức thánh cha giải thích phép lạ xảy ra cho Clara như là “buổi truyền hình trực tiếp” đầu tiên. Vì khi đó, Thánh nữ không chỉ thấy được những gì đang xảy ra tại ngôi nhà thờ xa xôi kia, mà còn nghe được cả tiếng đàn nhạc và tiếng hát, như mình đang hiện diện tại chính nơi đang xảy ra sự kiện.[2]
Khi chia sẻ bài giảng trong dịp lễ thánh Clara năm 2020, một linh mục dòng Phanxicô đã nhận định rằng; thánh nữ Clara là vị thánh bổn mạng cho ngành truyền hình và là mẫu gương về truyền thông cho chúng ta, vì chính thánh nữ đã làm công việc truyền thông Đức Giêsu Kitô cho tất cả những ai Ngài gặp gỡ. Thánh nữ dành nhiều thời gian cầu nguyện, chìm sâu trong Chúa để thu lấy hình ảnh yêu thương của Chúa vào trong tâm hồn mình, để rồi khi gặp gỡ chị em và những người đến với mình, Ngài phát lại hình ảnh đó cho họ bằng chính cuộc sống đơn sơ nghèo khó và tràn đầy tình bác ái.[3] Mặc dù là một nữ tu chiêm niệm, nhưng thánh Clara lại trở nên con người của truyền thông đích thực, luôn biểu lộ khuôn mặt yêu thương của Thiên Chúa qua lối sống giản dị, khiêm nhường và chứng tá đời sống hằng ngày.
Một người con cái của thánh nữ Clara là mẹ Angelica thuộc Dòng Clara Chầu Thánh Thể cũng đã trở thành con người truyền thông tuyệt vời, và là người sáng lập đài truyền hình EWTN (Eternal Word Television Network) tại Mỹ. Đây là Đài Truyền hình Công giáo lớn nhất thế giới được chính thức thành lập từ năm 1981. Là một con người vui tươi hài hước, mẹ có khả năng truyền thông đức tin công giáo cho đại chúng rất tài tình. Mẹ bắt đầu hoạt động truyền thông bằng việc tổ chức các cuộc thảo luận ở giáo xứ, xuất bản sách và các tuyển tập, sau đó mẹ hướng hoạt động của mình về đài phát thanh và truyền hình. Chương trình trực tuyến của mẹ (Mother Angelica Live) ra đời năm 1983 được nhiều khán giả yêu thích. Hiện nay, EWTN là hệ thống truyền hình công giáo lớn nhất thế giới, với 11 kênh truyền hình trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, phát sóng đến 264 triệu gia đình thuộc 145 quốc gia và vùng lãnh thổ.[4] EWTN còn là đài phát thanh, mạng xã hội trực tuyến, mạng loan tin thời sự thế giới và mạng xuất bản cho các chương trình Công giáo. Đức Tổng Giám mục Charles Chaput, giám mục Giáo phận Philadephia, là thành viên trong Hội đồng quản trị của Đài EWTN từ năm 1995 nhận định: “Mẹ Angelica đã thành công trong sứ mạng loan báo tin mừng - phục vụ Thiên Chúa. Mẹ đã thiết lập và phát triển một hệ thống truyền thông dễ dàng tiếp cận được với mọi Kitô hữu, hiểu được điều họ mong muốn và nuôi dưỡng tâm hồn họ”.[5]
Chỉ vài tuần trước khi Mẹ Angelica qua đời, trên chuyến bay đi Cuba và Mêxicô vào ngày 12 tháng 2/2016, Đức thánh cha Phanxicô đã gửi lời chào đến Mẹ. Khi Đức thánh cha chào hỏi các phóng viên trên máy bay, ký giả Alan Holdren là tùy viên báo chí tại Rôma của đài Truyền hình Công giáo EWTN đã xin Đức thánh cha gửi tin nhắn vào hộp thoại của mẹ Angelica, vì lúc đó Mẹ đang bị đau. Ngài nhắn cho Mẹ: “Gửi Mẹ Angelica với lời chúc lành của tôi. Xin Mẹ cầu nguyện cho tôi, tôi rất cần lời cầu nguyện của mẹ. Mẹ Angelica, xin Chúa ban phép lành cho Mẹ!”[6] Sau đó, nghe tin Mẹ Angelica mất vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh 27/03/2016, Đức thánh cha Phanxicô trong một buổi tiếp kiến chung ở quảng trường Thánh Phêrô đã chỉ tay lên trời, và nói với mọi người rằng Mẹ Angelica đã ở bên cạnh Chúa!
Thật kỳ diệu khi các nữ tu Chiêm Niệm cũng có thể tham gia hữu hiệu vào những hoạt động Truyền thông Công giáo của Giáo hội. Và như thế không một Kitô hữu nào có thể viện cớ để thoái thác việc thực thi sứ mạng Truyền thông Công giáo để Loan Báo Tin mừng, đó cũng chính là lệnh truyền của Chúa Giêsu cho toàn Giáo hội: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 19). Và Giáo hội là ai nếu không phải là tất cả mọi Kitô hữu chúng ta, bất kể thuộc hàng giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân, bất kể già hay trẻ, trí thức hay bình dân, nam hay nữ, giàu hay nghèo… Sứ mạng truyền thông các giá trị Tin mừng này khởi đi bằng chính chứng tá cuộc sống và sự hiện diện tích cực của từng Kitô hữu trong các hệ thống mạng lưới truyền thông, để tăng cường mặt tốt và giảm đi mặt xấu của truyền thông. Vì thế tất cả các Kitô hữu được mời gọi hiểu biết và tận dụng các phương tiện truyền thông truyền thống (sách vở, báo chí, phát thanh, truyền hình, video, bảng quảng cáo, thư, điện thoại, fax, âm nhạc, phụng vụ, lễ hội, hành hương, trò chơi, thi đố, các loại hình nghệ thuật…), cũng như các phương tiện truyền thông hiện đại (smartphone, internet, tablet, các mạng xã hội, các công nghệ mới, các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo…) để đóng góp cách hữu hiệu cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội hôm nay.
Trên quê hương đất nước chúng ta, Hàng Giáo phẩm của Giáo hội Việt Nam được Đức giáo hoàng Gioan XXIII chính thức thiết lập vào ngày 24/11/1960. Trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Hàng Giáo phẩm, chúng ta cùng nhìn lại hành trình với rất nhiều thăng trầm trong suốt 60 năm qua trên quê hương, nơi Giáo hội Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc trên một chặng đường dài, với rất nhiều thành quả tốt đẹp đã được thực hiện. Trong số đó phải kể đến các hoạt động truyền thông công giáo giúp chuyển tải hữu hiệu các giá trị Tin mừng đến với người giáo dân, cũng như tất cả đồng bào Việt Nam. Giáo hội Việt Nam đã thực sự hiện diện và “sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, theo như Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980.[7] Gần đây, các hoạt động truyền thông của Giáo hội Việt Nam đã mở ra hơn với cả châu lục và toàn thế giới. Chúng ta vui mừng nhận thấy có những bước phát triển tốt đẹp trong đời sống của Giáo hội và cả những ảnh hưởng tích cực trên đời sống xã hội. Ngày hôm nay với đại dịch Covid-19, đất nước Việt Nam cũng như cả thế giới như bước vào một giai đoạn khủng hoảng về nhiều mặt và đời sống tôn giáo cũng có nhiều giới hạn. Các phương tiện truyền thông mới đang được Giáo hội tận dụng một cách sáng tạo để chuyển tải những thông tin hữu ích, những thông điệp đầy hy vọng của các giá trị Tin mừng cho mọi người, và cả những hình thức cử hành phụng vụ trực tuyến, để nối kết và đáp ứng nhu cầu cho đời sống đạo của các tín hữu.
I. Đôi nét về truyền thông Công giáo tại Việt Nam cho đến nay
Đáp ứng lời mời gọi của Sắc lệnh Inter Mirifica (Giữa những điều Kỳ Diệu) do Công đồng Vatican 2 ban hành năm 1963, Giáo hội Việt Nam đã nhìn nhận những giá trị quan trọng và tốt đẹp của các phương tiện truyền thông, để sử dụng chúng cách phong phú và đa dạng trong các hoạt động mục vụ tông đồ; cũng như trong nhiều lãnh vực khác nhau của đời sống Giáo hội. Chúng ta biết rằng từ những ngày đầu của đạo Công Giáo tại Việt Nam, dòng Văn học Công giáo chữ Nôm đã hình thành và phát triển với nhiều tác giả tiêu biểu như cha Đắc Lộ (1593-1660), Cha Majorica (1591-1656), thầy giảng Lữ-Y Đoan (1613-1678)… Trong đó có những tác phẩm khá phổ biến như A-lê-xù Vãn, Tứ Mạt Ca, Nghinh Hoa Tụng Kỳ Chương, Sấm Truyền Ca[8], hoặc 48 đầu sách do Cha Majorica Dòng Tên sáng tác và phiên dịch… đặc biệt phải kể đến Tiểu sử các vị Thánh cùng những Tập Khảo luận hữu ích về mặt luân lý, và các Bài Suy gẫm; các sản phẩm truyền thông này đã giúp ích rất nhiều cho việc hướng dẫn và củng cố đời sống Đức tin cho người giáo dân thời đó.[9]
Sau đó, sự ra đời của chữ Quốc ngữ khơi mào cho việc phát triển và khởi sắc nhanh chóng của nền văn học Việt Nam với phong trào văn xuôi quốc âm và nhiều thể loại văn hóa mới mẻ. Phải kể đến dòng Văn học Công giáo bằng chữ quốc ngữ với các tác phẩm của cha Đắc Lộ và các linh mục ngoại quốc, đã tạo nên cuộc gặp gỡ giữa thần học, văn hóa tôn giáo và văn hóa thế tục của người Việt lúc ấy, với nhiều đóng góp quan trọng vượt ra ngoài lãnh vực tôn giáo (các bộ Tự Điển, sách Văn Phạm…).[10] Tiếp đến là các công trình phong phú khác của các tác giả Việt Nam lẫn nước ngoài bằng quốc ngữ, như tác phẩm Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản (1865-1911), tập thơ Phi Năng Thi Tập của Cha Philipphê Phan Văn Minh (1815-1853), các Truyện Ký của Cha Philipphê Bỉnh (1759-1833)… cùng với các tác phẩm của Huỳnh Lâu, Đặng Đức Tuấn, Phêrô Trần Lục, Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký…[11] và rất nhiều thể loại văn xuôi, thi ca, tuồng kịch, vè vãn, ca ngâm…, đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ của dòng Văn học Công giáo bằng chữ quốc ngữ. Đọc lại tiến trình thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam chúng ta cũng rất cảm động vì câu chuyện Quan Thượng thư Nguyễn Hữu Bài đã đệ trình xin Đức thánh cha Piô XI thiết lập Tòa Khâm sứ và tấn phong các Giám mục cho hàng Giáo sĩ Việt Nam vào năm 1922. Nhờ đó, các vị Khâm sứ đã đến Việt Nam, giúp củng cố và phát triển hệ thống giáo dục, cổ võ việc đào tạo chủng viện, dạy chữ quốc ngữ và thành lập các thư viện công giáo trên toàn đất nước.[12]
Từ thế kỷ 20 cho đến nay, các trào lưu thể loại văn học nghệ thuật khác nhau gia tăng rất phong phú cùng với sự phát triển của báo chí quốc ngữ, góp phần đem ánh sáng Tin mừng đến với tất cả mọi người trên quê hương đất nước. Ngoài văn học, các phương cách khác nhau để truyền thông Tin Mừng cũng được vận dụng đầy sáng tạo, mang tính hội nhập văn hóa rất cao. Phải kể đến rất nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc, kiến trúc, thi ca, âm nhạc, sân khấu và cả điện ảnh, lấy cảm hứng từ Kinh Thánh, hạnh tích các Thánh, hoặc thực tế đời sống đức tin của người Công Giáo.[13] Trong các khuôn mặt tiêu biểu có thể kể đến Hàn Mạc Tử (1912-1940), được xem là một hiện tượng độc đáo của Thi ca Công giáo Việt Nam. Nhà thơ tài hoa yểu mệnh này càng đến cuối đời càng biểu lộ lòng Tin - Cậy - Mến của một người Kitô hữu; và dù cuộc đời chỉ được 28 năm, nhưng đã để lại rất nhiều áng thơ tuyệt tác bi hùng, để khi nói về Thi sĩ Hàn Mạc Tử, một tác giả đã dùng cụm từ “một tiếng thơ bí ẩn, một đời thơ bất hạnh”.[14] Hoặc khi nói đến nền Thánh nhạc Việt Nam, Nhạc sĩ Hải Linh (1920-1988) cũng là một bậc thầy tài năng, có những đóng góp quan trọng cho sự hình thành và phát triển của nền Thánh nhạc. Với lối viết thoáng mỏng, lối trình tấu sống động, tròn vành rõ chữ và đượm tính dân tộc, thầy Hải Linh đã lấy cảm hứng từ nguồn Thánh Kinh và thi ca, kể cả những bài ca dao, đồng dao trong kho tàng văn học truyền khẩu dân gian để tài tình chuyển thành nhạc…[15]
Truyền thông Công Giáo qua các chương trình truyền hình và các tác phẩm điện ảnh cũng đã bắt đầu rất sớm tại Việt Nam. Chúng ta có thể dễ dàng lên mạng xem lại bộ phim lịch sử “Áo Dòng Đẫm Máu” của đạo diễn Nguyễn Thành Châu ra mắt từ năm 1960, nói về cuộc tử đạo của thánh Philipphê Phan Văn Minh ở Cái Mơn vào thời vua Tự Đức, do linh mục Phêrô Nguyễn Hoàng Yến - Dòng Chúa Cứu Thế - viết kịch bản.[16] Đài Truyền hình Đắc Lộ tại Sài Gòn do các Cha Dòng Tên điều hành từ năm 1972-1975, đã thực hiện các chương trình về giáo dục gia đình (Bóng mát Gia đình), giáo dục y tế, bảo vệ sự sống (Sức khỏe là Vàng), phương pháp dinh dưỡng cho giới bình dân (Thực phẩm và chúng ta), giáo dục thiếu nhi (Sơn Ca), khoa học dành cho thiếu niên (Em yêu Khoa học), đặc biệt là chương trình về lịch sử và địa lý đất nước Việt Nam (Hồn Nước).[17] Sau 1975 dù có nhiều khó khăn do hoàn cảnh lịch sử, Truyền thông Công giáo Việt Nam vẫn có những nỗ lực âm thầm để đóng góp cho Giáo hội và xã hội. Và khi đất nước có nhiều đổi mới hơn của thời kỳ mở cửa từ thập niên 1990, các hoạt động Truyền thông Công giáo đã dần dần tiến triển, và hội nhập vào với vùng Á Châu cũng như cả thế giới. Các thành tựu mới của công nghệ thông tin hiện nay ngày càng được ứng dụng nhiều hơn trong mọi lãnh vực.
Về mặt in ấn sách báo, từ trước năm 1975 Giáo hội đã có nhiều nhà in nổi tiếng như Tân Định Ấn quán, Nhà in Làng Sông, Nguyễn Bá Tòng Ấn loát công ty, Nhà in Kim Châu… phát hành nhiều loại ấn phẩm công giáo được phổ biến rộng rãi[18]. Trong đó có rất nhiều thể loại đa dạng và hữu ích như: giáo lý, kinh thánh, thần học, nhân bản, tâm lý giáo dục ở nhiều cấp độ, truyện, tiểu thuyết, kịch, tạp chí, các đầu sách dịch… Tuy nhiên sau năm 1975 các hoạt động truyền thông gặp nhiều giới hạn, do tình hình chính trị kinh tế xã hội của cả nước trong một giai đoạn đầy khó khăn. Một thời gian khá dài chỉ có những sách vở được biên soạn hoặc chuyển ngữ và photocopy chuyền tay để sử dụng không chính thức, kể cả trong các lớp Thần học. Cho đến thập niên 1990, khi xã hội mở cửa hơn và các phương tiện truyền thông hiện đại phát triển, các ấn phẩm công giáo có xin giấy phép mới được chính thức xuất bản công khai, nhưng cũng còn rất hạn chế.
Gần đây nhất, những phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và kỹ thuật số qua Internet đang chi phối đời sống con người và xã hội, trên quê hương Việt Nam cũng như khắp thế giới. Với những tính năng nổi bật như: tức thời, kết nối toàn cầu, hội tụ đủ loại phương tiện khác, tương tác trực tuyến, tiếp cận không giới hạn, linh hoạt và phong phú…, mạng lưới Internet đang trở thành phương tiện truyền thông nổi bật và chính yếu với những tác động rất lớn lao mạnh mẽ, làm thay đổi mọi bình diện cuộc sống. Mạng Internet như một kho thông tin kiến thức khổng lồ, với đủ mọi loại sản phẩm truyền thông “thượng vàng hạ cám”, đem lại những ảnh hưởng vừa tích cực vừa tiêu cực, đòi hỏi khả năng biện biệt và sự trưởng thành của người làm truyền thông cũng như người sử dụng truyền thông. Giáo hội Việt Nam cũng nhìn nhận tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông mới, và đã cố gắng đưa vào trong các hoạt động truyền giáo và mục vụ tông đồ của đời sống Giáo hội. Đã có rất nhiều nỗ lực của các vị chủ chăn và các thành phần dân Chúa để học hỏi, hợp tác và tận dụng các phương tiện truyền thông đa dạng. Nhờ đó Giáo hội có thể truyền thông sứ điệp Tin mừng của Đức Kitô cách hữu hiệu hơn cho con người hôm nay.
Hiện nay Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng như các Giáo phận, Giáo xứ, Dòng tu, Hội đoàn... hầu hết đều có những trang web hoặc fanpage để trình bày hoạt động của mình, và để kết nối với Giáo hội ở các cấp bằng nhiều cách khác nhau. Ngay cả mỗi cá nhân người tín hữu Công giáo cũng đều có những trang mạng, Blog cá nhân, trang Facebook, YouTube, Instagram hoặc Twitter để đăng trạng thái “status”, chia sẻ những vui buồn của cuộc sống hằng ngày, với những câu chuyện mang tính tích cực và xây dựng. Điều đó góp phần giúp cho đời sống của con người được vui tươi, hạnh phúc và thăng tiến hơn. Tuy nhiên càng ngày càng có nhiều sự khác biệt tiêu cực xảy ra trong phạm vi truyền thông mạng. Ngày xưa các bạn trẻ chỉ có một tài khoản email và một mạng xã hội là đủ, nhưng xu hướng bây giờ phải là một mạng xã hội chính cùng vài ba tài khoản mạng phụ. Mỗi lần vào internet, các bạn tha hồ lướt qua lướt lại để xem những gì họ thích, và chọn lựa tương tác với bạn bè cùng gu với mình. Điều đó làm họ mất khả năng tập trung và kém động não học hỏi, vì khi cần bất cứ thông tin nào chỉ cần vào hỏi “anh Google” là sẽ có vô vàn câu trả lời. Bên cạnh đó, truyền thông xấu khiến nhiều bạn trẻ không còn tin vào những chuẩn mực đúng đắn của cuộc sống. Vấn đề “sống thử” khá phổ biến trong giới trẻ ngày nay gây ra nhiều hậu quả rất lớn, thường để lại những nỗi đau cả về tinh thần và về thể xác kéo dài suốt cuộc đời.[19] Chủ nghĩa tiêu thụ và lối sống thực dụng đang đánh vào trung tâm của đời sống gia đình. Nhiều gia đình đổ vỡ gây ra những hệ lụy tổn thương cho con cái. Nhiều người trẻ trở nên trầm cảm vì thường xuyên sống “ảo” và thiếu sự đồng hành nâng đỡ cần thiết trong cuộc sống… Như thế, truyền thông cũng đang là tác nhân gây nên mặt trái của thực trạng xã hội, và nhiều sa sút về đời sống đạo đức và luân lý.
Có rất nhiều vấn nạn mới được đặt ra khi cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 cùng với các ứng dụng của AI - trí tuệ nhân tạo - cùng với các phương tiện kỹ thuật số đang nắm giữ một vai trò hầu như không thể thay thế.[20] Nhờ các phương pháp lưu trữ và xử lý thông tin cực kỳ nhanh, trí tuệ nhân tạo có khả năng thay thế con người trong các công việc như sản xuất theo dây chuyền tự động, chăm sóc sức khỏe, phục vụ đời sống, các công việc văn phòng, hoặc thực hiện chính xác những phép tính khổng lồ… Tuy nhiên cũng có nhiều cảnh báo về mối đe dọa tiềm ẩn của trí tuệ nhân tạo từ các chuyên viên hàng đầu thế giới. Stephen Hawking khẳng định “Trí tuệ nhân tạo có thể là dấu chấm hết cho nhân loại khi nó phát triển đến mức hoàn thiện nhất”.[21] Với tốc độ phát triển chóng mặt của trí tuệ nhân tạo, giá trị và nhân phẩm của con người đang có nguy cơ bị xem nhẹ và bị đặt vấn đề, con người có thể bị kiểm soát bởi máy móc, bị thất nghiệp hàng loạt, cùng với rất nhiều thách thức đáng sợ về an ninh và vấn đề bảo mật.
Sứ điệp của Ðức Thánh Cha Phanxicô gửi Hội nghị Trí Khôn Nhân Tạo tại Vatican (26-28/02/2020) có nhắc đến việc thời đại kỹ thuật số đang thay đổi nhận thức của chúng ta về không gian, thời gian và cơ thể. Hệ quả là những người sử dụng thường bị giản lược thành “những người tiêu thụ”, làm mồi cho lợi ích cá nhân tập trung trong tay một số ít người; đồng thời các thuật toán hiện đang trích xuất các dữ kiện cho phép các thói quen tâm trí và liên hệ được kiểm soát, cho các mục đích thương mại hoặc chính trị.[22] Trong Hội nghị này, các tổ chức quốc tế hàng đầu chuyên về trí tuệ nhân tạo đã cùng Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống ký kết “Lời Kêu Gọi Cho Một Nền Ðạo Ðức Về Trí Khôn Nhân Tạo” để làm việc với nhau; nhằm hỗ trợ cho cách tiếp cận đạo đức đối với Trí Tuệ Nhân Tạo và thực hiện các nguyên tắc: minh bạch, không loại trừ, có trách nhiệm, công bằng, khả tín, an toàn và tôn trọng sự riêng tư của người dùng.[23]
Nhìn chung, bên cạnh những giá trị rất lớn lao, các phương tiện truyền thông mới đang gây ra nhiều hệ lụy đáng lo ngại trong đời sống của con người hôm nay. Một cách nào đó mạng internet cùng với kỹ nghệ truyền thông mới đang ngày càng góp phần định hình và điều khiển xã hội. Nền văn hóa kỹ thuật số liên quan đến thái độ và cung cách sử dụng các phương tiện truyền thông đang chi phối cuộc sống của nhiều người, nhất là những người trẻ. Do quá lạm dụng các phương tiện truyền thông nhiều người đã lệ thuộc vào nó và để cho mình bị điều khiển theo những lối sống, lối nghĩ và cách hành xử không lành mạnh. Thậm chí có những người tự cô lập mình trong thế giới ảo và trở nên trầm cảm hoặc gây ra những rạn nứt đổ vỡ trong các mối tương quan. Hiện nay, mọi phương tiện truyền thông mang tính sáng tạo đều có thể được con người sử dụng để làm điều tốt hoặc điều xấu. Do đó, chúng ta cần nhận diện những giá trị cũng như các thách đố của truyền thông để có hướng đầu tư nhân sự cho những hoạt động mục vụ truyền thông của Giáo hội trong tương lai.
II. Những giá trị lớn lao của truyền thông
Truyền thông có những khả năng ngày càng lớn mạnh nhờ sự phát triển của các phương tiện truyền thông hiện đại - nhanh hơn, gọn nhẹ hơn, đa dạng hơn, với nhiều chức năng phong phú và kết nối không giới hạn. Kỹ thuật số đang thu hẹp khoảng cách địa lý giữa các châu lục để đưa con người tới gần nhau hơn. Việc chuyển tải thông tin đủ loại một cách tức thời trở nên dễ dàng, đa dạng và ít tốn kém. Mọi thông tin đều mang tính toàn cầu và ngày càng phong phú, đa dạng, hấp dẫn hơn. Vì thế truyền thông ngày càng có thể kết nối đa chiều và có nhiều ảnh hưởng trên mọi bình diện cuộc sống của toàn nhân loại. Nhờ truyền thông, rất nhiều dịch vụ mới được phát triển và hoàn thiện, giúp nâng cao đời sống con người về mọi mặt, kể cả trong các lãnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế, giải trí, sức khỏe, du lịch… Các phần mềm ứng dụng tiện ích ngày càng phổ biến rộng rãi, với chi phí rất thấp hoặc miễn phí, cho phép cả những người ít thu nhập cũng có khả năng sử dụng.
Trong lãnh vực chính trị, các phương tiện truyền thông đang được sử dụng để chuyển tải và phổ biến những đường lối chính sách, luật lệ của các cấp lãnh đạo quốc gia và các địa phương, cũng như tình hình thời sự đang diễn ra, điều này rất hữu ích cho người dân. Đặc biệt những hướng dẫn và thông báo trong thời gian dịch bệnh, thiên tai, hoặc có những vấn đề cần cảnh báo kịp thời, giúp giảm thiểu nhiều thiệt hại. Về mặt kinh tế, truyền thông được tích hợp tốt trong việc quản lý điều hành sản xuất, theo dõi tiến độ công việc, liên lạc giao thương xuất khẩu, cũng như các thông tin hàng hóa hoặc hướng dẫn mua sắm. Chỉ với một vài thao tác đơn giản trên máy tính hoặc điện thoại di động, người tiêu dùng sẽ thường xuyên nhận được những thông tin cập nhật kịp thời về tất cả các lãnh vực hoặc vấn đề mà mình quan tâm. Người ta có thể đặt chỗ (máy bay, tàu xe, khách sạn, dịch vụ), mua hàng và trao đổi qua các loại dịch vụ trực tuyến trên mạng internet, chỉ với các loại điện thoại thông minh hoặc thiết bị mạng thông thường.
Riêng với ngành giáo dục, các ứng dụng kỹ thuật số đang đem lại những lợi thế rõ rệt, đặc biệt khi toàn thế giới trải qua thời gian khó khăn do Đại dịch Covid-19. Các phương pháp giảng dạy mới rất đa dạng, mang tính trực quan nhờ các thể loại trình chiếu mới với âm thanh và hình ảnh sống động. Việc học các môn ngành của mọi cấp lớp không còn bị giới hạn về mặt không gian địa lý nữa. Việc nối mạng, học trực tuyến từ xa đang là những xu thế mới của ngành giáo dục hôm nay và đem lại những kết quả rất khả quan khi sinh viên học sinh không thể đến lớp học trực tiếp. Điều này đã được đưa vào ứng dụng trong nhiều cấp học khác nhau, kể cả trong các Học viện Thần học, nhất là trong những thời gian phải cách ly xã hội. Các Đại học hàng đầu hiện nay đều có các chương trình học on-line thu hút sinh viên trên khắp thế giới tham dự. Người ta có thể ngồi tại nhà và kết nối bằng những phương tiện có sẵn trong tầm tay, để tham gia bất cứ chương trình học nào mình muốn, và gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp trong mọi lãnh vực. Các cuộc họp trực tuyến cũng rất dễ dàng ở mọi cấp, giúp cho việc điều hành các tổ chức và ban ngành có nhiều thuận lợi. Các ứng dụng tiện ích khác nhau trên Internet cũng được đưa vào sử dụng nhiều trong giảng dạy, nghiên cứu và quản lý.
Hoặc trong lãnh vực y tế, các thiết bị kỹ thuật số đang giúp ích rất nhiều cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Hầu hết các bệnh viện và cơ sở y tế hiện nay đều được trang bị những máy móc hiện đại hỗ trợ cho việc chẩn đoán chính xác và đưa ra những phác đồ điều trị hợp lý. Với hệ thống máy tính, các bác sĩ có thể nối mạng để hội chẩn từ xa hoặc được trợ giúp trong những ca bệnh nhiều khó khăn và nguy hiểm. Các công nghệ kỹ thuật số được tích hợp vào các hệ thống y tế, cho phép có những cải tiến hiện đại, nhanh chóng và chính xác so với các cách cung cấp dịch vụ y tế truyền thống. Ứng dụng “tele-medicine” và nhiều ứng dụng công nghệ số khác nhau cho phép những người sống ở các địa điểm xa các cơ sở y tế vẫn được cung cấp các dịch vụ y tế cần thiết, bằng cách sử dụng điện thoại di động, cổng web hoặc các công cụ kỹ thuật số khác.[24] Trong lãnh vực vận tải, chính kỹ thuật số được ứng dụng trong việc quản lý và điều hướng đã giúp cho việc di chuyển đi lại của con người hôm nay trở nên dễ dàng nhanh chóng hơn, từ đó giúp rút ngắn các khoảng cách địa lý giữa các vùng, các quốc gia, châu lục. Hoặc trong lãnh vực thông tin mua sắm, con người hôm nay rất dễ dàng truy tìm mọi thông tin cần thiết, đặt hàng qua mạng, chọn lựa tất cả những “gói” dịch vụ cần thiết cho cuộc sống với mức giá cạnh tranh có thể so sánh giữa nhiều nhà cung cấp.
Các chương trình giải trí đủ loại ngày càng nhiều và càng dễ tiếp cận qua các phương tiện truyền thông. Chúng ta ai ai cũng có nhu cầu được nghỉ ngơi, giải trí để lấy lại sức lực thể lý và tinh thần sau những giờ học tập, làm việc đầy vất vả; hoặc phải đối diện với nhiều thách đố căng thẳng trong cuộc sống. Cuộc cách mạng trong công nghệ giải trí ngày nay cũng đang biến đổi không ngừng để đáp ứng, với nhiều loại hình mới học hỏi từ các nước khác nhau trên thế giới, khi truyền thông liên lục địa tạo điều kiện cho mọi lối tiếp cận. Vì lợi nhuận khổng lồ, các nhà đầu tư sẵn sàng ký hợp đồng để chuyển giao “trọn gói” các loại hình giải trí từ nước này sang nước khác nhằm đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng. Mạng internet tích hợp các loại truyền thông khác nhau, cho phép chúng ta tìm đọc các loại sách báo và những tin tức mới nhất, lựa chọn phim ảnh hoặc các chương trình truyền hình khác nhau để xem, nghe các loại âm nhạc hoặc chương trình truyền thanh đủ loại… Nhiều clip video giúp tạo động lực cho cuộc sống, hoặc chia sẻ những kinh nghiệm quí trong cuộc sống giúp mọi người vừa giải trí lành mạnh vừa học hỏi được nhiều điều hay. Những sáng tạo không giới hạn của các chuyên gia trong lãnh vực quảng cáo tiếp thị làm cho các chương trình ngày càng đa dạng, phong phú và hấp dẫn, đánh vào nhu cầu và thị hiếu của con người - đặc biệt giới trẻ.
Về mặt sức khỏe, thể dục thể thao và du lịch, các phương tiện truyền thông cũng có nhiều đóng góp to lớn. Con người hôm nay đã qua thời “ăn no mặc ấm”, để theo kiểu sống “ăn ngon mặc đẹp” và “hưởng thụ cuộc đời”. Nhiều chương trình hướng dẫn về cách bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, cách sống và cách ăn uống lành mạnh, những chương trình chỉ cách tập luyện yoga, thiền, cách chọn lựa để tập thể dục hoặc chơi thể thao phù hợp với độ tuổi, giúp cho nhiều người tăng cường sức khỏe thể lý và tinh thần. Khác với thời xưa nhiều người cả đời không bước ra khỏi cổng làng, ngày nay ai ai cũng có thể đi nơi này nơi kia, hoặc “xuất ngoại” rất dễ dàng. Những tour du lịch trọn gói giá rẻ được mời chào trên mọi phương tiện có kết nối với internet. Thêm vào đó, các loại hình du lịch tâm linh cũng đang phát triển và trở thành một xu hướng mới ngày càng phổ biến. Những chương trình này khai thác các yếu tố niềm tin, tôn giáo, văn hóa, những trải nghiệm về tinh thần và cảm xúc đem lại những giá trị lớn lao cho đời sống tinh thần; và thường kết hợp giữa du lịch và hành hương để đến với những địa điểm vừa có ý nghĩa tôn giáo và tín ngưỡng, vừa có cảnh đẹp và được hiểu biết những thông tin về cội nguồn lịch sử, cội nguồn văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng bản địa của các vùng miền trong và ngoài nước. [25]
Trong đời sống Giáo hội, các phương tiện truyền thông ngày càng được sử dụng cách hiệu quả hơn trong việc liên lạc, chia sẻ thông tin, các hoạt động huấn giáo và mục vụ khác nhau. Các phương tiện truyền thông đa dạng đang ngày càng trở thành nơi cung cấp thông tin, các cơ hội mới và kiến thức về tất cả các lãnh vực của đời sống đạo, nhiều tài liệu hữu ích cho việc cầu nguyện, mục vụ, giáo lý, giảng thuyết. Nơi đó cũng đã có nhiều chương trình giáo dục, giao lưu, giải trí phong phú cho thanh thiếu niên và các giới. Mạng internet đang là nơi quảng bá các giá trị, các gương sống, những thông tin giới thiệu về giáo xứ, dòng tu, đoàn thể… Các trang tin Giáo hội, thời sự và tin thế giới, giúp thu hẹp các khoảng cách địa lý và cho phép chúng ta mở ra hòa nhập với cả thế giới trong những sự kiện quan trọng của Giáo hội. Tuy nhiên việc truyền thông các giá trị Tin mừng không chỉ được chuyển tải qua các phương tiện truyền thông hoặc những cử hành phụng vụ và các hoạt động bác ái của Giáo hội, nhưng còn phải được thể hiện nhiều hơn qua những chứng tá cuộc sống của người tín hữu, nhất là khi phải đối mặt với những thách đố do truyền thông mang lại hiện nay.
III. Những thách đố của ngành truyền thông
Trong đời sống Giáo hội hôm nay, các phương tiện truyền thông vừa là cơ hội và cũng vừa là thách đố gay gắt đối với từng cá nhân người Kitô hữu cũng như cả cộng đoàn Giáo hội địa phương trong việc sống đức tin và loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, như một dòng nước chảy xuôi không thể đảo dòng, ngày hôm nay Giáo hội không còn có thể đặt vấn đề là có nên sử dụng các phương tiện truyền thông hay không nữa. ĐHY Tarcisio Bertone có nói với các tham dự viên trong một Hội Nghị Thế Giới về Truyền Hình Công Giáo: “Giáo hội phải sử dụng nó thế nào để hoàn thành tốt hơn và trung thành thi hành mệnh lệnh truyền giáo của chính Chúa Giêsu và làm thế nào có thể đáp ứng một cách thích hợp cho nhu cầu của thời đại chúng ta”.[26] Vì thế chúng ta cần hiểu rõ bản chất những thách đố của truyền thông hiện nay, nhằm đưa ra được những định hướng để tăng cường những giá trị của nó và bớt đi những ảnh hưởng xấu của truyền thông trong đời sống Giáo hội.
1. Vấn nạn sống ảo và mất khả năng tập trung
Ngày hôm nay con người dành quá nhiều thời gian trong không gian ảo trên internet. Các mạng xã hội làm nhiều người đua nhau “selfie” - chụp hình “tự sướng” để khoe với bạn bè về mình. Sự hào nhoáng của “cuộc sống ngàn like” đã khiến không ít người trẻ sa đà vào một cuộc sống ảo và tìm đủ cách “câu like” để cảm thấy mình có giá trị. Nhưng nhiều người còn đi quá trớn, tìm mọi cách để chạy theo những tương quan ảo, gây ra những đổ vỡ trong đời sống gia đình và nhiều vấn đề cho xã hội. Bên cạnh đó trong tương tác mạng, người trẻ thường xuyên lướt web và sử dụng loại “văn hóa zapping”, nghĩa là dùng bộ điều khiển từ xa để bấm chuyển kênh truyền hình liên tục, mà không chú tâm để thu nhận những giá trị. Nhiều người trẻ ngày hôm nay không có khả năng suy tư chiều sâu mà chỉ có những suy nghĩ rất nông cạn hời hợt, bởi vì họ không phát huy văn hóa đọc sách mà chỉ thích vào mạng lướt web và đảo qua đảo lại giữa nhiều trang khác nhau. Họ chỉ chú trọng một số hình ảnh và tựa đề lớn, rất ít khi dành thời gian để đọc kỹ và đào sâu những chủ đề quan trọng. Những thói quen đó khiến họ giảm sút khả năng tập trung, trở nên lười biếng, không còn quan tâm mài dũa trí nhớ của mình vì nghĩ rằng có thể lưu trữ mọi thông tin trong máy tính hoặc điện thoại di động. Điều này gây nên lối sống tùy tiện, dễ cô lập bản thân, hay phản ứng vội vàng, khó dừng lại suy tư sâu sắc. Ðức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông huấn hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Christus Vivit - Chúa Kitô Ðang Sống - có nói: “Chúng ta có thể vừa lướt xem hai hoặc ba màn hình, đồng thời lại vừa tương tác với các khung cảnh ảo khác. Nếu không biết khôn ngoan phân định, chúng ta có thể dễ dàng trở thành những con rối phó mặc cho những trào lưu chóng qua” (Christus Vivit, số 279). Vì thế, việc huấn luyện sự phân định cho người trẻ rất cần thiết trong xã hội hiện đại hôm nay, nhất là khi họ hiện diện, tương tác trong mạng internet và các môi trường truyền thông.
2. Vấn nạn tin giả và các thông tin sai lệch
Sứ điệp truyền thông năm 2018 nhắc đến hiện tượng tin giả, vì ngày nay tin giả đang tràn lan trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội, và gây ra rất nhiều hệ lụy đáng tiếc. Đức thánh cha Phanxicô đã phê phán lối truyền thông bóp méo sự thật, và đề cao cách sử dụng truyền thông như là phương tiện để xây dựng nền hòa bình cho nhân loại. Ngài vạch rõ những thông tin sai lệch thường dựa trên những luận điệu cố ý gây hiểu lầm một cách quanh co và xảo quyệt, và đôi khi còn sử dụng cả các cơ chế tâm lý tinh vi với ngôn ngữ lừa dối, có thể làm đen tối cuộc sống nội tâm của chúng ta.[27] Tông huấn Christus Vivit (Đức Kitô đang sống) đề cập đến việc thế giới số đã tạo nên một cách thế thông tin mới, “tạo điều kiện cho sự phát tán những tin tức giả và thông tin sai lạc, kích động thành kiến và ghen ghét, khiến danh tiếng của nhiều cá nhân bị lâm nguy qua những bài viết xét đoán nông cạn trên mạng, Giáo hội và các vị mục tử cũng không thoát khỏi hiện tượng này” (số 89). Dịch bệnh Covid-19 vừa qua đã là dịp thuận tiện để tin giả bùng phát với quy mô chưa từng thấy trên thế giới và cả ở Việt Nam, nhiều thông tin phỉ báng, kích động sự thù hận, bạo lực, gây hoang mang và hoảng loạn cho xã hội được chia sẻ lại bằng nhiều cách khác nhau trên các trang mạng xã hội. Bên cạnh đó, còn có việc phát tán những thông tin vu khống, bịa đặt nhằm bôi nhọ cá nhân và tổ chức, các loại thư rác, và những thông tin không rõ nguồn gốc… Nhiều kẻ xấu lợi dụng tính nặc danh, ẩn danh và quyền riêng tư trên mạng để dùng ngôn ngữ phỉ báng, chửi bới hay hạ uy tín người khác. Giáo hội đã trở thành nạn nhân của tin giả và mục tiêu cho những kẻ đưa các thông tin sai lệch liên quan đến các vấn đề như lạm dụng tình dục, kết hôn đồng tính, giáo lý của Giáo hội, nghi thức phụng vụ, đời tu… nhằm công kích hàng giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ, và cả Đức thánh cha Phanxicô cũng đã từng là mục tiêu cho các thông tin nguy hiểm này.
3. Những lạm dụng trên không gian mạng
Ngày nay có nhiều loại tội phạm mới trên internet, nhất là các tội phạm trong ngành tài chính ngân hàng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các nhóm tội phạm mạng đang ngày càng phổ biến, chúng khủng bố mạng, tấn công vào các trang thông tin điện tử và dịch vụ trực tuyến, phá hoại dữ liệu, phát tán mã độc hại và virus máy tính, xâm nhập để nắm quyền kiểm soát hệ thống quản trị và lấy cắp thông tin… Mặc dù đã được cảnh báo về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao, nhưng những vụ lừa đảo qua mạng vẫn liên tục xảy ra do những thủ đoạn ngày càng tinh vi, và nhiều kịch bản ngày càng hoàn hảo hơn trước. Những thông tin lừa đảo thường được phát tán qua điện thoại, email và các mạng xã hội. Nhiều người cả tin và ham tiền chạy theo những tin trúng thưởng giả mạo, hoặc bị đe dọa nên nói ra các thông tin về tài khoản, từ đó kẻ gian rút hết tiền của họ. Nạn cờ bạc, cá độ qua mạng internet đang gây xáo trộn cho nhiều cá nhân và gia đình. Không gian mạng cũng là nơi có các loại tệ nạn xã hội, buôn các loại hàng cấm, mua bán hàng giả hoặc hàng kém chất lượng, và các quảng cáo lừa đảo gây rối trật tự an toàn xã hội. Do tiếp cận Internet không đúng cách và để lộ thông tin cá nhân, hoặc do bị bạn bè xấu lôi kéo, nhiều trẻ em và phụ nữ có nguy cơ rơi vào bẫy của các đường dây buôn người, hoặc bị xâm hại, trở thành nạn nhân của bạo lực và các tệ nạn xã hội. Nạn bạo hành và bắt nạt qua mạng cũng đang xảy ra nhiều nơi, nhất là trong đối tượng học sinh sinh viên, nhiều khi dẫn đến stress, trầm cảm và thậm chí gây ra việc tự tử. Hiện tượng đạo văn, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đánh cắp công nghệ, tài sản trí tuệ, đánh cắp bản quyền trên Internet cũng ngày càng gia tăng.
4. Những trang web xấu làm suy đồi đạo đức
Mạng internet là một môi trường rất tự do không có sự kiểm soát nào; bên cạnh đó đặc tính hai mặt của công nghệ Internet đang là thách thức lớn đối với người sử dụng mạng và cả những người có trách nhiệm. Hiện nay có nhiều trang web tốt nhưng cũng không thiếu những trang web đen với những nội dung khiêu dâm, bạo lực và những đường dây trá hình. Chúng đang làm nhiều người bị tha hóa và có lối sống bệnh hoạn vì tiếp xúc với những thông tin hình ảnh không lành mạnh. Nhiều trang còn tìm những chiêu trò để dụ dỗ, bắt cóc, gây rối, tống tiền và đe dọa đến tính mạng người khác. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn nhận định về phương tiện truyền thông internet như sau:
Internet là phương tiện thông tin đầy uy lực và ngày càng phổ biến vì được kết nối với nhiều phương tiện khác như điện thoại di động, truyền hình… vì thế, việc học hỏi cách sử dụng là điều đáng khuyến khích và cần thiết trong thời đại hiện nay. Nhưng nếu người sử dụng không được đào tạo về mặt đạo đức và nhân bản, họ sẽ dễ dàng chiều theo những cuốn hút đầy ma lực của những trò giải trí rẻ tiền, đề cao bản năng, thú tính, hoặc khơi dậy tính tò mò trong những trang web khiêu dâm đầy trên mạng Internet.[28]
Nhiều loại hình truyền thông xấu đang đe dọa đời sống luân lý và đạo đức con người. Việc đua theo những trào lưu vô cảm cũng đang biến các trang mạng xã hội thành những cái bẫy nguy hiểm cho người sử dụng, từ đó lối sống thực dụng, đề cao chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tiêu thụ ngày càng lên ngôi. Nhiều người đã trở nên thờ ơ, lãnh đạm, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mình, không hề động lòng trước những nỗi đau của người khác, cũng không hề phẫn nộ trước những tệ nạn xã hội xảy ra trước mắt.[29] Tình trạng đáng nói là các tội phạm giết người ngày càng trẻ hóa và mất tính người, có cả những chuyện đáng buồn như học sinh đánh thầy cô giáo hoặc con cái hành hung cha mẹ. Những hình ảnh vô cảm và thiếu đạo đức của giới trẻ được đưa nhiều lên các phương tiện truyền thông, nhưng người chứng kiến thường bàng quan xem, hoặc thậm chí còn cổ vũ, ủng hộ cho những hành động vô đạo đức và thiếu văn hóa đó. Học từ truyền thông, nhiều người trẻ dễ dàng sống thử trước hôn nhân, phá thai, chơi ma túy, cờ bạc… Nạn vô cảm và suy thoái đạo đức đang là thách đố lớn lao cho các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ và những người có trách nhiệm trong xã hội.
5. Vấn đề “nghiện ngập” truyền thông
Việc tiêu tốn quá nhiều thời gian trên mạng không chỉ ảnh hưởng đến học tập, công việc và đời sống, mà còn khiến con người ngày càng lệ thuộc vào nó. Ngày nay rất nhiều bạn trẻ để cho mình bị chao đảo do các loại nghiện ngập khác nhau như nghiện phim, nghiện game, nghiện mạng xã hội. Lối sống dửng dưng và chủ nghĩa cá nhân ích kỷ được củng cố bởi các loại hình truyền thông thiếu lành mạnh, khiến nhiều người trẻ đắm chìm trong không gian ảo của mạng internet mà không biết dành thời gian cho những tương quan thực trong cuộc sống. Nhiều người bị “nghiện mạng” đến mức bị nó điều khiển, phụ thuộc vào nó, muốn hạn chế thời gian mà không làm được. Nhiều người lại “nghiện” thu thập các loại hình văn hóa khác nhau, những sách mới, những đầu phim và những bài viết hay, nhưng rồi chỉ để đó khoe là mình có nhiều, mà không làm giàu tri thức cho mình. Ngoài ra, việc lệ thuộc vào các phương tiện truyền thông còn gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gây nên bệnh khô mắt, xương khớp thoái hóa, rối loạn ăn uống, bệnh béo phì và tim mạch, mất ngủ, trầm cảm. Chúng ta cần có sự khổ chế khi tham gia truyền thông, biết suy nghĩ chín chắn và kỷ luật bản thân để không trở thành kẻ tiêu thụ thuần túy và bị các phương tiện truyền thông điều khiển. Tinh thần phê phán lành mạnh và khả năng phản tỉnh giúp chúng ta biết chọn lựa cách cẩn thận và sáng suốt các chương trình truyền thông, để tránh những nguy hại cho mình. Thánh Phaolô tông đồ có nói: “Hãy cân nhắc mọi sự, điều gì tốt thì giữ lấy, còn điều xấu thì dưới bất kỳ hình thức nào cũng phải tránh cho xa” (1Tx 5, 20).
6. Vấn nạn từ những tiến bộ công nghệ thời 4.0
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được hình thành trên nền tảng của cuộc cách mạng số, với những đột phá về công nghệ mới như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, sinh học, vật liệu mới; điều đó đang tạo ra những tác động sâu sắc và lớn lao trên nhiều lãnh vực, tạo ra những cơ hội tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức rất lớn trên mọi mặt của đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu như nguy cơ gia tăng khoảng cách giàu nghèo, nạn thất nghiệp, vấn đề xung đột và an ninh quốc gia.[30] Trong đời sống đạo, đã có những ứng dụng quản lý nhân sự và điều hành các hoạt động từ máy tính có nối mạng internet, cho phép điều khiển mọi sinh hoạt của Giáo hội. Các chương trình này được tạo lập sẵn giúp người theo dõi biết được ai - đang làm gì - ở đâu, hoặc những chi tiết về các thu chi tài chánh, chi phí của từng loại hoạt động khác nhau, những công việc đang được thực hiện như thế nào… Nhưng nhiều khi cách quản trị máy móc đó làm mất đi cảm tính và các mối tương quan giữa con người với nhau, đe doạ tính bảo mật, có thể đẩy mạnh đến nhiều thái cực khác trong một thời đại có nhiều điều bất ngờ không thể đoán trước được. Hơn nữa khi nhiều loại công việc được thay thế bằng robot hoặc các cơ chế tự động khác nhau, thì con người bị loại ra, họ không còn có những sáng kiến mục vụ và tình người dễ trở nên nghèo nàn.
Đức thánh cha Phanxicô cũng đề cập đến các công nghệ mới nổi lên và công nghệ hội tụ với sự âu lo, vì những thay đổi mang tính thời đại này có nguy cơ làm nảy sinh nhiều vấn đề xung đột về pháp lý, xã hội, đạo đức, sinh học, và xúc phạm đến nhân phẩm con người:
“Nhờ kết quả có được từ vật lý, di truyền và khoa học thần kinh, cũng như khả năng tính toán ngày càng mạnh mẽ, giờ đây việc can thiệp sâu vào các tế bào sống trở nên có thể. Ngay cả cơ thể con người cũng là đối tượng can thiệp, nó có khả năng sửa đổi không chỉ các chức năng và khả năng, mà cả những cách thức liên quan đến cấp độ cá nhân và xã hội.”[31]
Do đó, cần làm thế nào để công nghệ mới phục vụ con người, đồng thời tôn trọng và cổ võ phẩm giá nội tại của tất cả mọi người. Với nhiều loại phần mềm mới, những chương trình hội tụ của thế hệ công nghệ 4.0 đang dần dần nắm hết quyền hành. Điều đáng sợ là chúng sẽ đặt nhiều chú ý vào việc quản trị điều hành, có nguy cơ biến Giáo hội thành một tổ chức dân sự với những cơ cấu và trật tự hoàn toàn khác. Mọi cái đều được lập trình và quá thuần lý trí đến độ không còn quan tâm đến những cảm xúc của con người hoặc những hoàn cảnh khác nhau trong đời sống của Giáo hội. Những chương trình này được điều khiển bằng bộ não thông minh và quản lý qua công nghệ thông tin, gây ra nhiều ảnh hưởng cho việc kết nối cộng tác trong Giáo hội. Từ đó những phương tiện của công nghệ truyền thông mới gây ra nhiều ảnh hưởng xấu trong các tương giao giữa mọi thành phần dân Chúa, dẫn đến hệ quả là mục vụ bị bóp méo. Chúng ta cần dựa trên những quan điểm của Giáo hội về truyền thông xã hội để tìm cách đáp trả cho các thách đố hiện nay.
IV. Những quan điểm chính của Giáo hội về truyền thông
Trong đời sống của Giáo hội, nhất là từ sau Công Đồng Vatican 2, lãnh vực truyền thông xã hội được quan tâm một cách đặc biệt. Những suy tư nghiên cứu mới của ngành thần học truyền thông cho phép xem xét lại lịch sử cứu độ và các môn ngành thần học khác dưới nhãn quan truyền thông. Thần học truyền thông bắt nguồn từ chính việc truyền thông nội tại dẫn đến sự hiệp thông trọn hảo giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, Đấng tự truyền thông chính mình, để tỏ lộ tình yêu thương, chia sẻ sự thiện hảo và hướng cả vũ trụ này về sự hiệp thông. Có thể nói rằng truyền thông xảy ra trong không gian và trong thời gian của lịch sử cứu độ, nơi đó chính Đức Giêsu Kitô là trung tâm điểm, là mẫu mực căn bản và là nhà truyền thông hoàn hảo. Như thế, truyền thông là một ý niệm thần học đặt nền tảng trên mạc khải Kitô giáo, bao gồm mọi hiểu biết về Thiên Chúa và vũ trụ, được chuyển tải cho chúng ta qua Thánh Kinh, và Thánh truyền và Huấn quyền của Giáo hội. Việc truyền thông này có thể đến với từng cá nhân nhưng vẫn mang chiều kích cộng đoàn; và hướng mỗi tín hữu đến sự hiệp thông với Thiên Chúa ngang qua cộng đoàn Giáo hội. Qua số 18 trong Sắc lệnh Inter Mirifica về Truyền thông Xã hội, Công đồng Vatican II đã thiết lập Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội. Vì thế, hằng năm các Ðức Thánh Cha đều soạn và gởi đi một Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội, được cử hành vào Chúa nhật Lễ Chúa Thăng Thiên. Ngày này được chọn vì trước khi về trời Chúa Giêsu đã sai gởi Giáo hội đi truyền thông Tin mừng cho toàn thế giới. Trong số các vị lãnh đạo Giáo hội toàn cầu khoảng 60 năm qua, phải kể đến Ðức Thánh giáo hoàng Gioan XXIII, Ðức Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, và Ðức giáo hoàng Phanxicô, là các vị đã đưa ra cho toàn Giáo hội những quan điểm đúng đắn, rõ ràng và trổi vượt trong lãnh vực truyền thông.
Ðức Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII chính là mẫu gương và bậc thầy của các nhà lãnh đạo, Ngài là người am hiểu tường tận, và có khả năng vận dụng rất tốt các phương tiện truyền thông. Mặc dù được bầu chọn làm Giáo hoàng khi đã 77 tuổi, khiến nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là một triều đại tạm thời và chuyển tiếp, nhưng chính ngài đã triệu tập Công đồng Vatican II, mở cánh cửa Giáo hội ra với thế giới, và đem một luồng sinh khí mới vào đời sống của Giáo hội. Ngay sau ngày được bầu chọn, ngài đã gửi cho thế giới một thông điệp qua đài phát thanh, ngài cũng dành thời gian gặp gỡ giới báo chí và các vị Hồng Y còn ở Rôma chưa về lại, để hỏi han về những gì họ ưu tư nhất. Từ đó ngài đã phác thảo chương trình cho một Công đồng quan trọng nhất trong lịch sử. Nhờ các phương tiện truyền thông, Đức Thánh giáo hoàng Gioan XXIII đã đến được với công chúng bằng sự cởi mở, khôi hài, nhân bản, niềm nở, khiêm tốn, tự phát, năng nổ, rõ ràng và trực tiếp.[32] Ngài mời gọi Giáo hội đối thoại với thế giới thay vì lên án và công kích; ngài hiểu rõ và biết cách sử dụng những phương tiện truyền thông đại chúng để truyền đạt các sứ điệp của mình, bao gồm các bài giảng, bài huấn dụ, sứ điệp vào các dịp lễ lớn, các tự sắc, thông điệp, tuyên ngôn… Ngài xem các văn kiện đó là những phương tiện quan trọng mà ngài sử dụng để truyền đạt sứ điệp của ngài cho cả Giáo hội và thế giới.[33] Ngày 24.11.1960, Ðức Gioan XXIII đã ban hành Sắc chỉ Venerabilium Nostrorum, quyết định thiết lập Hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam. Chưa đầy 2 tháng sau, ngày 14.1.1961, ngài lại gởi Tông thư Jam in Pontificatus cho Hàng Giáo phẩm, đưa ra nhiều chỉ dẫn và định hướng cho Giáo hội Công giáo tại Việt Nam.[34]
Ðức Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II được xem là vị giáo hoàng của Truyền thông, một con người biết mở lòng ra với Thiên Chúa, với tha nhân, với chính mình, và cũng không ngừng mời gọi toàn thế giới “Đừng sợ hãi”, hãy mở toang cửa cho Chúa Kitô…[35] Ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên hiện diện trên trang web và tự mình lên mạng gởi các thông điệp cho cả thế giới. Ngài luôn ý thức được sức mạnh lớn lao của truyền thông kỹ thuật số, và định nghĩa các phương tiện truyền thông này là nơi họp chợ, “Areopagus” đầu tiên của thời hiện đại. Ngài nhắc lại rằng Giáo hội sẽ có lỗi trước mặt Chúa nếu không tận dụng các phương tiện truyền thông mạnh mẽ này, và nhấn mạnh “chỉ sử dụng chúng để truyền bá thông điệp Kitô giáo và Giáo huấn của Giáo hội thôi thì chưa đủ, nhưng cần tích hợp chính thông điệp vào nền văn hóa mới được hình thành bởi các phương tiện truyền thông hiện đại”[36]. Ngài cũng gây ý thức và mời gọi các tín hữu, đặc biệt những ai dấn thân trong lãnh vực truyền thông: “Internet là một diễn đàn mới để loan báo Tin Mừng, cần làm thế nào để từ giải ngân hà hình ảnh và âm thanh đó, khuôn mặt Ðức Kitô hiện lên và tiếng nói của Ðức Kitô được nghe thấy, nên Giáo hội cần dũng cảm ra khơi trong biển sâu là mạng máy tính”.[37] Những văn kiện về truyền thông của ngài rất súc tích, có một tầm nhìn rộng và vẫn đang là những hướng dẫn cho mọi thành phần trong Giáo hội hiện nay trong việc hiểu biết và sử dụng truyền thông cách đúng đắn.
Ðức giáo hoàng Phanxicô cũng là một chuyên gia tuyệt vời về truyền thông. Ngài gây ý thức cho mọi người và truyền thông Tin mừng bằng chính cuộc sống của mình. Trong thời gian Đại dịch Covid-19, ngài đã mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho giới truyền thông và nhắc nhở rằng môn đệ Chúa Giêsu là người tự do, là người để Chúa Thánh Thần hướng dẫn: “Hôm nay, tôi muốn cầu nguyện cho tất cả những ai đang làm việc trong ngành truyền thông. Nhờ có họ mà mọi người không quá bị cô lập, trẻ em được giáo dục, mọi người có được thông tin, giúp chịu đựng thời gian bị đóng kín này”.[38] Ngài mời gọi các nhân viên Truyền thông Tòa Thánh truyền thông bằng chứng tá, bằng cuộc sống, loan truyền sự thật, và truyền thông như các vị tử đạo chứ không chiêu dụ tín đồ. Đức giáo hoàng Phanxicô cũng nhận định rằng những trang mạng đang tạo nên một cơ hội đặc biệt để đối thoại, gặp gỡ và trao đổi với nhau, cũng như để tiếp cận thông tin và tri thức. Trong Tông huấn Christus Vivit, số 87, Ngài viết: “Internet và các mạng xã hội đã tạo ra một cách thức mới để truyền thông và thiết lập tương quan, đó là nơi giới trẻ dành rất nhiều thời gian và gặp gỡ nhau dễ dàng, mặc dù không phải mọi người đều có thể truy cập cùng một cách như nhau”. Ngài ý thức nguồn gốc của truyền thông là chính Thiên Chúa, vì thế các nhà truyền thông phải học cách của Thiên Chúa, biết chuyển tải thông tin với toàn thể con người mình và với tất cả những phương tiện có được.
Ngày hôm nay, người Kitô hữu cần biết rõ mặt trái và các ảnh hưởng của truyền thông, cũng như các lập trường và những hướng dẫn của Giáo hội. Nhờ đó, họ có thể sử dụng các phương tiện truyền thông cách hữu hiệu cho công cuộc truyền giáo, giúp bênh vực người nghèo và thăng tiến xã hội, đồng thời chống lại những thói tục, thể chế, hệ thống làm tha hóa con người. “Thách đố lớn nhất của thời đại chúng ta đối với các tín hữu và tất cả những người thiện chí là làm sao duy trì được sự truyền thông trung thực và tự do để giúp củng cố tiến bộ toàn diện trên thế giới” (Tông thư Sự Phát Triển Nhanh Chóng, số 13). Các Văn kiện chính thức của Giáo hội về Truyền Thông, các Sứ điệp của các Đức giáo hoàng cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội hằng năm và cả các tài liệu về một số cuộc họp của Văn phòng Truyền Thông Xã Hội - Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu ngày nay đã được phổ biến rộng rãi trên mạng. Đó là những Giáo huấn liên quan đến truyền thông xã hội và lập trường của Giáo hội trước những ảnh hưởng của truyền thông trong thế giới hôm nay. Ngoài ra, đó cũng là những hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng các phương tiện truyền thông hôm nay nhằm đem lại nhiều ích lợi cho công cuộc Loan Báo Tin Mừng cũng như đời sống của mỗi cá nhân.
V. Định hướng cho ngành truyền thông Công giáo tại Việt Nam
Suốt 60 năm qua, ngay trong những thăng trầm của cuộc sống có rất nhiều thách đố, hàng Giáo phẩm Việt Nam đã nỗ lực hướng dẫn người tín hữu sống đạo giữa lòng dân tộc. Điều quan trọng hiện nay là làm sao để có thể dùng phương tiện truyền thông cho những giá trị tích cực và để kết nối thay vì gây chia rẽ phá hoại. Nếu truyền thông không loan báo Tin mừng và không chuyển tải những giá trị tốt đẹp thì nó sẽ trở thành công cụ cho những thế lực xấu. Vì thế ngày hôm nay mọi thành phần trong Giáo hội cần phải hiểu rõ bản chất của truyền thông, hiểu biết về Linh đạo truyền thông và Luân lý truyền thông, cũng như những cách thức để sử dụng truyền thông cho việc chuyển tải Tin mừng và các giá trị. Người làm truyền thông cần trưởng thành trong đời sống đức tin, có khả năng biện biệt, biết chọn lựa rõ ràng để có thể vào mạng mà không “mất mạng”. Đặc biệt, họ cần có khả năng hợp tác, sự nhạy bén và sáng tạo để biết chuyển tải những nội dung cần thiết, giúp thăng tiến người trẻ và kết nối con người với nhau, đồng thời gây ý thức cho người sử dụng truyền thông.
Hoạt động truyền thông hôm nay diễn ra trong một thời đại xảy ra nhiều khủng hoảng mới và nhiều điều bất ngờ không thể đoán trước được. Có nhiều vấn đề Giáo hội phải đối phó, như sự tấn công của các loại truyền thông xấu, của những loại tin giả, lừa đảo, gây hấn, vu khống và trình bày một bộ mặt Giáo hội rất đen tối, làm lung lay nền tảng đạo lý của người tín hữu. Nó đưa ra những tin tức về những vụ ấu dâm, những cảnh nhà thờ hoặc ảnh tượng bị đập phá, cả những cảnh người tin hữu bị bắt bớ và hàm ý rằng có những gì không hay người ta mới phải chống đối đập phá như vậy. Giáo hội cần đầu tư và tận dụng những giá trị của truyền thông để giúp người tín hữu có một đức tin sâu sắc và không bị những phản chứng làm lung lạc. Để có thể làm được điều này cần rất nhiều nỗ lực và sự hợp tác của nhiều người, nhất là những ai có trách nhiệm trong Giáo hội.
1. Đầu tư cho việc đào tạo nhân sự truyền thông
Thế giới ngày hôm nay có những loại khủng hoảng mới mà không ai biết trước, khiến cho con người nhiều khi trở thành thụ động trước những biến chuyển đáng lo ngại của thời đại. Vì thế Giáo hội cần có những nhà truyền thông giỏi, có khả năng gây ý thức cho các vị lãnh đạo cộng đoàn và những người lấy quyết định trong Giáo hội trước những đổi thay nhanh chóng và phức tạp trong thời đại truyền thông mới, và đáp ứng cho nhu cầu tích hợp các công nghệ truyền thông vào thừa tác vụ của Giáo hội. Nếu không đầu tư đào tạo con người và không biết đặt ưu tiên cho yếu tố con người, thì dù có nhiều phương tiện tốt và nhiều kiến thức đến đâu đi nữa cũng không thể thực hiện được mục tiêu. Do đó trong kế hoạch mục vụ theo viễn tượng truyền thông và truyền giáo, việc đào tạo nhân sự phải là ưu tiên hàng đầu. Việc đào tạo nhân sự không chỉ là trang bị những hiểu biết về kỹ thuật truyền thông, về thần học hay giáo lý, mà trước tiên phải có những con người đầy tràn niềm vui của Tin Mừng, đầy xác tín và hạnh phúc vì đã gặp được Chúa và có kinh nghiệm về tình yêu cứu độ của Chúa.[39] Giáo hội cần quan tâm đến việc đào luyện về truyền thông ở cả 3 cấp độ: dài hạn, ngắn hạn và phổ quát cho mọi người.
Để đầu tư dài hạn cho việc đào luyện các chuyên viên làm việc lâu dài trong lãnh vực truyền thông, cần chọn cách cẩn thận những người trẻ, có khả năng phù hợp và những phẩm chất nội tâm hơn là người chỉ giỏi về kỹ thuật. Cần nhận ra nơi họ các thái độ cơ bản mà mọi việc đào luyện phải lưu ý, là khiêm nhường, yêu thương và kiên nhẫn, kính trọng, lắng nghe, tin tưởng, biết quan tâm đến sự khác biệt của người khác và luôn nói sự thật trong bác ái.[40] Hiện nay nhiều trường Đại học Công giáo trên thế giới có Khoa Truyền thông rất tốt, như tại Manila, Roma, Mỹ… Việc đào luyện người làm công tác truyền thông mục vụ và truyền giáo phải giúp họ hoàn toàn thành thạo trong nhiệm vụ này. Công đồng Vatican II nêu rõ trong Sắc lệnh Inter Mirifica: “Phải đào tạo đúng lúc những linh mục, tu sĩ và giáo dân để họ có đầy đủ kinh nghiệm thích đáng trong việc sử dụng những phương tiện này vào mục đích tông đồ” (IM, số 15). Chúng ta không được để cho phương tiện chi phối nội dung và định hướng của các chương trình truyền thông Công giáo. Trước những thách đố về truyền thông hiện nay, người làm truyền thông phải được chuẩn bị để hoạt động cho cả những người giàu thông tin lẫn những người nghèo thông tin. Huấn thị Mục vụ Thời Đại Mới “Aetatis Novae” của Hội Đồng Giáo Hoàng Về Truyền Thông Xã Hội cũng nêu rõ rằng họ cần biết cách thức mời gọi những người khác đối thoại, và tránh thứ truyền thông nhuốm vẻ thống trị, lèo lái, lợi lộc cá nhân (x. số 18). Theo khuôn mẫu và chuẩn mực của nhà truyền thông hoàn hảo là Chúa Giêsu, họ phải hướng đến phục vụ con người, xây dựng cộng đồng nhân loại trong liên đới, công bằng và bác ái, nói ra sự thật về đời sống con người và sự hoàn thành chung cuộc đời sống ấy trong Chúa, đó mãi mãi sẽ là nội dung đạo đức học trong lĩnh vực truyền thông (x. số 33).
Việc đào luyện ngắn hạn về truyền thông là những Khóa Hội thảo, Bồi dưỡng, học hỏi ngắn ngày, trong hoặc ngoài nước, nhằm trang bị những hiểu biết cần thiết cho những người đang làm việc trong lãnh vực truyền thông, các cộng tác viên hoặc những người đã lớn tuổi. Đó cũng có thể là những môn học được lồng ghép trong chương trình của các Đại chủng viện, các học viện, các trường học, và các chương trình giáo dục ở mọi cấp, nhằm cung cấp những khóa học về truyền thông cho những nhóm khác nhau - các chủng sinh, các linh mục, các sư huynh và các nữ tu, các nhà lãnh đạo giáo dân, các thầy cô giáo, các bậc cha mẹ và học sinh.[41] Hiện nay tại các giáo phận đều có những chương trình đào tạo khác nhau về truyền thông được tổ chức hằng năm cho những người làm truyền thông, hoặc những chương trình thường xuyên tại các Trung tâm Mục vụ, các Học viện Liên Dòng, cũng như các chương trình riêng lẻ cho các nhóm truyền thông hoặc các Dòng tu, Hội đoàn…, rất hữu ích cho việc tham gia thực hiện các chương trình, hoặc sử dụng các phương tiện truyền thông. Cũng cần đầu tư thích đáng cho các văn phòng truyền thông và phương tiện cần thiết cho các nhân viên truyền thông, tuy nhiên việc tổ chức và nội dung truyền thông quan trọng hơn các phương tiện. Nếu có những nội dung tốt và muốn thể hiện chúng qua những chương trình truyền thông, chúng ta rất dễ dàng tìm nhân sự hợp tác thực hiện, như những người lo về quay phim, chụp hình hay biên kịch, dựng phim để nó trở thành những chương trình có giá trị.
Bên cạnh đó, việc đào luyện phổ quát cho mọi người về truyền thông cũng cần được chú trọng thực hiện ở nhiều cấp. Việc tổ chức cử hành Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội hằng năm và học hỏi Sứ Ðiệp Ngày Truyền Thông của các Ðức Thánh Cha là một cơ hội tốt cho tất cả những ai tham dự, để cập nhật những hiểu biết và các giáo huấn truyền thông của Giáo hội. Đặc biệt, những người trẻ cần được học biết không phải chỉ để trở nên người Kitô hữu tốt khi họ là những người tiếp nhận truyền thông nhưng còn phải tích cực trong việc sử dụng tất cả các trợ giúp truyền thông trong các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhờ thế, họ sẽ là những công dân thực sự của thời đại truyền thông xã hội.[42] Nên có nhiều chương trình học hỏi trên mạng internet hoặc trong sách báo để mọi người biết sử dụng phương tiện truyền thông cách đúng đắn, có khả năng phán đoán sắc bén theo những tiêu chuẩn luân lý lành mạnh, biết phê phán và phân biệt, nắm vững những nguyên tắc cơ bản chi phối phương tiện truyền thông để có thể tận dụng chúng làm giàu cho trí óc và tâm hồn.
2. Hiện diện, đồng hành và hướng dẫn người trẻ trong các mạng truyền thông mới
Việc đồng hành với giới trẻ trên mạng cũng là nhu cầu quan trọng mà ngày nay Giáo hội cần chú ý, vì nhiều người trẻ có những khó khăn trong cuộc sống và thường xuyên ở trên mạng. Khi gặp nhiều vấn đề khó biện biệt hoặc muốn chọn tìm những chương trình hữu ích trên mạng, họ thường không có được sự hướng dẫn chắc chắn từ những vị Mục Tử hoặc những Kitô hữu có uy tín. Vì vậy họ dễ chạy theo những thị hiếu chung và tìm những chương trình đáp ứng cho những khuynh hướng nhất thời, hoặc chiều theo những đam mê xấu xa dễ dãi của mình. Theo Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, giới trẻ chính là thành phần tiếp cận các phương tiện truyền thông hiện đại nhiều nhất, nhưng có rất nhiều nguy cơ như bị chìm trong đại dương thông tin, không có chuẩn mực để đánh giá; từ đó họ có cái nhìn phiến diện và lệch lạc về cuộc sống, dẫn đến lối sống không lành mạnh.[43]
Khủng hoảng niềm tin đang xảy ra nơi nhiều người trẻ ngày hôm nay vì đức tin suy yếu và lòng đạo đức bị mai một, đó là hệ quả của chủ nghĩa cá nhân thực dụng và chủ nghĩa hưởng thụ. Khi được hỏi về vấn đề cầu nguyện, hầu hết các bạn trẻ công giáo hôm nay đều trả lời là họ không quan tâm hoặc không có thời giờ, họ chỉ quan tâm đến bằng cấp, sự nghiệp, môi trường, sức khỏe và hưởng thụ.[44] Ngày nay cũng có nhiều khuynh hướng rất lạ; giới trẻ thích những bài hát người lớn không thể nào hiểu được, nội dung không thể hiện tính logic hoặc cổ võ những điều không phù hợp với văn hóa, như bài “Em sai rồi, Anh xin lỗi em đi”[45]; hoặc một bài hát khác “Độ ta không độ nàng”[46]. Vì thế các nhà truyền thông Công giáo cũng cần hiểu biết thị hiếu của giới trẻ hôm nay và tìm cách tạo ra những sản phẩm có nội dung lành mạnh đáp ứng cho nhu cầu của họ.
Việc phân định rất quan trọng đối với các bạn trẻ hôm nay để giúp họ biết chọn đúng khi sử dụng các phương tiện truyền thông. Họ cần ý thức trách nhiệm cá nhân khi tham gia vào lãnh vực truyền thông rộng lớn, và hiểu được tính hai mặt của truyền thông, vì mọi phương tiện sáng tạo đều có thể được sử dụng để làm điều tốt hoặc điều xấu. Khả năng sáng tạo mà Thiên Chúa ban cho chúng ta có thể được sử dụng cho mục đích tích cực hoặc tiêu cực: “Tôi có thể sử dụng điện thoại để gọi và gửi cho bạn những lời động viên khích lệ nồng ấm, hoặc cũng có thể tôi gọi bạn để văng ra những lời dâm ô tục tĩu”.[47] Vì thế việc hiện diện, đồng hành và hướng dẫn người trẻ trong các mạng truyền thông mới phải là một ưu tiên của Giáo hội hôm nay, để giúp họ chọn lựa các giá trị và vun trồng đạo đức, đồng thời mời gọi họ tham gia vào các hoạt động mục vụ bác ái của Giáo hội, và đi đến với người nghèo. Ðức Thánh Cha Phanxicô thường xuyên nhắc tới những người ở ngoại vi của cuộc sống: những người bị gạt ra bên lề xã hội, những kẻ bị loại trừ, những người không có những điều kiện sống xứng đáng với nhân phẩm, những người nghèo đói bệnh tật về thể xác cũng như tinh thần. Theo ngài, điều Hội Thánh ngày nay cần hơn cả là khả năng chữa lành các vết thương và sưởi ấm tâm hồn các tín hữu, là Hội Thánh cần sự gần gũi, cận kề. “Tôi nhìn Hội Thánh như một bệnh viện dã chiến sau một trận đánh. Phải chữa ngay vết thương của họ đã, rồi mới nói tới những chuyện khác. Chữa lành các vết thương, chữa lành các vết thương...”[48] Bản thân nhiều bạn trẻ cũng cần được giúp tư vấn để chữa lành vì họ phải trải qua nhiều áp lực, tổn thương trong gia đình và ngoài xã hội. Cần có các địa chỉ uy tín giúp họ tiếp cận dễ dàng khi có những vấn đề cuộc sống.
Qua các phương tiện truyền thông Giáo hội cũng có thể gây ý thức, giúp người trẻ biết cách sử dụng mạng internet hiệu quả và biết tự giới hạn để có thời giờ cho các hoạt động khác. Cần có những bài viết hoặc video clip hướng dẫn cách sắp xếp hợp lý thời gian làm việc, học tập và vui chơi giải trí; cách vun đắp các tương quan trong đời sống gia đình, cách chia sẻ, yêu thương và học hỏi những điều hay từ bạn bè trong đời sống thực. Cũng cần những hướng dẫn đầy thuyết phục để người trẻ không trở thành nô lệ cho các chương trình trên mạng như nghiện facebook, nghiện game, nghiện phim, đồng thời đưa ra những giải pháp đẩy lùi các tư tưởng tiêu cực, độc hại đang lây lan trong giới trẻ qua internet, nhất là trên các mạng xã hội, và gia tăng năng lực để họ dám nói không với những thông tin ảnh hưởng xấu đến Giáo hội hoặc danh dự và phẩm giá của người khác. Các gia đình trẻ cũng cần sự đồng hành hướng dẫn giúp xây dựng tương quan giữa các thành viên trong gia đình, biết sử dụng truyền thông cho những chương trình giáo dục thiết thực và giải trí lành mạnh.
3. Tận dụng các thế mạnh của truyền thông cho hoạt động mục vụ
Các phương tiện truyền thông có nhiều lợi thế để các thành phần trong Giáo hội có thể đóng góp, chia sẻ những giá trị và các thông điệp tích cực nhằm xây dựng nền văn minh tình thương, loan báo các giá trị Tin mừng, kể những câu chuyện nhân văn, chia sẻ những lời hay ý đẹp và các thông điệp ý nghĩa của cuộc sống đến cho mọi người trong cộng đồng. Các thông điệp truyền thông cần cổ võ các giá trị tốt đẹp của đời sống tâm linh và việc tìm ý nghĩa cho cuộc sống, của sự dấn thân hy sinh và quên mình phục vụ, của những chọn lựa can đảm, quảng đại và cao thượng, hoặc đề cao những chứng nhân thời đại. Việc sử dụng mạng internet phải hướng đến các lợi ích cộng đồng hơn là trục lợi cho cá nhân. Các Kitô hữu cần tích cực tham gia những hoạt động có ý nghĩa dành cho cộng đồng và góp phần lan truyền thông tin về những hoạt động thiết thực, đồng thời chia sẻ trên mạng những thông tin hữu ích của đời sống đạo, những kinh nghiệm và sáng kiến có giá trị có thể áp dụng rộng rãi cho mọi người, nhằm tạo một môi trường Internet trong sạch, tốt đẹp và hữu ích.
Phụng vụ và Lễ hội là những phương cách truyền thông tuyệt vời, giúp chuyển tải sứ điệp Tin mừng và niềm vui của đời sống tôn giáo đến cho con người. Việc tổ chức và cử hành sống động phụng vụ của Giáo hội vừa giúp nuôi dưỡng, củng cố niềm tin cho người tín hữu, vừa góp phần chia sẻ xác tín và giới thiệu Đức Kitô cho người chưa biết Chúa. Chúng ta cần phát huy khả năng sáng tạo trong việc chuẩn bị phụng vụ, trang trí cung thánh hoặc nơi cầu nguyện với hoa nến và những câu Lời Chúa, chọn những bài thánh ca hay hoặc dàn dựng những vở kịch diễn nguyện, để giúp làm nổi bật ý nghĩa của những ngày lễ lớn. Hãy mở ra cho sự hợp tác, tìm những người có năng khiếu về hội họa, âm nhạc, múa hát, phim ảnh… để đóng góp vào việc linh hoạt phụng vụ cách sống động và chuyển tải những cử hành quan trọng qua các phương tiện truyền thông mới. “Hãy làm cho Giáo hội của bạn thành nơi để tôn vinh Đấng Sáng tạo; và làm cho các buổi phụng vụ trở nên sống động, đầy tràn ân sủng của Thiên Chúa”.[49]
Giáo hội cần tạo những sân chơi lành mạnh cho người trẻ trên mạng cũng như trong cuộc sống, vì có thể nói giới trẻ ngày nay ít được chơi một cách đúng nghĩa. Tất cả những trò chơi lành mạnh hồi xưa như các trò chơi dân gian hoặc các chương trình sinh hoạt Hướng Đạo, Hùng Tâm Dũng Chí, Thanh Sinh Công…, các em nhỏ ngày nay hầu như không biết mà chỉ thích những trò vui trên mạng hoặc các chương trình kiểu mì ăn liền trên tivi, đôi khi chỉ gây ra những tiếng cười hạ cấp. Nên có những gameshow giáo lý, những chương trình thi đố trên mạng có tính tương tác cao, những diễn đàn mở nhiều thể loại có sự hướng dẫn đáng tin cậy, và giúp người trẻ biết sử dụng internet đúng cách, để mạng internet là môi trường học tập giải trí lành mạnh. Nơi đó các em có thể tìm hiểu những câu chuyện thành công, những kiến thức hay, những bài học về đạo đức, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Các chương trình giáo lý và các tổ chức Hội đoàn ở cấp giáo phận, giáo xứ cũng nên tiếp tục các hình thức sinh hoạt, thi đố, bài hát, băng reo, trò chơi, và tổ chức những dịp thăm viếng, từ thiện, dã ngoại, giao lưu, cắm trại…, để giúp người trẻ được tăng trưởng toàn diện hơn.
4. Truyền thông trong việc củng cố đức tin và Loan báo Tin mừng
Về mặt đối nội Giáo hội cần quan tâm đến việc đào tạo đức tin cho các tín hữu, đặc biệt cho người trẻ ngày hôm nay. Cần làm thế nào để giúp họ có thể đứng vững trước những thách đố của môi trường truyền thông mới. Một khi chúng ta không thể giảm bớt những mặt xấu của phương tiện truyền thông thì chúng ta cần tăng cường những mặt tích cực của nó, và có những phương cách hỗ trợ giúp cho người trẻ có thể đứng vững trong môi trường truyền thông đầy những cám dỗ. Những thành phần trong Giáo hội cần biết cách “vô mạng mà không mất mạng”, và biết cách hiện diện hữu hiệu trong mạng để giúp đỡ cho những người trẻ đang bị làm nô lệ cho các phương tiện truyền thông. Môi trường mạng internet có rất nhiều cám dỗ và những cái bẫy đủ loại làm cho người trẻ dễ bị sa sút niềm tin, do bị mắc kẹt vào những chương trình không lành mạnh của phim ảnh xấu và các loại game online. Người trẻ thiếu sự hướng dẫn để đọc những trang bổ ích, nhưng rất dễ bị cám dỗ vào những trang web xấu hoặc những trang tin tức với những câu chuyện cười không lành mạnh. Vì môi trường mạng mang tính cá nhân, họ rất dễ tìm kiếm và chạy theo các chương trình thỏa mãn những cảm xúc của bản thân, đáp ứng những thị hiếu thấp hèn và chiều theo những đam mê xấu, mà không bị ai kiểm soát. Từ đó họ bị lệ thuộc vào chúng mà không thoát ra được, cảm thức thuộc về một cộng đoàn đức tin dần dần biến mất khiến họ bỏ qua các chuẩn mực đạo đức để sống dễ dãi buông thả.
Bên cạnh đó các thông tin của Giáo hội và những giáo huấn của các vị Mục Tử nhiều khi bị đặt ngang hàng với các loại thông tin “thượng vàng hạ cám” khác trên mạng, làm mất đi tính khả tín. Hơn nữa, hiện nay cách dạy giáo lý của chúng ta dường như vẫn chưa hấp dẫn được người trẻ. Vì thế, các giáo xứ cần quan tâm hơn đến các chương trình giáo lý dành cho người trẻ, cần vận dụng các phương tiện truyền thông để trình bày nội dung giáo lý cách sống động, dễ hiểu và gần gũi với người trẻ hơn. Nên tổ chức các khóa học về phương pháp sư phạm giáo lý và các buổi tập huấn về các phương tiện truyền thông cho các giáo lý viên, giúp họ có khả năng linh hoạt giờ giáo lý, đồng thời biết gây ý thức cho người trẻ về các thách đố của việc sử dụng truyền thông.
Về mặt đối ngoại, Giáo hội cần đẩy mạnh công cuộc Loan báo Tin mừng qua các phương tiện truyền thông. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2020 có đề cập đến việc thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu theo những cách thức mới mẻ và sáng tạo để mọi người có thể tiếp cận dễ dàng. Ngày hôm nay các thành phần trong Giáo hội cần sáng tạo và biết lồng ghép những câu chuyện thực tế vào những chương trình truyền thông khác nhau để chuyển tải đức tin và các giá trị tin mừng cho mọi người. Nếu biết khéo léo kết hợp những câu chuyện để có thể chuyển tải các giá trị Tin mừng, chúng ta sẽ giúp người nghe yêu mến Giáo hội hơn. Nhờ đó họ mở lòng ra sống Đức ái Kitô giáo, sẵn sàng hợp tác cho những giá trị tốt đẹp và muốn làm điều gì đó thiết thực để giúp đỡ anh chị em nghèo túng, hoặc quan tâm đến ích lợi chung của cộng đồng. Về mặt trái của các chương trình truyền thông, chúng ta cũng cần hiểu biết và cảnh giác cho mọi người, để đề phòng những hệ quả tiêu cực của truyền thông trong đời sống người Kitô hữu.
Việc Loan báo Tin mừng ngày hôm nay không chỉ mang chiều kích cá nhân do chứng tá đời sống của mỗi người Kitô hữu, mà còn mang chiều kích cộng đoàn. Chính cộng đoàn của những người tin có khả năng truyền thông chứng tá của niềm tin tưởng, niềm cậy trông, tình yêu huynh đệ, niềm vui, bình an, hy vọng và sự thông cảm tha thứ cách sẵn sàng. Đức giáo hoàng Phanxicô làm gương cho chúng ta qua việc đem Tin mừng vào đường phố cho những người khốn khổ; và gần gũi, yêu thương bảo vệ họ. Cũng như thánh Phanxicô, ngài không vạch đường ranh giữa ngài và những người sống ngoài lề xã hội, nhưng tận tay chăm sóc họ. Ngài không đợi người nghèo đến với mình nhưng đi đến với họ.[50] Việc loan báo Tin mừng hôm nay không phải là đem Chúa đến cho người khác, nhưng giúp họ nhận ra chính Chúa đã hiện diện trong lòng họ, và hợp tác với họ trong những điều tốt. Vì thế, “người giáo dân Việt Nam phải cùng với anh chị em thuộc các tôn giáo bạn chiến đấu cho hòa bình công lý và phẩm giá con người, phải cùng với họ tích cực tham gia các phương thế hành động chống lại ngu dốt, nghèo đói và bất công”.[51] Ngày nay Giáo hội cũng đang cần đến các tông đồ mạng, biết sử dụng cách hữu hiệu những phương tiện truyền thông hiện đại để có thể giao tiếp rộng rãi với con người hôm nay và chuyển đạt sứ điệp Tin mừng cho họ.
5. Cảnh giác với các chương trình lừa đảo, tin giả, quảng cáo tiếp thị…
Trong lúc các phương tiện truyền thông kỹ thuật số giúp chúng ta nhanh chóng tiếp cận những thông tin hữu ích, thì các chương trình xấu trên mạng cũng mang lại những lôi cuốn tinh vi khiến cho người sử dụng không thể làm chủ nó, mà lại bị chính vòng xoáy của nó cuốn đi. Khi sở hữu trong tay phương tiện truyền thông mới, người trẻ thường có cảm giác mình đang nắm cả thế giới trong tay, những mối quan hệ như dễ nối kết hơn, cơ hội có vẻ như nhiều hơn; nhưng trong thực tế họ lại đang sống trong thế giới ảo do phương tiện tạo ra, và bị nó điều khiển. Vì thế người sử dụng cần có sự khôn ngoan phân định và biết tẩy chay, tránh xa những vấn đề tiêu cực. Khi vào mạng mỗi cá nhân - nhất là người trẻ - phải biết tự bảo vệ mình; cần ý thức và hiểu biết để có thể xây dựng “bức tường lửa” cho chính mình. Cần cảnh giác đối với những thứ “rác” văn hóa, dám tố cáo và chống lại những trò lừa đảo để góp phần làm lành mạnh môi trường internet. Tuyệt đối không tò mò hoặc tham lam, dễ rơi vào bẫy của kẻ xấu, và tránh chuyển tiếp những tin tức chưa kiểm chứng. Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội thứ 52 năm 2018, Đức giáo hoàng Phanxicô nói rằng những thông tin sai lạc có nguy cơ làm cho người ta trở thành những kẻ vô tình đồng lõa trong việc truyền bá những ý tưởng vô căn cứ, làm mất uy tín của người khác, trình bày những người ấy như kẻ thù, tới mức mô tả họ như ma quỷ và xúi giục xung đột; đó là dấu hiệu của thái độ thiếu khoan dung và quá nhạy cảm, chỉ làm lan tràn sự kiêu căng và thù hận. Chúng ta không thể ngăn cản dòng chảy của thông tin trên mạng internet, nhưng phải làm chủ cuộc cách mạng thông tin ảo mà không để nó cuốn trôi. Chúng ta không được thử vào những trang web đen hoặc những đường link thiếu an toàn. Ngược lại, phải biết khai thác những giá trị tích cực của mạng ảo để tăng trưởng cuộc sống, và đóng góp vào đó những điều tốt đẹp, nhất là các giá trị tâm linh.
Giáo hội cần giúp cho người trẻ có trách nhiệm khi sử dụng internet, nhất là các mạng xã hội, biết sử dụng những ngôn từ thích hợp và lịch sự trên mạng, tuyệt đối không ném đá bừa bãi hoặc dùng bàn phím gây tổn thương người khác, cũng không tạo ra, chia sẻ, hoặc phát tán thông tin khi chưa kiểm chứng về độ tin cậy. Các bạn trẻ cần sự hướng dẫn để biết phân định, khi lên mạng không chia sẻ những điều quá riêng tư, những cảm xúc cá nhân tiêu cực, hoặc những nội dung bi quan không giúp truyền cảm hứng cho mọi người. Cần cổ võ những lối sống và tương quan lành mạnh, tránh việc quá tập trung vào cuộc sống ảo trên mạng xã hội, nhưng biết xây dựng và bồi đắp những tương quan thân thiết ngoài cuộc sống thực. Ngày nay có rất nhiều chương trình quảng cáo, tiếp thị các loại dịch vụ hoặc hàng hóa giá rẻ, nhưng thực tế lại không đúng, hoặc khi vào link đó máy lại bị virus tấn công. Chúng ta cần cẩn thận cài đặt các phần mềm diệt virus phù hợp và tránh bất cứ đường link hoặc trang web nào yêu cầu cung cấp họ tên, địa chỉ nhà, email, password, số thẻ tín dụng, ngày thẻ hết hạn và các thông tin cá nhân khác của mình cũng như người thân. Việc đưa hình ảnh cá nhân hoặc bạn bè lên mạng xã hội cũng cần được cân nhắc cẩn trọng và không nên kết bạn bừa bãi.
Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 52 còn nhắc nhở chúng ta rằng việc bảo đảm tính chính xác của các nguồn tin và bảo vệ việc truyền thông là những phương cách đích thực để quảng bá sự thiện, tạo ra lòng tin, mở đường cho sự hiệp thông và hòa bình. Chúng ta được mời gọi hành động phù hợp với Trái Tim của Chúa Kitô, có nghĩa là đón nhận những ưu tiên mà Ngài đón nhận, là sống phù hợp với những giá trị của Tin mừng mà Ngài đã dạy, những giá trị đó đang đứng trước sự đối nghịch nghiệt ngã với rất nhiều thứ bao quanh chúng ta mỗi ngày trong thời đại này.[52] Chứng tá đời sống là cách trước tiên để chúng ta sống ơn gọi ngôn sứ của nhà truyền thông. Khi dám tẩy chay những loại tin sai lệch, giả trá và lừa đảo, đồng thời công bố những điều thiện hảo và xây dựng, chúng ta đang làm chứng cho sự thật, đang sống tính ngôn sứ có khả năng giải thoát và làm chúng ta được tự do khỏi những điều xấu, vì “Vị Ngôn sứ là Đức Kitô Giêsu, bằng cách trở nên tiếng nói có tính ngôn sứ, giúp con người khám phá mọi khả năng lớn lên trong công lý, hòa bình và lòng thương xót, bằng cách từ bỏ những sự ác tồi tệ nhất…”[53]
6. Quan tâm đến các công nghệ mới
Ngày nay Giáo hội có nhu cầu cấp thiết để hiểu những thay đổi mang tính thời đại và biên giới mới của cuộc cách mạng công nghệ 4.0; đồng thời xác định làm thế nào để chúng phục vụ con người, đồng thời tôn trọng và cổ võ phẩm giá nội tại của tất cả mọi người. Chúng ta biết rằng trọng tâm của cách mạng công nghiệp 4.0 là việc sử dụng hợp nhất cả phần cứng, người máy và khả năng tính toán lớn để mở rộng công nghệ thông tin, với sự giao thoa của các công nghệ tiên tiến, như điện toán đám mây, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, khai thác dữ liệu lớn, công nghệ di động không dây, công nghệ tin học lượng tử, và công nghệ nano.[54] Chúng có thể đóng góp vào sự thay đổi của mọi lãnh vực trong cuộc sống với sự phát triển khó lường trong tương lai. Điều này có thể giúp đem lại sự thịnh vượng cho xã hội, nhưng cũng hàm chứa những nguy cơ đối với hòa bình và sự phát triển bền vững, cũng như đạo đức và tôn giáo. Vì thế Giáo hội cần quan tâm xem xét sự phát triển của những công nghệ mới này, và chuẩn bị cho những chuyển đổi cần thiết để tận dụng những giá trị của 4.0; đồng thời lên tiếng khi những công nghệ mới này vi phạm các qui chuẩn đạo đức.
Tuy nhiên có một tin vui là mặc dù cách mạng công nghiệp 4.0 chưa phát triển hết mức, nhiều nhà tiên phong và chuyên gia công nghệ đã hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 5.0, kết hợp hài hòa giữa con người và máy móc tự trị để giải quyết tình trạng thất nghiệp và ô nhiễm môi trường, đồng thời đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa sản phẩm. Với khái niệm Xã hội 5.0, trong đó con người sẽ giải quyết được các vấn đề như biến đổi khí hậu, ùn tắc giao thông, thiếu lương thực, xóa khoảng cách giàu nghèo, con người sẽ được hưởng những sản phẩm, dịch vụ, tiện ích tốt hơn, với số lượng vừa đủ, tại thời điểm phù hợp nhất.[55] Điều đó mở ra niềm hy vọng là con người sẽ không bị máy móc thống trị, nhưng sẽ có sự kết hợp hài hòa giữa con người và máy móc thông minh - robot (robot hợp tác) - làm tăng tính bền vững của nền văn minh nhân loại và sống phù hợp với Tin mừng.
Để kết
Ai trong chúng ta cũng biết đến lời Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô và ước muốn trở thành khí cụ của bình an cho anh chị em mình. Đức giáo hoàng Phanxicô lại cho rằng bình an không phải là vắng bóng chiến tranh hay những khó khăn thách đố, nhưng bình an của Đức Kitô chỉ có được qua Thập Giá và Phục Sinh. Vì thế chúng ta cần trở về với Đức Kitô và mở lòng ra cho việc đối thoại thực sự. “Có rất nhiều thứ hàng rào ngăn cách trong cuộc sống hằng ngày cản trở việc đối thoại: tin tức sai lạc, ngồi lê đôi mách, thành kiến, nói xấu và vu khống… Tất cả những thực tế này hình thành một xu hướng văn hóa giật gân nào đó lấn át mọi khả năng cởi mở với người khác”.[56] Việc truyền thông đích thực hôm nay phải hướng đến sự kiến tạo an bình, yêu thương và hiệp thông trong tinh thần đối thoại. Trong thực tế của thế giới hôm nay, chính nhờ Covid-19 mà chúng ta mới biết sống chậm lại, mới nhận ra rằng mọi sự đều hữu hạn, thân phận con người thật mong manh, chỉ Thiên Chúa mới thực sự là nguồn sống vĩnh cửu và là nơi nương tựa vững chắc cho cuộc đời chúng ta. Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 52, Đức Phanxicô lấy cảm hứng từ lời Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô, mời gọi chúng ta hướng về Đấng Chân Lý với lời nguyện cá nhân sau:
Lạy Chúa, xin làm cho chúng con nên những khí cụ bình an của Chúa. Giúp chúng con nhận ra sự ác len lỏi trong thứ truyền thông không kiến tạo sự hiệp thông. Giúp chúng con biết loại bỏ nọc độc khỏi những phán đoán của chúng con. Giúp chúng con nói về tha nhân như anh chị em của chúng con. Chúa là Đấng trung tín và đáng tin cậy, Xin làm cho lời nói của chúng con thành những hạt giống sự thiện cho thế giới.
Nơi có tiếng la hét, xin làm cho chúng con biết lắng nghe; Nơi có hoang mang, xin cho chúng con gợi hứng cho hài hòa; Nơi có mơ hồ, xin cho chúng con biết mang lại sự minh bạch; Nơi có sự loại trừ, hãy để chúng con mang đến tình đoàn kết; Nơi có chủ nghĩa kích động, xin cho chúng con biết dùng sự tỉnh táo; Nơi hời hợt, xin cho chúng con nêu lên những câu hỏi thực sự; Nơi có thành kiến, xin cho chúng con đánh thức niềm tin; Nơi có hận thù, xin cho chúng con mang lại niềm tôn trọng; Nơi có sự giả dối, xin cho chúng con mang đến sự thật. Amen.
WHĐ (18.04.2021)
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 121 (Tháng 11 & 12 năm 2020)
[1] X. Michael Anthony Perry, OFM (dg Antôn Nguyễn Ngọc Kính, OFM), Thư Tổng Phục Vụ Dòng Anh Em Hèn Mọn, https://ofmvn.org/ban-tin/ofmvn/ban-tin/dong-anh-em-hen-mon/ban-tin-toan-dong/thu-anh-tong-phuc-vu-dai-le-thanh-nu-clara-2020.html. Truy cập 10/08/2020.
[2] X. Thomas J. Craughwell (dg Nguyễn Minh Chính), Các vị thánh Bổn mạng dành cho những nhu cầu mới, http://conggiao.info/cac-vi-thanh-bon-mang-danh-cho-nhung-nhu-cau-moi-d-28390. Truy cập 15/08/2020.
[3] Trích bài giảng của cha Chúc OFM, thánh lễ ngày 11/8/2020 tại Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ Dalat
[4] Raphael Zbinden, Đài truyền hình công giáo EWTN, http://phanxico.vn/2016/04/02/dai-truyen-hinh-cong-giao-ewtn-dang-cao-pho-me-angelica. Truy cập 12/07/2020.
[5] Thảo Nguyễn, Tạm biệt Mẹ Angelica! http://www.cgvdt.vn/cong-giao-the-gioi/tam-biet-me-angelica_a2956 Truy cập 15/07/2020.
[6] John Burger, Tin nhắn video gửi Mẹ Angelica, http://phanxico.vn/2016/04/01/tin-nhan-video-cuoi-cung-cua-duc-phanxico-goi-me-angelica/. Truy cập 16/7/2020.
[7] X. Thư chung của HĐGMVN năm 1980, https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-chung-1980-cua-hoi-dong-giam-muc-viet-nam-17699. Truy cập 10/8/2020.
[8] X. Nguyễn Trường Thăng, Sấm Truyền Ca 1670, http://krongblah.blogspot.com/2016/08/sam-truyen-ca-1670-tho-luc-bat-100-nam.html , Truy cập 17/08/2020.
[9] X. Đỗ Quang Hưng, Có một nền Văn học Công Giáo ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên Cứu Văn Học của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam số 7 (581), Viện Văn Học tháng 7 năm 2020. Trang 8-9.
[10] X. Lê Đình Bảng, Văn học Công Giáo Việt Nam - Những Chặng Đường, Tạp chí Nghiên Cứu Văn Học của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam số 7 (581), Viện Văn Học tháng 7 năm 2020. Trang 26.
[11] Ibid, trang 28-29.
[12] X. Nguyễn Thanh Tùng, Tiến Trình Thành Lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2010, tr. 86-90.
[13] X. Lê Đình Bảng, Văn học Công Giáo Việt Nam - Những Chặng Đường, Tạp chí Nghiên Cứu Văn Học của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam số 7 (581), Viện Văn Học tháng 7 năm 2020, trang 25.
[14] X. Chu Văn Sơn, Thêm một tư liệu mới về Hàn Mạc Tử, https://www.thivien.net/H%C3%A0n-M%E1%BA%B7c-T%E1%BB%AD/author-mz8hO4-xm_bQYO5dbc_rLg?Page=4 Truy cập 23/08/2020.
[15] X. Túy Phượng, Tân Nhạc VN- Hàn Mặc Tử & Hải Linh, https://dotchuoinon.com/2016/04/20/tan-nhac-vn-tho-pho-nhac-ave-maria-han-mac-tu-hai-linh/ . Truy cập 05/09/2020.
[16] X. Phim Áo Dòng Đẫm Máu, https://www.phimconggiao.com/ao-dong-dam-mau/ , Truy cập 05/09/2020.
[17] X. Truyền hình Đắc Lộ, https://vi.wikipedia.org/wiki/Truy%E1%BB%81n_h%C3%ACnh_%C4%90%E1%BA%AFc_L%E1%BB%99 , Truy cập 07/09/2020.
[18] X. Ngọc Lan, Truyền thông công giáo tại Việt Nam trong 50 năm qua, http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/GiaoHoiVN/LichSu/12TruyenThongCG.htm , truy cập 01/09/2020.
[19] Vũ Văn Trình, Vấn đề “Sống thử” của giới trẻngày nay, https://tgpsaigon.net/bai-viet/van-de-song-thu-cua-gioi-tre-ngay-nay-40586 , truy cập ngày 14/09/2020.
[20] Phạm Hoài Thanh, 5 Mối Nguy đáng lo ngại nhất của Trí Tuệ Nhân Tạo, https://www.thegioididong.com/tin-tuc/5-moi-nguy-dang-lo-ngai-nhat-cua-tri-tue-nhan-tao-1151056 , truy cập ngày 17/09/2020.
[21] X. https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C3%AD_tu%E1%BB%87_nh%C3%A2n_t%E1%BA%A1o , truy cập ngày 17/09/2020.
[22] Vũ Văn An, Sứ điệp Ðức Phanxicô gửi Hội nghị Trí Khôn Nhân Tạo tại Vatican, http://vntaiwan.catholic.org.tw/20news/20news0738.htm , truy cập ngày 15/09/2020.
[23] X. Vũ Văn An, Sứ điệp Ðức Phanxicô gửi Hội nghị Trí Khôn Nhân Tạo tại Vatican, http://vntaiwan.catholic.org.tw/20news/20news0738.htm , truy cập ngày 15/09/2020.
[24] X. Sở Y Tế TP.HCM, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo sử dụng công nghệ kỹ thuật số, http://medinet.gov.vn/cai-cach-hanh-chinh-y-te-thong-minh/to-chuc-y-te-the-gioi-khuyen-cao-su-dung-cong-nghe-ky-thuat-so-so-y-te-hcm-c4714-13088.aspx , truy cập 17/09/2020.
[25] X. Diệu Linh, Du lịch tâm linh thu hút du khách, https://vovworld.vn/vi-VN/xa-hoi-doi-song/du-lich-tam-linh-thu-hut-du-khach-516336.vov , truy cập ngày 18/09/2020.
[26] Paul Minh Nhật, Truyền Thông Công Giáo và Sứ Mệnh Truyền Giáo, http://giaophanmytho.net/truyen-thong-xa-hoi/truyen-thong-cong-giao-va-su-menh-truyen-giao-9947.html , truy cập 11/09/2020.
[27] X. Phanxicô, Sứ điệp Ngày Quốc Tế Truyền Thông lần thứ 52, năm 2018.
[28] Nguyễn Ngọc Sơn, Vài nét về hiện trạng Truyền Thông Xã Hội tại Việt Nam, https://thanhlinh.net/index.php?q=node/4667 , truy cập 15/09/2020
[29] X. Vũ Văn Trình, Giới trẻ trước căn bệnh “vô cảm”, https://tgpsaigon.net/bai-viet/gioi-tre-truoc-can-benh-vo-cam-36760 , truy cập 21/09/2020.
[30] Trương Ngọc Nam, Quản lý truyền thông trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/bai-noi-bat/item/2671-quan-ly-truyen-thong-trong-boi-canh-cach-mang-cong-nghiep-40.html , truy cập 27/09/2020.
[31] Văn Yên, Giáo hội trước sự phát triển của robot, http://giaoxutanviet.com/giao-hoi-truoc-su-phat-trien-cua-robot/ , truy cập 27/09/2020.
[32] X. Bob Bonnot, dg. Lưu Văn Duy, Đức giáo hoàng Gioan 23 - Mẫu Gương và Bậc Thầy của Các Nhà Lãnh Đạo, NXB Đồng Nai, 2018, tr. 152.
[33] X. Ibid, tr. 155.
[34] Nguyễn Văn Khảm, Tương lai Giáo hội tùy thuộc phần lớn vào chính Thế Hệ Trẻ, http://giaophanhatinh.com/tuong-lai-giao-hoi-tuy-thuoc-phan-lon-vao-chinh-the-he-tre-9543 , truy cập ngày 14/09/2020
[35] Ngọc Lan, Đức Gioan Phaolô II - Vị Giáo Hoàng của Truyền thông, https://tgpsaigon.net/bai-viet/duc-gioan-phaolo-ii-%E2%80%93-vi-giao-hoang-cua-truyen-thong-39593 , truy cập 18/09/2020
[36] Gioan Phaolô II, Tông Thư “Sự Phát Triển Nhanh Chóng”, Vatican 2005, số 2.
[37] Ibid, số 6.
[38] Ngọc Yến, Ðức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho giới truyền thông, https://www.vaticannews.va/vi/pope-francis/mass-casa-santa-marta/2020-04/dtc-01-4-cau-cau-nguyen-truyen-thong.html , truy cập 15/09/2020.
[39] X. Nguyễn Năng, Canh tân các Hoạt động Mục vụ theo Viễn Tượng Truyền Giáo, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/canh-tan-cac-hoat-dong-muc-vu-theo-vien-tuong-truyen-giao-39248 , truy cập 15/09/2020.
[40] X. Franz-Josef Eilers, (Ed.), Truyền Thông trong Mục Vụ và Truyền Giáo, Manila: Logos Pubs, 2009, tr. 98.
[41] X. Hội Đồng Giáo Hoàng Về Truyền Thông Xã Hội, Giáo hội và Internet, Vatican 2002, số 11
[42] X. Ibid, số 5.
[43] X. Nguyễn Khảm, Đường hướng Mục vụ Truyền Thông Công Giáo, http://conggiao.info/duong-huong-muc-vu-truyen-thong-cong-giao-d-5384 , truy cập 27/9/2020
[44] X. Lm Hà Văn Minh, Phận vụ Người Giáo dân trong Giáo hội, NXB Phương Đông, HCMC 2014, tr.108.
[45] https://www.youtube.com/watch?v=rzUpGAmhgPc
[46] https://www.youtube.com/watch?v=U44j_OHK50M
[47] John Michael Talbot & Steve Rabey, dg Trịnh Minh Trí, Các bài học từ thánh Phanxicô, NXB Tôn giáo, HCMC 2015, tr. 113.
[48] Nguyễn Năng, Canh tân các hoạt động mục vụ theo viễn tượng truyền giáo, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/canh-tan-cac-hoat-dong-muc-vu-theo-vien-tuong-truyen-giao-39248,
[49] John Michael Talbot & Steve Rabey, dg Trịnh Minh Trí, Các bài học từ thánh Phanxicô, NXB Tôn giáo, HCMC 2015. Tr. 120.
[50] X. Gina Loehr & Al Giambrone, Thánh Phanxicô và Đức giáo hoàng Phanxicô cùng một tầm nhìn, NXB Tôn giáo, HCMC 2016. Tr. 77.
[51] Lm Hà Văn Minh, Phận vụ Người Giáo dân trong Giáo hội, NXB Phương Đông, HCMC 2014, tr. 62.
[52] X. Gina Loehr & Al Giambrone, Thánh Phanxicô và Đức giáo hoàng Phanxicô cùng một tầm nhìn, NXB Tôn giáo, HCMC 2016. Tr. 21-22.
[53] Bernard Haring, dg Nguyễn Đức Thông, Tự do và trung thành trong Đức Kitô, NXB Tôn Giáo, HCMC 2012, Tr. 702.
[54] Cách mạng công nghiệp 4.0, https://voip24h.vn/cach-mang-cong-nghiep-4-0/ , truy cập 29/09/2020.
[55] Vi Hữu, Mục Vụ Thời Công Nghiệp 5.0, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/muc-vu-thoi-cong-nghiep-5-0-40221 , truy cập 29/09/2020.
[56] Gina Loehr & Al Giambrone, Thánh Phanxicô và Đức giáo hoàng Phanxicô cùng một tầm nhìn, NXB Tôn giáo, HCMC 2016. Tr.135.
Nguồn: https://hdgmvietnam.com