Diễn văn ĐTC dành cho phái đoàn của Liên đoàn Quốc tế

Diễn văn Đức Thánh Cha dành cho phái đoàn của Liên đoàn Quốc tế các Đại học Công giáo  

WHĐ (20.01.2024) – Hôm 19.01, tại Dinh Tông toà Đức Thánh Cha đã tiếp kiến khoảng 150 đại diện của Liên đoàn Quốc tế các Đại học Công giáo nhân dịp kỷ niệm 100 thành lập. Sau đây là nội dung bài diễn văn của Đức Thánh Cha:

DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO PHÁI ĐOÀN CỦA LIÊN ĐOÀN QUỐC TẾ

CÁC ĐẠI HỌC CÔNG GIÁO

Dinh Tông toà
Thứ Sáu, ngày 19 tháng 01 năm 2024

Những lời tự phát của Đức Thánh Cha Phanxicô

Thưa Đức Hồng y, thưa quý Giám mục,

Anh chị em thân mến!

Tôi dự tính đọc một bài diễn văn dài nhưng tôi cảm thấy hơi khó thở; như anh chị em có thể thấy, tôi vẫn chưa hết bị cảm lạnh! Đó là lý do tại sao tôi xin trao bản văn để anh chị em có thể đọc riêng. Tôi cảm ơn anh chị em vì cuộc gặp gỡ này, và vì những điều tốt đẹp mà các trường đại học Công giáo của chúng ta đã thực hiện qua việc: truyền đạt kiến thức, Lời Chúa và chủ nghĩa nhân văn chân chính. Đừng mệt mỏi tiến về phía trước, hãy kiên trì thực hiện sứ mạng cao cả của các trường đại học Công giáo. Không phải việc tuyên xưng Công giáo mang lại cho các đại học Công giáo bản sắc của mình: đó là một khía cạnh, nhưng không phải là khía cạnh duy nhất. Có lẽ chính chủ nghĩa nhân văn đích thực đã giúp người ta nhận ra rằng con người có những giá trị và những giá trị này cần phải được tôn trọng. Có lẽ đây là điều tuyệt vời và cao cả nhất về các trường đại học của anh chị em. Cảm ơn anh chị em rất nhiều.

 

Bài diễn văn được trao cho phái đoàn:  

Tôi vui mừng được tham gia lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Liên đoàn Quốc tế các trường Đại học Công giáo (International Federation of Catholic Universities -IFCU). Một trăm năm trưởng thành và phát triển thật là một lý do chính đáng để tạ ơn! Tôi chào mừng và cảm ơn Đức Hồng y José Tolentino de Mendonça và Giáo sư Isabel Capeloa Gil, Chủ tịch Liên đoàn.

Vào năm 1924, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã chúc lành cho hiệp hội đầu tiên quy tụ 18 trường đại học Công giáo. Một Sắc lệnh sau này của Bộ Chủng viện và Nghiên cứu Đại học lúc bấy giờ nói rằng họ “cùng tham gia với ý định rằng các Hiệu trưởng… có thể thường xuyên hơn, cùng nhau giải quyết các vấn đề… cùng nhau phát huy vì mục tiêu cao cả của mình” (ngày 29.06.1948). Hai mươi lăm năm sau, Đấng Đáng kính Piô XII đã thành lập Liên đoàn các Đại học Công giáo vào năm 1949.

Tôi muốn nhấn mạnh 2 khía cạnh từ nguồn gốc lịch sử này của Liên đoàn. Trước hết, khuyến khích hợp tác thông qua “mạng lưới kết nối”. Hiện nay trên thế giới có gần 2000 trường đại học Công giáo. Chúng ta có thể hình dung tiềm năng phát triển của một sự hợp tác được cải thiện và hiệu quả hơn nữa nhằm củng cố hệ thống đại học Công giáo. Trong thời đại phân mảnh lớn, chúng ta phải dám lội ngược dòng, toàn cầu hóa niềm hy vọng, hiệp nhất, và hòa hợp thay vì thờ ơ, phân cực, và xung đột. Khía cạnh thứ hai xuất phát từ sự kiện Liên đoàn -như Đức Piô XII đã viết-, được thành lập “sau một cuộc chiến tranh khủng khiếp”, trở thành một phương tiện góp phần “vào việc hòa giải và phát triển hòa bình và bác ái giữa các dân tộc” (Tông thư Catholicas Studiorum Universitates, ngày 27.07.1949). Thật đáng tiếc khi phải nói rằng, chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày này trong bối cảnh của chiến tranh, cuộc chiến tranh thế giới thứ ba diễn ra từng phần. Do đó, điều thiết yếu hơn là các trường đại học Công giáo phải đi đầu trong nỗ lực xây dựng nền văn hóa hòa bình, trong nhiều chiều kích, vốn phải được giải quyết theo tầm nhìn liên ngành.

 

Trong Hiến chương Magna Carta của các trường đại học Công giáo, Tông hiến Ex Corde Ecclesiae, Thánh Gioan Phaolô II bắt đầu bằng lời tuyên bố đáng ngạc nhiên rằng đại học Công giáo được sinh ra “từ trái tim của Giáo hội” (Số 1). Chúng ta có thể mong đợi ngài nói rằng đại học Công giáo xuất phát từ lý trí Kitô giáo. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha lại ưu tiên cho trái tim: ex corde ecclesiae. Thật vậy, trường đại học Công giáo, là “một trong những khí cụ tốt nhất mà Giáo hội cống hiến cho thời đại chúng ta” (sđd., 10), không thể không trở thành biểu hiện của tình yêu, vốn gợi hứng cho mọi hoạt động của Giáo hội, tức là tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.

Thật không may, vào thời điểm mà ngay cả giáo dục cũng đang trở thành một “ngành kinh doanh”, và các hệ thống tài chính lớn vô danh đầu tư vào các trường học và đại học giống như họ đầu tư vào thị trường chứng khoán, thì các tổ chức của Giáo hội phải chứng tỏ rằng trường Công giáo có bản chất khác và hoạt động theo một lối tư duy khác. Một dự án giáo dục không chỉ dựa trên những chương trình hoàn hảo, trang thiết bị hiệu quả, hoặc khả năng quản lý kinh doanh tốt. Trường đại học phải được sinh động bởi một niềm say mê lớn hơn, như được minh chứng bằng việc cùng nhau tìm kiếm sự thật, một chân trời ý nghĩa rộng lớn hơn, được thể hiện trong một cộng đồng tri thức, nơi có thể cảm nhận được sự hào phóng của tình yêu.

 

Triết gia Hannah Arendt, người nghiên cứu chuyên sâu khái niệm tình yêu trong các tác phẩm của Thánh Augustinô, cho thấy rằng vị thầy vĩ đại này đã diễn tả tình yêu bằng từ thèm ăn (appetitus), được hiểu là khuynh hướng, khao khát, phấn đấu. Do đó, lời khuyên tôi muốn dành cho anh chị em là: Đừng đánh mất sự thèm ăn của mình! Hãy duy trì sự mãnh liệt của mối tình đầu! Đừng để các trường đại học Công giáo thay thế ước muốn bằng chủ nghĩa chức năng hoặc quan liêu. Trao bằng cấp học thuật thôi thì chưa đủ mà còn cần phải đánh thức và ấp ủ khát vọng “trở thành” nơi mỗi người. Chuẩn bị cho sinh viên những nghề nghiệp mang tính cạnh tranh thôi chưa đủ mà còn cần phải giúp họ khám phá những thiên hướng hiệu quả, khơi lên lối sống chân thực và tích hợp sự đóng góp của mỗi cá nhân vào động lực sáng tạo của cộng đồng rộng lớn hơn. Chắc chắn, chúng ta cần suy tư về trí tuệ nhân tạo, nhưng không thể bỏ qua trí tuệ tâm linh, bởi vì nếu không có trí tuệ tâm linh thì con người vẫn là người xa lạ với chính mình. Trường đại học là một nguồn lực rất hệ trọng để sống “hoà nhịp với thời đại”, và chuyển giao trách nhiệm mà những đòi hỏi sâu xa hơn của con người cũng như những ước mơ và khát vọng đặt ra cho người trẻ.

 

Ở đây tôi thích nhớ lại một câu chuyện ngụ ngôn do nhà văn Franz Kafka, người đã chết cách đây 100 năm, kể lại. Nhân vật chính là một chú chuột nhỏ sợ hãi trước thế giới rộng lớn và luôn tìm kiếm sự bảo vệ an toàn giữa hai bức tường, một bên phải và một bên trái. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, chú chuột nhận thấy rằng các bức tường đang bắt đầu xích lại gần nhau hơn và chú có nguy cơ bị đè bẹp. Vì vậy, chú chuột bắt đầu chạy, nhưng rồi, chú thoáng thấy một cái bẫy chuột đang đợi mình ở trong góc. Đúng lúc đó, chú nghe thấy giọng con mèo nói với mình rằng: “Mọi sự bạn chỉ có thể làm bây giờ là đổi hướng”. Trong tuyệt vọng, chú chuột nghe theo lời khuyên của con mèo, và cuối cùng đã bị con mèo nuốt chửng.

Chúng ta không thể giao phó việc quản lý các trường đại học của mình cho nỗi sợ hãi; Thật không may là điều này xảy ra thường xuyên hơn chúng ta nghĩ. Cám dỗ nép mình sau những bức tường, trong một bong bóng xã hội an toàn, tránh những rủi ro hoặc thách đố mang tính văn hóa, và quay lưng lại với sự phức tạp của thực tế có vẻ như là cách thế an toàn nhất. Nhưng đây chỉ là ảo giác mà thôi. Nỗi sợ hãi gặm nhấm tâm hồn. Đừng bao giờ bao quanh trường đại học bằng những bức tường sợ hãi. Đừng để trường đại học Công giáo giới hạn mình trong việc tái tạo những bức tường điển hình của xã hội chúng ta đang sống: những bức tường của sự bất bình đẳng, mất nhân tính, bất khoan dung, và thờ ơ, hoặc những mô hình nhằm củng cố chủ nghĩa cá nhân hơn là đầu tư vào tình huynh đệ.

Một trường đại học tìm kiếm sự bảo vệ sau những bức tường sợ hãi có thể đạt được sự uy tín, sự công nhận và đánh giá cao, chiếm những vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng về thành tích học thuật. Nhưng, như triết gia Miguel de Unamuno đã từng nói: “Kiến thức chỉ vì kiến thức: đó là vô nhân đạo”. Chúng ta phải luôn tự vấn: Mục đích của việc học tập mà chúng ta truyền đạt là gì? Tiềm năng biến đổi của kiến thức chúng ta tạo ra là gì? Chúng ta phục vụ ai và cái gì? Sự trung lập là một ảo vọng. Do đó, một trường đại học Công giáo phải đưa ra những lựa chọn, và những lựa chọn này phải phản ánh Phúc âm. Đại học Công giáo phải giữ vững lập trường và thể hiện điều đó qua hành động của mình một cách rõ ràng, “làm bẩn tay mình” theo tinh thần Phúc âm trong việc biến đổi thế giới và phục vụ con người.

Trước đại hội đặc biệt này bao gồm các vị Chưởng ấn, Hiệu trưởng và các cơ quan quản lý học thuật khác, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn vì những gì các trường đại học Công giáo đã và đang thực hiện. Quý vị đã đầu tư biết bao cam kết, đổi mới, trí tuệ và sự quan tâm vào sứ vụ 3 chiều của trường đại học đó là: giảng dạy, nghiên cứu và cống hiến cho cộng đồng! Tôi thực sự biết ơn quý vị về điều này, nhưng tôi cũng muốn nhờ sự giúp đỡ của quý vị. Tôi xin quý vị giúp Giáo hội, trong thời điểm lịch sử này, soi sáng những khát vọng sâu xa nhất của con người bằng việc đưa ra cái nhìn và sự hiểu biết, cũng như “những lý do hy vọng” (x. 1 Pr 3, 15) phát sinh từ đức tin, và do đó, giúp Giáo hội tiến hành các cuộc đối thoại một cách tự tin về các vấn đề lớn của thời đại. Xin giúp chúng tôi diễn dịch về phương diện văn hóa, bằng một ngôn ngữ cởi mở đối với các thế hệ mới và thời đại mới, sự phong phú của truyền thống Kitô giáo; để xác định những biên giới mới của tư tưởng, khoa học và công nghệ, đồng thời tiếp cận chúng với sự cân bằng và khôn ngoan. Xin giúp chúng tôi xây dựng các liên minh liên thế hệ và liên văn hóa trong việc bảo vệ và chăm sóc ngôi nhà chung, trong tầm nhìn về hệ sinh thái toàn diện, nhờ đó, đáp lại một cách hiệu quả tiếng kêu của trái đất và lời nài xin của người nghèo.

Các bạn thân mến, trong nhiều nhà nguyện của các trường đại học của các bạn có tượng Đức Mẹ tòa Đấng Khôn Ngoan. Tôi mời các bạn hãy chiêm ngắm Mẹ một cách trìu mến và chăm chú. Bí mật của Đức Mẹ Khôn Ngoan là gì? Đó là Mẹ mang đến cho chúng ta Chúa Giêsu, Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa và là Đấng ban cho chúng ta những tiêu chuẩn để hướng dẫn việc theo đuổi kiến thức. Hãy nhìn vào trái tim của Đức Maria, xin Mẹ đồng hành với các bạn, các cộng đồng học thuật, và các dự án tương lai của các bạn. Tôi ưu ái ban phép lành cho các bạn, và xin các bạn cũng nhớ cầu nguyện cho tôi.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (19. 01. 2024)

Nguồn: https://hdgmvietnam.com/