Diễn từ Đức Thánh Cha gửi các tham dự viên
Đại hội của Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh năm 2023
WHĐ (22.04.2023) - Sáng 20.04.2023, Đức Thánh Cha đã dành buổi tiếp riêng cho các tham dự viên Đại hội thường niên về chủ đề "Bệnh tật và đau khổ trong Kinh Thánh" của Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh. Thay vì đọc diễn từ trực tiếp, ngài đã gửi bản văn cho phái đoàn. Dưới đây là toàn văn Bài diễn từ Đức Thánh Cha.
DIỄN TỪ ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GỬI CÁC THAM DỰ VIÊN ĐẠI HỘI THƯỜNG NIÊN
CỦA ỦY BAN GIÁO HOÀNG VỀ KINH THÁNH
Thưa Đức Hồng Y,
Quý thành viên của Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh thân mến,
Tôi hân hoan chào mừng anh chị em khi bế mạc Đại hội thường niên của Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh. Tôi cám ơn Đức Hồng Y Luis Ladaria về những lời chào mừng và trình bày về chủ đề mà anh chị em đã suy tư: “Bệnh tật và đau khổ trong Kinh Thánh”. Đây là một chủ đề liên quan đến tất cả mọi người, những người có đức tin cũng như những người không có đức tin. Thật vậy, bản tính con người, bị tổn thương bởi tội lỗi, mang trong mình thực tại của những giới hạn, yếu đuối và sự chết.
Hơn nữa, chủ đề này đáp ứng một mối quan tâm mà tôi luôn canh cánh trong lòng, đó là bệnh tật và sự hữu hạn trong tư duy hiện đại thường bị coi là một sự mất mát, một thứ không có giá trị, một mối phiền toái phải bị giảm thiểu, phải chống lại và loại bỏ bằng mọi bằng mọi giá. Người ta không muốn đặt vấn đề về ý nghĩa của chúng, có lẽ bởi vì người ta sợ những hệ lụy về mặt đạo đức và hiện sinh của chúng. Tuy nhiên, không ai có thể thoát khỏi việc tìm kiếm “tại sao” này (x. John Paul II, Tông thư Salvifici doloris, 9).
Ngay cả người có đức tin đôi khi cũng có thể dao động khi đối diện với trải nghiệm đau khổ. Đó là một thực tại đáng sợ, và khi nó xâm nhập và tấn công, nó có thể làm cho người ta quẫn trí, đến độ mất niềm tin. Khi đó, họ bị đặt vào một ngã rẽ: một là họ có thể để cho đau khổ dẫn mình đến chỗ khép kín nơi chính mình, đến mức tuyệt vọng và nổi loạn; hai là họ có thể đón nhận đau khổ như một cơ hội để trưởng thành và nhận thức rõ những gì thực sự quan trọng trong cuộc sống, đến độ đạt tới sự gặp gỡ với Thiên Chúa.
Cách chọn lựa thứ hai là viễn tượng của đức tin mà chúng ta tìm thấy trong Sách Thánh.
Trong Cựu Ước, con người cảm nghiệm bệnh tật với tâm thế không ngừng hướng về Thiên Chúa: họ tín thác vào Ngài ngay cả trong những lúc những lúc thử thách phải rơi nước mắt (x. Tv 38), nài xin Ngài chữa lành bệnh tật (x. Tv 6,3; Is 38), và không ngừng hoán cải trở về với Ngài (x. Tv 38, 5, 12; 39, 9; Is 53, 11).
Trong Tân Ước, chính Chúa Giêsu phá vỡ tất cả (x. Ga 3,16): là Con Một Thiên Chúa, Người mặc khải tình yêu của Chúa Cha, lòng thương xót, sự tha thứ, và không ngừng tìm kiếm con người tội lỗi, lạc lối và bị thương tích. Không phải ngẫu nhiên mà hoạt động công khai của Đức Kitô phần lớn được đánh dấu qua việc Người tiếp cận với các bệnh nhân. Phép lạ chữa lành là một trong những đặc điểm chính trong thừa tác vụ của Chúa Giêsu (x. Mt 9, 35; 4, 23): chữa lành những người phong cùi và những người bại liệt (x. Mc 1, 40-42; 2, 10-12); chữa lành nhạc mẫu ông Simon, và người đầy tớ của viên đại đội trưởng (x. Mt 8, 5-15); giải thoát kẻ bị quỷ ám và chữa lành bệnh tật cho tất cả những ai tin tưởng vào Người (x. Mc 6, 56).
Chính lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu đối với bệnh nhân và những hoạt động chữa lành của Người được diễn tả như là dấu chỉ của việc “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Lc 7, 16) và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần (x. Lc 10, 9); Việc chữa lành bệnh nhân mặc khải căn tính thần linh và sứ mạng thiên sai của Chúa Giêsu (x. Lc 7, 20-23) đồng thời cho thấy tình yêu của Chúa Giêsu dành cho những người yếu đuối đến độ Người đồng hóa với họ: “Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom” (Mt 25, 36).
Đỉnh cao của sự đồng hóa này được thể hiện trong cuộc Khổ nạn, vì thế Thập giá của Đức Kitô trở thành dấu chỉ tuyệt hảo của tình liên đới của Thiên Chúa với chúng ta, đồng thời, khả năng để chúng ta tham gia với Người trong công trình cứu độ (x. Col 1, 24). Cũng vậy, sau khi Phục Sinh, khi ủy thác cho các môn đệ sứ mạng tiếp tục công trình của Người, Chúa Giêsu sai các ông hãy chữa lành các bệnh nhân, đặt tay trên họ và chúc lành cho họ nhân danh Người (x. Mc 16,15-18).
Do đó, Kinh Thánh không đưa ra một câu trả lời tầm thường và không tưởng cho vấn nạn về bệnh tật và cái chết, cũng không đưa ra một câu trả lời theo thuyết định mệnh, vốn biện minh cho mọi thứ bằng cách gán nó cho một sự phán xét không thể hiểu nổi của thần linh, hoặc tệ hơn, một định mệnh không thể thay đổi mà đứng trước nó, con người chẳng thể làm gì khác ngoài việc cúi đầu qui phục dù không hiểu gì. Trái lại, con người theo Kinh thánh cảm thấy được mời gọi đối diện với tình trạng đau khổ phổ quát như một nơi gặp gỡ với sự gần gũi và lòng trắc ẩn của Thiên Chúa, người Cha nhân lành, Đấng với lòng thương xót vô biên đảm nhận việc chữa lành, nâng dậy và cứu độ các tạo vật bị thương tích của Ngài.
Như vậy, trong Đức Kitô, ngay cả đau khổ cũng được biến đổi thành tình yêu, và sự chung cuộc của mọi sự trên thế gian này trở thành niềm hy vọng phục sinh và cứu rỗi, như tác giả sách Khải Huyền đã nhắc nhở chúng ta (x. Kh 21, 4). Về bản chất, đối với Kitô hữu, ngay cả bệnh tật cũng là một hồng ân lớn lao của sự hiệp thông, nhờ đó Thiên Chúa cho họ thông phần vào lòng nhân từ trọn vẹn ngang qua việc họ trải nghiệm về sự yếu đuối của mình.
Trong thực tế, cách thế chúng ta trải nghiệm đau khổ cho chúng ta biết về khả năng yêu thương và để cho mình được yêu thương; về khả năng mang lại ý nghĩa cho những thăng trầm của cuộc sống dưới ánh sáng của đức ái; và về sự sẵn sàng chấp nhận giới hạn của mình như một cơ hội để tăng trưởng và cứu độ[1]. Đây là điều mà Thánh Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh khi, dựa trên kinh nghiệm cá nhân, ngài chỉ ra lộ trình đau khổ như một cách thế để mở lòng ra cho một tình yêu lớn hơn (x. Tông thư Salvifici doloris, 20).
Sau hết, khía cạnh cuối cùng của trải nghiệm bệnh tật mà tôi muốn nêu bật là nó dạy chúng ta cảm nghiệm tình liên đới nhân văn và Kitô giáo, theo phong cách của Thiên Chúa, đó là sự gần gũi, trắc ẩn, và dịu dàng. Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu nhắc chúng ta rằng, cúi mình xuống trước nỗi đau của người khác không phải là một lựa chọn tùy ý, mà là một điều kiện không thể thiếu, để con người vừa nhận thức trọn vẹn về tư cách là một cá vị vừa để xây dựng một xã hội dung nạp, thực sự hướng tới công ích (x. Thông điệp Fratelli tutti, 67-68).
Quý thành viên của Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh thân mến, tôi chân thành gửi tới anh chị em lời cảm ơn và khích lệ của cá nhân tôi đối với công việc khó khăn mà anh chị em thực hiện để phục vụ Lời Chúa, qua việc nghiên cứu và giảng dạy. Anh chị em đang tham gia vào một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của việc hội nhập văn hóa của đức tin, vốn là một phần cơ bản trong sứ mạng của Giáo hội. Tuy nhiên, xin hãy nhớ rằng công việc của anh chị em sẽ càng phát triển hơn nữa đến mức anh chị em có thể đón nhận mầu nhiệm Nhập Thể một cách cá vị trong đời sống đức tin của anh chị em.
Chúc anh chị em tiếp tục đạt được thành quả trong công việc của mình. Nguyện xin ánh sáng của Chúa Thánh Thần chiếu dọi trên anh chị em. Tôi ưu ái ban phép lành chúc lành cho anh chị em, và xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn!
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (20.04.2023)
Nguồn: https://hdgmvietnam.com/