Dị ứng nhộng tằm, dùng thuốc gì?

Sau khi ăn nhộng tằm, tôi bị nổi mề đay ở mặt, rất ngứa. Sau đó mề đay xuất hiện ở cả cánh tay thành từng đám.

Có phải tôi bị dị ứng với nhộng tằm không? Tôi phải dùng thuốc gì cho hết tình trạng này?

Hà Phương(Hưng Yên)

Dị ứng thức ăn là một phản ứng dị thường của cơ thể đối với một hoặc nhiều loại thức ăn xuất hiện sau khi ăn. Triệu chứng dị ứng thức ăn thường phát triển trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi ăn, nhất là ở những người có cơ địa nhạy cảm.

Biểu hiện của dị ứng thức ăn có thể ở mức độ nhẹ như nổi mày đay ở da, cảm thấy đỏ bừng mặt, nôn, quặn bụng, đau bụng, tiêu chảy...; nặng như sốc phản vệ đe dọa tính mạng (co thắt và thắt chặt cơ của đường hô hấp, cổ họng bị sưng hoặc khó thở, tụt huyết áp nghiêm trọng, mạch nhanh, chóng mặt, hoa mắt hoặc mất ý thức...).

 
 

Các loại thực phẩm hay gây dị ứng là động vật thuộc nhóm giáp xác (cua, tôm, mực, sò...), nhộng, ba ba, cá, lươn, trứng, sữa, lạc, đỗ...

Với các biểu hiện như trên, rất có thể bạn đã bị dị ứng với nhộng tằm. Nếu chỉ là mày đay cấp, nhẹ thì chỉ cần dùng kháng histamin chống dị ứng như: cetirizin, loratadin, clorpheniramin... Tuy nhiên cần lưu ý: Đối với clorpheniramin khi uống thường gặp hiện tượng ngủ gà, an thần, nên cần tránh làm những công việc cần sự tỉnh táo như lái xe, làm việc trên cao... Tác dụng an thần rất khác nhau từ ngủ gà nhẹ đến ngủ sâu, khô miệng... Tuy nhiên, hầu hết người bệnh chịu đựng được các phản ứng phụ khi điều trị liên tục, đặc biệt nếu tăng liều từ từ.

Đối với loratadin, cetirizin không có tác dụng an thần, là thuốc lựa chọn đầu tiên để điều trị mày đay dị ứng. Tuy nhiên, khi sử dụng liều cao có thể gây đau đầu, khô miệng...

Trong trường hợp dùng các thuốc trên không đỡ hoặc có biểu hiện khó thở, dị ứng nặng... cần đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.

Ngoài ra có thể bôi thuốc chống ngứa có methol, phenol, sulfat kẽm và không gãi (vì càng gãi càng tăng ngứa, tăng sẩn nề và bệnh sẽ trầm trọng hơn).

DS. Nguyễn Thu Giang

nguon: Suckhoedoisong.vn