Lm. Nnamdi Moneme, OMV
Chúng ta thường có phản ứng như thế nào khi đối diện với những thử thách và sóng gió trong cuộc đời mình? Phải chăng là chúng ta cố gắng để tránh bao nhiêu có thể, và nếu không tránh được thì cố gắng để sống sót? Vấn đề là, như là Kitô hữu, có lẽ rất ít khi chúng ta tự vấn: “Sóng gió này ảnh hưởng ra sao đến niềm tin của tôi vào Đức Kitô?”
Thánh Phêrô đã có những trải nghiệm đáng nhớ khi bị sóng đánh trên biển như được tường thuật trong Tin Mừng Mt 14, 22-33. Phêrô bị chao đảo và tưởng như suýt bị chìm khi thử đi trên mặt nước. Trải nghiệm về cơn sóng đánh này cuối cùng đã ảnh hưởng đến niềm tin của Phêrô, cũng như của các tông đồ vào Đức Kitô, “Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: "Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!” (c. 33). Các ông không còn thấy Đức Giêsu như một “bóng ma” mà họ đã hình dung trước đó, nhưng bắt đầu cảm nhận được sự hiện diện của Thần tính nơi Đức Giêsu qua kinh nghiệm về giông tố trên biển này.
Niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô cũng trưởng thành trong và qua những sóng gió cuộc đời. Nhưng sự trưởng thành ấy không phải là điều đương nhiên, có nghĩa là, chúng ta không trưởng thành trong đức tin chỉ bằng việc trải nghiệm những thử thách. Thật vậy, nếu muốn trưởng thành trong đức tin qua những sóng gió cuộc đời, chúng ta cũng phải chia sẻ tâm thế lấy Đức Kitô làm trung tâm của Phêrô: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài” (c. 28). Ở đây, chúng ta sẽ nhìn vào 3 tâm thế:
Tâm thế thứ nhất: “Trong những sóng gió cuộc đời, tôi quyết tâm vẫn vâng phục và làm theo ý muốn của Đức Giêsu chứ không phải ý muốn của mình”. Thánh Phêrô không bước ra khỏi thuyền mà chưa có mệnh lệnh của Đức Giêsu: “Xin truyền cho con”. Trên thực tế, Phêrô chỉ bước ra sau khi có lời mời của Đức Giêsu, “Cứ đến!”.
Niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô cũng sẽ được trưởng thành khi chúng ta sẵn sàng hy sinh ý riêng và lắng nghe Người nói với chúng ta giữa những bão tố của cuộc đời. Việc Phêrô nghe được tiếng Đức Giêsu giữa cơn sóng gió dữ dội cho thấy rằng tiếng của Đức Giêsu đúng thực là lớn hơn tiếng sóng của bão táp. Nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng, khi đương đầu với bão tố, chúng ta dường như không nghe thấy tiếng của Đức Giêsu, nói đúng hơn, chúng ta không lắng nghe Người, vì chúng ta chỉ nghe bản thân, nghe những ước muốn của mình, và nghe những gì chúng ta cho là sẽ dẫn đến cảm giác an toàn, sung túc.
Tâm thế thứ hai: “Trong những sóng gió cuộc đời, tôi quyết tâm đến gần Đức Kitô hơn, Đấng đang đến với tôi”. Thánh Phêrô đi trên mặt nước không phải là không có phương hướng, hoặc chỉ để khoe mẽ với người khác. Chắc chắn Phêrô không có ý để có được một bức ảnh tự sướng hoàn hảo khi đang bước đi trên mặt biển! Trong cơn bão đó, những bước chân của Phêrô hướng về Đức Giêsu, “Xin truyền cho con đến với Ngài”.
Niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô cũng sẽ được trưởng thành khi chúng ta không để cho những sóng gió cuộc đời làm cho chúng ta xa cách Người. Trái lại, chúng ta xác tín rằng “không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8, 39). Trong bão tố, chúng ta vẫn tìm kiếm Đức Giêsu, và không hoài nghi sự hiện diện đầy yêu thương, hoặc kế hoạch khôn ngoan mà Người muốn dành cho chúng ta. Để được như vậy, chúng ta cần sám hối tội lỗi, dành nhiều thời gian hơn cho việc cầu nguyện, cố gắng đến gần Đức Giêsu hơn, và kết hợp với Người hơn nữa.
Tâm thế thứ ba: “Trong những sóng gió cuộc đời, tôi quyết tâm làm điều mà Đức Kitô đã làm”. Thánh Phêrô xin làm điều giống như Đức Giêsu đã làm – đi trên mặt nước. Niềm tin của chúng ta cũng sẽ được trưởng thành trong và qua những sóng gió cuộc đời khi chúng ta biết noi theo những tâm thế và hành động của Đức Giêsu đối với Chúa Cha và đối với chúng ta. Chúng ta lãnh nhận Ơn gọi của Phép rửa để trở thành một Kitô khác trong thế giới hôm nay, đó là: yêu thương, tha thứ, phục vụ, cầu nguyện, loan báo và trung thành làm chứng cho sự thật, khiêm nhường và từ bỏ chính mình,... giống như Đức Kitô đã làm.
Một cách cụ thể, vậy thì làm sao để chúng ta có thể đối phó với những cảm giác bị nhấn chìm khi gặp sóng gió trong cuộc đời? Kinh nghiệm của thánh Phêrô cho chúng ta một đảm bảo rằng: Đức Kitô luôn ở bên chúng ta và Người sẽ không để cho giông tố cuốn lấy chúng ta. Bàn tay cứu độ của Người luôn chìa ra cho chúng ta, “Đức Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho ai kính sợ Người” (Tv 85, 9). Do đó, chúng ta được trưởng thành trong đức tin khi cảm nghiệm được sự hiện diện yêu thương, và tình yêu cứu độ của Đức Kitô ngay giữa những lúc giông bão.
Trái ngược với những gì chúng ta có thể cảm thấy hoặc suy nghĩ, Thiên Chúa không bỏ rơi nhưng đến gần khi chúng ta gặp phải những sóng gió cuộc đời. Thật thế, Thiên Chúa đã đến bên Tiên tri Êlia đang nản lòng và sợ hãi, khi ông chạm phải sóng gió trong cuộc chạy trốn sự truy sát của Jezebel. Ngài đến trong âm thầm để củng cố niềm hy vọng, và đổi mới cảm thức ơn gọi của vị Tiên tri. Ngay cả ông Gióp cũng cho thấy sự trưởng thành về đức tin nơi Thiên Chúa qua những thử thách đau đớn khi cuối cùng, ông chứng thực rằng: “Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến” (G 42, 5).
Trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa không chỉ ở với chúng ta mọi lúc, nhưng Ngài còn đến với chúng ta trong những sóng gió cuộc đời. Ngài gọi chúng ta ra khỏi thuyền, tức là ra khỏi những lãnh vực thoải mái, an toàn, và quen thuộc của chúng ta. Ngài ra hiệu cho chúng ta đến với Ngài ngay giữa bão tố vì Ngài muốn đức tin của chúng ta được lớn lên. Ngài vẫn là “Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin”, (Dt 12, 2) là Đấng ban cho chúng ta đức tin, và cũng là Đấng làm cho đức tin ấy trưởng thành khi chúng ta cảm nghiệm được tình yêu cứu độ của Ngài qua những sóng gió cuộc đời.
Đức Giêsu quả quyết với chúng ta rằng, cuộc đời này là một chuỗi bão tố bất tận, chuỗi bão tố mà Ngài đã vượt thắng tất cả rồi, “Trong thế gian, anh em sẽ gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33). Thánh Gioan cũng nhắc chúng ta: “Chiến thắng của chúng ta đối với thế gian, đó là lòng tin của chúng ta” (1 Ga 5, 4). Chính vì thế, Thiên Chúa muốn chúng ta cũng trưởng thành trong đức tin qua những giông bão này. Chúng ta sẽ chẳng có cơ hội để vượt thắng thế gian đầy biến động này khi chúng ta chỉ có một đức tin còi cọc, ấu trĩ.
Chính niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô, chứ không phải khẩu trang, tấm che mặt, sự giãn cách xã hội và phong tỏa mới có thể chiến thắng cơn bão Covid-19;
Chính niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô mới có thể chiến thắng cơn bão của những vụ bê bối về tài chính, giáo thuyết, và tình dục hiện đang hoành hành trong Giáo Hội; Chính niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô mới có thể chiến thắng những cuộc đàn áp bạo lực đối với các Kitô hữu trên khắp thế giới, cũng như sự đập phá bừa bãi những Nhà thờ, và tượng các Thánh; Chính niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô mới có thể chiến thắng mọi sự bội giáo và phản bội trong Giáo hội. Và, niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô chỉ có thể nở hoa khi chúng ta biết đương đầu với những cơn bão tố này với những tâm thế đúng đắn đó là kiên quyết tuân theo ý muốn của Thiên Chúa, hiệp nhất với Ngài, và làm theo những gì Đức Kitô đã làm.
Nếu duy trì được tâm thế lấy Đức Kitô làm trung tâm này, thì khi phải đối diện với mọi sóng gió cuộc đời, chúng ta sẽ trải nghiệm được tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, và đức tin của chúng ta sẽ trưởng thành. Để rồi, Đức Giêsu không còn là một “bóng ma” nhưng trở nên rất thật với chúng ta, đến nỗi chúng ta phải thốt lên: “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa!”.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (18. 01. 2023)
Nguồn : http://daminhthanhtam.org