Đau Khổ Dưới Nhãn Quan Kitô Giáo

Đau Khổ Dưới Nhãn Quan Kitô Giáo 

Sống khỏe mạnh, hạnh phúc và không phải nếm mùi đau khổ là ước mơ của hết mọi người trên cõi dương gian. Hầu đạt được mơ ước này, từ cổ chí kim con người đã và đang nổ lực đi tìm mọi phương cách và bào chế “những phương thuốc đặc trị” nhưng vẫn chưa thể biến ước mơ đó thành hiện thực. Quả thực, đau khổ là một vấn đề nan giải, khó tìm ra câu trả lời tại sao và khi nào mới chấm dứt. Dẫu đặt vấn đề như vậy nhưng, có thể nói, phần lớn nhân loại đã nhìn nhận đau khổ như là một thực tại trong cuộc sống và là một phần của kiếp sống nhân sinh. Thật vậy, hết mọi người, dù là nam hay nữ, sang hay hèn, có tôn giáo hay không có tôn giáo, ở địa vị cao hay thấp, đều phải nếm mùi đau khổ. Thấu hiểu kiếp người là vậy nên Đức Phật đã phải thốt lên rằng “Đời là bể khổ!”
 
Vì đau khổ là một phần của cuộc sống, cho nên dù là người Kitô hữu hay tín đồ của bất cứ tôn giáo nào khác cũng không thể tránh khỏi đau khổ và hy vọng làm cho nó biến mất. Tuy nhiên, nhờ mạc khải của Thiên Chúa và nhờ ánh sáng đức tin soi dẫn, người Kitô hữu luôn ý thức rằng đau khổ thuộc vào bản tính của con người, là một trong những hậu quả của Tội Nguyên tổ, dẫn đến sự mỏng dòn, yếu đuối, tội lỗi mà con người đã, đang và sẽ gây nên cho mình và cho nhau. Đó là một thực tại khó lòng thoát khỏi, có chăng thì cũng chỉ làm giảm bớt phần nào khi người ta biết đón nhận, cảm thông và chia sẻ với nhau. Nhận thấy sự thật không thể chối bỏ này, tác giả Thánh vịnh đã thốt lên rằng:
 
Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục,
Mạnh giỏi chăng là được tám mươi
Mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ
(Tv 90 (89), 10).
 
Cuộc sống dù có sung túc và được cải thiện tốt đến đâu đi nữa, đau khổ vẫn luôn ngự trị và chiếm hữu. Biết rằng khoa học ngày này đã làm gia tăng gấp bội tuổi thọ, chữa trị được nhiều căn bệnh nan y, nhưng ta vẫn phải thường xuyên đối diện với thách đố muôn thuở của bệnh tật, của tiến trình lão hoá và của sự chết. Đau khổ quả là vấn đề khiến nhiều người muốn tìm ra lời giải đáp, nhưng không có câu trả lời thỏa đáng. Thực ra, việc nhìn nhận vấn nạn này thế nào còn tuỳ vào quan niệm của ta về thế giới và nhất là tuỳ vào tôn giáo mà ta đang tin theo. Trong tinh thần đó, người viết không có tham vọng xem xét mọi khía cạnh và giải quyết cách thỏa đáng vấn đề to lớn này, song chỉ muốn cùng với độc giả cố gắng khám phá những thực tại của đau khổ, giúp hiểu rõ hơn về ý nghĩa của nó, để rồi cùng với mọi người, trong hành trình tìm Chúa, biết vượt qua đau khổ và phục vụ con người đau khổ một cách hiệu quả nhất.
 
1. Thực tại đau khổ
 
Là con người, ai mà không biết đến đau khổ và phải nếm mùi khổ đau. Vì, như đã nói trên, đau khổ đã gắn liền với thân phận con người. Chào đời với ba tiếng khóc oa oa là đã bắt đầu nếm mùi đau khổ rồi; thậm chí có những hài nhi chưa chào đời mà đã phải mang lấy khổ đau từ những người khác và bởi những hoàn cảnh khác nhau. Lớn lên, con người càng phải đối mặt với nhiều cay đắng chua chát hơn. Như vậy, đau khổ là một thực tại liên tiếp diễn ra trong cuộc sống, nhưng thực tại đó như thế nào và diễn ra làm sao?
 
Đau khổ ngự trị khắp nơi và ngay trong mỗi người.[1] Thực tại đau khổ là vô cùng đa dạng, chẳng hạn: thiên tai, hạn hán, lũ lụt, đói nghèo, khủng bố, chiến tranh, môi trường bị tàn phá, những chính sách và thể chế chính trị hà khắc, tàn bạo, v.v. Mức độ đau khổ của mỗi người cũng khác nhau: người thì đau khổ tạm thời, kẻ thì đeo đẳng suốt đời. Tác động của đau khổ có thể là thể lý, tâm lý, đến tâm linh và đời sống luân lý. Cũng có những đau khổ do chính con người tạo nên cho nhau, như: bất công hay đàn áp, bị bóc lột và bị bỏ rơi. Có những nỗi đau do bệnh hoạn, tật nguyền, do tuổi già, sức yếu. Có những đau khổ do nghiện ngập, do tật xấu hay do thất bại nản chí.[2] Đau khổ thật là muôn hình vạn trạng, như Victor Hugo thừa nhận: “Đau khổ cũng đa dạng như con người. Một người chịu đựng những gì mình có thể.”
 
Đau khổ là một thực tại của kiếp nhân sinh, nhưng vấn đề đặt ra là: Ai đã gây nên đau khổ cho con người? Phải chăng Thiên Chúa là tác giả? Hay là do sự dữ, thế ai tạo nên sự dữ? Có phải đây là sự trừng phạt công bình của Thiên Chúa vì tội lỗi của con người không? Để trả lời cho câu hỏi muôn thưở này, chúng ta cùng nhau lược lại những thứ đau khổ theo khám phá của cha Thévenot, một cách nào đó, từ nơi đây sẽ cho ta câu trả lời. Theo ngài, đau khổ có nhiều thứ, nhưng tựu trung lại đau khổ thể hiện trong ba loại: đau khổ thể xác, đau khổ tâm lý, và đau khổ có nguồn gốc tâm linh.[3]
 
(1) Trước hết, đau khổ phát xuất từ tình trạng suy yếu tự nhiên, đó là: bệnh tật, tuổi tác, vất vả, thiên tai, lầm lẫn, vô ý của con người. Về phương diện này, đau khổ tựa như một điều không thể tránh khỏi của số mệnh, của kiếp người.
 
(2) Tiếp đến, đau khổ phát xuất từ việc người bóc lột người, từ những bất công hoặc tội lỗi. Những đau khổ này đôi khi còn vượt hẳn đau khổ tự nhiên, vì do con người lạm dụng tự do của mình để nghĩ ra những cách thế hành hạ nhau và gây ra đau khổ cho nhau.
 
(3) Loại đau khổ thứ ba là những đau khổ sinh ra từ việc thực hiện một tiến trình sống nào đó mà mình đang trải qua. Ví dụ: có người đau khổ vì nghiện rượu hay nghiện ma túy, có người đau khổ vì tình yêu dang dở hay bị thất bại trong tình yêu, cũng có người đau khổ trên con đường tạo lập sự nghiệp, v.v.
 
(4) Loại đau khổ cuối cùng là nỗi đau khổ do lòng trắc ẩn, khi cảm thấy thương cảm trước đau khổ của những người khác. Nỗi đau khổ mà tôi đang cùng với người ấy chống lại phần nào đã trở thành đau khổ của chính tôi.
 
Điểm qua những loại đau khổ đó là ta đã có câu trả lời. Đau khổ xuất phát từ tình trạng tự nhiên của con người, ngay trong khiếm khuyết của cơ thể, thuộc bình diện sinh học, tâm lý, cũng như do chính con người tạo nên, ta không thể quy trách nhiệm cho ai. Nguyên nhân nằm ở trong chính con người, một con người đầy những khiếm khuyết, giới hạn, vô trật tự và sai lầm. Đây là kết quả không thể tránh được của kiếp làm người và của thế giới thụ tạo.
 
Trong cuốn Dieu ne veut pas la souffrance des hommes (Thiên Chúa không muốn sự đau khổ cho con người), Jean-Claude Larchet cho ta một gợi ý khá rõ ràng về nguồn gốc của đau khổ. Trước hết, tác giả khẳng định rằng “đau khổ là điều nằm ngoài ý định của Thiên Chúa và Ngài không phải là tác giả của đau khổ. Điều đó được thể hiện trong biến cố tạo dựng từ ban đầu và ngay cả sau cuộc sáng tạo điều đó cũng không được lặp lại.”[4] Thứ đến, tác giả cũng trình bày nguyên do của đau khổ đến từ con người và chính con người là chủ thể; đau khổ như là “một hậu quả của Tội Nguyên tổ đã được khắc ghi nơi bản tính con người. Vì hậu quả của tội Ađam nên muôn người phải chịu, do đó con người là chủ thể của đau khổ.”[5]
 
Kinh thánh soi chiếu thực tại này của nhân loại bằng mạc khải về “Tội Nguyên tổ,” một thứ tội đã được nhiều nhà thần học xếp vào loại “tội của thiên nhiên.” “Trong bối cảnh văn hoá – xã hội in đậm dấu ấn của tranh giành sở hữu, quyền lực và khoái lạc, sự hiện diện của đau khổ quả là không thể tránh khỏi. Chính quan điểm này đã dẫn đến xu hướng muốn xoá bỏ đau khổ bằng bất cứ giá nào trên cả hai bình diện thể lý và tâm lý.
 
Trên bình diện lý trí, nó đang tìm cách “gạt bỏ vấn đề đau khổ; và trên bình diện thể lý, nó đang tìm cách khử trừ con người đau khổ bằng cách giết chết, khai trừ, bỏ rơi hay khinh miệt.’”[6] Tội sinh ra tội, rất nhiều khi người này lại chồng chất đau khổ cho người khác. Thiên Chúa được gọi là Đấng Tình Yêu; chắc chắn với bản chất là tình yêu, Ngài không phải là nguyên nhân cũng không muốn ai phải đau khổ. Phải khẳng định rằng đau khổ là hậu quả của tội lỗi, tất cả chỉ vì do con người gây nên đau khổ cho mình và cho đồng loại.
 
Như vậy, đau khổ đã trở thành một thực tại trên trần gian, cho dù không muốn nó vẫn đến với bạn, với anh và với tôi. Ngày nay, điều kiện sống đã được cải thiện, nhờ đó số người cao tuổi tăng lên đáng kể, nhiều bệnh tật cũng đã được đẩy lui và hệ thống hưu dưỡng, bệnh viện được tổ chức tiên tiến và hiện đại hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi đau khổ sẽ biến mất. Quả thực, chỉ trong viễn tượng Kitô giáo, Đức Giêsu, con người của đau khổ, luôn hiện diện giữa nhân loại đã giải thích cho chúng ta rõ tại sao con người phải đau khổ. Thập giá đã trở thành điểm hẹn tâm linh, nơi Thiên Chúa đến tìm gặp nhân loại đầy khổ đau. Chân lý mạc khải này sẽ giúp khám phá và nhận ra ý nghĩa của đau khổ.
 
2. Đức Giêsu và đau khổ
 
Thiên Chúa không phải là tác giả của đau khổ và Ngài cũng không muốn ai phải đau khổ. Để làm rõ hơn nhận định này, chúng ta phải bắt đầu bằng cách nhìn vào Đức Giêsu Kitô, con Thiên Chúa nhập thể, đã cư xử thế nào trước những người đau khổ. Nhất là khi đối diện với chính đau khổ của mình Ngài đã đón nhận nó như thế nào.
 
Ai đọc Tin mừng cũng thấy rõ rằng trong những năm tháng sống và rao giảng, Đức Giêsu không bao giờ gây đau khổ cho ai. Trong Tin Mừng Luca 6, 24-26 ta cũng bắt gặp một vài lần, khi đề cập đến “các mối họa,” Ngài nói: “khốn cho các ngươi,” hay là “vô phúc cho những kẻ giàu có như các ngươi.” Thực ra, đó không phải là những lời nguyền rủa, cầu xin Thiên Chúa giáng họa hay gây đau khổ xuống trên họ, nhưng đó chỉ muốn cho người ta thấy một sự thật là giàu có về của cải không phải là mục đích của đời người. Nước Trời mới là đích đến cuối cùng của mọi người.
 
Cũng có lần, Đức Giêsu lên án lối sống giả hình của các Kinh sư và Pharisiêu nên Ngài nói: “Khốn cho các ngươi” (Mt 23, 13-29), nhưng đó cũng chỉ vì Ngài muốn cho họ biết chân lý về sự thật và lòng ngay. Đối với Đức Giêsu, đau khổ không phải là đồng minh hay bạn đường, và ngài tìm cách giúp cứu chữa nhiều người khỏi đau khổ bao nhiêu có thể. Điểm lại Tin mừng ta thấy rất nhiều lần Ngài đã ra tay chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền cho dân chúng, cất khỏi họ những cảnh mù lòa, phung hủi, đói nghèo, v.v. Bởi thế, Ngài đã được các môn đệ và dân chúng coi như là người thầy thuốc luôn cứu chữa, băng bó các vết thương. Trước những đau khổ của người khác, Đức Giêsu luôn động lòng trắc ẩn, đến nỗi ngôn sứ Isaia phải thốt lên: “Các bệnh tật của ta Người đã gánh lấy; nỗi đau thương của ta Người đã chuốc vào” (Mt 8, 17).
 
Ghi nhận đau khổ như là một thực tại thể lý trong xã hội loài người, nhưng Đức Giêsu luôn thận trọng khi nói về đau khổ. Không lý luận dài dòng, không có bài thuyết trình hùng hồn, nhưng chỉ có những lời lẽ đơn sơ và mở ra cho người ta thấy diễn biến trong tâm hồn họ. Cụ thể, đứng trước một người bại liệt đang cầu xin được chữa lành, Ngài chấp nhận lời thỉnh cầu ấy, nhưng trước hết mở ra cho đương sự thấy chiều kích thiêng liêng của cuộc đời (Mt 12, 1-12); đứng trước một người cha lo lắng vì những triệu chứng quỷ ám nơi con trai mình, Đức Giêsu đã xua đuổi thần ô uế, nhưng trước đó Ngài đòi hỏi ông phải tin (Mc 9, 14-29); đứng trước mười người cùi Ngài đã chữa họ lành, nhưng đòi hỏi họ, những người đã từng bị cộng đoàn coi là ô uế, phải đi trình diện tư tế, tức là phải được tháp nhập lại vào trong môi trường xã hội và tôn giáo (Lc 17, 11-19).
 
Nói đến những đau khổ thể lý mà con người phải chịu, chúng ta không thể không nói tới những hành hạ mà chính Đức Giêsu phải chịu. Đau khổ mà Đức Giêsu phải chịu cũng rất nhiều và rất đa dạng. Vừa sinh ra là đã phải nếm mùi đau khổ, sinh ra trong cảnh rét mướt, không chăn chiếu màn mùng, đau khổ khi bị Hêrôđê truy đuổi sát hại. Khi bắt đầu sứ vụ rao giảng lại bị họ hàng thân thích cho là “Người bị mất trí.” Càng ngày Ngài càng bị người ta cho là một kẻ phản loạn, phạm thượng, bị xếp chung số phận với hạng gái điếm, thu thuế, tội nhân.
 
Khi thi hành sứ mệnh, Ngài phải đau khổ vì bị người ta coi như là người của Satan, nhờ vào thế lực của Satan để trừ quỷ (x. Lc 11, 15). Đau khổ trước tình trạng chậm hiểu của đám thính giả, kể cả những môn đệ mà Người đã lựa chọn cách riêng.
 
Đau khổ khi phải chiến đấu một mình trong vườn Giêtsimani, cuộc chiến mà Tin mừng thuật lại bằng những từ: buồn sầu, kinh hãi, đổ mồ hôi máu, v.v. Đau khổ vì bị cả môn đệ thân tín chối bỏ, phản bội, bị xua trừ, truy nã, và cuối cùng bị kết án tử hình trên thập giá cùng với hàng tội nhân. Nỗi đau khổ lên đến cao điểm khi Người cảm thấy dường như chính Chúa Cha cũng cũng bỏ mặc Ngài cho kẻ thù, nên Ngài đã thốt lên: “Lạy Chúa tôi, Lạy Chúa tôi, sao Ngài bỏ tôi?” (Mt 27, 46).
 
Thái độ của Đức Giêsu trước đau khổ cũng rất tự nhiên hay nói cách khác là rất con người. Nỗi đau khổ cũng bắt Người phải đấu tranh vất vả hơn trong đời sống nội tâm, như: cầu nguyện, chiến đấu trước những thử thách của ma quỷ. Ngài thường có thái độ rất điềm tĩnh trước những cơn bách hại của kẻ khác: không trả đũa hay chạy trốn, cũng không phàn nàn kêu ca trách mắng Thiên Chúa. Với Ngài, có những đau khổ mà con người, dù không muốn, cũng phải vác lấy, như: bệnh tật, già yếu, chết chóc. Như cha Thévenot viết: Đức Giêsu “Không cầu cạnh tử đạo, nhưng khi không thể tránh được khổ nạn, Người đã hết sức tự do trước ý muốn của Thiên Chúa, Người nhận lấy những giây phút đầy lo sợ và nước mắt ấy với tất cả tình yêu.”[7]
 
Trước những đau khổ đó, chắc chắn Đức Giêsu không ủng hộ, cũng không thích thú đau khổ và lấy đau khổ làm lẽ sống. Chính vì vậy, trong lúc đau khổ Ngài đã thốt lên rằng, “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho chén này xa con” (Mt 26, 39. 42). “Nếu có thể được,” một lời cầu nguyện đầy khiêm tốn cho thấy Đức Giêsu ý thức rõ về giới hạn của con người. Là Con Thiên Chúa, ngài có thể chối bỏ và tẩy trừ đau khổ. Nhưng vì yêu Cha và yêu nhân loại lầm than, Đức Giêsu không làm theo ý riêng, Ngài đã chấp nhận và đón nhận đau khổ.
 
Đó là bước phải đi qua để hiến thân cho Cha và cho người khác. Vì thế, sau lời nguyện xin đó Đức Giêsu đã tìm được sức mạnh, để khẳng định và thưa rằng “Nhưng không phải là theo ý con mà theo ý Cha.” Nghĩa là không phải theo những đòi hỏi và ước ao tự nhiên của bản thân Con trước đau khổ và sự chết, nhưng theo ý Cha thấy có phù hợp với sứ mạng tình yêu mà Cha đã giao phó cho Con.[8]
 
3. Người Kitô hữu và đau khổ
 
Khi bàn về vấn đề đau khổ, linh mục Thévenot cũng chỉ giúp chúng ta hiểu phần nào về nó chứ không thể đưa ra câu giải đáp làm thỏa lòng mọi người, ngài nói: “Đừng mong tìm được ra ý nghĩa trọn vẹn của đau khổ.”[9] Đúng vậy, chưa có ai có thể đưa ra giải đáp làm thỏa mãn sự hiểu biết về nguyên nhân, ý nghĩa và mục đích của đau khổ; cũng thế, không ai có thể chạy trốn được đau khổ và làm cho nó biến mất.
 
Như đã nói ở trên, chỉ có đức tin và tình yêu mới có thể giúp ta tìm ra lời giải đáp cho vấn đề muôn thuở này. Biết rằng đau khổ là một thực tại và mọi người đều phải đón nhận, nhưng đón nhận như thế nào cho thanh thoát và hữu ích? Đức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể, đã cho ta câu trả lời về vấn nạn này. Người Kitô hữu luôn được Chúa và Giáo hội mời gọi nhìn vào Đức Giêsu Kitô và nhìn lên Thập giá của Người để biết đón nhận và thánh hóa đau khổ của mình cũng như của người khác. 
 
Theo Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trước tiên, cần công nhận vấn đề đau khổ là một mầu nhiệm liên qua đến mầu nhiệm của tội đã được mặc khải trong Thánh kinh. “Thiên Chúa toàn năng, Đấng vô cùng tốt lành, hẳn đã không cho phép sự dữ nào xảy ra trong các công trình của Ngài . . . Nếu Ngài cho phép đau khổ xảy ra, chính là vì đau khổ cần cho sự cứu rỗi của nhân loại.”[10] Trong Tông thư Đau khổ cứu độ, Đức Thánh Cha đã nêu lên chiều kích tôn giáo của đau khổ. Theo Ngài, “thực tế của đau khổ đặt vấn đề về sự dữ, và vấn đề sự dữ không chỉ đặt ra cho con người mà còn cho Thiên Chúa, Đấng tác tạo vũ trụ, bởi nó không chỉ đặt vấn đề về một Thiên Chúa tốt hay xấu mà về chính hiện hữu của Ngài . . . Mức độ tràn lan và lớn lao của đau khổ phải chăng đang trở nên một thách thức đối với lòng tốt và quyền lực của con người đó sao?
 
Con người luôn chiến đấu chống lại đau khổ, nhưng tại sao chưa chiến thắng? Phải chăng, con người cũng có lỗi trong thất bại này? Bởi vì có biết bao năng lực, suy nghĩ và ước muốn cũng như phương tiện vật chất, thay vì dành để chiến đấu chống lại đau khổ, con người đã và đang dùng để gây thêm đau khổ cho nhau.”[11] Đau khổ luôn có đó, nhưng mỗi khi người ta biết loại trừ oán ghét, ganh tị, ích kỷ, chiến tranh, chắc hẳn sẽ giảm bớt được phần nào; cũng thế, mỗi khi biết quan tâm đến bệnh tật, đói nghèo cô đơn của đồng loại, đau khổ sẽ được vơi đi.
 
Công đồng Vatican II cũng đã nhận ra vấn đề này khi viết: “Càng ngày con người càng thắc mắc: Con người là gì? Đâu là ý nghĩa của đau khổ, sự dữ, sự chết, sự sống đời sau?”[12] Vấn nạn này sinh ra vấn nạn khác. Cần phải có một Tin mừng thực sự xứng hợp với đau khổ của con người. Vậy, muốn hiểu được ý nghĩa của đau khổ, cần đặt nó trong viễn tượng của sự giải thoát. Đó là lời mời gọi của chính Đức Giêsu Kitô vọng lên từ nơi hội đường Nazaret. Người đã lặp lại lời của tiên tri Isaia: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó, công bố sự giải thoát cho kẻ tù đày.
 
Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4, 18-19). Lời Tiên tri Isaia vừa gợi lên thực tế của đau khổ, đó là đau khổ của nghèo đói, nô lệ, áp bức, nhưng đồng thời cũng công bố ân sủng. Lời tiên tri này đã được ứng nghiệm nơi con người và sự nghiệp của Đấng Cứu thế. Trong Đức Giêsu Kitô, đau khổ và giải thoát gặp nhau, cả hai được liên kết với nhau. Nơi Đức Giêsu Kitô, con người đau khổ, có thể tìm thấy câu trả lời dứt khoát và đầy đủ.
 
Quả thực, khi hiểu được ý nghĩa và mục đích, và mỗi khi biết đón nhận và thánh hóa, đau khổ sẽ trở thành hạnh phúc và mạng lại niềm hân hoan cho bản thân và tha nhân. Nhận thấy rõ giá trị này, tác giả Thánh vịnh cũng đã viết:
 
“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo;
Lúc trở về, về trong hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng”
(Tv 126, 5).
 
Đạo Công giáo không lấy đau khổ làm phương châm sống, cũng không khuyến khích người ta đi tìm đau khổ, nhưng muốn mọi người biết đón nhận, thánh hóa và biến nó thành của lễ dâng lên Thiên Chúa. Đức nguyên Giáo hoàng Benêđictô XVI, khi còn là Hồng y Joseph Ratzinger, cũng nói: “Niềm tin không đi tìm đau khổ, nhưng nếu không có khổ nạn, sự sống không đạt được sự trọn vẹn, bị đóng cửa trước sự viên mãn của mình.”[13]
 
Nhận ra đau khổ thuộc vào bản tính của con người, nhờ thấm nhuần được giáo huấn và nhờ cảm nghiệm được từ con người và cuộc sống của Đức Giêsu, người Kitô hữu được mời gọi đón nhận đau khổ như là phương thế kết hợp con người với Đức Kitô, Đấng đã dùng đau khổ và sự chết để tôn vinh Thiên Chúa Cha. Điều này đã được trình bày trong thư thứ 2 gửi tín hữu Corintô: “Chúng ta mang trong thân xác mình sự chết của Đức Kitô, để sự sống của Người có thể được biểu hiện nơi thân xác chúng ta" (2Cr 4, 10).
 
Trong thư gửi tín hữu Ephêsô, Thánh Phaolô còn cho thấy rằng mỗi khi bằng lòng nhận các yếu đuối một cách quảng đại và anh hùng, người Kitô hữu sẽ lớn lên tới mức trưởng thành trong Đức Kitô (Ep 1, 23). Mặt khác, khi đón nhận những người nghèo đói, bệnh hoạn tật nguyền và những nỗi đau khác của tha nhân là ta đang góp phần làm giảm bớt đau khổ cho đồng loại theo cách thế mà Đức Giêsu đã làm cho con người.
 
Đó là cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, thăm viếng kẻ tù đày và an ủi người cô thế cô thân. Qua những bệnh hoạn tật nguyền của mình, các Kitô hữu sẽ bù đắp trong thân xác mình "những gì còn thiếu trong những đau khổ Đức Kitô chịu vì Nhiệm thể Người là Hội thánh" (Cl 1, 24). Người bệnh là hình ảnh và là dấu chỉ của Đức Kitô; phục vụ người bệnh là phục vụ chính Đức Kitô. Khi đến cứu chữa những người bệnh tật và kẻ tội lỗi, Đức Giêsu đã trở nên mẫu gương dấn thân phục vụ những người đau khổ thuộc mọi thời đại. Người đã cứu con người khỏi mọi sự dữ là đầu mối gây ra đau khổ, bệnh tật và chết chóc. Hành động và lời giảng dạy của Ngài giúp ta khám phá ra những giá trị luân lý được lập ra để phục vụ sự sống và hạnh phúc con người.
 
Kết luận
 
Cách chúng ta hơn hai ngàn năm, một tác giả Kinh thánh Cựu ước đã kể câu truyện về ông Gióp. Câu chuyện với mục đích là để nói lên tiếng kêu thống khổ của con người khi đứng trước đau khổ, nhưng đồng thời cũng nhằm giúp cho những ai đau khổ có thể đứng vững và vượt qua. Gióp là một người công chính, nhưng phải chịu không biết bao nhiêu đau khổ.
 
Tuy nhiên, sau những giây phút phản tỉnh, hồi tâm lại ông Gióp thưa với Thiên Chúa: "Con hiểu rằng Chúa có thể làm được mọi sự, không gì mà Chúa không làm được, ai có thể dò thấu ý định của Thiên Chúa" (x. G 42, 2-3).[14] Với Thiên Chúa, tất cả mọi sự đều có nghĩa, dù đó là đau khổ hay chết chóc, mọi sự đều nằm trong chương trình yêu thương của Ngài.
 
Thiên Chúa dựng nên con người là cho họ được sống hạnh phúc và bình an. Thánh Gioan thì nói: “Ta đến để cho chúng được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Chương trình cứu độ của Thiên Chúa vẫn luôn được tiếp diễn, mặc dù ngày nay Ngài không còn đích thân đến với từng người, nhưng Ngài đã ủy thác cho Giáo hội nhiệm vụ săn sóc và bảo vệ dân Ngài.
 
Do đó, trong trách vụ và với khả năng, ta được mời gọi giúp anh chị em của mình đón nhận và thánh hóa đau khổ theo tinh thần của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể. Mầu nhiệm sáng tạo cho thấy, con người không phải là một hữu thể đóng kín, nhưng là phải mở ra, hướng về người khác. Ơn gọi làm người là tìm đến đối thoại, hiệp thông với đồng loại và trao ban cho người lân cận những gì mình có thể. Bởi lẽ, khi được nâng đỡ và bao bọc bằng tình thương và với lòng quảng đại phục vụ, chắc chắn đau khổ có thể được giảm bớt, thậm chí biến mất và nó trở nên suối nguồn phong phú giúp cho cuộc sống có ý nghĩa và có tính nhân bản hơn.
 
Người Kitô hữu phải ý thức và tin rằng “sau khi Chúa Kitô chịu đau khổ và chết trên Thập giá, đau khổ và sự chết của con người cũng không biến mất, nhưng có thể nói nó đã mất đi tính cách phi lý và mặc lấy một ý nghĩa mới, có nghĩa là từ nay không có một tiếng kêu đau thương nào là vô ích. Thiên Chúa sử dụng tất cả mọi sự vì ơn cứu rỗi, đó là ánh sáng của niềm tin mà Kitô giáo muốn chiếu rọi vào đau khổ.”[15] Ðứng trước đau khổ, người tín hữu Kitô được mời gọi để tín thác, họ xác tín rằng "Thiên Chúa là tình yêu," tất cả những gì Ngài làm đều có mục đích chung là ơn cứu rỗi và là niềm vui vĩnh cửu của con người.
 
Lm. Phaolô Bùi Đình Cao
Trích từ Tập san Đức Tin Và Văn Hóa, số 04

[1] Xem Nguyễn Chính Kết, Linh hạnh Phật Giáo, Nxb. Tp. HCM, 1997, tr. 50. Đức Phật phân chia các đau khổ thành 8 thứ: sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, oán tắng hội khổ (ghét nhau mà phải sống chung), ái biệt ly khổ (thương nhau mà phải sống xa nhau), cầu bất đắc khổ (ước mong mà không thành đạt), ngũ thạnh âm khổ (khổ vì đòi ăn, lý trí đòi hiểu biết, ý chí đòi yêu, nhục dục đòi ham muốn). 
[2] Xem Dionigi Tetamanzi & Guy Durand, Tân Đạo Đức Sinh Học, do linh mục An Tôn Nguyễn Văn Tuyến biên soạn, Đại Chủng viện Huế 2003, tr. 364.
[3] Xavier Thévenot, Souffrance, bonheur et éthique, do Linh mục Đặng Xuân Thành chuyển ngữ, Nxb. Tôn giáo 2008, tr. 9-13.
[4] Jean-Claude Larchet, Dieu ne vuet pas la souffrance des hommes, Cerf Paris 1999, trang 11.
[5] X. Jean-Claude Larchet, sách đã dẫn (sđd.), tr. 27.
[6] Dionigi Tetamanzi & Guy Durand, sđd., tr. 366
[7] Xavier Thévenot, sđd., tr. 46.
[8] Xavier Thévenot, sđd., tr. 42-48
[9] Xavier Thévenot, sđd., tr.32
[10] Xem Gioan Phaolô II, Evangelium Vitae, số 23.
[11] Gioan Phaolô II, Đau Khổ Cứu Độ, về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo, 11-02-1984, số 9.
[12] Công đồng Vatican II, Gaudium et Spes, số 10.
[13] Joseph Ratzinger, Cánh Chung Luận, Sự chết và đời sống vĩnh cửu, do linh mục Augtinô Nguyễn Văn Trinh biên dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 2013, trang 130.
[14] Www.vietcatholic.org, Nghĩa Cử Yêu Thương, vấn đề đau khổ (Những bài suy niệm hằng ngày theo chủ đề của Đài Phát thanh Chân lý Á Châu-Rađiô - Veritas Asia).
[15] Www.vietcatholic.org , tài liệu đã dẫn.