Hôm 2/9/2020 vừa qua, Đại diện Tòa Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ, Đức Tổng giám mục Ivan Jurkovič, kêu gọi các nước giải thích chặt chẽ các hiệp ước về các quyền con người, và Đức Tổng giám mục nói rằng: “bất kỳ giải thích nào khi đi quá điều được xác định trong hiệp ước đều là vô hiệu, tai hại và phản tác dụng”.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Đức Tổng giám mục Ivan Jurkovič đang hướng dẫn phái đoàn Tòa Thánh tham gia tiến trình duyệt lại các hiệp ước của Liên Hiệp Quốc về các quyền con người, dưới ánh sáng các biện pháp do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đề ra năm 2014, với nghị quyết số 56/268.
Trong bài tham luận hôm thứ Tư vừa qua (2/9), Đức Tổng giám mục Jurkovič nhắc đến “sự đối thoại tương tác” giữa các quốc gia, và tái khẳng định rằng: “Mọi toan tính thay đổi phạm vi hoặc nội dung các nghĩa vụ của mỗi quốc gia ký kết hiệp ước, mà không có sự đồng ý của quốc gia ấy đều là một hành vi phủ nhận giá trị sự phê chuẩn của quốc gia liên hệ đối với hiệp ước”. Ngoài ra, cần bảo đảm sự nhất quán giữa những kết quả, do các cơ quan nhà nước về các hiệp định và công pháp quốc tế”.
Vị đại diện Tòa Thánh bày tỏ lo ngại vì nhiều khi các cơ quan nhà nước vừa nói, đưa ra “một giải thích năng động về các hiệp ước, du nhập những ý niệm mới. Trong khi đó, các văn kiện ấy đòi hỏi một sự giải thích chặt chẽ, theo các qui luật đã được qui định do Công ước Vienne về luật, liên quan đến các hiệp ước hồi năm 1969”.
Đức Tổng giám mục Jurkovič ám chỉ đến sự việc, một số quốc gia Âu Mỹ muốn du nhập việc phá thai, hôn nhân đồng phái, và một số điều khác như những “nhân quyền”, và do đó chúng phải được các nước ban hành luật buộc dân chúng phải tôn trọng.
Trước đó, hôm 28/8 vừa qua, trong một tuyên ngôn gởi tới các thành phần liên hệ, Đức Tổng giám mục Jurkovič mời gọi cải tiến các cố gắng duyệt lại hiệp ước để ngày càng có “hiệu năng, minh bạch và hòa hợp hơn trong các phương pháp làm việc”. Đức Tổng giám mục đặc biệt dấn thân về mặt cứu xét các biện pháp khả dĩ, để tăng cường sự ủng hộ các cơ quan của hiệp ước về các quyền con người.
Tòa Thánh đề nghị nên thận trọng, trong những cố gắng nhắm đề cao vai trò của các vị Chủ tịch [Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc], xét vì không có một căn bản pháp lý cho một vai trò ngày càng gia tăng của các vị Chủ tịch, đồng thời cũng cần thận trọng về vấn đề củng cố sự hiệp lực giữa các tổ chức khác nhau về các quyền con người, xét vì bản chất và căn bản pháp lý của các tổ chức này rất khác nhau.
(Vatican News 28-8, 2-9-2020)