Ngày 13/3, bác sĩ tại Northwell Health, mạng lưới chăm sóc sức khỏe phi lợi nhuận lớn nhất thành phố New York, liên hệ với hai công ty công nghệ sinh học Mỹ là Gilead Science và Regeneron, yêu cầu được thử nghiệm các loại thuốc tiềm năng, trong đó có remdesivir và kevzara. Quyết định đưa ra sau khi nhiều bệnh nhân của họ không có dấu hiệu phục hồi, một số thậm chí diễn biến tiêu cực.
Bốn ngày sau đó, hai bệnh nhân được dùng thử liều đầu tiên.
"Họ đã rất yếu rồi. Mọi người đều xắn tay giúp đỡ vì hiểu rằng chúng tôi đang đối mặt với cuộc khủng hoảng, và bệnh nhân cần điều này. Sau 30 năm làm nghiên cứu, đây là ngày đáng tự hào nhất cuộc đời tôi khi biết người bệnh đang được điều trị bằng các loại thuốc có thể sẽ khiến họ khá hơn", Kevin Tracey, Chủ tịch Viện Feinstein, bộ phận nghiên cứu y học của Northwell Health, cho biết.
Đại dịch lan rộng ở New York, số ca bệnh tăng lên chóng mặt, vượt 800.000 vào ngày 1/4. Không ai có thể chờ đợi hơn 18 tháng cho một liều vaccine.
|
Kỹ thuật viên làm việc tại phòng thí nghiệm Northwell Health, Mỹ. Ảnh: AP
|
Các bác sĩ và nhà khoa học áp dụng mọi biện pháp có thể. Trong tháng này, họ sẽ có thêm thông tin cần thiết khi một số nghiên cứu quan trọng tại Trung Quốc đến thời hạn công bố kết quả sơ bộ.
Ba phương pháp chính đang được thử nghiệm với bệnh nhân Covid-19.
Đầu tiên là thuốc chống siêu vi, ngăn chặn virus nhân lên trong cơ thể người. Hướng dẫn điều trị của chính phủ Trung Quốc bao gồm thuốc kháng HIV kaletra, thuốc trị sốt rét chloroquine và thuốc cúm favipiravir của Nhật Bản.
Các chuyên gia đặt cũng nhiều kỳ vọng vào thử nghiệm lâm sàng đầu tiên của remdesivir, từng được chứng minh là có tác dụng trên một số chủng virus họ corona khác. Umer Raffat, chuyên gia phân tích công nghệ sinh học tại Mỹ, cho biết kết quả dự kiến được công bố trong vài tuần tới.
"Đây là cuộc chạy đua với thời gian. Chúng ta cần đi nhanh nhất có thể. Lúc này, chúng tôi chưa biết phương pháp nào là hiệu quả. Hiện chưa có cách điều trị cho Covid-19", Andre Kalil, giám sát viên của thử nghiệm remdesivir cho biết.
Chloroquine có hai ưu điểm rõ rệt hơn so với remdesivir. Chloroquine rẻ hơn nhiều. Thuốc cũng được bào chế dưới dạng viên uống thay vì tiêm truyền tĩnh mạnh như sản phẩm của Gilead Science. Song các nghiên cứu tại Pháp và Trung Quốc về chloroquine tương đối nhỏ lẻ, không tuân theo quy tắc đối chứng ngẫu nhiên.
Trong khi đó, kết quả của nghiên cứu đầu tiên đối với tổ hợp thuốc kháng HIV không mấy khả quan. Kaletra dường như kém tác dụng đối với các ca bệnh nặng.
Nhóm thuốc thứ hai là thuốc kháng viêm, chủ yếu điều trị sau khi hệ miễn dịch bị quá tải. Ứng cử viên tiềm năng là kevzara, được phát triển bởi hai "đại gia dược phẩm" là Regeneron và Sanofi. Trong khi đó, tập đoàn Roche bắt đầu thử nghiệm actemra. Các loại thuốc trên vốn sử dụng cho bệnh viêm khớp dạng thấp.
|
Thuốc chống sốt rét chloroquine. Ảnh: AFP
|
Nhiều nhà khoa học cũng nghiên cứu các chất ức chế IL6 ngăn ngừa sản sinh các protein gây viêm được gọi là cytokine. Thuốc rất hữu ích cho giai đoạn sau của Covid-19, khi hệ thống miễn dịch của bệnh nhân bị quá tải.
Cuối cùng là liệu pháp miễn dịch, dựa trên kháng thể được phát triển trong phòng thí nghiệm dưới dạng thuốc hoặc thu thập từ các bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục hoàn toàn.
Hãng dược Eli Lilly đã hợp tác với AbCellera, một công ty khởi nghiệp tại Canada để nghiên cứu các kháng thể từ bệnh nhân Mỹ đầu tiên mắc Covid-19. Trong khi đó, tập đoàn Takeda của Nhật Bản phát triển loại thuốc mới có nguồn gốc từ huyết tương của người sống sót sau khi nhiễm virus.
Các phương pháp dựa trên kháng thể rất quan trọng trong điều trị bệnh nhân dương tính hoặc bảo vệ sức khoẻ cho nhân viên y tế tuyến đầu.
New York chuẩn bị thử nghiệm liệu pháp này cho các ca nghiêm trọng, với huyết tương thu thập từ bệnh nhân đã hồi phục. Thành phố hiện là tâm dịch của Mỹ với hơn 200 trường hợp tử vong. Song hầu hết các nhà sản xuất thuốc đang xem xét kỹ lưỡng, điều chỉnh để có một sản phẩm cô đặc và tinh khiết hoặc tạo ra kháng thể nhân tạo.
Dù có nhiều triển vọng, các nhà sản xuất thuốc phải đối mặt với thách thức tương tự những đơn vị phát triển vaccine. Khi họ thu thập đủ thông tin cần thiết, nCoV có thể đã biến mất.
|
Kỹ thuật viện kiểm tra các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân Covid-19 tại phòng thí nghiệm thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP
|
"Nếu nó trở thành vấn đề toàn cầu, các công ty như chúng tôi sẵn sàng đầu tư do mối quan tâm về sức khoẻ, bệnh nhân và cả cộng đồng. Nhưng khi bệnh mới xuất hiện ở 5 hoặc 10 người, liệu có đáng đổ dồn tài nguyên và chi phí lớn để rồi không nhận lại được gì, bởi virus đã được ngăn chặn thành công?", tiến sĩ Daniel Skovronsky, Giám đốc Y tế của hãng dược Eli Lilly, nhận định.
Song hiện tại, rõ ràng đại dịch là một vấn đề dài hạn.
Bên cạnh đó, kỳ vọng của chính trị gia và các nhà đầu tư về một loại thuốc "thần kỳ" dẫn đến sự sai lệch về thông tin. Một vài người đã tử vong vì sử dụng thuốc bừa bãi.
Ngay cả khi điều chế thuốc thành công, các công ty vẫn đối mặt với áp lực trong việc định giá. Rising Chemicals, nhà sản xuất chloroquine đã tăng giá mỗi viên thuốc ở Mỹ lên gần gấp đôi hồi tháng 1, khi dịch bệnh đang hoành hành ở Trung Quốc. Tháng này, khi cuộc khủng hoảng lan đến chính nước này, công ty giảm giá sản phẩm xuống mức bình thường.
Bất chấp nhiều trở ngại, việc tìm ra loại thuốc điều trị Covid-19 là niềm hy vọng gần như duy nhất hiện tại đối với các bệnh nhân, gia đình, xã hội và cả nền kinh tế. Đặc biệt là khi cuộc đua đến với vaccine còn gian nan hơn nhiều.
Thục Linh (Theo Finacial Times)