Củng Cố Những Bước Đầu Phân Định Và Sống Ơn Gọi

CHƯƠNG II :

CỦNG CỐ NHỮNG BƯỚC ĐẦU PHÂN ĐỊNH

VÀ SỐNG ƠN GỌI


ĐẶT VẤN ĐỀ 

Biện phân ơn gọi thánh hiến là lắng nghe lời Chúa kêu gọi. Vậy trước hết, chúng ta thử khảo sát mấy từ ngữ quan trọng. 

Ơn Gọi, một từ ngữ thường được sử dụng để gọi tên một lời mời gọi đến chức linh mục hay đời sống tu sĩ. Tuy nhiên, trong ý nghĩa rộng rãi nhất của nó, ơn gọi đơn giản là “một lời mời gọi.” Từ ngữ này không chỉ để xác định chức linh mục hay tu sĩ mà thôi đâu. Các bậc sống khác, như hôn nhân chẳng hạn, cũng là một ơn gọi, giống như là linh mục hay tu sĩ. 

Do đó, nếu ơn gọi là một lời mời gọi thì chúng ta phải để thời giờ lắng nghe hầu biết được chúng ta phải trở thành cái gì và ở đâu. Tiến trình lắng nghe này thật căn bản để kiện toàn điều lòng chúng ta ước mong tìm được ý nghĩa đời mình, trong kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa. 

Là những con người, chúng ta được mời gọi bởi hoàn cảnh an bài; những giới hạn và khả năng tiềm ẩn của chính chúng ta, trong một thời khắc lịch sử của khả năng tình cảm, tri thức và tâm lý của chính chúng ta.

Nếu chúng ta đi theo giáo huấn của các viện phụ và viện mẫu sa mạc, cũng như của các giáo phụ và tiến sĩ Giáo Hội liên quan đến vấn đề này, chúng ta sẽ chấp nhận rằng một ơn gọi được tìm thấy trong sự sắp xếp an bài của các phương diện ý nghĩa của cuộc sống và bởi ân sủng mà chúng ta đón nhận để thực hiện điều tốt nhất của các tình huống đó. 

Biện phân là tiến trình lắng nghe và chọn lựa qua sự an bài trong các khía cạnh ý nghĩa của cuộc đời một con người, cũng như ân sủng để tìm kiếm và xác định hoàn cảnh và lời đáp trả đích thực đối với Tình yêu của Chúa. 

Đáng tiếc là chúng ta có khuynh hướng lạm dụng hay sử dụng không đúng từ ngữ “biện phân” này. Chúng ta gọi là biện phân bất cứ cái gì phải làm với một quyết định, ngay cả việc rất đơn giản nhất là chọn lựa giữa hai thứ đồ vật vật chất. Chúng ta cũng có khuynh hướng dùng danh từ biện phân khi tất cả những gì chúng ta muốn chỉ là một quyết định thận trọng về một việc gì đó cần đến lương tri. Do đó, không phải tất cả mọi tiến trình phải lấy quyết định đều đặt dưới phạm trù biện phân. 

Biện phân đòi hỏi khả năng suy tư thần học liên quan đến hoàn cảnh và đời sống của một người. Khi chúng ta lắng nghe và chọn lựa qua sự an bài của các phương diện quan trọng của cuộc sống và khi chúng ta đón nhận ân sủng để tìm biết qua cầu nguyện đâu là sự thật trong hoàn cảnh của chúng ta, hầu có thể xác định lời đáp trả đích thực nhất với tình yêu Chúa, thì chúng ta đi đến sự hiểu biết rõ ràng về cuộc đời chúng ta, sự rõ ràng vượt quá con tim biện phân của chúng ta. Như thế có sự gặp gỡ giữa hai sự hiểu biết rõ ràng, của Chúa và của chúng ta, nhờ đó chúng ta bắt đầu nhìn thấy với con mắt đức tin những gì Chúa muốn trong chúng ta và cho chúng ta.  

Trong khi biện phân lời mời gọi đến chức linh mục, tu sĩ hay một tác vụ tôn giáo, điều hết sức quan trọng phải ghi nhớ trong lòng trí rằng ơn gọi đặc biệt này trước hết là một lời mời gọi dâng hiến cuộc đời phục vụ Chúa. Đó không phải là một lời mời gọi làm bất cứ cái gì hay trở nên cái gì.  

Tiến trình biện phân lời mời gọi của một người là một nỗ lực vừa nhân loại vừa thần linh để chọn một bậc sống diễn tả lời đáp trả tốt nhất của mình với tình yêu và sự chăm sóc quan phòng của Chúa. Như thế nó không bao giờ được đảm trách một mình, vì nó mời gọi một sự tương tác giữa người biện phân và Thiên Chúa. Vậy, việc biện phân luôn luôn nằm trong bối cảnh mối tương quan nhân vị của con người với Chúa. 

Cầu Nguyện và Biện Phân

Cầu nguyện là tâm điểm mối tương quan của con người với Chúa làm cho con người tự nguyện sẵn sàng với sự hiện diện dẫn dắt của Chúa trong đời sống mình, đồng thời làm cho con người có khả năng nhận biết Chúa qua tương quan đối thoại: “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con” (thánh Augustinô). 

Như vậy, biện phân không thể tách lìa cầu nguyện, nếu không nó sẽ không thể là một biện phân đích thực. Biện phân không phải là một cái gì chỉ đơn giản đòi học hỏi các phương pháp và kỹ thuật, dù đó là những dụng cụ hữu ích trong chính tiến trình biện phân.  

Biện phân trước hết là một ân ban mà nguời ta tìm kiếm hằng ngày trong cầu nguyện. Chúng ta học nghe tiếng Chúa với con tim của mình, học nhận biết âm thanh của nó, đôi khi cả học biết những gì Chúa muốn nói trước cả khi Ngài nói nó ra. Biện phân là một lời mời gọi được phát sinh từ mối tương quan thân mật và hiệp thông với Chúa. Nó là một ân ban cho ta có thể phân biệt được những hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Vì thế, một người đi vào tiến trình biện phân ít nhất phải có hạt giống đức tin trong mình. Ta phải xác tín rằng lời cầu nguyện ban sức mạnh và đào sâu mối ràng buộc bằng hữu với Chúa. Ta cũng phải tin rằng lời cầu nguyện và đức tin mang lại mục đích và ý nghĩa cho cuộc đời được sống trong sự hiến dâng và cam kết phục vụ Chúa.  

Nhờ hành trình cầu nguyện, chúng ta nhận ra được rằng tiến trình biện phân, dù lắm khi là một trăn trở, thực sự đơn giản nếu chúng ta để Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta. Tiến trình này bao gồm bốn giai đoạn sau đây: Giữ quan hệ với chính mình; giữ quan hệ với Chúa; chính tiến trình lấy quyết định và khẳng định quyết định đã lấy. 

Bây giờ chúng ta đến với câu hỏi vô cùng quan trọng. Dấu hiệu nào của ơn gọi linh mục và tu sĩ là nổi bật và thiết yếu nhất đáng sự quan tâm đặc biệt của những ai dấn thân vào việc tuyển chọn, giáo dục và đào tạo các ứng sinh trả? Câu trả lời là một quan tâm đúng đắn (Paul VI) 

CÁC KỸ NĂNG THÔNG THƯỜNG 

  LÝ LỊCH ỨNG SINH 

Công cuộc đào tạo ứng sinh hôm nay, tuy làm chung với nhiều người và cho nhiều người, nhưng phải lưu tâm đến từng con người cá biệt với từng hoàn cảnh cụ thể cá biệt. Chúng ta là người, không phải là Chúa, để tự nhiên có thể biết được nhau. Do đó, chúng ta cần cho nhau một số thông tin cần thiết, để vượt quá cái giới hạn “biết người biết mặt mà không biết lòng,” để biết đúng bản chất con người, chứ không phải các hiện tượng bên ngoài thôi, hầu có thể hiểu đúng, cảm thông nhau và cộng tác tích cực với nhau trong tiến trình được đào tạo và tự đào tạo nên những tu sĩ như lòng Chúa và Giáo Hội mong muốn, thế gian chờ đợi. 

Lý lịch bản thân

Tên thánh và họ tên: …………………………………..

Giáo phận: ...…………………………………………...

Ngày Sinh theo Chứng Minh Nhân Dân:...…………….

Ngày Sinh theo sổ Rửa Tội: .…………………………..

Nơi sinh: .......................................................................... 

Rửa tội ngày: ……………tại: ....……………………….

  Thêm sức ngày: ………... tại: ………………………….

  Hiện ngụ tại giáo xứ: ...…………………………………

  Tên cha sở: .....………………………………………….

  Địa chỉ hiện tại (hộ khẩu): ……………………………..

  Tên cha bảo trợ: ..………………………………………

  Địa chỉ: ...……………………………………………….

 

Sức khỏe

Chiều cao: ………… Trọng lượng: ...………………….

Trước đây mắc bệnh mãn tính gì không?: .……………..

Đã giải phẫu vì bệnh gì không?: ....……………………..

Hiện đang mắc bệnh mãn tính gì không?: .……………..

 

Trình độ văn hóa – Năng khiếu

Đã học xong: ……………………………………………

Biết các chuyên môn gì?: .....……………………………

    

Gia đình

Tên cha: ………………………… Sinh năm: ………….

Nghề nghiệp: .…………………………………………..

Tên mẹ: …………………………  Sinh năm: ..………..

Nghề nghiệp: .…………………………………………..

Địa chỉ và điện thoại của cha mẹ: ....……………………

Là con thứ mấy trong gia đình: … / ……………….

Có mấy anh đã …/chưa… lập gia đình.

Có mấy em trai đã …/chưa… lập gia đình.

Có mấy chị đã …/chưa… lập gia đình. 

Có mấy em gái đã …/chưa… lập gia đình.

Trong gia đình có ai đi tu?.……………………………..

Tên, địa chỉ và điện thoại Nhà Dòng: …………………..

Trong gia đình có ai mắc bệnh truyền nhiễm hay mãn tính gì không? .......……………………………………..       

  

Tìm hiểu Ơn Gọi -Đăng ký vào dự tu:

Từ năm……………. đến năm...………………………..

Người phụ trách: ...............……………………………..

 

Sinh hoạt mục vụ trước khi vào Dòng

Tại giáo xứ nơi gia đình ở........…………………………

Cha Xứ: ...………………………………………………

Dì Giáo: .………………………………………………..    

 Đã làm gì: Giáo lý viên……… Ca đoàn.……………….     

Hội  đoàn khác.................................................................                   

 

Giai đoạn ở Dòng

Ngày vào Dòng: .……………………………………….

Dì Giáo: ...………………………………………………

Vị linh hướng: .....………………………………………

(Vị linh hướng cũ: ……………………………………..)

Địa chỉ và điện thoại ba bạn thân theo thứ tự thân thiết (kể cả bạn là con trai/bạn trai):                       

              1.....………………………………………………..

                    2..………………………………………………….

                    3..………………………………………………….

 

                            Làm tại …....................ngày…………………  

                                                    (Ký rõ họ tên) 

BA YẾU TỐ GIÚP PHÂN  ĐINH ƠN GỌI 

Ý Ngay Lành

Trước hết là “ý ngay lành” và ý ngay lành này phải qui chiếu vào lịch sử ơn kêu gọi của Chúa trong cuộc đời của mỗi người.

 

Ý ngay lành này có thể được rõ nét dần dần qua cấu trúc:

-          Khởi đầu là lời kêu gọi của Chúa;

-          Lời đáp trả tiếng Chúa của ứng sinh;

-          Cam kết đi theo chính Đức Kitô;

-          Sự biến đổi nhân cách của ứng sinh cho phù hợp với đời sống ơn gọi được thực hiện nhờ Chúa Thánh Thần;

-          Cuối cùng là dấn thân thi hành sứ vụ qua lời khấn Dòng.  

Chúa Giêsu đã nói: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và sai các con ra đi để các con sinh hoa trái và hoa trái các con tồn tại, hầu tất cả những gì các con xin Cha nhân danh Thầy thì Người ban cho các con. Điều Thầy truyền dạy các con là hãy yêu thương nhau” (Ga 15,16-17).  

            Như thế, phải khẳng định rằng mình theo chính Chúa Kitô chứ không phải ai khác, dù là Bề trên hay chị em. Được hiểu hay không được hiểu, được ủng hộ hay bị chống đối, vui hay buồn, sướng hay khổ, thành công hay thất bại, mặc! Cứ bám chặt vào Chúa, bạn sẽ nhận được một sức mạnh nâng đỡ lạ lùng, mà Thánh Phaolô xác quyết về sức mạnh kỳ diệu đó là “chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Gal 2,20).  

(Hát LẠY CHÚA NÀY CON ĐÂY)  

Động Lực Thúc Đẩy Ý Hướng  

Xác định động lực

Đàng sau mọi quyết định và hành động đều có một hay nhiều động lực ẩn khuất tác động lâu dài. Ứng sinh cần một không gian và thời gian để xem xét, làm sáng tỏ và thanh luyện các động lực của mình. Có thế thì việc đáp trả lời mời gọi và cam kết theo Chúa mới bền vững trong tin yêu và quảng đại.

 

Một ít động lực

Các động lực có ý thức:

-          Lòng khao khát phục vụ

-          Có nhiều thời gian hơn để cầu nguyện

-          “Tôi muốn tìm sự bình an”

-          Bối rối: “Tôi cảm thấy Chúa gọi tôi, nhưng tôi sợ…”

Các động lực vô ý thức: Nhiều khi các động lực nhân loại can thiệp vào hầu làm thỏa mãn các nhu cầu căn bản của con người đã không được thỏa mãn trong thời niên thiếu:

-          Khao khát bình an/an toàn

-          Ước muốn nuôi nấng con cái

-          Khao khát được nhận biết

-          Khao khát được chú ý/kêu la ầm ĩ để được chấp nhận

-          Khao khát được hoàn thành/kiện toàn

-          Sợ người khác phái

-          Để chu toàn một lời hứa khi nhỏ

-          Để thoát khỏi nghèo khổ

-          Thoát ly khỏi đời sống gia đình bất hạnh

-          Tìm kiếm đặc ân

-          Thoả mãn tham vọng của cha mẹ 

Các động lực ấy chẳng phải là tội, nhưng chúng bộc lộ các nhu cầu cơ bản về mặt cảm xúc, sự đón nhận, ý thức lệ thuộc, ý thức về căn tính của mình, khả năng thiết lập tương quan hài hoà với cả hai phái và sự quý mến bản thân.  

Để tăng cường sự phát triển trưởng thành nhân bản và thiêng liêng, ta cần trung thực loại bỏ hay uốn nắn các động lực đó.  

Đời sống dâng hiến đặt nền tảng trên sự quí mến bản thân với các nhu cầu của nó. Sự quí mến bản thân giúp ta ý thức về sự dâng hiến bản thân. Nếu không có qúi mến bản thân thì dâng hiến cái gì? Do đó phải đối mặt gọi tên và giải quyết tốt các nhu cầu ấy để sự dâng hiến bản thân được ý nghĩa trọn vẹn và bền bĩ.  

Chỉ trong ánh sáng tình yêu vô điều kiện và bất biến của Chúa, ước muốn dâng hiến bản thân mới ngày một hiện rõ và tự do trao dâng cho Chúa và tha nhân, theo sự thúc đẩy của ơn Chúa Thánh Thần (x. Tv 16:5-6) 

Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng

            Là chén phúc lộc dành cho con;

            Số mạng con chính Người nắm giữ.

            Phần tuyệt hảo may mắn đã về con,

            Vâng, gia nghiệp ấy làm con thoả mãn (Tv 16,5-6) 

(Hát TÔI XIN CHỌN NGƯỜI) 

Các loại ý hướng

Xem xét các loại động lực thúc đẩy ý hướng này giúp chúng ta nắm rõ nội dung và sức năng động trong ý hướng muốn tiến vào đời sống dâng hiến:

 

1)      Ý hướng cam kết khiến ứng sinh có khả năng đáp lại tiếng Chúa gọi, nhờ hoa quả của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời mình. Đây là ý hướng lý tưởng. Ứng sinh tương đối trưởng thành và hướng tới tự hiến, do đó chị có thể tự do đáp lại lời mời gọi của Chúa.

2)      Ý hướng phận vụ cần một sự phân định cẩn thận giữa sự sẵn sàng bỏ mình và sự chỉ tìm kiện toàn chính mình, vì ứng sinh vừa được tác động bởi sự tìm kiếm chính mình, vừa được tác động bởi đức tin của mình. Chị bị giằng co giữa việc tìm kiện toàn chính mình và hấp lực tự hiến. Tính lưỡng diện này tỏ lộ lãnh vực không có tự do trong cái tôi còn thiếu trưởng thành của chị.

3)      Ý hướng địa vị tìm thăng tiến bản thân để che lấp sự bất ổn căn bản trong đời sống của mình, hay vì ước muốn và tham vọng của người khác (coi đời tu là một thăng tiến xã hội).

4)      Ý hướng trốn thoát nhằm tìm kiếm sự che chở từ cuộc sống tu trì. Một người với ý hướng này không có ơn gọi đích thực. Ứng sinh như thế là không trưởng thành, căn tính không được đào luyện hay hội nhập tốt, không ý thức được các nhu cầu của mình. Tính thiếu bền vững cả trong thái độ lẫn ứng xứ có thể được quan sát thấy cách dễ dàng.  

Ứng sinh có những ý hướng địa vị và trốn thoát thường không có ơn gọi đích thực, bởi vì họ thiếu trưởng thành nhân cách và sẽ dễ dàng từ bỏ hoặc phản bội sứ vụ căn bản của mình (x. Dụ ngôn Người Gieo Giống).  

"Đây là ý nghĩa dụ ngôn: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Còn những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc. “Hạt rơi vào bụi gai: đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành. Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả” (Lk 8,11-15) 

(Slideshow THỬA ĐẤT LÒNG TÔI) 

Nếu không thể nào thay đổi được, nên khéo léo khuyên người có ý hướng địa vị và trốn thoát tìm một đường lối sống ở nơi nào khác thì tốt hơn là giữ họ lại theo đuổi đời sống tu trì. 

Cam Kết Tự Biến Đổi Cho Sứ Vụ

Chúng ta cần phải ý thức về nhiều nhân tố trong động lực ơn gọi của ứng sinh và phân tích những đường lối chị dấn thân phục vụ tha nhân, bao gồm cả việc chị trung thành với lời cam kết của chị. Một nhà phân định bén nhạy có thể trực giác ngay được ý muốn phục vụ tha nhân của ứng sinh như thế nào.  

Nếu ứng sinh có ý hướng địa vị (tu sĩ là người luôn được kính trọng và có vị thế trong xã hội: một thăng tiến xã hội) là động cơ ưu tiên trong việc đi tu, thì hãy khéo léo khuyên chị nên tìm một lối sống khác.  

Nhiệm vụ của vị hướng dẫn đời sống ơn gọi của ứng sinh thật là quan trọng. Người hướng dẫn cần giúp ứng sinh ý thức rõ nhiều động lực đang có mặt nơi chị, đồng thời giúp chị thấy được sự xung khắc giữa các động lực ấy và giải quyết chúng. Động lực nào phù hợp với đời tu sẽ được dùng để thăng tiến đương sự. Động lực nào không phù hợp với đời tu thì phải loại bỏ hay biến đổi. Nếu không làm được như vậy, đương sự sẽ được mời ra đi…   

     III. BA VẤN ĐỀ CƠ BẢN VÀ QUYẾT ĐỊNH

–         BIẾT MÌNH

–         THÂN MẬT TÍNH DỤC

–         VÂNG LỜI      

Ứng sinh phải ý thức và trực diện với ba vấn đề cơ bản mang tính quyết định này ngõ hầu đạt được một đường hướng dứt khoát hơn cho cuộc đời mình. Nếu ba vấn đề này không được “giải quyết” thì chúng sẽ ảnh hưởng mạnh trên cách ứng xử của chị, mà hậu quả sẽ là một khủng hoảng ơn gọi.  

Đừng quên câu định nghĩa và tiến trình sống tu đức toàn diện: “Đời sống thiêng liêng là đời sống nhân bản được sống trong Chúa Thánh Thần.”  

Định nghĩa này phải hiểu trong tiến trình: Con Người → Tu Đức Nhân Bản (đạo làm người) → Nhân Bản Thiêng Liêng (đạo làm con Chúa) → Thánh Nhân (tình bạn với Chúa Ga 15,15). 

BIẾT MÌNH 

Ở cửa đền Alphê, Socrate cho khắc chữ “HÃY TỰ BIẾT MÌNH.” Còn Thánh Augustinô thì cầu nguyện mỗi ngày “XIN CHO CON BIẾT CHÚA, XIN CHO CON BIẾT CON” 

Tự biết mình là yếu tố rất quan trọng để ứng sinh đạt được trưởng thành. Ứng sinh phải cố gắng hiểu được mình là ai, với tất cả những điểm mạnh và những điểm yếu. Nếu không có nhận thức rõ ràng về mình, ứng sinh dễ có khuynh hướng tự tôn bằng sự phòng vệ coi mình là tâm điểm hoặc tự ti và quá lệ thuộc vào người khác.  

Sự kiện rất nhiều ứng sinh ngày nay không thể trực diện với chính mình để biết mình là ai giải thích tại sao có nhiều sự thiếu trưởng thành hay tự đánh giá thấp nơi nhiều tập sinh, ngay cả nơi một số học viện nữa. 

Ứng sinh phải tự biết mình là ai, và đang ở đâu trong tiến trình tu luyện. Đôi khi cũng phải dám hỏi: “Chúa nghĩ gì về con?” 

Nhà đào tạo cũng phải biết ứng sinh đang ở giai đoạn nào trong tiến trình ấy, để nhẫn nại dẫn dắt, không đốt giai đoạn,

kẻo đốt giai đoạn là đốt cháy cả một đời người.  

VẤN ĐỀ THÂN MẬT TÍNH DỤC  

            Ứng sinh cần đạt được mức trưởng thành đầy đủ về tính dục, tâm lý và một cuộc sống cầu nguyện siêng năng và đích thực, dưới sự hướng dẫn của vị linh hướng, trong hi sinh, xả kỷ, tự hiến, tự giác kỷ luật…  

Các ứng sinh buộc phải có một sự trưởng thành nhất định trong đời sống nhân bản và thiêng liêng. Điều này thật dễ nhận ra nơi giáo xứ nhà quê, nhưng lại khó biết được nơi các thành phố đông người, nơi mà ngoài các bức tường nhà mình không ai biết ai. 

Tình trạng khó kiểm soát này đặt ra nhiều vấn đề phức tạp, nhiều biến động và chiến đấu cho các công dân trẻ mới tới đô thị, đặc biệt là trong mối liên hệ với người khác phái (x. sinh viên tầm gửi), ảnh hưởng đến đời sống thiêng liêng và cầu nguyện. 

Ngoài ra, vì phải va chạm với môi trường xã hội và học đường, nhiều ứng sinh có thể có bạn trai hay người yêu, hoặc lâm vào một hoàn cảnh đáng tiếc, nên vấn đề thân mật tính dục trở nên có thật.  

Ngạn ngữ Việt Nam có câu “Lửa gần rơm lâu ngày sẽ cháy.” Nhưng không ai lại đi trách lửa hay rơm về chuyện chúng đốt cháy hay bị đốt cháy, đúng hơn phải trách kẻ đặt rơm gần lửa.  

Nhiều trường hợp cần một sự biện phân chặt chẽ về lương tâm, một sự thấu cảm đem lại nâng đỡ và bình an. 

Con trót dại bao lần sa ngã,

Ôi Giêsu lượng cả đoái nhìn.

Con nguyền can đảm đứng lên,  

Lệ sa rửa sạch tội khiên làu làu.

Xin ánh sáng soi vào tâm trí,

Tỉnh cơn mê, con sẽ dâng Ngài,

Bổng trầm điệu hát vui say,

Muôn ngàn khấn nguyện giải bày khúc nôi.

Thánh Thi Kinh Sáng CN Tuần III 

Đối với một số ứng sinh, để tiến bước trên con đường ơn gọi cần phải có lòng can đảm, nhưng dừng lại và thay đổi hướng đi còn đòi hỏi can đảm nhiều hơn.  

Tu viện sẽ xây dựng một lối sống khả dĩ giúp đỡ và ngăn ngừa cách hữu hiệu các lối giải quyết cho những chiến đấu của họ. Nhưng tiến trình khó khăn ấy cần có thời gian và những cố gắng chân thành. Trong “Truyện Kiều,” Nguyễn Du diễn tả “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng,” nghĩa là tuy đã chia tay, sự gắn bó dịu dàng vẫn còn. 

Phải nỗ lực thăng hoa các mối liên hệ và kiên vững mới có thể tiếp tục.

Đường em em đi,

Đường anh anh đi.

Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.

Đã quyết không mong sum họp nữa,  

Bận lòng chi nữa lúc chia phôi! (Nửa chừng xuân)

 

            Yêu nhau trong tinh thần,

Yêu nhau trong lý tưởng… (Hồm bướm mơ tiên) 

Chọn sống độc thân thánh hiến là một chọn lựa tự do. Họ phải đương đầu và làm việc để vừa thắng vượt các chiến đấu này, lại vừa thăng tiến chọn lựa của mình.  

Nếu địa hạt này không được trực diện và giải quyết, những vật lộn này sẽ trở lại với họ, ngay cả sau khi đã tuyên khấn (tình cũ không rũ cũng tới; bén mùi chùi chẳng sạch; quen ăn mà không quen kiêng). Đừng đợi cho đến khi vấp ngã rồi mới nhớ đến những lời khuyên: “Biết ai khôn ngoan thì tìm đến mà bàn hỏi và chớ coi thường bất cứ lời chỉ giáo nào hữu ích. Hãy chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa mọi lúc; hãy xin Người dạy con cho biết theo nẻo chính đường ngay và giúp con thành công trong mọi đường đi nước bước cũng như mọi toan tính của con” (Tb 4,18-19). 

Tuy nhiên, may thay, cuộc sống giữa muôn màu phức tạp của xã hội trần thế cũng khiến cho các ứng sinh khác lớn lên trong việc xác định ơn gọi của mình, cả về tình cảm đời sống nhân bản lẫn đời sống thiêng liêng.

Trong đầm gì đẹp bằng sen,    

Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng, 

Nhụy vàng bông trắng lá xanh,   

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. 

Đời Sống thánh hiến được nêu bật như là một ân huệ và quà tặng đặc biệt của Thiên Chúa, như là lựa chọn một tình yêu không chia sẻ vì Chúa Kitô và vì Nước Thiên Chúa. Đời sống độc thân thánh hiến cần được trình bày rõ ràng, không hàm hồ và theo cách tích cực.  

Ứng sinh phải khiêm tốn và nhiệt thành cầu nguyện và đón nhận đời sống độc thân thánh hiến như là một món quà của ân sủng Chúa. Cùng với Hội Thánh, họ phải khiêm tốn và kiên định cầu nguyện cho ơn trung thành và sử dụng mọi sự trợ giúp siêu nhiên cũng như tự nhiên, đặc biệt là lối thực hành khổ chế đã được kinh nghiệm của Hội Thánh chấp thuận.  

VÂNG LỜI

Trong ba lời khuyên Phúc Âm của đời sống thánh hiến, đức vâng lời phải là nền tảng, vì nó giúp giữ đễ dàng hai nhân đức kia. Ứng sinh phải tập vâng lời triệt để trong mọi sự có liên quan mới có thể giữ được hữu hiệu đức khó nghèo và khiết tịnh, dù bây giờ người ta nhấn mạnh đến “vâng lời đối thoại” hay “vâng lời trưởng thành”.  

Quả vậy, với Vaticanô II, không còn “vâng lời tối mặt”; nhưng “vâng lời đối thoại” hay “vâng lời trưởng thành”, nghĩa là bề dưới được trình bày với Bề trên hết sự thật những gì nhận thấy và suy nghĩ, với đầy đủ lý do và ước nguyện, có khi trái ý Bề Trên, nhưng lời nói cuối cùng thuộc về Bề Trên, và bề dưới vâng lời với tinh thần siêu nhiên.  

Chúng ta biết rằng Bề Trên có quyền quyết định trái với ý của tất cả chúng ta, nhưng chính Bề trên sẽ chịu trách nhiệm và trả lời với Chúa. Đó là thực sự cảm thông với Giáo Hội (Sentire cum Ecclesia). 

Điều đáng e ngại là có thể một số Vị quá “sính quyền bính” không dễ dàng lắng nghe sự thật và cho bề dưới cơ hội đối thoại hay giải thích!    

Nhưng đi cho tới cùng, vâng lời đòi hỏi mọi sự nơi chúng ta: trí khôn, con tim, ý muốn, đời sống; nhượng bộ mọi sự cho Chúa, coi vâng lời như diễn tả trọn vẹn sự lệ thuộc vào Chúa và Giáo Hội.   

Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố văn hóa và tâm thức do các cơ cấu xã hội, chính trị và tôn giáo. Chẳng hạn, vì bị ảnh hưởng của Khổng giáo, của chế độ phong kiến và thực dân, của các cơ cấu phẩm trật và gia trưởng, chúng ta lắm khi phải đương đầu với những thách đố và chiến đấu trăn trở về tự do và phục tùng với bộ ba “quyền phục, lý phục và tâm phục hay tâm bất phục” hoặc “bằng mặt mà không bằng lòng” 

Và trong những trạng huống bức xúc có thể “tức nước vỡ bờ”, chúng ta cần có ai đó giúp “đào sâu lòng sông và khơi dòng cho nước chảy”. Vị linh hướng kinh nghiệm là người đó cách thích hợp nhất. 

Nhưng với đức tin mạnh mẽ và đâm rễ sâu trên nền tảng Thánh Kinh vững chắc, đặt trọng tâm vào Chúa Giêsu, vào Phúc Âm, vào Giáo Hội và vì các linh hồn, cầu nguyện và biện phân dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ vâng lời cách sẵn lòng và siêu nhiên các vị lãnh đạo và cơ cấu Giáo Hội, không phải như những con người và cơ cấu nhân loại, nhưng là Ý Chúa ở trong và qua những con người và cơ cấu này. 

(Hát NGUỒN TRỢ LỰC ĐỜI TÔI)  

VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH ĐỐI VỚI ƠN GỌI

      “Một kinh sư tiến đến thưa Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo." Đức Giê-su trả lời: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu." Một môn đệ khác thưa với Người: "Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã." Đức Giê-su bảo: "Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ" (Mt 8, 19-22) 

KHÍA CẠNH TÍCH CỰC: BỐI CẢNH GIA ĐÌNH

“Bổn phận nuôi dưỡng ơn gọi thuộc về toàn thể cộng đồng kitô hữu…. Nhưng đóng góp lớn nhất thuộc về gia đình, được kích hoạt nhờ tinh thần đức tin, đức ái và lòng đạo đức… Gia đình được kể như đệ tử viện đầu tiên.”  

Tại Việt Nam, gia đình có ảnh hưởng rất lớn tới nhân cách của mỗi con người, ảnh hưởng tới việc đi theo và thực hành một tôn giáo hay một ơn gọi.  

Người Việt Nam rất đề cao giá trị của gia đình, vì gia đình như một thế giới thu nhỏ bao gồm 3 thế hệ: ông bà, cha mẹ và con cái. Mặc dù có những cách biệt giữa các thế hệ, nhưng các thành viên trong cùng một gia đình vẫn luôn có một tình cảm sâu sắc gắn bó với nhau.  

Gia đình đóng vai trò trợ lực rất quan trọng giúp cho ứng sinh ngày một trưởng thành hơn. Có nhiều nhân tố giúp chị lớn lên: Mối liên hệ mật thiết với cha mẹ nâng cao căn tính nhân vị của chị: sự mạnh mẽ của ba, sự dịu dàng của mẹ. 

Mối tương quan lành mạnh với những người khác phái trong gia đình và những người họ hàng sẽ giúp ứng sinh ý thức hơn về tính dục của mình, hầu phát triển các mối tương quan xã hội của chính chị. Điều đó cung ứng cho chị một sự ổn định tình cảm cần phải có cho đời sống dâng hiến.  

Những hoạt động trong và ngoài gia đình thách thức ứng sinh vượt qua những cái mình thích hay không thích, và làm cho đời sống tông đồ tương lai của chị trở thành một thực tế, chứ không chỉ là một mơ mộng của tuổi trẻ.  

Việc cầu nguyện và chia sẻ niềm tin trong gia đình giúp ứng sinh đâm rễ sâu trong đời sống thiêng liêng. Là đệ tử viện đầu tiên, gia đình giữ vai trò sinh tử trong việc đào tạo ứng sinh.  

Cuộc họp hàng năm của đại diện các gia đình tu sinh nhấn mạnh đến tầm quan trọng và sự đóng góp tích cực của gia đình đối với Hội Dòng. 

KHÍA CẠNH ÍT TÍCH CỰC: NHỮNG MONG ĐỢI  VÀ HY VỌNG CỦA GIA ĐÌNH 

Người Việt Nam rất sùng đạo và nhiệt thành. Họ hết lòng kính trọng các nhà tu hành, không chỉ trong phạm vị tôn giáo mà cả ngoài xã hội nữa. Ngay cả hôm nay, các quan chức cộng sản cũng nhận định rằng công dân tu sĩ có nhiều uy tín và ảnh hưởng trên các công dân tín hữu khác.   

Vì thế, bậc tu trì trở thành một địa vị và một sự thăng tiến xã hội, không chỉ cho chính vị tu sĩ, mà còn cho cả gia đình và họ hàng thân thuộc: Vị tu sĩ sẽ được dân chúng kính trọng và vâng phục, được hưởng một cuộc sống an toàn và dễ dãi, v.v… Một khi người con làm linh mục hay tu sĩ, gia đình sẽ được hưởng vinh quang và danh dự, được kính trọng ở mọi nơi (trở thành “ông bà cố”).  

Điều này đang là một thử thách đối với ơn gọi đích thực và sự bất lợi tai hại của lòng kính trọng thái quá này đối với hàng giáo sĩ và tu sĩ là biến họ thành những kẻ quan liêu và độc đoán.  

Nhiều khi, những mối lợi mang tính cá nhân hay gia đình như thế khiến một số người thúc ép con cái đi tu. Một số các bậc cha mẹ vì không thành công trong việc theo đuổi ơn gọi tu trì nên mong đợi thấy lý tưởng và hình ảnh của mình được thực hiện nơi con cái. Họ gây áp lực buộc con cái dấn thân vào đời sống tu trì hay đời sống linh mục, dù con cái họ không có ơn gọi đó.  

Dĩ nhiên có rất nhiều gia đình Công giáo dâng hiến con trai con gái mình cho Thiên Chúa thông qua Hội Thánh mà không hề thèm muốn danh vọng, và nhiều ứng sinh quảng đại đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa.  

Là nền tảng của xã hội, là cái nôi của sự sống và là nhà sư phạm đầu tiên, gia đình có thể là một nguồn nước trong lành và cũng có thể là trở lực đối với những ơn gọi đích thực. Do vậy, trách nhiệm của Giáo Hội là biện phân và thanh luyện những động lực ấy, vào thời điểm thu nhận cũng như trong tiến trình đào tạo, trong nỗ lực gầy dựng cho có người kế tục sứ mệnh: Tre già măng mọc (“Hy sinh đời bố củng cố đời con”).  

Hãy nghĩ đến Ông Bà Cha Mẹ chúng ta, đã sinh dưỡng chúng ta, lại dày công hy sinh vất vả cùng Nhà Dòng để đào luyện, nâng đỡ, dìu dắt chúng ta bằng cuộc sống đầy gương sáng và lời cầu nguyện không ngừng của các ngài. 

Hãy lắng nghe lời cầu nguyện của các ngài: "Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng, chớ bỏ rơi con khi sức lực suy tàn. ... Cả lúc con già nua da mồi tóc bạc, lạy Thiên Chúa, xin đừng bỏ rơi con" (TV 70: 9,18) 

Chúng ta hãy tri ân các ngài, cầu nguyện và nâng đỡ các ngài, ngõ hầu trong những ngày cuối đời, chờ đợi giờ Chúa gọi về nhà Cha, các ngài cảm nhận được đền đáp, an ủi, yêu thương, bình an và hạnh phúc. Hy vọng đến lượt chúng ta, thế hệ mai sau cũng làm cho chúng ta như vậy. 

(slideshow MẸ CỦA CON ƠI) 

Hãy nghĩ đến công lao và tình thương, cùng hoài bảo của mẹ cha, cũng như của các Bề trên hữu trách trong Giáo Hội và Nhà Dòng mà vượt lên mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống.  

            Dù là cuộc sống tu trì thì cũng chẳng tránh khỏi mọi bất công, phân biệt đối xử, thương người nọ hơn thương người kia, vì chẳng ai lấy cân mà cân được tình cảm cho bằng nhau đâu! Cái quan trọng là đừng lộ liểu quá, mà để trong lòng thì tốt hơn. 

Vả lại, có tình thương nào cao cả hơn tình Chúa thương ta đâu! Ta thế nào thì Chúa thương ta thế ấy, và Chúa sẽ thương ta cho đến cùng. Nhưng đối lại, Chúa cũng đòi hỏi và chờ đợi một tình thương quảng đại cho đến cùng về phía ta cho Chúa đó: Một lần đã quảng đại, hãy quảng đại cho đến cùng.  

ĐÁNH GIÁ ĐỘNG LỰC NỘI TÂM

TÍNH HẤP DẪN CỦA ƠN GỌI

Thiên Chúa có thể nói gián tiếp với ứng sinh qua Thánh Kinh, qua Giáo Hội, qua gia đình và qua những nhu cầu của cuộc sống con người. Ngài cũng có thể trực tiếp đánh động con tim và làm cho sự lôi cuốn lớn lên dần thành cốt lõi của ơn kêu gọi.  

Nhưng tính hấp dẫn này phải được phân định qua việc đồng hành, linh hướng để nắm chắc rằng ứng sinh đáp ứng được các khía cạnh thiêng liêng và tông đồ của một cam kết dấn thân phục vụ Chúa và các linh hồn.

 

BIỂU LỘ CỤ THỂ Ý HƯỚNG NGAY LÀNH

Tự do lương tâm của ứng sinh là điều cần thiết cho quyết định tuyên khấn. Vị linh hướng phải giúp ứng sinh khám phá ra những gì Thiên Chúa thực sự kêu gọi chị trở thành và thực hiện.  

Đáp trả tự do của chị sẽ là cốt lõi sự cam kết của chị và động lực xứng hợp sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự bền đỗ, khi chị cụ thể bày tỏ ý hướng ngay lành muốn tuyên khấn.  

Ứng sinh phải tìm cho được lời khẳng định rằng Chúa muốn chị quyết định trở thành tu sĩ. Để được vậy, chị phải hiểu rõ sâu xa những điểm mạnh cũng như những điểm yếu của mình; đồng thời chị phải được giúp tìm biết chính mình cách ý thức, cũng như các động lực vô thức của chị, ngõ hầu chị thấy được chị phải biến đổi trong cái gì.  

Ứng sinh phải đánh giá lại lời mời gọi của Chúa và sự đáp trả của chị để có được một cam kết sâu xa hơn, theo tiến trình:

Khởi đầu là lời kêu gọi của Chúa;

Lời đáp trả tiếng Chúa của ứng sinh;

Ứng sinh cam kết đi theo chính Đức Kitô;

Ứng sinh biến đổi nhân cách của mình cho phù hợp với đời sống ơn gọi được thực hiện nhờ Chúa Thánh Thần;

Cuối cùng là Thẩm quyền hợp pháp chấp nhận ứng sinh dấn thân tuyên khấn thi hành sứ vụ hiến thân phục vụ Chúa và tha nhân.  

Chị cũng phải nội tâm hóa dấn thân của chị, cũng như cụ thể hóa đời sống sứ vụ của một nữ tu, qua việc chị thường xuyên gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, Đấng là nguyên thuỷ và cùng đích của mọi ơn gọi (x. Ga 15, 16).  

Sau khi đã chú ý lắng nghe với biện phân và khiêm tốn, dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, vị linh hướng có thể khám phá được người thụ hướng được Chúa gọi hay không.  

Nếu có, vị linh hướng xác định cho chị tiếp tục đi tới với niềm vui tươi, hy vọng và hạnh phúc, mặc dù chị sẽ gặp thấy những khó khăn và đen tối trong cuộc sống lữ hành của chị.  

Nếu không, vị linh hướng nên gợi ý cho chị đổi hướng sống trong bình an, đồng thời bước theo con đường Chúa mời gọi chị đi với can đảm và hạnh phúc.  

Sự chọn lựa và quyết định với tự do nội tâm (tòa trong) này phải được xác lập và công nhận bởi thẩm quyền chiếu theo Hiếp pháp và nội qui của Dòng (tòa ngoài): Hội đồng lãnh đạo bỏ phiếu quyết định (biểu lộ sự kêu gọi của Chúa), có thể được trợ giúp bởi phiếu tham khảo (lượng định) của Cộng đoàn. 

(Hát CHÚA CẤT TIẾNG GỌI CON)

Tác giả Lm. Trần Minh Huy, pss

Nguồn:http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module3&v=chapter&ib=48&ict=600