Vitamin là những chất hữu cơ rất cần thiết cho sự phát triển của con người. Tuy nhiên, cơ thể không có khả năng tổng hợp được vitamin
nên trong chế độ ăn hàng ngày phải bổ sung đầy đủ các loại vitamin thông qua các thực phẩm thiết yếu. Khi cơ thể thiếu hụt một loại vitamin lâu ngày sẽ phát sinh bệnh tật. Vậy, những dấu hiệu nào để nhận biết cơ thể thiếu vitamin?
Vitamin không có tác dụng cung cấp năng lượng cho cơ thể nhưng là những chất không thể thay thế được, chúng có vai trò quan trọng trong chuyển hóa các chất và bảo đảm cho cơ thể hoạt động bình thường. Đa số các vitamin được đưa vào cơ thể từ nguồn thức ăn (trừ vitamin D và K2, K3). Thực tế cơ thể cũng có thể tạo ra được một số vitamin nhưng với một lượng nhỏ không đủ cho nhu cầu hàng ngày. Nói chung khi cơ thể khỏe mạnh, được nuôi dưỡng tốt sẽ không cần sử dụng vitamin dưới hình thức thuốc. Việc bổ sung vitamin chỉ cần thiết khi: nhu cầu cơ thể tăng quá mức cung cấp hàng ngày, rối loạn hấp thu vitamin từ ruột, nguồn dinh dưỡng không bảo đảm đủ nhu cầu. Tuy nhiên không phải ai, lúc nào nhu cầu về vitamin cũng giống nhau.
Ngày nay nhiều người có chế độ ăn kiêng khem hoặc do thói quen, khẩu vị và có thể mắc một số bệnh lý nên cơ thể thiếu hụt các vitamin. Dưới đây là nhận biết các vitamin cần thiết khi cơ thể bị thiếu hụt.
Khô mắt là một dấu hiệu thiếu vitamin A
Vitamin A: cần bổ sung khi bị khô mắt, quáng gà, khô da, vẩy nến, trứng cá, bỏng hoặc dùng để dự phòng trong phòng chống ung thư da. Vitamin A có nhiều trong thức ăn có nguồn gốc động vật như: gan cá, dầu cá, lòng đỏ trứng, sữa… nhưng tiền vitamin A (dạng anpha hoặc bêta caroten) lại có nhiều trong thực vật như: các loại rau, quả có màu đỏ, vàng như bí đỏ, gấc, ớt gọt, cà rốt, cà chua…
Vitamin C: cần bổ sung khi bị chứng bệnh Scorbut và các chứng chảy máu do thiếu vitamin C, giảm sức đề kháng, cơ thể bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, dị ứng. Vitamin C có nhiều trong rau quả tươi như: cam, chanh, quýt, bưởi, chuối và cả thức ăn có nguồn gốc động vật như thịt, gan cá, sữa, trứng… Chú ý: không nên dùng vitamin C liều cao, kéo dài sẽ có nguy cơ bị sỏi thận do tạo muối oxalat, nên dùng vào buổi sáng hoặc trước 16 giờ, không nên dùng vào buổi tối.
Chứng chảy máu do thiếu vitamin C
Vitamin D: cần bổ sung khi trẻ em còi xương, chứng loạn dưỡng xương (nhuyễn xương, xốp xương, gãy xương lâu liền). Vitamin D có nhiều trong nấm, bơ và dầu gan cá (tổng hợp vitamin bằng ánh sáng mặt trời trước 8 giờ sáng).
Vitamin E: có nhiều trong bột mì, mầm ngũ cốc, quả hạnh nhân, các loại rau có màu xanh như hoa lơ xanh, rau cải xanh… Cần bổ sung khi có các triệu chứng: viêm xơ, khô, dày da. Thiếu máu tan huyết ở trẻ đẻ non, loạn dưỡng cơ, teo cơ do dây thần kinh, xơ vữa mạch máu. Vitamin E còn dùng để đề phòng sảy thai, vô sinh, thiểu năng tinh trùng.
Vitamin PP: cần bổ sung khi mắc bệnh pellagra, viêm lợi, viêm miệng, ban đỏ, một số bệnh ngoài da. Chú ý: không nên dùng cho trẻ em, nếu dùng phải theo chỉ dẫn của bác sĩ cho từng bệnh nhi cụ thể.
Vitamin B1: cần bổ sung khi phòng và điều trị bệnh tê phù (Beriberi), tiêu hóa kém, viêm nhiều dây thần kinh, nhiễm độc thai nghén, đầy bụng, chán ăn. Phối hợp với vitamin C để chữa đục thủy tinh thể, co rút cơ, rối loạn tuổi già. Vitamin B1 có nhiều trong vỏ cám và các loại hạt ngũ cốc, đậu…
Vitamin B2: cần bổ sung khi tổn thương mắt, thần kinh thị giác, viêm loét da, niêm mạc miệng, lưỡi, chốc, lở mép. Vitamin B2 có nhiều trong các loại hạt ngũ cốc, đậu, trứng…
Vitamin B8: còn được gọi là vitamin H1 hoặc biotin. Cần bổ sung khi cơ thể có dấu hiệu rối loạn chuyển hóa cơ bản, mắc các chứng bệnh ở da, niêm mạc, bệnh viêm lưỡi, miệng, viêm khớp và viêm đa dây thần kinh.Vitamin B8 có nhiều trong gan bò, sữa bò, đậu nành.
Vitamin B12: cần bổ sung khi thiếu máu do phẫu thuật, thiếu máu ác tính, thiếu máu do giun tóc, giun móc, và các chứng viêm dây thần kinh. Vitamin B12 chỉ có trong các thức ăn có nguồn gốc động vật như gan cá, dầu gan cá, trứng, sữa bò, sữa dê. Các thực phẩm nguồn gốc thực vật tuy không chứa vitamin B12 nhưng lại chứa nhiều tiền vitamin B12 nhất là các loại quả có màu đỏ, vàng như đu đủ, gấc, ớt… Chú ý: không dùng vitamin B12 với những người thiếu máu không rõ nguyên nhân, ung thư hoặc mẫn cảm với vitamin B12.
Chúng ta không nhất thiết phải bổ sung tất cả các loại vitamin. Việc bổ sung loại nào tùy thuộc vào biểu hiện bệnh lý của cơ thể mỗi người và nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc. Chỉ nên dùng vitamin ở dạng dược phẩm khi cơ thể có những biểu hiện thiếu hụt nghiêm trọng, khi có các bệnh nhiễm khuẩn, sau phẫu thuật hoặc khả năng hấp thu cơ thể bị hạn chế hoặc trong điều kiện môi trường sống, làm việc quá khắc nghiệt. Nếu sử dụng quá nhiều tân dược chứa vitamin trong thời gian dài sẽ đưa đến tình trạng thừa vitamin, gây ra các bệnh lý cho cơ thể.
ĐỖ THÚY HẠNH