Ảnh: Isabella Bonotto / AFP
Nicole Winfield, ký giả kỳ cựu chuyên về Vatican có bài phân tích nhan đề “Pope, though hospitalized, is still in charge”, nghĩa là “Dù nằm bệnh viện, Đức Giáo Hoàng vẫn là người lãnh đạo Giáo Hội”.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Đức Giáo Hoàng, dù phải nằm bệnh viện đi chăng nữa, vẫn lãnh đạo Giáo Hội.
Vatican có luật lệ, nghi lễ và các phân công rất chi tiết để bảo đảm việc chuyển giao quyền lực khi một vị Giáo Hoàng qua đời hoặc thoái vị. Nhưng không có bất kỳ giao thức nào trong số những điều này được áp dụng khi ngài đau yếu cho dù là hôn mê đi chăng nữa, và không có một chuẩn mực cụ thể nào quyết định những gì sẽ xảy ra khi một vị Giáo Hoàng trở nên mất khả năng hoạt động bình thường.
Thành ra, mặc dù Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn phải nằm bệnh viện trong khi hồi phục sau cuộc phẫu thuật đường ruột vào hôm Chúa Nhật tại bệnh viện Gemelli ở Rôma, ngài vẫn là Giáo Hoàng và có trách nhiệm rất lớn. Tòa thánh Vatican cho biết hôm thứ Ba, Đức Phanxicô đã ăn sáng, đọc báo và đi dạo, và quá trình hồi phục sau phẫu thuật của ngài vẫn diễn ra bình thường.
Tuy nhiên, ngài vẫn phải ở trong bệnh viện một tuần. Đây là lần đầu tiên trong triều Giáo Hoàng của ngài, ngài phải nằm bệnh viện lâu như thế. Điều đó đã làm dấy lên sự quan tâm về cách thức thực hiện quyền bính của Đức Giáo Hoàng tại Tòa Thánh, quyền bính ấy được chuyển giao như thế nào và trong hoàn cảnh nào.
Đây là cách quyền bính của Đức Giáo Hoàng hoạt động.
Vai trò của Đức Giáo Hoàng
Theo giáo luật hiện hành của Giáo hội, Đức Giáo Hoàng là người kế vị Thánh Phêrô, là người đứng đầu giám mục đoàn, là đại diện của Chúa Kitô, và là mục tử của toàn thể Giáo Hội Công Giáo trên trái đất.
Không có gì thay đổi trong vị thế, vai trò hoặc quyền lực của ngài kể từ khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng thứ 266 vào ngày 13 tháng 3 năm 2013, ngay cả khi ngài đã trải qua ba giờ phẫu thuật vào hôm Chúa Nhật để cắt bỏ một nửa ruột kết của mình.
Tình trạng đó là do thiết kế thần học.
Luật sư giáo luật Nicholas Cafardi nói: “Quyền lực của Đức Giáo Hoàng là tối cao, đầy đủ và phổ quát. Nếu quyền hạn của ngài ở mức như thế, ai có thể quyết định rằng ngài không còn năng lực thực hiện quyền bính đó nữa? Không có ai ở trên Đức Giáo Hoàng”.
Giáo triều Vatican
Đức Phanxicô lãnh đạo, nhưng ngài đã ủy thác việc điều hành hàng ngày công việc tại Vatican và Giáo Hội trên hoàn vũ cho một nhóm các viên chức Tòa Thánh điều hành dù ngài có ở Tông Tòa hay không, và ngài có tỉnh táo hay không.
Đứng đầu trong các viên chức là Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Trong một dấu hiệu cho thấy việc Đức Phanxicô nhập viện không tiên báo bất cứ sự thay đổi nào đối với việc điều hành Giáo Hội, Đức Hồng Y Parolin thậm chí không có mặt ở Vatican trong cuộc phẫu thuật kéo dài ba giờ đồng hồ của Đức Phanxicô. Ngài đã có mặt ở Strasbourg, bên Pháp, để kỷ niệm 1,300 năm ngày mất của thánh nữ Odile, vị thánh bảo trợ vùng Alsasce.
Các chức năng khác của Vatican vẫn diễn ra bình thường. Bản tin buổi trưa hàng ngày của Vatican được phát hành vào hôm thứ Ba với tên của các giám mục mới được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm ở Nicaragua, Nigeria và Anh quốc. Có lẽ chúng đã được chấp thuận trước thời hạn, mặc dù Đức Phanxicô có thể ký các sắc lệnh và xử lý các vấn đề quan trọng khác từ giường bệnh của mình, như Thánh Gioan Phaolô II đã từng làm trong nhiều lần nhập viện của ngài.
Điều gì xảy ra khi một vị Giáo Hoàng đau yếu?
Giáo luật có quy định về trường hợp một giám mục giáo phận bị đau yếu và không thể điều hành giáo phận của ngài, nhưng không có quy định nào cho Đức Giáo Hoàng. Điều 412 bộ giáo luật nói rằng “Tòa giám mục được coi là bị cản trở, nếu Giám mục giáo phận không thể chu toàn nhiệm vụ mục vụ của mình trong giáo phận, đến nỗi ngài không thể giao thiệp với những người trong giáo phận, ngay cả bằng thư từ, vì bị giam cầm, bị quản thúc, bị lưu đày hoặc vì trở thành vô năng.” Trong những trường hợp như vậy, việc điều hành giáo phận hàng ngày chuyển sang một Giám Mục Phụ Tá, một tổng đại diện hoặc một người nào khác.
Mặc dù Đức Phanxicô là giám mục của Rôma, không có điều khoản rõ ràng nào cho Đức Giáo Hoàng nếu ngài bị “cản trở”. Giáo luật 335 tuyên bố một cách đơn giản rằng khi Tòa Thánh “trống tòa hoặc hoàn toàn bị cản trở”, thì không được thay đổi bất cứ điều gì trong việc lãnh đạo Giáo Hội phổ quát nhưng phải tuân hành những luật lệ đặc biệt đã được ban hành cho những hoàn cảnh ấy. Tuy nhiên, điều 335 không nêu rõ “hoàn toàn bị cản trở” nghĩa là gì, và những điều khoản nào có thể có hiệu lực nếu điều đó xảy ra.
Luật sư giáo luật Nicholas Cafardi nói: “Thực sự, chúng ta không có quy tắc nào cho việc này. Không có giáo luật và cũng chẳng có tài liệu riêng biệt nào nói về cách xác định tình trạng mất năng lực, hay cách xác định liệu tình trạng mất năng lực có thể là vĩnh viễn hay tạm thời, và thậm chí quan trọng hơn là ai sẽ quản lý Giáo Hội vào thời điểm đó. Không có gì. Hoàn toàn không có gì. Chúng ta phó thác cho Chúa Thánh Thần”.
Còn lá thư của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục thì sao?
Năm 1965, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã viết thư cho niên trưởng Hồng Y đoàn với giả thuyết rằng nếu ngài bị bệnh nặng, niên trưởng và các vị Hồng Y khác nên chấp nhận quyết định thoái vị của ngài.
Đức Phaolô Đệ Lục đã thấy trước khả năng rằng khi các vị Giáo Hoàng tiếp tục sống lâu hơn, các ngài có thể trở nên mất khả năng hoạt động do đột quỵ, sa sút trí tuệ hoặc một số bệnh tiến triển lâu dài khác khiến các ngài không thể thực hiện công việc của mình và không thể tự do thoái vị.
Trong một lá thư, được công bố vào năm 2018, ngài đã trích dẫn một tình trạng bệnh tật “được cho là không thể chữa khỏi, hoặc diễn ra trong thời gian dài, và điều này ngăn cản việc thực hiện đầy đủ các chức năng của sứ vụ tông đồ”.
Những dặn dò trong bức thư đó không bao giờ được thực hiện, vì Đức Phaolô Đệ Lục đã sống thêm 13 năm và qua đời trong khi đang tại vị.
Nhưng các chuyên gia cho rằng lá thư của Đức Phaolô Đệ Lục dường như đã không được sử dụng vì giáo luật yêu cầu sự từ chức của Đức Giáo Hoàng phải được “thể hiện một cách tự do và hợp luật” - như trường hợp Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 tuyên bố thoái vị vào năm 2013.
Kurt Martens, luật sư giáo luật và giáo sư tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ cho rằng: “Bối cảnh mà Đức Phaolô Đệ Lục đã hình dung – nghĩa là đặt ra cơ sở cho việc thoái vị tại một thời điểm mà ngài có thể không còn tỉnh táo hoặc không đủ khả năng nhận thức - là không hợp lệ, bởi vì để một vị Giáo Hoàng chỉ có thể từ chức hợp lệ khi ngài vẫn còn minh mẫn”.
Điều gì xảy ra khi một vị Giáo Hoàng qua đời hoặc thoái vị?
Lần duy nhất quyền bính Giáo Hoàng đổi chủ là khi một vị Giáo Hoàng qua đời hoặc thoái vị. Vào thời điểm đó, toàn bộ một loạt các nghi thức và nghi lễ bắt đầu hoạt động để chi phối “interregnum” – tức là khoảng thời gian giữa sự kết thúc của một triều đại Giáo Hoàng và việc bầu ra một Tân Giáo Hoàng.
Trong thời kỳ đó, được gọi là “sede vacante”, hoặc “trống tòa”, Hồng Y nhiếp chính điều hành việc quản lý hành chính và tài chính của Tòa thánh. Ngài xác nhận cái chết của Đức Giáo Hoàng, niêm phong các phòng của Giáo Hoàng và chuẩn bị cho việc chôn cất Giáo Hoàng trước khi mật nghị bầu Tân Giáo Hoàng xảy ra. Chức vụ này hiện được đảm nhiệm bởi Đức Hồng Y Kevin Farrell, tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Cuộc sống.
Hồng Y nhiếp chính không có vai trò hoặc nhiệm vụ nào nếu Đức Giáo Hoàng chỉ bị bệnh hoặc mất khả năng hoạt động.
Martens nói: “Bạn có hai lựa chọn: Hoặc bạn có một vị Giáo Hoàng hoặc bạn không có một vị Giáo Hoàng, và chừng nào bạn còn có một vị Giáo Hoàng – thì cho dù ngài đau yếu đi nữa ngài vẫn cai quản Giáo Hội. Ngay cả khi ngài sắp qua đời, ngài vẫn lãnh đạo Giáo Hội.”
Còn Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 thì sao?
Mặc dù có một vị Giáo Hoàng đã nghỉ hưu sống trong khuôn viên Vatican, nhưng ngài cũng không có vai trò chính thức nào.
Đức Bênêđíctô, 94 tuổi, thoái vị vào ngày 28 tháng 2 năm 2013, khi ngài trở thành Giáo Hoàng đầu tiên sau 600 năm từ chức. Ngài đã sống trong một tu viện đã được trùng tu trong khu vườn của Vatican kể từ đó.
Đài truyền hình nhà nước RAI, dẫn lời Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký riêng của ngài, cho biết Đức Bênêđíctô đang cầu nguyện cho sự bình phục của Đức Phanxicô.
(vietcatholic/ cruxnow)
Trích đăng từ nguồn: http://gplongxuyen.org