Thuốc giảm đau là loại thuốc được dùng nhiều trong điều trị bệnh. Tuy nhiên, đây cũng là loại thuốc dễ gây tác dụng phụ cho người dùng, kể cả các thuốc giảm đau thông thường không qua kê đơn. Vì vậy, việc sử dụng thuốc giảm đau đúng bệnh, đúng mục đích là rất cần thiết.
Ðau và chọn thuốc giảm đau
Đau là một cảm giác khó chịu, xuất hiện cùng lúc với sự tổn thương của các mô tế bào. Tùy từng cảm giác về mỗi loại đau, để từ đó tìm ra nguyên nhân gây đau và chữa trị. Có thể phân đau làm hai loại: đau cấp tính và đau mạn tính. Đau cấp tính là đau mới xuất hiện, có cường độ mạnh mẽ, bao gồm đau sau phẫu thuật, đau sau chấn thương, đau sau bỏng và đau sản khoa. Đau mạn tính là chứng đau dai dẳng tái đi tái lại nhiều lần.
Thuốc giảm đau kê đơn: Các thuốc giảm đau có tác dụng giảm đau nhanh, mạnh và kéo dài, tuy nhiên đa phần chúng đều có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, bởi vậy khi dùng thuốc kéo dài cần giám sát chặt chẽ các tác dụng phụ này. Nhóm thuốc giảm đau gây nghiện bao gồm morphin và các dẫn xuất của nó có tác dụng giảm đau mạnh theo cơ chế trung ương, tác dụng giảm đau do ức chế trung tâm đau ở não và ngăn cản đường dẫn truyền cảm giác đau từ tủy sống lên não. Nhóm thuốc giảm đau gây nghiện có thể tách thành hai loại: nhóm giảm đau mạnh như morphin, pethidin, fentanyl, methadon... loại giảm đau trung bình có codein, tramadon, propoxyphen...
Khi dùng thuốc giảm đau, cần chú ý đến tác dụng phụ của thuốc.
Nhóm thuốc chống viêm nhóm corticoid như dexamethazol, prednisolon, hydrocortisol... có tác dụng chống viêm mạnh, nhanh nên cũng có tác dụng giảm đau mạnh yếu tùy từng hoạt chất. Nhóm thuốc này được sử dụng để điều trị nhiều bệnh thấp khớp. Thuốc có thể được dùng dưới dạng uống, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm trực tiếp vào khớp bị viêm đau hoặc có thể được dùng dưới dạng kem bôi da. Đây là các thuốc có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, nên phải được dùng dưới sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ.
Thuốc giảm đau không kê đơn: Nhóm thuốc giảm đau thông thường hay còn gọi là các thuốc giảm đau không kê đơn, là những thuốc không có dẫn chất thuốc phiện, không gây nghiện, không gây ngủ, được sử dụng tương đối rộng rãi. Các thuốc này được dùng phổ biến trong các chứng đau nhẹ và đau vừa. Đó là các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID) như meloxicam, piroxicam, indometacin, aspirin, diclofenac, ibuprofen... Nhóm thuốc này có tác dụng chống viêm tốt, giảm đau và hạ nhiệt, thường được dùng vào điều trị các triệu chứng đau do thấp khớp, thoái hóa cột sống, thống phong (gout).
Thuốc giảm đau phổ biến nhất là thuốc giảm đau hạ sốt paracetamol, được dùng nhiều khi bị đau đầu, đau cơ, đau do chấn thương nhẹ... Tuy nhiên, đây cũng là loại thuốc dễ bị lạm dụng nhất vì hoạt chất có trong thành phần của nhiều tên thương mại khác nhau, nên người sử dụng rất dễ dùng đồng thời nhiều tên thuốc một lúc, gây ra tình trạng quá liều.
Những lưu ý cần thiết
Các thuốc giảm đau không kê đơn được mua rất dễ nên cũng là loại thuốc dễ bị lạm dụng nhất. Vì vậy, khi dùng thuốc giảm đau thông thường, người sử dụng cần lưu ý một số điều để tránh các tác dụng phụ đáng tiếc có thể xảy ra.
Tất cả các thuốc giảm đau không kê đơn nhìn chung đều an toàn, nhưng không phải tất cả các thuốc giảm đau đều thích hợp với tất cả mọi người. Một điều quan trọng là cần phải xem xét các vấn đề sức khỏe của từng trường hợp khi lựa chọn một loại thuốc giảm đau không qua kê đơn. Khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào cho trẻ em, cần phải cân nhắc kỹ, bởi khả năng đáp ứng với thuốc của trẻ em khác người lớn. Ví dụ, người lớn có thể dùng aspirin, nhưng trẻ dưới 16 tuổi thì không nên sử dụng aspirin bởi vì có nguy cơ cao bị hội chứng Reye có thể ảnh hưởng lên não và gan. Loại thuốc giảm đau có thể sử dụng ở trẻ em dưới 12 tuổi là paracetamol và ibuprofen. Cả 2 loại thuốc này đều hiệu quả như nhau làm giảm đau và hạ sốt. Chọn thuốc giảm đau cho người cao tuổi càng phải thận trọng. Họ thường mắc đồng thời nhiều bệnh như đau khớp hoặc bệnh lý tim mạch... Hơn nữa, cơ thể người cao tuổi cũng dễ bị các tác dụng phụ khi dùng thêm một loại thuốc khác. Vì vậy, cần lưu ý tương tác thuốc khi lựa chọn thuốc giảm đau cho người cao tuổi.
Ðề phòng tác dụng phụ của thuốc giảm đau không kê đơn
Tổn thương gan, thận: Paracetamol là loại thuốc thông dụng nhất nhưng có thể làm tổn thương gan nghiêm trọng nếu dùng sai cách, quá liều trong thời gian dài. Tổn thương gan có thể làm suy gan hoặc thậm chí tử vong, nếu không được điều trị triệt để. Paracetamol và ibuprofen có thể gây tổn thương thận nếu dùng trong thời gian dài hoặc ở trường hợp đã có tiền sử bệnh lý về thận.
Viêm loét, xuất huyết đường tiêu hóa: Khi sử dụng liều cao aspirin và các thuốc NSAID có thể gây tổn hại màng nhầy ở dạ dày và đường tiêu hóa trên tạo nên sự viêm loét, xuất huyết ở hệ tiêu hóa. Sử dụng liều cao ibuprofen trong vòng 3 ngày có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa, gây đau dạ dày... Vì vậy, với trường hợp đã bị loét dạ dày hoặc trước đây từng bị loét dạ dày thì nên tránh sử dụng các thuốc NSAID.
Người bệnh tim mạch là đối tượng cần đặc biệt lưu ý: Tất cả những trường hợp có tiền sử suy tim nặng nên tránh sử dụng các thuốc NSAID. Ngoại lệ duy nhất là aspirin liều thấp giúp dự phòng cơn nhồi máu cơ tim trong tương lai ở những người từng bị nhồi máu cơ tim trước đó. Các thuốc NSAID có thể gây ra một số tác dụng phụ cho trường hợp bị tăng huyết áp, vì vậy khi muốn dùng thuốc giảm đau phải tham khảo ý kiến của thầy thuốc.
Các vấn đề khác: Bệnh nhân bị hen phế quản sử dụng các thuốc NSAID có thể khởi phát một cơn hen mới. Những bệnh nhân có vấn đề liên quan đến sự tăng nguy cơ chảy máu, thì nên cẩn thận khi sử dụng các thuốc NSAID. Bởi vì chúng có thể ảnh hưởng lên quá trình hình thành cục máu đông. Với phụ nữ mang thai thì chỉ có thể sử dụng được paracetamol, aspirin không được dùng ở phụ nữ có thai và hầu hết các thuốc NSAID khác không được sử dụng ở 3 tháng cuối của thai kỳ.
DS. Nguyễn Thanh Lâm