Chia sẻ của một Linh mục về việc nghe xưng tội

Chia sẻ của một Linh mục về việc nghe xưng tội 

Nhiều người đã viết về Bí tích Hòa giải – nền tảng thần học, bằng chứng Kinh Thánh, sức mạnh và lợi ích của nó đối với hối nhân. Thế nhưng vị linh mục cảm thấy như thế nào khi nghe tội lỗi của người ta từ tuần này sang tuần khác, tháng này qua tháng nọ? Liệu đó có phải là một gánh nặng hay không? Nó có tác động đến đời sống thiêng liêng của linh mục hay không? Biên tập viên về lối sống của tờ Aleteia, ông Zoe Romanowsky, đã hỏi Đức Ông Charles Pope về việc nghe xưng tội trong 24 năm làm linh mục của ngài. 

Đức Ông Charles Pope 

Đức Ông Charles Pope là cha sở của giáo xứ Holy Comforter-St. Cyprian ở thủ đô Washington. Ngài tốt nghiệp Chủng viện Mount Saint Mary với bằng thạc sĩ Thần học và thạc sĩ Thần học luân lý. Ngài được thụ phong linh mục vào năm 1989 và phục vụ tại Tổng giáo phận Washington kể từ đó. Đức Ông đã điều hành các buổi học Kinh Thánh tại Quốc hội Hoa Kỳ và Nhà Trắng. Hiện tại, ngài là hạt trưởng giáo hạt Đông Bắc và là điều phối viên cấp Tổng giáo phận về việc cử hành Thánh lễ tiếng Latin. Là một giáo sư, cha giảng tĩnh tâm, linh hướng và là tác giả sách, ngoài ra, ngài còn là chuyên gia viết bài hàng tuần cho Our Sunday Visitor và điều hành một trang blog hàng ngày cho Tổng giáo phận Washington.

 

Thưa Đức ông, ngài nhớ lần giải tội đầu tiên của mình như thế nào?

 

Tôi nhớ chứ. Lúc đó là trong nhà thờ – có người đã xin tôi giải tội trước khi tôi đến đó. Thế nhưng lần đầu tiên ngồi trong tòa giải tội đó thật đáng nhớ bởi vì có một số vấn đề với cái tòa. Tôi đã cảm thấy hơi lo lắng, rồi một người bước vào và quỳ xuống thì tấm màn đột nhiên rớt xuống, khiến người đó bất ngờ nhìn chằm chằm vào tôi. Cô ấy thì xấu hổ vì mong muốn được xưng tội ẩn danh, còn tôi thì quá lo lắng đến mức lóng ngóng tìm mẫu công thức xá tội, mặc dù tôi đã thuộc lòng trước đó. Vì vậy, với tôi, đó chắc chắn là một trải nghiệm đáng nhớ!

 

Khi đó tôi chỉ mới 27 tuổi, và những gì tôi nghe được trong các buổi giải tội vào thứ bảy là khá phức tạp. Ý tôi là, ví dụ như làm sao một thanh niên 27 tuổi như tôi có thể đưa ra lời khuyên sáng suốt cho một ông lão 70 tuổi đang gặp rắc rối về hôn nhân? Thật đáng kinh ngạc về lòng tin mà mọi người đặt để nơi các linh mục khi họ đến với chúng tôi. Chúng tôi phải tin rằng Chúa sẽ làm việc qua chúng tôi.

 

Cách cha lắng nghe xưng tội tại thời điểm mới thụ phong linh mục và trong hiện tại có gì khác biệt?

 

Điều chính yếu là tôi đã học được cách khuyến khích mọi người đi sâu hơn trong việc xưng tội. Thường thì mọi người sẽ nói về những gì họ đã làm và không làm, và điều đó rất tốt; nhưng câu hỏi sâu hơn là “tại sao”? Động lực sâu xa của họ là gì? Hiện tại, tôi thấy mình có kỹ năng hơn trong việc lắng nghe những điều người ta xưng thú và mối liên hệ giữa chúng.

 

Tôi khuyến khích mọi người suy ngẫm về một danh sách dài khi chuẩn bị cho việc xưng tội hoặc sau đó, chẳng hạn như bảy mối tội đầu, thái độ kiêu ngạo, giận dữ. Làm như vậy giúp cho việc xưng tội trở nên sống động hơn. Nhiều người cảm thấy thất vọng vì họ luôn thú nhận những điều giống nhau … thế nhưng điểm mấu chốt ở đây là phải xem xét sâu hơn.

 

 

 

Việc lắng nghe lời xưng tội ngày này qua ngày khác đã cho cha biết điều gì về bản tính con người?

 

Điều đó dạy tôi kiên nhẫn với thân phận con người. Tất cả chúng ta đều có những nhược điểm và những nỗ lực riêng của mình. Mặc dù tội lỗi cần được xem xét nghiêm túc, nhưng hầu hết những lời xưng tội đều đến từ những người đang nỗ lực, và tôi đã phát hiện ra rằng những nỗ lực và điểm mạnh của con người có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Ví dụ, một người có thể rất giỏi giao tiếp với mọi người nhưng lại không dám đứng lên bảo vệ lẽ phải; hoặc họ có thể thực sự nhiệt huyết và tạo ra sự khác biệt, nhưng lại phải nỗ lực nhiều về đức khiết tịnh. Những nỗ lực và điểm mạnh của chúng ta thường có mối liên hệ với nhau.

 

Tôi nhớ một cha giải tội đã nói với tôi rằng: “Dù bạn giải quyết vấn đề này thế nào đi nữa, đừng đánh mất Charlie Pope trong tiến trình đó.” Tôi đã khắc cốt ghi tâm điều đó. Chúng ta thường có thể giải quyết tội của mình theo cách khiến chúng ta phải từ bỏ sức mạnh của mình. Nhưng Chúa muốn sử dụng sức mạnh riêng của chúng ta. Chúng ta không muốn đánh mất chính mình, và chúng ta cần tôn trọng tiến trình.

 

Chúa muốn chúng ta dùng sức mạnh riêng của mình để chiến thắng tội lỗi. Ảnh: Canva 

Việc nghe xưng tội trong nhiều năm qua đã ảnh hưởng đến cha như thế nào về mặt tâm lý và tình cảm? 

Cảm nghiệm đầu tiên của tôi khi có ai đó đến xưng tội là sự nhẹ nhõm. Họ đã lắng nghe Phúc Âm, điều đó giúp họ ăn năn, nhưng cũng mang đến hy vọng và ân sủng. Tôi rất vui vì họ đến đây, và đây là một khoảnh khắc để tôi nhẹ nhàng lắng nghe họ.

 

Một trong những nguy hiểm đối với các linh mục là chúng tôi hơi giống bác sĩ. Tôi nhớ nhiều năm trước, tôi đã đến gặp một bác sĩ gia đình đã hành nghề nhiều năm. Tôi đã bị gãy xương sườn mà không biết, và nghĩ rằng chắc chắn có điều gì đó khủng khiếp đã xảy ra. Thái độ của bác sĩ giống như, “Chắc chắn xương sườn của ông bị gãy rồi, thật đáng tiếc.” Ông ấy đã nhìn thấy những thứ như vậy cả triệu lần, nhưng đối với tôi, đó là điều hoàn toàn mới mẻ và đáng sợ.

 

Là linh mục, chúng tôi đã nghe qua tất cả mọi chuyện và đôi khi có thể trở nên hời hợt hoặc làm theo thói quen. Chúng tôi phải đấu tranh chống lại điều đó. Quan trọng là cố gắng đồng hành với hối nhân ngay trong khoảnh khắc đó. Đối với bạn, có thể đây là lần giải tội thứ 30 trong ngày, nhưng đối với người đang ngồi trước mặt bạn thì không phải. Cố gắng hiện diện trong giây phút ấy là điều quan trọng. Tôi cố gắng ghi nhớ lời của Thánh Gioan Vianney, người đã nói rằng hãy nghiêm khắc trên bục giảng nhưng hiền lành trong tòa giải tội.

 

 

Cha chuẩn bị thiêng liêng như thế nào trước khi nghe xưng tội? Có cách gì cụ thể giúp cha quên đi những gì cha đã nghe sau mỗi lần người ta xưng tội và tiếp tục không?

 

Bản thân tôi đi xưng tội hàng tuần. Các linh mục cũng nên đi xưng tội thường xuyên, nếu không chúng tôi sẽ không thể là cha giải tội tốt. Tôi coi đó là việc chuẩn bị quan trọng. Phần còn lại chủ yếu là những gì tôi gọi là sự chuẩn bị “từ xa”. Là một blogger và là nhà văn, nhiều việc của tôi liên quan đến đời sống thiêng liêng và luân lý, vì vậy tôi đọc rất nhiều sách thiêng liêng. Đối với tôi, đây là điều kiện tiên quyết đối với các linh mục, và chắc chắn rất quan trọng đối với tôi. Thông thường tôi đọc vài cuốn sách cùng một lúc. Và tôi đọc kinh Thần vụ mỗi ngày. Tôi dành những lúc rảnh trong tòa giải tội để cảm tạ lòng thương xót của Chúa. Khi mọi người hỏi tôi rằng tôi thế nào, tôi thích trả lời rằng “Tôi thấy mình được Chúa thương ban nhiều ơn lành vì là một tội nhân.”

 

Con biết bí mật tòa giải tội là điều bất khả xâm phạm. Cha có bao giờ ước mình có thể chia sẻ những gì mình nghe được với người khác, hoặc áp dụng những gì mình đã nghe không?

 

Lệnh cấm này không tuyệt đối đến mức bạn không bao giờ có thể nói về nó; chỉ là bạn không bao giờ được phép chia sẻ chi tiết, hoặc bất kỳ thông tin nào có thể làm tiết lộ danh tính ai đó. Nhưng tôi có thể đến gặp một linh mục khác và trao đổi với anh ấy miễn là không có gì cụ thể. Thỉnh thoảng, tôi cũng có thể nêu một điều gì đó trong bài giảng – nhưng như tôi đã nói, theo cách rất chung chung.

 

Tôi nghĩ tất cả các linh mục đều có kinh nghiệm này, nhưng khi tôi được thụ phong, Chúa đã ban cho tôi một trí nhớ kém. Là một linh mục, bạn nghe quá nhiều thứ đến nỗi rất khó nhớ những gì người ta xưng thú với bạn. Và có rất nhiều thứ bạn phải giữ bí mật – những buổi tư vấn, giúp đỡ người ta trong khủng hoảng, v.v. Thông thường, chỉ sau vài năm làm linh mục, đến cuối ngày là bạn sẽ không thể nhớ được những gì mình đã nghe trong tòa giải tội. Trí nhớ kém là một ơn Chúa ban cho chúng tôi.

 

 

 

Đời sống thiêng liêng của cha đã thay đổi như thế nào khi là một cha giải tội?

 

Đối với tôi, đó là một ân huệ vô cùng lớn lao. Từ xuất hiện trong đầu tôi là “khiêm nhường”. Thật đáng kinh ngạc khi tôi ngồi đó để thực hiện điều mà Thánh Phaolô gọi là “tác vụ hòa giải”. Thực ra Chúa làm điều đó chứ không phải tôi. Và đó là một điều vô cùng khiêm hạ. Chúa Giêsu đón nhận con người của linh mục; nhân tính của linh mục là “chiếc bánh” (chất thể) trong bí tích Truyền chức thánh. Chúa Giêsu chọn và sử dụng chúng tôi. Vì vậy, điều đó khiến tôi suy nghĩ: “Thật tuyệt, tại sao mình lại được chọn để làm điều này nhỉ?” Đó là sự khiêm nhường, theo cách đáng kinh ngạc.

 

Việc nghe xưng tội có ảnh hưởng đến cách cha xưng tội hay không, và ngược lại?

 

Chắc chắn rồi. Ví dụ, nếu tôi vội cắt ngang lời người khác, tôi sẽ cố gắng nhớ lại rằng mình không thích bị cắt ngang trong khi xưng tội. Đôi khi bạn buộc phải làm vậy, nhưng tôi cố gắng lắng nghe thật kỹ. Tôi thường đến xưng tội với cùng một vị linh mục giải tội, nhưng đôi khi tôi lại ở trong một bối cảnh khác và tôi ý thức về nét đẹp khi có ai đó lắng nghe mình. Lắng nghe có sức mạnh rất lớn; nó cho phép một người có thể trút bỏ gánh nặng. Những gì tôi nói với tư cách là một người giải tội chỉ là một phần nhỏ – việc ai đó có thể xưng thú tội lỗi có sức mạnh rất lớn. Tôi cũng học được điều này với tư cách là một người linh hướng. Khi để ai đó kể hết chuyện của mình thì họ đang giúp chính họ; và sự chữa lành sẽ diễn ra. Cuối cùng, hy vọng tôi có thể cho thấy rằng tôi rất vui vì họ đã đến đây. Tôi muốn họ cảm thấy thoải mái khi nói chuyện.

 

Điều gì làm nên một vị linh mục giải tội tốt?

 

Hãy biết lắng nghe. Tôi thường nói với các linh mục trẻ tuổi hơn rằng 90% là lắng nghe – bạn không cần phải có lời khuyên sáng suốt mọi lúc; đó không phải là mục đích của việc giải tội. Để rồi cuối ngày nhìn lại, việc lắng nghe với lòng trắc ẩn đã là đủ.

 

Tác giả: Zoe Romanowsky

Người dịch: Mai Ni

Nguồn: Aleteia

Trích đăng lại từ Nguồn: https://dongten.net/chia-se-cua-mot-linh-muc-ve-viec-nghe-xung-toi/