Chặt chém đồng bào, tranh thủ cắt cổ, 'sống chết mặc bay

Giá khẩu trang tăng giá gấp nhiều lần bình thường, “chém” người tiêu dùng trong đại dịch viêm phổi cấp do virut corona gây ra đã khiến không ít người phẫn nộ.

 

Bước vào hiệu thuốc, một người phụ nữ hỏi mua hộp khẩu trang y tế để phòng dịch corona. Bà không khỏi sốc khi nhân viên báo giá 200 nghìn/hộp 50 chiếc. Mức giá này gấp 4 lần bình thường. Dù rất muốn mua cho gia đình hộp khẩu trang, nhưng bà đành ngậm ngùi trả lại bởi mức giá quá cao.

 

Hộp khẩu trang được bán với giá 200 nghìn đồng, trong khi bình thường chỉ vài chục nghìn.

 

Những ngày qua, hàng vạn người đã phải đối mặt với tình trạng khẩu trang tăng giá chóng mặt, ít thì gấp đôi, nhiều thì gấp 5-7 lần bình thường. “Khan hàng, sốt giá”, “cầu cao cung thấp” được đưa ra làm lý do để giải thích cho việc tăng giá mặt hàng đang nóng hầm hập này.

Những người bảo vệ cho một nền kinh tế thị trường tự do tỏ ra ủng hộ việc tăng giá này. Nhưng nhiều người dân không thể “nuốt trôi” một kiểu thị trường như thế, nhất là khi virus corona đang có nguy cơ càn quét trên diện rộng.

Chính quyền vào cuộc. Nhiều cửa hàng đã bị phạt tiền vì có hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, dịch bệnh và điều kiện bất thường... để định giá mua bán hàng hóa bất hợp lý được quy định tại Điều 17, Nghị định 109 của Chính phủ về quản lý giá.

Nhưng việc này vẫn như ‘bắt cóc’ bỏ đĩa. Khi quản lí thị trường quay lưng đi, thì giá bán lại nhảy múa. Trong khi đó, việc rải lực lượng đến từng cửa hàng là điều không thể. Ngay cả khi Phó Thủ tướng tuyên bố rút giấy phép các cửa hàng thuốc tăng giá khẩu trang thì người dùng vẫn phải móc hầu bao cao hơn bình thường để có được những chiếc khẩu trang. Tất cả vẫn trông chờ vào đạo đức và trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất và thương nhân.

Điều này, đáng tiếc là đang rất thiếu.

Giữa lúc những đồng bào đang lo lắng đối mặt với dịch bệnh, bỏ qua nhưng quy định và lời cảnh báo từ nhà quản lý, bỏ qua cả những đạo lý bầu bí thương nhau, vì long tham họ bất chấp tất cả chỉ vì mấy triệu đồng bỏ túi, còn nữa 'sống chết mặc bay'. Gian thương chấp nhận bị phản ứng, vẫn hành động vì tiền.

Tăng giá phi mã khi gặp thiên tai, dịch họa… có lẽ diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới này. Mùa hè  năm 2004, siêu bão Charley quét từ vịnh Mexico qua Florida đến Đại Tây Dương. Cơn bão không chỉ làm 22 người chết và tổn thất 11 tỷ đô la mà còn gây ra một cuộc tranh luận về giá cắt cổ.

“Một trạm xăng ở Orlando bán túi nước đá 2 đô la với giá 10 đô la. Do thiếu điện chạy tủ lạnh hay điều hòa vào giữa tháng tám, nhiều người chỉ còn cách móc hầu bao ra trả. Một cụ bà bảy mươi bảy tuổi chạy bão với người chồng cao tuổi cùng cô con gái khuyết tật phải trả 160 đô la một đêm cho buồng trọ giá bình thường chỉ 40 đô la”.

Nhiều người dân Florida đã tức giận vì giá tăng vọt. Tờ USA Today chạy tít “Kền kền sau bão”. Một cư dân, khi được báo giá 10.500 đô la để dọn một cây sập xuống mái nhà của mình, đã cho rằng thật là sai trái khi ai đó “cố trục lợi trên khó khăn và đau khổ của người khác”.

 

Florida có luật chống giá cắt cổ. Sau siêu bão, văn phòng chưởng lý bang nhận được hơn hai nghìn khiếu nại. Một số đã dẫn đến những vụ kiện thành công. Nhà trọ A Days Inn ở West Palm Beach đã phải trả 70.000 đô la tiền phạt và bồi thường cho việc tăng giá quá mức.

Câu chuyện này được tác giả Michael Sandel đề cập trong cuốn sách “Phải trái đúng sai”. Người ủng hộ chính quyền bang Floria, người thì cho rằng việc tăng giá là đúng.

Nhưng ngay cả ở một nền kinh tế thị trường đề cao sự tự do như Mỹ với bề dày hàng trăm năm cũng có điều luật ngăn chặn việc trục lợi trên nỗi đau, lo sợ của đồng loại thì việc nhiều người Việt Nam phản ứng với sự tăng giá mặt hàng khẩu trang cũng là điều dễ hiểu.

Dịch bệnh không loại trừ một ai nếu không có biện pháp kiểm soát, phòng ngừa hữu hiệu. Khẩu trang tuy không phải là một giải pháp vạn năng, nhưng là một biện pháp cần thiết. Đó là mặt hàng người dân cần lúc này. Việc tăng giá khẩu trang phi mã khiến nhiều người không khỏi xót xa khi lợi nhuận đã làm nhiều nhà sản xuất, thương nhân mờ mắt. “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Câu ca ấy đã không được một số nhà sản xuất, thương nhân thấm nhuần.

Đối mặt nỗi lo sợ từ virut corona, họ có thể phải bỏ rất nhiều tiền để đáp ứng nhu cầu bảo vệ bản thân. Người sẵn sàng trả tiền, người ngậm ngùi trả lại hộp khẩu trang. Nhưng điều đọng lại sau tất cả, vẫn là sự oán than của nhiều người với những kẻ đang vui vẻ đếm tiền vì thu được món lợi “khủng” trên sức khỏe cộng đồng. Mà “cộng đồng” ấy có khi bao gồm của họ, người thân của họ nữa, dù lúc này hay lúc khác.

Trở lại câu chuyện giá cả sau siêu bão ở Mỹ, Chưởng lý Crist (đảng viên Đảng Cộng hòa, sau được bầu làm thống đốc Florida) đã viết bài trên tờ Tampa bảo vệ luật chống giá cắt cổ: “Trong trường hợp khẩn cấp, chính quyền không thể lừng chừng để người dân phải trả giá trên trời khi họ phải bỏ của chạy lấy người hoặc tìm kiếm nhu yếu phẩm cho gia đình sau siêu bão”.

Nhiều cơ quan của Việt Nam đã làm thế. Kinh tế thị trường  - vốn không phải không có khiếm khuyết - còn đâu giá trị khi tạo nên một kiểu làm ăn chỉ biết đến đồng tiền, bỏ mặc hết tình người. Không ai bắt họ giữ nguyên giá thấp khi nguồn đầu vào tăng và có phần khan hiếm hơn, nhưng tăng giá đến mức gây phẫn nộ như thời gian qua thì không thể chấp nhận được.

 

Hình minh họa (báo tuổi trẻ online)

Trái ngược với những “gian thương bất lương” ấy, nhiều hành động đẹp vẫn được người Việt khắp nơi tạo ra. Một người bạn của tôi đã không khỏi xúc động khi nhận được những hộp khẩu trang được bạn bè gửi tặng. Anh cũng không khỏi cảm kích trước nhiều tấm lòng tặng khẩu trang cho miễn phí cho người dân. Xin được lấy câu anh viết thay cho lời kết: Đấy là giá trị của tình người, của lòng yêu thương,... giá trị của sự sẻ chia. Qua những hành động tốt đẹp này, tôi mong lắm mỗi người chúng ta hãy bớt sống ích kỷ đi, bớt cái tôi của mình xíu đi để xã hội mình (trong đó có tôi, có bạn, có gia đình chúng ta) ngày càng tốt đẹp và giá trị hơn!

Lương Bằng (vietnamnet.vn)