Cấy ghép cơ phận, cơ hội mới hay thách đố mới?

Nhập đề

Hiện nay, sự tiến bộ của y sinh học về vấn đề cấy ghép cơ phận người ngày càng được xã hội quan tâm. Đây là một hướng điều trị mới của ngành y học nhằm chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng các cơ phận người bệnh đã bị suy yếu hay hư hỏng. Phương pháp này đã đem đến niềm hy vọng cứu chữa cho nhiều người bệnh tưởng chừng như đã bế tắt về sức khỏe và cận kề cái chết. Nó còn là niềm an ủi và xoa dịu niềm đau nỗi khổ nơi những người thân cũng như những người bệnh không may hư hỏng, dị tật các cơ phận của mình. Dù không phải là một phương pháp cứu chữa toàn năng nhưng nó cũng đã làm cho người mù được thấy nhờ thay giác mạc, người què được đi nhờ cấy ghép chi, người tưởng chừng như cận kề cái chết được hồi sinh nhờ ghép tim, gan, thận… Chúng ta hãy rảo qua những thành công trong lịch sử phát triển của kỹ thuật này:
Sơ lược lịch sử cấy ghép cơ phận :
• 1905 : Lần đầu tiên cấy ghép giác mạc thành công cho một công nhân bị mù bởi Bs Eduard Zirm (Cộng hòa Séc).
• 1954: Lần đầu tiên ghép thận thành công giữa thận của người anh sinh đôi cho người em bởi J. Hartwell Harrison và Joseph Murray (Boston, Mỹ).
• 1962: lần đầu tiên thận người chết được ghép thành công cho người sống, bệnh nhân sống thêm được 2 năm.
• 1966: Lần đầu tiên cấy ghép tuyến tụy thành công bởi Richard Lillehei và William Kelly (Minnesota, Mỹ).
• 1967: Đầu tiên ghép gan thành công do Thomas Starzl (Denver, Hoa Kỳ). Cũng năm này, Christian Barnard (Cape Town, Nam Phi) lần đầu tiên ghép tim thành công cho một bệnh nhân 55 tuổi. Tuy nhiên, người này chỉ sống thêm được 20 ngày.
• 1981: Lần đầu tiên thành công ghép tim và phổi trên một người được thực hiện bởi Bruce Reitz (Stanford, Mỹ) và bệnh nhân sống thêm được 5 năm. Một năm sau, tức năm 1982, tim nhân tạo đầu tiên được ghép và cũng đã thành công.
• 1983: Lần đầu tiên thùy phổi (lung-lobe) được cấy ghép thành công do Joel Cooper (Toronto, Canada).
• 1984: Lần đầu tiên thành công ghép tạng đôi (double organ transplant) được thực hiện bởi Thomas Starzl và Henry T. Bahnson (Pittsburgh , Hoa Kỳ). Cũng năm này, tim một con khỉ chó (baboon heart) được lấy để ghép cho bé Faye, tuy nhiên, tim này chỉ giúp cho bé sống thêm được 20 ngày thôi.
• 1986: Lần đầu tiên thành công cấy ghép phổi đôi (double-lung transplant) được thực hiện bởi Joel Cooper (Toronto, Canada).
• 1997: Đầu tiên cấy ghép thành công mạch máu dị gen (allogeneic vascularized transplantation) ở khớp gối con người được thực hiện bởi Gunther O. Hofmann.
• 1998: Đầu tiên thành công ghép một phần tuyến tụy cho bệnh nhân được thực hiện bởi David Sutherland (Minnesota, Mỹ).
• 1998: Đầu tiên ghép tay thành công do Tiến sĩ Jean -Michel Dubernard (Lyon, Pháp).
• 1999: Thành công cấy ghép bàng quang mô chế bởi Anthony Atala (Boston Bệnh viện Nhi, USA).
• 2005: Đầu tiên cấy ghép buồng trứng thành công do bởi Tiến sĩ PN Mhatre (Mumbai, Ấn Độ). Cũng năm này, ca ghép mặt một phần thành công tại Pháp.
• 2006: Ghép hàm đầu tiên giữa hàm người hiến tặng với tủy xương của bệnh nhân, được thực hiện bởi Eric M. Genden, Bệnh viện Mount Sinai, New York. Cũng năm này, việc ghép dương vật người thành công lần đầu tiên tại Quảng Châu, Trung Quốc.
• 2008: Đầu tiên thành công ghép đầy đủ đôi cánh tay cho bệnh nhân được thực hiện bởi Edgar Biemer, Christoph Höhnke và Manfred Stangl (Đại học Kỹ thuật Munich, Đức). Việc cấy ghép khí quản người bằng cách sử dụng các tế bào gốc của chính bệnh nhân đã được Paolo Macchiarini thực hiện (Barcelona, Tây Ban Nha). Cũng năm này, lần đầu tiên ca cấy ghép khuôn mặt (bao gồm cả vòm miệng, mũi, má, và mí mắt, với tổng diện tích gần 80%), được thực hiện thành công do Maria Siemionow (Cleveland, Mỹ).
• 2010: Đầu tiên cấy ghép mặt đầy đủ, do Tiến sĩ Joan Pere Barret và nhóm nghiên cứu (Bệnh viện Universitari Vall d’ Hebron, Barcelona, Tây Ban Nha).
• 2011: Đầu tiên ghép đôi chân thành công do Tiến sĩ Cavadas và nhóm nghiên cứu (Bệnh viện La Fe Valencia, Tây Ban Nha). Cũng năm này, một ca ghép tử cung đã được thực hiện thành công tại Thổ Nhĩ Kỳ.
• 19/09/2012 : 10 bác sĩ tại Thụy Điển đã thực hiện thành công ca cấy ghép tử cung từ mẹ sang con gái (30 tuổi đã bị cắt bỏ tử cung vì ung thư từ lâu) đầu tiên trên thế giới, giúp người con có thể mang thai được. Đây được xem là một bước đột phá trong y học nhằm giúp cho người hiếm muộn có con.
Lịch sử cho thấy sự tiến bộ rõ rệt trong lãnh vực cấy ghép các cơ phận người. Những tiến bộ này rất đáng được ghi nhận và trân trọng, vì nó nói lên khả năng tuyệt vời của trí óc con người, sức cống hiến của khoa học và ước muốn bảo vệ sự sống nơi con người. Sự sống con người là một hồng ân vô giá nên cần phải được chăm sóc và giữ gìn từ khi sinh ra cho đến lúc chết tự nhiên. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, cùng với sự tiến bộ này của khoa học, nhiều vấn đề liên quan đến đạo đức cũng nảy sinh. Phải chăng đây vừa là cơ hội mới cho người bệnh nhưng đồng thời cũng là thách đố mới cho những người có lương tâm và đạo đức, nhất là lương tâm của người tín hữu chúng ta ngày nay?

Cấy ghép cơ phận: ứng dụng, vấn nạn và luật pháp

Ứng dụng kỹ thuật cấy ghép cơ phận

Những thành công liên tiếp của công nghệ cấy ghép cơ phận đang mở ra nhiều cơ hội cứu chữa cho bệnh nhân. Giờ đây, khi nói đến kỹ thuật cấy ghép cơ phận, người ta không chỉ nghĩ đến những ca phẩu thuật cấy da chữa bỏng, ghép xương đối với những ca bị tai nạn nghề nghiệp, giao thông…mà trên thế giới và ngay tại Việt nam, người ta cũng đã khá quen thuộc với những cụm từ như: ghép thận, thay tim, ghép gan, tủy sống, ghép bàng quang, kể cả ghép buồng trứng, tử cung…
Dựa vào nguồn cung cấp cơ phận mà người ta chia thành các phương pháp cấy ghép khác nhau, bao gồm: cấy ghép trên cùng một người (cấy ghép tự thân), cấy ghép trên hai người khác nhau (cấy ghép đồng chủng), cấy ghép giữa loài vật với người (cấy ghép dị chủng), cấy ghép các bộ phận nhân tạo, cấy ghép nhờ liệu pháp tế bào gốc hoặc nhân bản vô tính.
a. Cấy ghép cơ phận trên cùng một người (cấy ghép tự thân)
Là dạng ghép mà cơ phận cho và nhận lấy từ cùng một chủ thể. Ví dụ: Một người bị bỏng, chỗ da ở đó bị hủy hoại sẽ được lấy da từ lưng hay đùi để thay cho chỗ da trên. Ưu điểm của dạng ghép này là không có phản ứng thải hồi do các bộ phận cùng một xuất xứ .
Ngay tại Việt nam, kỹ thuật ghép da đã được ứng dụng từ khá lâu, cứu sống nhiều bệnh nhân bỏng, đặc biệt là trẻ em. Theo nguồn tin từ báo mạng, mỗi năm, Viện Bỏng Quốc gia tiếp nhận khoảng 3.000 ca, trong đó bệnh nhi chiếm tới 50%.
Kỹ thuật ghép này không quá phức tạp nhưng cũng đòi hỏi những yêu cầu chuyên môn khắt khe. Trước tiên, các bác sĩ phải lấy một lượng da nhỏ của bệnh nhân, căng rộng ra bằng cách rạch những đường nhỏ, tạo thành “tấm lưới” che phủ lên vết thương. Miếng da tự thân này cũng có thể được tạo thành những miếng nhỏ che lên vết thương (gọi là ghép kiểu tem thư). Lượng da ghép chỉ được phép lấy đủ mức cần thiết, da lấy phải rất mỏng, đảm bảo an toàn cho việc tái tạo, tránh gây tổn thương cho vùng bị lấy da. Da ghép “sống” được nhờ sự thẩm thấu chứ không được nuôi trực tiếp bằng mạch máu. Vì vậy, độ mỏng của da là yếu tố quan trọng giúp nó bám sống.
Không chỉ thực hiện thành công các ca cấy da, nhiều bệnh viện Việt nam hiện nay cũng đã ứng dụng phương pháp cấy ghép tự thân đối với các bộ phận khác như: xương, thận, van tim. Theo baomoi.com, ngày 5.11.2011, Viện Tim Mạch Bệnh Viện Bạch Mai đã thực hiện thành công ca ghép van tim tự thân cho anh Ngũ Đình Th. (22 tuổi, ở Nghệ An) sau 3 giờ phẩu thuật .
b. Cấy ghép cơ phận giữa hai người khác nhau (cấy ghép đồng chủng)
Là phương pháp lấy bộ phận từ cơ thể người này ghép thay cho bộ phận đó của người khác.
Thế giới đã nghiên cứu và phát triển phương pháp này từ thập niên 50, đến nay đã có nhiều bước tiến nhảy vọt, đem lại sự sống hoặc kéo dài tuổi thọ cho nhiều bệnh nhân về tim, gan, thận…Ở Việt Nam, ước mơ ghép tạng đã được các nhà khoa học Việt Nam thai nghén từ trong những năm tháng còn khói lửa chiến tranh. Do điều kiện khó khăn của đất nước nên mãi đến ngày 4/6/1992, ca ghép thận đầu tiên của nước ta được tiến hành thành công tại Bệnh viện 103- Học viện Quân y. Ca ghép thận này có sự giúp đỡ của các chuyên gia, bác sỹ Đài Loan. Bệnh nhân được ghép thận là ông Vũ Mạnh Đ. 40 tuổi, được nhận quả thận ghép từ em ruột mình hiến tặng. Sau đó, tháng 12/1992, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) cũng đã triển khai ghép thận thành công. Những ca ghép thận đầu tiên này đã đánh dấu một mốc son cho sự lớn mạnh của nền y học nước nhà; và khởi đầu cho chuyên ngành mới của nước ta: chuyên ngành ghép tạng.
Tiếp sau đó, nhiều bệnh viện đã triển khai và thực hiện thành công ghép thận. Đó là, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiến hành ca ghép thận thành công đầu tiên vào tháng 8/2000; Bệnh viện Trung ương Huế vào tháng 7/2001; Bệnh viện Nhân dân Gia Định vào tháng 1/2002; Bệnh viện Nhân dân 115 vào tháng 2/2004; Bệnh viện Nhi Trung ương vào tháng 5/2004; Bệnh viện Nhi đồng II tháng 6/2004); Bệnh viện Bạch Mai tháng 11/2005; Bệnh viện Đa khoa TP. Đà Nẵng tháng 3/2006; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang tháng 3/2007; Bệnh viện 19-8 tháng 10/2008… Tính đến nay (2010), các bác sỹ Việt Nam đã tiến hành ghép thận cho gần 600 trường hợp, chỉ trong vòng 3 năm đã ghép gần 300 ca với kết quả tốt. Nhiều bệnh viện hiện nay ghép thận đã được thực hiện thường quy, có thể thực hiện đồng thời 2- 3 ca ghép trong cùng một ngày. Thời gian ghép trung bình 3 tiếng; thời gian nằm viện 8- 10 ngày. Ca ghép thận từ người cho chết não đã được thực hiện từ năm 2010 .
Tuy nhiên, điểm yếu của phương pháp này là sẽ dễ xuất hiện phản ứng thải hồi của cơ thể người được ghép. Thông thường phản ứng này xuất hiện sau một vài tuần và đó là nguyên nhân làm cho việc cấy ghép bị thất bại. Gần đây nhờ tiến bộ của dược học, người ta đã tìm ra một số thuốc ngăn cản việc thải hồi như các biệt dược: ciclosporin, ajathioprin .
Vấn đề chính của phương pháp này là nguồn cung cấp cơ phận. Ngoài một số lượng không lớn lắm các bệnh nhân được cấy ghép cơ phận từ những người thân hiến tặng, đa số các ca cấy ghép đều phải phụ thuộc cơ phận từ ngân hàng dự trữ được hiến tặng từ các người chết. Một thực tế rõ ràng diễn ra khắp nơi đó là nhu cầu được cấy ghép quá lớn so với số lượng hạn chế các bộ phận hiến tặng. Chỉ riêng tại Việt nam, theo thống kê năm 2010, cả nước có khoảng 6.000 người suy thận cần được ghép thận, 300.000 người bị mù lòa vì các bệnh lý giác mạc cần được ghép giác mạc… Còn theo số liệu điều tra sơ bộ mới được thực hiện tại 5 bệnh viện lớn ở Hà Nội, trong số 4.143 người bệnh gan, thì chỉ có 1.353 người được chỉ định ghép gan (chỉ chiếm 33,66%) .
c. Cấy ghép cơ phận giữa loài vật và người (cấy ghép dị chủng)
Là phương pháp lấy bộ phận từ loài vật ghép vào người.
Tháng 10/2003, một cuộc Hội thảo khoa học được tổ chức tại Glasgow (Scotland). Các nhà nghiên cứu đã báo cáo về những kết quả của việc sử dụng phủ tạng động vật để cấy ghép vào cơ thể người. Tài liệu lịch sử ghi chép lại rằng, ngay từ năm 1682 một nhà khoa học người Nga đã được ghép một mảnh xương sọ của chó. Tuy nhiên vì sự phản đối quá gay gắt của Giáo hội, nên ông này phải cho tháo bỏ mảnh xương chó đó đi. Năm 1963, 6 bệnh nhân đã được ghép thận của một loài hắc tinh tinh. Tuy nhiên, số thận đó chỉ hoạt động được chưa đầy 9 tháng. Năm 1984, các bác sĩ đã ghép tim của một loài khỉ mõm dài cho một đứa trẻ sơ sinh. Quả tim đó chỉ hoạt động được 20 ngày.
Hiện nay các nhà khoa học thuộc Viện Động vật phân tử ở Munich (Đức) đang theo đuổi một công trình nghiên cứu đầy tham vọng: tạo ra những giống lợn mini chuyên cung cấp các bộ phận cơ thể để cấy ghép cho người. Giáo sư Heiner Niemann thuộc Viện Động vật Mariensee (Đức) nhận xét: “Hiện nay ngành cấy ghép trong y học thích chọn lợn làm đối tượng cung cấp các cơ quan, bộ phận cho con người hơn là khỉ hoặc vượn người”. So với các loài động vật khác, lợn có ưu thế như sớm phát dục hơn, dễ nuôi và những tác nhân gây bệnh truyền nhiễm trong lợn khó lây sang người hơn. Giáo sư Heiner Niemann dự báo: “Một trong những cơ quan của lợn được dùng cấy ghép đầu tiên sẽ là tim”. Theo ông, cũng có thể cấy ghép được thận và gan, tế bào não hoặc tuyến tuỵ chuyên sản xuất insulin. Theo kết quả nghiên cứu chưa được công bố của Bệnh viện Bergmansheil ở Bochum (Đức), người ta còn có thể dùng khớp gối của lợn thay cho khớp khuỷu tay của người, hoặc xương ống chân lợn để thay vào những phần xương tay hoặc xương đùi bị hư hại của người.
Đến thời điểm này, chuyên gia phẫu thuật cấy ghép Rafael Valdes ở Bệnh viện Federico Gomez (Mexico) là người đầu tiên đã dùng tế bào lợn điều trị thành công bệnh nhân tiểu đường đang ở tuổi vị thành niên. Trong hai đợt thử nghiệm với 24 bệnh nhân, ông đã ghép tế bào lợn “giải thoát” cho ba bệnh nhân khỏi sự phụ thuộc insulin. Một cô bé 14 tuổi sau khi được ông điều trị chỉ còn dùng một nửa hàm lượng insulin. Ngoài ra 10 bệnh nhân khác cũng đã giảm đáng kể lượng insulin phải tiêm hàng ngày. Giáo sư Heiner Niemann lạc quan dự báo: “Có thể đến một ngày nào đó, chúng ta sẽ tạo ra được những giống lợn có các cơ quan thích hợp với cơ thể người còn hơn chính các cơ quan có trong cơ thể con người” .
d. Cấy ghép từ những bộ phận nhân tạo
Là phương pháp ghép các bộ phận nhân tạo như việc ghép tim nhân tạo.
Năm 1982, ca ghép quả tim nhân tạo Jarvik được thực hiện ở Mỹ, nhưng đến năm 1990, Cục quản lý Thực – Dược phẩm Mỹ (FDA) phải có lệnh cấm vì quả tim này còn nhiều khiếm khuyết, gây nguy hại cho bệnh nhân. Mãi đến năm 1999, việc ghép tim nhân tạo mới được thực hiện lại với quả tim nhân tạo mới có tên là Tim sư tử, có nhiều tiến bộ hơn, người được ghép là một người Đức 67 tuổi, ở tuổi này không thích hợp với việc ghép tim thật .
e. Cấy ghép nhờ liệu pháp tế bào gốc hoặc nhân bản vô tính
Cùng với sự xuất hiện của con cừu Dolly, kỹ thuật sinh sản vô tính đã có thể đem lại nguồn cung cấp cơ phận đáng kể, phục vụ việc cấy ghép. Tuy nhiên, cơ hội này đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà luân lý cách riêng và thế giới nói chung. Hiện nay, liệu pháp tế bào gốc đang mở ra hướng nghiên cứu mới đầy hứa hẹn cho công nghệ cấy ghép cơ phận. Theo nguồn tin từ vietnamnet, từ kết quả các nghiên cứu về tế bào gốc, các nhà nghiên cứu Mỹ đã phát triển một phương pháp mới, biến những tế bào gốc thành tế bào của cơ thể sống. Họ cũng đã chế tạo thành công một loại súng đặc biệt gọi là “súng tế bào da”, có khả năng phun những tế bào da mới, giúp chữa trị vùng bị tổn thương của nạn nhân bị bỏng và giảm đáng kể thời gian phục hồi của bệnh nhân. Quá trình này được giáo sư Joerg C. Gerlach và các đồng nghiệp tại Khoa Phẫu thuật thuộc Viện Y học tái sinh McGowan, Đại học Pittsburg (Mỹ) thử nghiệm lần đầu tiên năm 2008. Về cơ bản, “Súng tế bào da” hoạt động như một loại súng phun sơn phức tạp. Một bác sĩ sẽ làm sinh thiết vùng da chưa bị tổn thương của bệnh nhân bỏng để phân lập các tế bào gốc khỏe mạnh. Tiếp đó, các chuyên gia tiến hành quá trình chữa trị dựa vào nước, bao gồm việc dùng súng phun các tế bào gốc khỏe mạnh vào vết bỏng và người bệnh sẽ trên đà phục hồi nhanh chóng .

Một vài vấn nạn nảy sinh – Thách đố mới về mặt đạo đức:

Không thể không công nhận rằng, những thành tựu đáng kể trong kỹ thuật cấy ghép cơ phận đã giúp chữa trị nhiều căn bệnh hiểm nghèo, đem lại hy vọng sống mới cho nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, song song với điều đó, nhiều vấn đề đạo đức cũng nảy sinh. Phải chăng người ta có quyền chạy chữa cho người thân bị bệnh với bất cứ giá nào? Với cái nhìn của một số nhà luân lý, ngay cả việc người mẹ hiến một bộ phận để cứu con mình liệu có được phép? Nếu được, thì những bộ phận nào là có thể hiến tặng? Việc ghép một bộ phận của loài vật vào người có liên quan đến luân lý?…
Vấn đề trở nên nhức nhối hơn khi ngày càng có nhiều cá nhân hay tổ chức vì nguồn lợi nhuận khổng lồ, đã thành lập những đường dây buôn bán cơ phận người cách bất hợp pháp và vô luân. Con người ngày càng bị biến thành món hàng đem buôn bán trong tay người khác . Cũng trong chiều hướng này, hành động xem ra đáng thương nhưng khó có thể không quy trách cho nhiều người viện dẫn lý do mưu sinh để không ngần ngại bán đi một phần cơ thể mình, và rồi kết quả sau cùng có khi còn thê thảm hơn .
Một vấn nạn khác nữa liên quan đến nguồn cung cấp cơ phận đó là khái niệm “chết” và “chết não”. Thông thường người hiến tặng có thể cung cấp những bộ phận sống như tim trong tình trạng chết não. Tuy nhiên, làm sao để xác định một người là chết não? Chết não đã là chết thực sự? Việc cắt xén các bộ phận từ người chết não có ảnh hưởng đến vấn đề luân lý?
Theo các bác sĩ và chuyên gia, chết không phải là cái gì xảy ra trong một chốc lát, chết là một sự thoái hóa dần dần. Nó bắt đầu với sự suy yếu không quay trở lại của một quan năng trọng yếu đầu tiên: bộ hô hấp, bộ tuần hoàn (tim), luồng thần kinh…Trong nhiều thế kỷ qua, người ta cho rằng, một người đã “đi qua thế giới bên kia”, là giây phút mà người hấp hối đã “trút hơi thở cuối cùng”, trong lúc ấy tim ngừng đập. Trái lại, người ta không có phương tiện nào để kiểm soát luồng thần kinh, và người ta cũng không ngờ đến tầm quan trọng của nó. Khi ấy, người ta nói đến cái “chết bề ngoài”.
Còn kỹ thuật hiện đại xác định rằng, sự chết của não bộ mới đánh dấu điểm chấm dứt lịch sử trần thế của một con người, cho dù người ta có thể duy trì các bộ phận quan trọng như tim, phổi, thận, gan còn sống cách nhân tạo…Đó có lẽ là cái “chết thực sự”.
Một nhóm các khoa học gia lỗi lạc trong các ngành: y khoa, khoa giải phẩu, luật khoa, thần học…đã họp nhau tại Lôn đôn năm 1966 để đưa ra những dấu chỉ xác định sự chết thật sự, gồm có: sự giãn nở hoàn toàn của hai con ngươi và không còn phản ứng gì nữa trước ánh sáng; các cơ bắp và các gân hoàn toàn không phản ứng lại trước những kích thích thường lệ; sự hô hấp tự động ngưng hoàn toàn năm phút sau khi ngưng cho hô hấp nhân tạo; máu ngưng lưu thông mặc dầu đã tiêm vào những chất làm giãn mạch với liều lượng cao; điện đồ não vẽ một đường thẳng trong nhiều phút (chứng tỏ não đã ngưng hoạt động). Như vậy, việc tim ngừng đập không còn là dấu hiệu hiển nhiên của sự chết nữa. Chính sự chết của não bộ, được biểu thị bằng điện não đồ thẳng mới là sự chết thật sự của con người.
Ngày nay, mặc dù hầu hết các chuyên gia, kể cả các nhà luân lý và ngay cả luật pháp cũng công nhận chết não là chết thực sự; từ đó, họ đồng ý trong việc cắt xén các cơ phận nơi người hiến tặng chết não. Tuy nhiên, với một số nhà luân lý khác, đây vẫn là vấn đề còn bàn cãi.
Trên đây là một số vấn nạn đặt ra cho các nhà luân lý. Còn đối với nhà cầm quyền dân sự, cụ thể ở Việt nam, họ đã đưa ra những quy định nào?

Luật pháp Việt nam về việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác

Những quy định chung
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 10 đã thông qua luật này theo biên bản số 75/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006. Luật bao gồm 6 chương, 40 điều. Ở đây, chỉ xin lược trích một số điều:
Điều 4. Các nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác
1. Tự nguyện đối với người hiến, người được ghép.
2. Vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học.
3. Không nhằm mục đích thương mại.
4. Giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Điều 5. Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác
Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.
Điều 11. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Lấy trộm mô, bộ phận cơ thể người; lấy trộm xác.
2. Ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến.
3. Mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác.
4. Lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.
5. Lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống dưới mười tám tuổi.
6. Ghép mô, bộ phận cơ thể của người bị nhiễm bệnh theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
7. Cấy tinh trùng, noãn, phôi giữa những người cùng dòng máu về trực hệ và giữa những người khác giới có họ trong phạm vi ba đời.
8. Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.
9. Tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép trái với quy định của pháp luật.
10. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm sai lệch kết quả xác định chết não.
b. Chết não
Điều 26. Mục đích và điều kiện xác định chết não
1. Việc xác định chết não là cơ sở pháp lý để tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể của người có thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết.
2. Điều kiện để xác định là chết não bao gồm:
a) Có đủ tiêu chuẩn về chết não theo quy định tại Điều 28 và Điều 29 của Luật này;
b) Được ba chuyên gia quy định tại khoản 3 Điều 27 của Luật này trực tiếp khám và kết luận là chết não;
c) Việc chẩn đoán chết não chỉ được thực hiện ở các cơ sở y tế có khoa hồi sức cấp cứu, có máy thở, máy phân tích khí, máu và đủ các điều kiện khác theo quy định tại Điều 16 của Luật này.
Điều 27. Thủ tục và thẩm quyền xác định chết não
1. Người đứng đầu cơ sở y tế quy định tại điểm c khoản 2 Điều 26 của Luật này ra quyết định phê duyệt danh sách chuyên gia tham gia xác định chết não.
2. Danh sách chuyên gia xác định chết não là các chuyên gia thuộc các lĩnh vực sau đây:
a) Hồi sức cấp cứu;
b) Thần kinh hoặc phẫu thuật thần kinh;
c) Giám định pháp y.
3. Khi cần xác định chết não, người đứng đầu của cơ sở y tế quy định tại khoản 1 Điều này chỉ định nhóm chuyên gia gồm ba người thuộc danh sách chuyên gia tham gia xác định chết não và thuộc ba lĩnh vực theo quy định tại khoản 2 Điều này. Bác sỹ trực tiếp tham gia ghép mô, bộ phận cơ thể người và bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho người chết não không được tham gia nhóm chuyên gia xác định chết não.
4. Kết luận chết não của nhóm chuyên gia xác định chết não chỉ được công bố khi có kết luận chết não bằng văn bản của cả ba thành viên.
Thành viên nhóm chuyên gia xác định chết não phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính khoa học, chính xác trong kết luận chết não của mình.
5. Người đứng đầu của cơ sở y tế quy định tại khoản 1 Điều này công bố kết luận chết não bằng văn bản.
Điều 28. Tiêu chuẩn lâm sàng và tiêu chuẩn thời gian để xác định chết não
1. Tiêu chuẩn lâm sàng để xác định chết não bao gồm:
a) Hôn mê sâu (thang điểm hôn mê Glasgow bằng 3 điểm);
b) Đồng tử cố định (đường kính đồng tử hai bên giãn trên 4 mm);
c) Đồng tử mất phản xạ với ánh sáng;
d) Mất phản xạ giác mạc;
đ) Mất phản xạ ho khi kích thích phế quản;
e) Không có phản xạ đầu – mắt;
g) Mắt không quay khi bơm 50ml nước lạnh vào tai;
h) Mất khả năng tự thở khi bỏ máy thở.
2. Tiêu chuẩn thời gian để xác định chết não ít nhất là 12 giờ, kể từ khi người bệnh có đủ các tiêu chuẩn lâm sàng theo quy định tại khoản 1 Điều này và không hồi phục mới được chẩn đoán chết não.
3. Bộ Y tế quy định cụ thể các trường hợp không áp dụng các tiêu chuẩn lâm sàng quy định tại khoản 1 Điều này để xác định chết não.
Điều 29. Tiêu chuẩn cận lâm sàng để xác định chết não
1. Để xác định tiêu chuẩn cận lâm sàng để xác định chết não, phải sử dụng một trong các kỹ thuật chuyên môn sau đây:
a) Ghi điện não;
b) Chụp cắt lớp vi tính xuyên não;
c) Chụp siêu âm Doppler xuyên sọ;
d) Chụp X quang động mạch não;
đ) Chụp đồng vị phóng xạ.
2. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn cận lâm sàng để xác định chết não và việc áp dụng các kỹ thuật chuyên môn quy định tại khoản 1 Điều này.

III. Tranh cãi thần học và quan điểm Giáo Hội

Hai quan điểm trái ngược
Vấn đề luân lý và quan niệm đạo đức về việc cấy ghép cơ phận con người đã trải qua quá trình tranh luận sôi nổi, lâu dài. Tuy nhiên, tựu trung có hai lập trường chính: chống đối và ủng hộ.
a. Lập trường chống đối
Một số thần học gia như Ermecke, Zalba cho rằng: việc cấy ghép các bộ phận lấy từ thân thể của một người khác còn sống là vô luân trong bất cứ trường hợp nào; viện cớ rằng cứu cánh, mục đích (ở đây là chữa lành một người) không đủ biện minh cho việc dùng các phương tiện cắt xén một phần thân thể của người khác. Vì lý do đó mà một người mẹ không thể hiến một cái thận của mình để cứu sống con mình. Họ lý luận rằng: cái thận lấy ra dù để được cấy ghép hay vứt nó vào sọt rác thì cũng là cắt xén và như vậy bản chất của nó vẫn là vô luân lý. Tuy thế, các thần học gia này vẫn đồng ý cho việc cấy ghép các cơ phận như da, máu vì các cơ phận này có thể tự tái tạo và phục hồi nơi người cho, còn những bộ phận quan trọng hơn như thận, gan… thì không được phép.
Riêng với cái chết não, một số thần học gia cho rằng đó không phải là cái chết thực sự. Họ nghi ngờ thân thể những người chết não là tử thi . Tiến sĩ Paul Byrne, chủ tịch Hiệp Hội Y Khoa Công Giáo Hoa Kỳ, đã nghiên cứu y khoa từ năm 1957 và đã viết nhiều về cái chết não từ 1975 phản bác quan điểm ủng hộ cái chết não: “Nếu đó là chết, thì tại sao phải gọi là “chết não”. Tim vẫn đập, huyết áp và thân nhiệt vẫn còn, vẫn có sự cân bằng lượng muối và nước, nhiều bộ phận và hệ thống bên trong vẫn đang hoạt động để duy trì sự thống nhất của cơ thể”. Ông cho rằng, cái chết não là một “quyết định chất lượng sống”.
b. Lập trường ủng hộ
Các tác giả như G.Kelby, T.D’Donnell, J. Kenny, C. Mc Fadden, B. Haering, G. Lobo lại cho rằng: vì tình yêu đối với tha nhân ta có thể được phép cấy ghép cả những bộ phận ít quan trọng (như da, máu…) lẫn quan trọng (như thận, tim, gan…). Xét cho cùng, không có gì khác nhau trên lý thuyết giữa hai loại cấy ghép ấy. Lý do biện minh cho cả hai trường hợp đều giống nhau. Vì chưng, một hành động không thể được xét cách riêng lẻ ngoài bối cảnh của nó, nhưng phải đặt nó đúng vị trí của nó trong tiến trình chung. Đó là một ứng dụng của điều mà trong khoa luân lý người ta gọi là “nguyên lý toàn thể”. Tự để cắt đi một bộ phận (vd: thận) để cấy ghép nó vào một bệnh nhân là một nghĩa cử của toàn bộ sự sống, chứ không phải của sự chết mà cấm nó. Tình yêu đối với tha nhân cho phép ta tiến hành những việc ấy, miễn là cơ thể của người hiến tặng không vì thế mà bị thiệt hại nghiêm trọng, như thánh Phaolo nói: “Đức ái đi trước mọi sự” (x.2Cr 2,8; Cl 3,14).
Tuy thế, ngày 30-9-1954, rồi ngày 13-5-1956 Đức Giáo Hoàng Piô XII (1876-1958) đã đưa ra “một sự từ chối trên nguyên tắc” về việc cấy ghép cơ phận giữa những người còn sống. Và do vậy, các thần học gia ủng hộ đành giữ im lặng cho đến khi Đức Giáo Hoàng này qua đời. Sau khi Đức Piô XII qua đời, chủ trương ủng hộ được đưa ra lại, họ nhân danh sự liên đới giữa con người và lòng bác ái Kitô giáo. Lúc này Rôma không thấy có phản ứng gì, có lẽ Giáo Hội cũng đã ý thức được sức nặng của luận chứng này.
Về “cái chết não”, ngược lại với quan điểm chống đối, nhiều thần học gia khác lên tiếng bênh vực cho lập trường công nhận chết não là chết thực sự. B. Haering nhấn mạnh: “Các lý chứng để đồng hóa cái chết toàn diện của một người với cái chết của não bộ người ấy là hoàn toàn có giá trị” . Cách đây không lâu, ngày 3.5.2011, Tiến sĩ John Haas, chủ tịch National Catholic Bioethics ở Philadelphia, Hoa Kỳ đã khẳng định lại lập trường ủng hộ chết não trước CNA (Catholic News Agency): “Ý tưởng cho rằng tiêu chuẩn thần kinh (não chết) không phải là cách thế hợp pháp để xác định cái chết dường như đi ngược lại quan điểm Giáo hội”. Thêm nữa, các cơ quan như: Pontifical Academy of Life, the Pontifical Council for Healthcare Workers, the Pontifical Academy for Sciences, cũng đã đưa ra nhiều bài báo ủng hộ lập trường này .
Đứng trước tình thế này, Giáo Hội sau Công Đồng Chung Vaticano II đã đưa ra một số quan điểm nhằm làm sáng tỏ cho các vấn nạn trên.

Quan điểm Giáo Hội

Trong Hiến Chế Gaudium et Spes, Công Đồng Vatican II dạy rằng: “Sự tương trợ cho thấy con người, tạo vật duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ, chỉ có thể gặp lại chính bản thân mình nhờ thành thật hiến thân” (GS 24).
Sách Giáo Lý HTCG cũng dạy sự hiến thân tương trợ như là bổn phận “bổn phận “trở nên người thân cận” của tha nhân và hết lòng phục vụ họ khẩn thiết hơn khi con người gặp khốn khổ trong bất kỳ lĩnh vực nào. “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”(Mt 25,40)” (GLHTCG số 1932).
Về vấn đề cấy ghép cơ phận sách Giáo Lý HTCG dạy “Việc ghép các bộ phận cơ thể phù hợp với luật luân lý nếu các nguy hiểm và rủi ro về thể xác và tâm lý nơi người cho, cân xứng với lợi ích của người nhận. Hiến các bộ phận sau khi chết là điều cao quý đáng khen, và phải được khuyến khích như một biểu lộ tình liên đới quảng đại. Về phương diện luân lý, không thể chấp nhận lấy bộ phận nếu người cho, hoặc những thân nhân có quyền, không minh thị đồng ý. Cũng vậy, về phương diện luân lý, không thể chấp nhận việc trực tiếp gây tàn phế hoặc cái chết cho một người, dù nhằm mục đích kéo dài đời sống của những người khác”(GLHTCG Số 2296).
Đức Gioan Phaolô II còn nhắc nhở rằng: “Công nghệ cấy ghép cơ phận phải luôn gắn liền với việc hiến tặng phi thương mãi” . Hành vi ý thức hiến tặng cần phải hướng tới giá trị tuyệt đối là chính Thiên Chúa. Được tác thành từ tình yêu nhưng không của Thiên Chúa và tự bản chất con người là một quà tặng của Thiên Chúa. Vì thế, phẩm giá cao cả của con người cần được tìm thấy ở khả năng và mức độ tự hiến. Tuy nhiên đây không phải là một việc làm bắt buộc về mặt pháp lý hay đòi buộc tùy tiện của luân lý, nhưng đó là những ràng buộc sâu xa liên quan đến lương tâm con người trước nhu cầu cứu giúp đồng loại; đó là bổn phận cao cả của mỗi người đối với đời sống chung của cộng đồng nhân loại trên mọi bình diện nhân bản, hôn nhân, gia đình, quốc gia, quốc tế…
Như vậy, vấn đề đạo đức trong việc cấy ghép cơ phận được cụ thể hóa như sau:
a. Việc cấy ghép cơ thể trên cùng một người: cấy ghép các mô như da, xương từ phần thân thể này sang phần thân thể khác của cùng một người. Đây là một việc được phép vì lý do sức khỏe. “Ngoài những trường hợp trị liệu, việc cố tình cắt bỏ, hủy hoại hoặc triệt sản, thực hiện trên những người vô tội đều nghịch với luật luân lý (x. DS 3722)” (GLHTCG số 2297).
b. Việc cấy ghép giữa hai người sống: Trong khuôn khổ luật pháp khác nhau của các quốc gia cho phép và quy định về ai có thể cho được (thường quy định độ tuổi), Giáo Hội cho phép việc cấy ghép giữa hai người (cho và nhận) còn sống, miễn là không gây tàn phế hoặc cái chết nơi người hiến tặng. Đồng thời cần biết tôn trọng nhân vị, sức khỏe, sự sống, tự do và lương tâm ý thức trách nhiệm của cả người hiến tặng lẫn người nhận (x. GLHTCG các số 2296, 2288-2289).
c. Việc lấy các cơ phận của người chết để cấy ghép cho người sống: Chỉ được phép lấy các cơ phận của người chết khi họ đã chết thật và phải có sự đồng thuận của họ khi họ còn sống trước đó hoặc có sự đồng thuận của những người thân có quyền (x. GLHTCG số 2296). Đây là một hành động và một nghĩa cử cao đẹp mà Giáo Hội luôn khuyến khích: “Về phương diện luân lý, được phép mổ tử thi để điều tra pháp lý hoặc để nghiên cứu khoa học. Việc hiến các bộ phận cơ thể sau khi chết là việc hợp pháp và đáng khen.” (GLHTCG Số 2301). Tuy nhiên, Giáo Hội lưu ý đến việc tôn trọng thi thể của người chết chứ không phải được phép sử dụng tùy tiện hay xem thường thân xác của họ. Đó cũng là sự thể hiện lòng quí trọng con cái Thiên Chúa mà thân xác họ là đền thờ của Chúa Thánh Thần (x. GLHTCG Số 2300-2301).
Riêng với “cái chết não”, sau khi theo dõi những bước phát triển của y sinh học, cũng như sau nhiều lần tham khảo ý kiến của cơ quan Pontifical Academy of Sciences, tháng 8.2000, Đức Gioan Phaolô II đã phát biểu trước Hội Nghị cấy ghép cơ phận như sau: “Ở đây có thể nói rằng, tiêu chuẩn được chấp nhận trong thời gian gần đây nhằm xác định sự chết, có nghĩa là sự chấm dứt hoàn toàn và không thể thay đổi của hoạt động não bộ, dường như không mâu thuẫn với những yếu tố chính yếu của ngành nhân học” . Đây được xem là tuyên bố chính thức về phía Giáo hội trong việc đồng thuận rằng “cái chết não” là cái chết thật sự.
d. Lấy cơ phận của loài vật cấy ghép cho con người: Việc này chỉ được phép bao lâu nó không gây ra những thay đổi trong nhân cách. Vì cấy ghép các tuyến sinh dục của loài vật cho con người sẽ đưa tới những thay đổi nghiêm trọng, nên phải cấm chỉ việc này như một việc vô luân .
e. Cấy ghép cơ phận nhân tạo, cơ phận nhờ nhân bản vô tính, nhờ liệu pháp tế bào gốc: Khi thiếu các cơ phận từ nguồn cung ứng, các nhà khoa học đã chế tạo ra những vật liệu nhân tạo từ cao su, polime, thạch cao…để thay thế các cơ phận và tháp ghép cho người bệnh. Tuy nhiên, những dụng cụ này đã được thử nghiệm và tuân theo luật luân lý về việc thử nghiệm. Điều này chỉ được phép khi nó góp phần gìn giữ bảo vệ, thăng tiến nhân vị con người. Nếu ngược lại thì không được vì xúc phạm đến con người.
“Tháp ghép cơ phận nhờ phương pháp nhân bản vô tính người” : không chỉ Giáo Hội nhưng ngay cả nhiều tổ chức xã hội khác cũng đã mạnh mẽ lên tiếng nghiêm cấm và chống đối phương pháp vô luân này. Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Quốc Hội Âu Châu, Các Ủy Ban Quốc Gia về Đạo Đức Sinh Học tại nhiều nước cũng đã có luật nghiêm cấm và đã tuyên bố chống lại cách làm phi đạo đức này.
“Cấy ghép cơ phận nhờ liệu pháp tế bào gốc”: phương pháp này được phép hay không về mặt đạo đức thì phải xem xét xuất xứ của tế bào gốc:
* Nếu tế bào gốc được lấy từ phôi người thì Giáo Hội luôn lên án và không chấp nhận .
* Nếu tế bào gốc xuất xứ nhờ công nghệ iPS thì mặc dù Giáo Hội chưa có một văn bản chính thức nào đề cập trực tiếp đến vấn đề này, nhưng qua phát biểu của Hội Đồng Giám Mục Âu Châu (COMECE) đã khen ngợi công nghệ “vừa xinh đẹp vừa đạo đức” khi các nhà khoa học của công nghệ này nhận giải Nobel Y Học năm 2012, ta cũng thấy được sự ủng hộ từ phía Giáo Hội .
f. Người cho, bác sĩ và bệnh nhân: Phải đảm bảo người nhận đồng ý với sự cấy ghép ấy, vì đây là một cách chữa trị đặc biệt. Nếu bệnh nhân không còn tỉnh táo hay còn nhỏ tuổi thì cần phải có sự đồng ý của những người đại diện bệnh nhân (vợ chồng, cha mẹ). Thầy thuốc không được điều trị hay giải phẩu ngược với ý muốn của người nhận sự cấy ghép hay đại diện người ấy, và càng không được thế, nếu đó là việc điều trị khác thường. Cần lưu ý đến sự đồng thuận, tự do, ý thức trách nhiệm của người nhận và cũng nên khuyến khích cấy ghép các cơ phận của những người không biết nhau.
g. Một số lưu ý của Đức Gioan Phaolô II
Cơ thể con người không thể được đối xử như một thực thể chỉ đơn thuần là vật lý hay sinh học; nên không bao giờ mô hay cơ phận được sử dụng như là mặt hàng để bán hoặc trao đổi. Bất kỳ một thủ tục nào có xu hướng thương mại hóa các cơ phận con người hoặc xem nó như là mục đích kinh doanh hoặc kiếm ngoại tệ thì về mặt đạo đức không thể chấp nhận được.
Thêm nữa việc hiến tặng nên theo cách không phân biệt đối xử chủng tộc, quốc gia, địa vị xã hội hay thực dụng như khả năng làm việc, tính hữu dụng của xã hội…

Định hướng mục vụ

Mặc dù kỹ thuật cấy ghép cơ phận đã đạt những thành công to lớn và cũng đã được ứng dụng khá phổ biến ngay tại Việt nam, nhưng với giá thành quá cao mỗi ca cấy ghép thì có thể nói, cấy ghép cơ phận vẫn là một công nghệ còn quá xa vời với nhiều người nói chung và với dân nghèo miền quê nói riêng. Vì thế, chúng tôi chỉ xin đưa ra một vài gợi ý định hướng mục vụ cho vấn đề này như sau:
* Phổ biến Giáo huấn Giáo hội về vấn đề cấy ghép cơ phận cho mọi người, giúp họ có cái nhìn trung thực và đúng đắn về vấn đề này, từ đó gợi mở lối sống xả kỷ, sẵn sàng hiến tặng những gì được phép (vd: máu) hay xa hơn, hiến tặng chính thân xác mình sau khi chết.
* Gặp gỡ, đối thoại với giới bác sĩ, y tá, chuyên viên y tế…; lắng nghe, tôn trọng nhưng sẵn sàng hướng dẫn, tư vấn cho họ về mặt đạo đức, luân lý; giúp họ có những chọn lựa thật sự hữu ích và đúng đắn trong những quyết định mang tính chuyên môn công việc.
* Giáo dục cho giáo dân, đặc biệt giới trẻ biết tôn trọng sự sống của chính mình và của tha nhân. Sự sống là hồng ân cao quý Thiên Chúa ban, vì thế không được phép hủy hoại sự sống, thân xác cùng với những bộ phận đảm nhận sự sống đó bằng bất cứ cách nào (rượu chè, chất gây nghiện…là những yếu tố đe dọa sự sống chính mình và người khác).
* Khuyên nhủ, ủi an, nâng đỡ những số phận bất hạnh, giúp họ nhận ra tình yêu Thiên Chúa luôn dành cho mình đồng thời khơi gợi tâm tình yêu mến, cộng tác vào sự khổ đau Thập giá Chúa Giêsu, nhằm mưu ích cho phần rỗi mình và người khác.
* Bản quyền địa phương cũng nên có những kế hoạch, chương trình cụ thể trong việc theo sát các tiến bộ y khoa trong lãnh vực này nhằm đưa ra những hướng dẫn cụ thể trước hết cho giáo dân, giúp họ có những chọn lựa và quyết định phù hợp với giáo huấn Giáo hội.

THƯ MỤC SÁCH BÁO THAM KHẢO

* SÁCH:
- Giáo lý Hội Thánh Công Giáo
- TH. REY MERMET, C.S.S.R, Nhãn Quan Mới Về Luân Lý, Q.1, tập II, Phạm Minh Thuận dịch, 1992.
- Lm AUGUSTINE NGUYỄN VĂN DỤ, Giải Đáp Thắc Mắc Về Luân Lý, Trung Tâm Mục Vụ Italia, 2004.
- Thần học luân lý chuyên biệt, tập II, Tủ sách chuyên đề (dịch từ: KARL H. PESCHKE, S.V.D, Christian Ethics, Vol II:Special Moral Theology, Alcester and Dublin, 1986).
- Lm ANTON NGUYỄN VĂN TUYẾN, Tân Đạo Đức Sinh Học Kitô, ĐCV Huế, 2003.
- Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn Thị Dominum Vitae, 4.
- Vatican II, Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng số 51.