Cảnh báo đột quỵ sau nhồi máu cơ tim

Người có nguy cơ đột quỵ cao sau nhồi máu cơ tim là người tăng huyết áp, đái tháo đường, cholesterol cao, thiếu vận động, béo phì và hút thuốc lá.

So với những người không có tiền sử nhồi máu cơ tim, những người sống sót sau nhồi máu cơ tim không chỉ phải đối mặt với nguy cơ cao của một nhồi máu cơ tim thứ hai mà còn có nhiều khả năng bị đột quỵ.

Nguy cơ đột quỵ cao hơn ở những năm đầu tiên sau một nhồi máu cơ tim, đặc biệt là trong tháng đầu tiên. Tuy nhiên, sau một năm, nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ vẫn còn tăng, theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Stroke tháng 7/2016, một tạp chí chuyên ngành đột quỵ, trong đó theo dõi hơn 250 ngàn người sống sót sau nhồi máu cơ tim trong khoảng thời gian 30 năm. 

Người có nguy cơ đột quỵ cao sau nhồi máu cơ tim là người tăng huyết áp, đái tháo đường, cholesterol cao, thiếu vận động, béo phì và hút thuốc lá.

Các loại đột quỵ: tắc nghẽn và chảy máu

Tất cả đột quỵ xuất phát từ thương tổn mạch máu làm hạn chế lưu lượng máu đến các phần của não bộ. Nếu không có nguồn cung cấp ôxy và máu liên tục, các tế bào não bắt đầu chết. Nó có thể để lại di chứng: không thể đi lại, nói, cảm nhận, suy nghĩ, nhìn thấy. Đột quỵ thiếu máu cục bộ chiếm khoảng 80% các ca đột quỵ; 20% còn lại là đột quỵ do xuất huyết.

Đột quỵ thiếu máu cục bộ xảy ra khi một động mạch cung cấp máu và ôxy cho não bị tắc nghẽn bởi một cục máu đông. Nếu cục máu đông trong tim và đi tới não, nó được gọi là đột quỵ do cục nghẽn tim. Đột quỵ do huyết khối, do cục máu đông nghẽn trong động mạch cung cấp máu cho não, sau khi động mạch bị hẹp do xơ vữa.

Đột quỵ xuất huyết, còn được gọi là đột quỵ chảy máu, xảy ra khi một mạch máu ngay bên ngoài hay bên trong não rò rỉ hoặc vỡ. Hay gặp nhất là xuất huyết nội sọ, có nghĩa là xuất huyết trong não. Ngoài ra có thể xuất huyết dưới màng nhện, xảy ra giữa hộp sọ và não. Một số trường hợp do chứng phình động mạch gây vỡ và chảy máu trong não

Các cục máu đông đi “du lịch” trong mạch máu gây đột quỵ

Nhồi máu cơ tim xảy ra khi một cục máu đông hình thành và làm tắc nghẽn hoàn toàn mạch máu đến nuôi dưỡng các phần của cơ tim. Có thể gây thương tổn hoặc gây sẹo tâm thất trái, là buồng bơm máu chính của tim. “Kết quả là, trái tim có thể không co bóp bình thường, mà có thể hình thành một cục máu đông”, TS. Louis Caplan - giáo sư thần kinh học tại Trung tâm Y khoa Harvard giải thích. Tiếp theo, cục máu đông mới đi “du lịch” qua các mạch máu và dừng lại trong một động mạch cung cấp cho não. Trường hợp đột quỵ do cục nghẽn từ tim ít gặp, xảy ra ở khoảng 3-4% những người sống sót sau nhồi máu cơ tim, thường là trong vòng 30 ngày kể từ ngày khởi phát nhồi máu cơ tim. Cần một đánh giá toàn diện để phát hiện và điều trị tất cả các yếu tố góp phần để ngăn chặn các vấn đề về tim mạch trong tương lai.

Chảy máu não sau nhồi máu cơ tim

Trong hoặc sau nhồi máu cơ tim, có thể can thiệp các động mạch bị nghẽn như nong mạch và để chèn một stent để chống đỡ cho động mạch mở. Sau đó, dùng một hoặc nhiều loại thuốc để ngăn ngừa cục máu đông hình thành bên trong các ống đỡ động mạch, thường là thuốc aspirin và clopidogrel, cho đến một năm, đôi khi lâu hơn. Tuy nhiên, các loại thuốc này làm tăng nguy cơ chảy máu, bao gồm đột quỵ do chảy máu não. Điều này có thể giải thích lý do tại sao, như nghiên cứu đột quỵ gần đây cho thấy, có người phải đối mặt với hai lần nguy cơ của xuất huyết nội sọ trong năm đầu tiên sau nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, những biến chứng này rất hiếm. Trong khi đó, tác dụng chống đông máu của thuốc giúp ngăn chặn nhồi máu cơ tim, mà đến nay cho thấy sử dụng vẫn hiệu quả.

5 cách để ngăn ngừa đột quỵ

Hạ huyết áp (yếu tố nguy cơ đột quỵ lớn nhất): Tăng huyết áp làm tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp bốn lần nguy cơ đột quỵ nếu huyết áp không được kiểm soát. Mục tiêu lý tưởng duy trì huyết áp ở mức 120/80mmHg sau nhồi máu cơ tim, có thể giúp phòng ngừa đột quỵ. Giảm lượng muối trong chế độ ăn uống (không quá ½ thìa cà phê muối/ngày).

Giữ cholesterol và đường trong máu ở mức khỏe mạnh: Tránh các thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao, như mỡ động vật, phô mai và kem chứa chất béo. Tránh các thực phẩm có hàm lượng chất béo bão hòa cao. Ăn nhiều trái cây và rau quả mỗi ngày, mỗi tuần ăn 2-3 bữa cá (mỗi bữa khoảng 100g) và tăng cường ngũ cốc, sữa ít chất béo. Kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Tập thể dục và dùng các loại thuốc để giữ lượng đường trong máu trong giới hạn cho phép.

Không hút thuốc: Người hút thuốc lá có nguy cơ rất cao bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ do thiếu máu cục bộ não. Hút thuốc lá làm tăng tốc độ hình thành cục máu đông, làm xơ vữa mạch máu, gia tăng lượng mảng bám xơ vữa tích tụ trong động mạch, do đó làm tăng tỷ lệ tái phát nhồi máu cơ tim và phát triển đột quỵ sau nhồi máu cơ tim. Bỏ hút thuốc nếu đang hút, tránh xa các nơi nhiều khói thuốc lá, vì có thể hút thuốc lá thụ động.

Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục góp phần giảm đột quỵ và nhồi máu cơ tim một cách độc lập. Tập với cường độ vừa phải 30 phút/ngày như đi bộ chẳng hạn, ít nhất 5 ngày/tuần. Có thể chia nhỏ ra thành nhiều lần tập, 10-15 phút/lần, vài lần mỗi ngày.

Giảm cân, nếu cần thiết: Thừa cân và béo phì là một yếu tố nguy cơ quan trọng của đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Nếu thừa cân hay béo phì, giảm cân ngay có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ sau nhồi máu cơ tim. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, với người Nam Á, giữ chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 - 23. Nếu BMI trên 23 là thừa cân và trên 25 là bị béo phì.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/cac-loai-benh/canh-bao-dot-quy-sau-nhoi-mau-co-tim