Cách xử trí khi hạ đường huyết

Suckhoedoisong.vn - Tôi 56 tuổi, không mắc bệnh gì, nhưng thể trạng không được khỏe.

Thỉnh thoảng tôi lại bị vã mồ hôi, hồi hộp, cảm giác đói cồn cào, nhìn mờ, thường xảy ra gần giữa trưa khi chưa ăn. Có phải tôi bị hạ đường huyết, vậy tôi nên làm gì với tình trạng này?

Vũ Thị Hoa (Hà Nội)

 

Để khẳng định tình trạng của bác có phải hạ đường huyết không thì cần thăm khám cụ thể và làm xét nghiệm thăm dò. Tuy nhiên theo thư bác mô tả thì đó là các dấu hiệu của cơn hạ đường huyết đột ngột.

Hạ đường huyết là sự giảm lượng đường trong máu (cụ thể là đường glucose) dưới mức độ bình thường của mỗi người. Trong cơ thể chúng ta, đường glucose được đưa đi khắp cơ thể, có vai trò nuôi dưỡng các tổ chức đảm bảo cho sự sống của mỗi người. Nó được xem như nguồn năng lượng hết sức quan trọng và cần thiết cho hệ thần kinh, tổ chức não bộ. Vì thế khi đường huyết giảm sẽ ảnh hưởng đến chức năng cơ thể. Khi nồng độ đường huyết < 2,8mmo/l (50mg/dl) là hạ đường huyết nặng, còn khi đường huyết <3,9mmol/l ( <70mg/dl) đã bắt đầu được xem là hạ đường huyết. Hạ đường huyết nếu không được phát hiện kịp thời và xử trí sớm có thể dẫn tới hôn mê và gây nên nhiều tác hại cho người bệnh. Triệu chứng hạ đường huyết có thể thấy như: lo lắng, run tay chân, vã mồ hôi, hồi hộp đánh trống ngực, cảm giác đói cồn cào. Triệu chứng của rối loạn hệ thần kinh trung ương: mất khả năng tập trung, nhìn mờ, lơ mơ, lú lẫn, co giật, hôn mê...

Trường hợp hạ đường huyết nhẹ, bệnh nhân tỉnh táo thì nên ăn ngay một viên kẹo, hoặc miếng bánh ngọt, hoa quả có sẵn. Nếu không đỡ cần cho bệnh nhân uống một cốc nước ngọt, nước đường, rồi nghỉ ngơi. Nếu tình trạng hạ đường huyết không đỡ thì cần tới bệnh viện ngay để được xử trí.

BS. Thanh Xuân