Hồng Thủy - Vatican News
Trong tuyên bố hôm 23/11, được ký bởi Đức tổng giám mục Joseph Takami của Nagasaki, Chủ tịch Hội đồng giám mục, các giám mục Nhật Bản nói rằng “Chúng ta phải nhìn nhận nhau như anh chị em, và xây dựng các mối quan hệ hàng ngày, các tổ chức, hệ thống chính trị và xã hội của chúng ta dựa trên tình huynh đệ, đối thoại và hiệp thông”.
Các ý tưởng phá hủy các mối quan hệ huynh đệ
Các ngài lưu ý rằng thế giới hiện đại chứa đầy một danh mục các ý tưởng và hành động “phủ nhận hoặc phá hủy các mối quan hệ huynh đệ”. Những thái độ này, theo các giám mục, “bao gồm sự thờ ơ ích kỷ, không quan tâm đến lợi ích chung, sự kiểm soát lợi nhuận và lý luận của thị trường, phân biệt chủng tộc, nghèo đói, bất bình đẳng về quyền, đàn áp phụ nữ, người tị nạn và buôn người.”
Noi theo gương mẫu tình yêu của Chúa Giê-su
Đối mặt với tình trạng này, các giám mục Nhật Bản nhấn mạnh sự cần thiết phải trở thành “những người láng giềng tốt đối với những người đau khổ và yếu đuối như người Samarianhân hậu trong dụ ngôn của Chúa Giê-su”.
Để làm điều này, các ngài nói, “chúng ta phải noi theo gương mẫu tình yêu của Thiên Chúa và hy sinh chính mình để đáp lại hy vọng của người khác về một cuộc sống tốt đẹp hơn bởi vì chúng ta cũng là những thụ tạo nghèo khổ được Thiên Chúa thương xót”.
Tuyên bố của các giám mục trùng với dịp kỷ niệm một năm chuyến thăm Nhật Bản của Đức Thánh Cha Phanxicô từ 23-26/11. Khi ở Nhật Bản, Đức Phanxicô đã đến thăm các thành phố Nagasaki và Hiroshima, những nơi đã bị bom nguyên tử vào tháng 8/1945, trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Liên đới với người nghèo, người tị nạn
Trong tuyên bố của mình, các giám mục Nhật Bản nhắc lại chủ đề chuyến thăm của Đức Thánh Cha, đó là “Bảo vệ mọi sự sống”, và đề nghị đưa phương châm này thành “kim chỉ nam cho cuộc sống”. Các ngài kêu gọi liên đới với người nghèo do ô nhiễm môi trường, những người buộc phải tị nạn, thiếu nơi ăn chốn ở. Các ngài kêu gọi liên đới với những người đói khát và những người đang gặp khó khăn về kinh tế. Lời kêu gọi này đặc biệt ý nghĩa đối với Nhật Bản khi tỷ lệ tự tử gia tăng tại nước này trong những tháng gần đây, mà nhiều chuyên gia cho rằng có liên quan đến thiệt hại tài chính do đại dịch Covid-19.
Theo một báo cáo gần đây từ văn phòng CNN của Tokyo, chỉ trong tháng 10, số người thiệt mạng vì tự sát ở Nhật Bản nhiều hơn số nạn nhân của Covid-19 trong suốt cả năm. Khoảng 2.153 vụ tự tử đã được báo cáo vào tháng 10, so với tổng số nạn nhân của virus corona là 2.087 người. (Crux 01/12/2020)
Nguồn: https://www.vaticannews.va