Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa bao gồm các bệnh: tả, lỵ và thương hàn tuy không trực tiếp đe dọa đến tính mạng của người bệnh, nhưng khi bệnh không được điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
- Bệnh tả
Bệnh tả là một trong những bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa cấp tính với nguyên nhân chính gây bệnh là vi khuẩn tả, gây nôn và ỉa chảy dữ dội khiến cơ thể rơi vào tình trạng mất nước và các chất điện giải.
1.1. Nguyên nhân và nguồn lây bệnh
Vi khuẩn tả (Vibro Cholerae ) là tác nhân chủ yếu gây ra căn bệnh kể trên. Loại vi khuẩn này được tìm thấy trong phân của người bệnh và người lành nhưng mang trong người vi khuẩn tả. Các chuyên gia y tế cho biết đường truyền nhiễm của bệnh có thể trực tiếp từ người bệnh sang người lành hoặc có thể gián tiếp thông qua nước hoặc thức ăn đã bị nhiễm khuẩn tả.
1.2. Triệu chứng
1.2.1. Triệu chứng lâm sàng
Tình trạng nhiễm khuẩn đường tiêu hóa ở bệnh nhân tả thường có thời kì ủ bệnh trong khoảng từ 4h – 4 ngày tùy theo từng trường hợp nhiễm bệnh cụ thể. Trong thời kỳ khởi phát của bệnh, những triệu chứng xảy đến như: sốt, tiêu chảy khiến nhiều người nhầm với tiêu chảy. Thời kỳ toàn phát khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng điển hình sau đây:
– Tiêu chảy dữ dội: Bệnh nhân mắc tả có thể đi tiêu từ 20- 50 lần trong một ngày. Phân thường ở dạng nước, đục hoặc có mầu giống nước vo gạo hoặc có thể là toàn màu trong. Đặc biệt trong phân của người bệnh có lợn cợn những vẩy trắng chứa nhiều vi khuẩn tả. Phân thường không có đặc điểm lẫn máu nhưng có mùi hôi tanh khó chịu, pH kiềm 8 – 8.5.
– Nôn dữ dội và tiêu chảy: Tình trạng bệnh nôn dữ dội kèm với tiêu chảy khiến cơ thể nhanh chóng bị mất nước kéo theo hiện trạng: vẻ mặt hốc hác, lờ đờ, mắt trũng, tim đập yếu, thân nhiệt hạ.
1.3. Chẩn đoán bệnh
Bệnh được chẩn đoán chính xác dựa trên trên kết quả soi phân dưới kính hiển vi để tìm ra vi khuẩn tả.
- Bệnh Lỵ
Bệnh lỵ được các nhà khoa học chia thành hai dạng chính là: lỵ trực trùng và lỵ amip. Lỵ trực trùng là bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa cấp tính, gây thành dịch do vi khuẩn Shigella gây bệnh. Biểu hiện chính của bệnh có thể từ tiêu chảy cho đến các hội chứng khác như: đau quặn bụng, sốt hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc khác. Còn đối với lỵ amip, đây là bệnh do amip Entamoeba Histolytica gây ra, ít gây thành dịch và bệnh có thể cấp hoặc mạn tính.
2.1. Nguyên nhân gây bệnh
Đặc điểm chung của hai loại bệnh lỵ nói trên đều có đường truyền nhiềm từ việc lây qua phân người bệnh hoặc sử dụng phải thức ăn có chứa vi khuẩn lỵ. Bệnh thường xuất hiện và phát triển ở những nơi đông dân cư, công tác giữ gìn vệ sinh kém, ăn uống không hợp vệ sinh.
2.2. Triệu chứng bệnh:
Lỵ trực trùng: Bệnh nhân có thể xuất hiện những cơn đau bụng dữ dội, sốt cao, đi ngoài nhiều lần trong ngày. Phân ở bệnh nhân mắc lỵ có thể lẫn máu tươi. Tình trạng bệnh kéo dài nếu không được khắc phục ngay khiến bệnh nhan nhanh chóng suy kiệt.
Lỵ amip: Bệnh nhân nhiễm lỵ amip thường có các triệu chứng: sốt, đau bụng có thể là mơ hồ cho đến đau quặn bụng. Ngoài ra, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng phân đi ngoài nhiều lần, phân có lẫn mủ nhầy.
2.3. Chẩn đoán bệnh
Các bác sỹ thường dựa trên các dấu hiệu lâm sàng của bệnh và kết quả soi phân tươi dưới kính hiển vi để đưa ra kết luận chính xác về tình trạng bệnh.
- Bệnh thương hàn
Thương hàn là bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa cấp tính, hay gây thành dịch lớn, do trực khuẩn Salmonella gây ra. Bệnh xảy ra thường có những triệu chứng điển hình là: sốt, đau bụng, đau đầu và các biểu hiện của rối loạn tiêu hóa.
3.1. Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh thường lây lan qua đường ăn uống hoặc vệ sinh, tắm giặt… khi có sự tiếp xúc với mầm bệnh từ gia súc, vật nuôi trong nhà hoặc phân người bệnh.
3.2. Biến chứng
– Biến chứng liên quan đến tiêu hóa: Xuất huyết tiêu hóa, viêm túi mật, viêm gan hoặc viêm đại tràng, viêm ruột thừa…
– Biến chứng tim mạch: viêm cơ tim, viêm tắc mạch
– Biến chứng thận: Viêm cầu thận, suy thận, hội chứng thận hư…
– Biến chứng thần kinh: Viêm màng não mủ…
3.2. Nguyên tắc điều trị
– Bù nước và chất điện giải
– Dùng kháng sinh nhằm làm giảm sự mất dịch do tiêu chảy, giảm tổn thương tại ruột
- Các biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa
Nguyên tắc chính trong công tác phòng tránh các bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn đường tiêu hóa là tránh xa nguồn bệnh. Đặc biệt, mỗi cá nhân nên chủ động giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… tốt. Với bệnh nhân mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa nên được cách ly và điều trị triệt để để tránh nguy cơ bùng phát thành dịch.
Nguồn:http://benhvienungbuouhungviet.com/cac-benh-nhiem-khuan-duong-tieu-hoa-thuong-gap