Tuy nhiên, mỗi loại đều có những tác dụng và rủi ro đi cùng mà người bệnh cần nắm được để có cách phòng và xử lý thích hợp nếu gặp phải.
Thuốc lợi tiểu
Một số loại thuốc lợi tiểu thường dùng như: hydrochlorothiazide, chlorothiazide, indapamide, metolazone; amiloride, spironolactone, triamterene, eplerenone... Khi dùng nhóm thuốc này, tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm: chóng mặt, chuột rút, nôn, táo bón, tiêu chảy, mất cân bằng điện giải, tăng độ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời... Những người dùng thuốc lợi tiểu cũng có thể bị giảm ham muốn tình dục, mặc dù điều này ít phổ biến hơn.
Một số loại thuốc có thể tương tác với thuốc lợi tiểu như: digitalis và digoxin, một số thuốc chống trầm cảm, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc ức chế miễn dịch cyclosporine... Vì vậy, khi đi khám, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc mà mình đang dùng để bác sĩ cân nhắc khi kê đơn, tránh các tương tác thuốc bất lợi.
Thuốc chẹn beta
Một số thuốc trong nhóm thường dùng như atenolol, propranolol, nadolol...
Thuốc chẹn beta ngăn chặn tác dụng của hormon adrenaline làm tim đập chậm hơn, nhịp tim và cung lượng tim sẽ giảm, mạch máu giãn ra, giúp giảm huyết áp.
Một số tác dụng phụ của thuốc chẹn beta có thể bao gồm: mệt mỏi, chóng mặt, tay chân lạnh, khô miệng, mắt và da. Tác dụng phụ ít phổ biến hơn bao gồm: nhịp tim chậm, khò khè hoặc khó thở, sưng tay hoặc chân, phát ban hoặc ngứa da, mất ngủ, phiền muộn, huyết áp thấp...
Một số chất và thuốc có thể thay đổi hiệu quả của thuốc chẹn beta, bao gồm: rượu, cafein, thuốc ho và cảm lạnh (bao gồm cả thuốc kháng histamin và thuốc thông mũi), insulin và một số loại thuốc uống trị tiểu đường, thuốc trị hen suyễn, thuốc trị COPD, một số thuốc chống trầm cảm...
Thuốc chẹn beta có thể không phù hợp với những người có các điều kiện hoặc vấn đề sau: tuần hoàn kém, nhịp tim chậm, bệnh tiểu đường, hạ đường huyết, viêm phế quản mạn tính, khí phế thũng hoặc COPD, hen suyễn, cường giáp, bệnh thận hoặc gan...
Người bệnh cần nhận biết được tác dụng phụ của thuốc mình đang dùng.
Chất ức chế ACE
ACE là tên viết tắt của cụm từ enzyme chuyển đổi angiotensin - một loại protein gây co thắt mạch máu, tăng huyết áp. Nhóm thuốc ức chế men chuyển hỗ trợ quá trình hạ huyết áp bằng cách làm các mạch máu thư giãn và giãn nở, làm máu lưu thông dễ dàng hơn. Một số thuốc thường gặp trong nhóm này như: benazepril, captopril, enalapril...
Ho khan là tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc ức chế men chuyển. Tác dụng phụ ít phổ biến hơn bao gồm: mất vị giác, vị kim loại trong miệng, ăn không ngon miệng, rối loạn dạ dày, tiêu chảy, táo bón, đau đầu, mệt mỏi...
Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II
Angiotensin II là một enzyme có tác dụng làm co thắt mạch máu dẫn đến tăng huyết áp. Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II được sử dụng để làm giãn các mạch máu. Những thuốc này ngăn ngừa hormon angiotensin II gắn vào các thụ thể trong các mạch máu. Khi mạch máu được thư giãn, huyết áp sẽ giảm xuống. Tim sẽ bơm máu đến các cơ quan đích dễ dàng hơn. Các thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB) bao gồm: azilsartan, candesartan, losartan, olmesartan, valsartan...
Nhức đầu và chóng mặt là tác dụng phụ phổ biến nhất của ARB. Tác dụng phụ ít phổ biến hơn bao gồm: đau bụng, đau khớp, đau họng, ho, tiêu chảy, sốt, mệt mỏi, hồi hộp, đau lưng.
Các loại thuốc sau đây có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng của ARB: thuốc lợi tiểu, thuốc và chất bổ sung có chứa kali, thuốc huyết áp khác, một số loại thuốc tim, các loại thuốc chống dị ứng, cảm lạnh và cúm...
Không dùng thuốc cho người dị ứng với ARB, những người bị bệnh tiểu đường, suy tim, bệnh thận hoặc gan...
Thuốc chẹn kênh canxi
Thuốc chẹn canxi (CCB - calcium channel blocker) là loại thuốc ngăn không cho dòng canxi vào nội bào, làm cản trở quá trình co mạch, được sử dụng trong điều trị bệnh tăng huyết áp. Một số thuốc đại diện trong nhóm này như: nifedipin, amlodipin, verapamin...
Tác dụng phụ thường gặp của thuốc chẹn kênh canxi bao gồm: mệt mỏi, sưng bàn chân hoặc mắt cá chân. Tác dụng phụ ít phổ biến hơn bao gồm: đánh trống ngực, buồn nôn, chóng mặt, khó thở, đau dạ dày, táo bón, phát ban hoặc ngứa da... Uống nước bưởi trong khi dùng một số thuốc chẹn kênh canxi có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ.
Thuốc chẹn alpha
Một số chất chẹn alpha thường dùng như: doxazosin mesylate, prazosin hydrochloride, terazosin hydrochloride...
Các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng nhóm thuốc này như: nhịp tim nhanh, tụt huyết áp khi đứng lên, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, cảm thấy mệt mỏi, yếu đuối hoặc thờ ơ, giấc ngủ bị xáo trộn, phát ban da hoặc ngứa, mất kiểm soát bàng quang ở phụ nữ, rối loạn cương dương ở nam giới...
Các chất làm giảm huyết áp khác có thể gây giảm huyết áp nguy hiểm khi dùng cùng với thuốc chẹn alpha. Những chất này bao gồm: rượu, thuốc có chứa benzodiazepine hoặc barbiturat, thuốc huyết áp khác.
Thuốc chẹn alpha có thể làm cho các tình trạng y tế sau trở nên tồi tệ hơn: chứng ngủ rũ (một chứng rối loạn giấc ngủ), đau thắt ngực, suy tim...
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc huyết áp. Việc dùng thuốc huyết áp loại nào bác sĩ sẽ phải căn cứ cụ thể vào nguyên nhân cơ bản gây tăng huyết áp, các bệnh mắc kèm cũng như các loại thuốc mà người bệnh đang dùng (nếu có)... Bất cứ ai gặp phải tác dụng phụ lâu dài hoặc không thể chịu đựng được từ thuốc huyết áp, cần phải thông báo cho bác sĩ biết để có thể được xử lý hoặc thay thế thuốc thích hợp hơn.
Thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp nhằm giúp kiểm soát huyết áp trong giới hạn mục tiêu chứ không phải chữa trị được dứt điểm căn bệnh này. Ngay cả khi huyết áp trở về bình thường, nếu ngừng điều trị, nó có thể tăng đột ngột và gây ra những rủi ro cho sức khỏe.
DS. Hoàng Thu
Suckhoedoisong.vn