Sáng ngày 16/5/2020, Đức Hồng y Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, đã mở cuộc họp báo trực tuyến tại Phòng báo chí Tòa Thánh về chủ đề: “Đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng lương thực và sinh thái học toàn diện: hoạt động của Giáo hội”.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Hiện diện trên bàn chủ tọa cuộc họp báo, cũng có hai linh mục Tổng thư ký của Bộ, và ông Aloysius John, Tổng thư ký Caritas quốc tế.
Đức Hồng y Turkson, người Ghana cho biết, với sự đồng ý của Đức Thánh cha, Bộ Phát triển đã thành lập một Ủy ban Vatican về Covid-19, với sự cộng tác của Caritas quốc tế và các bộ khác của Tòa Thánh, trong đó có Bộ ngoại giao Tòa Thánh, để góp phần đối phó với những hậu quả của đại dịch hiện nay, qua năm lãnh vực là: cộng tác và củng cố hoạt động của các Giáo hội địa phương để giúp đỡ các nạn nhân, đặc biệt qua hệ thống Caritas. Tiếp đến là thực hiện những nghiên cứu liên ngành, với sự cộng tác của Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống và Hàn lâm viện về các khoa học, về Covid-19 với các lãnh vực khác nhau. Hoạt động thứ ba do Bộ truyền thông phối hợp, để đề ra các chiến lược thông tin về các nhóm làm việc của Ban Vatican về Covid-19. Nhóm thứ tư cộng tác với Bộ ngoại giao Tòa Thánh, liên hệ với các chính phủ và các tổ chức quốc tế để bênh vực các mục tiêu và chia sẻ các dữ kiện để hoạt động đa phương. Sau cùng, nhóm thứ năm có trách nhiệm kiếm tài trợ cho các hoạt động của Ủy ban Vatican Covid-19.
Trong cuộc họp báo, ông Alosius John, người Ấn Độ, tổng thư ký Caritas Quốc tế cho biết cơ quan này đã nhận được 32 dự án xin trợ giúp và đã chấp thuận tài trợ 14 dự án, các dự án khác sẽ được giúp khi có những đóng góp kế tiếp. Các dự án đó giúp đỡ các gia đình, cung cấp các phương viện vệ sinh, đồng thời giúp dân chúng phòng ngừa coronavirus.
Caritas quốc tế đã hỗ trợ hơn 9 triệu Euro để giúp 1,9 triệu người qua các Caritas quốc gia. Tổng cộng các Caritas đã giúp đỡ ít nhất 10 triệu người, và có 840.000 người khác đang cần được giúp đỡ, và Caritas quốc tế, qua Ủy ban Vatican Covid-19, hy vọng sẽ được tài trợ để giúp những người đang cần được trợ giúp.
Ngoài ra, Caritas quốc tế mạnh mẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế loại bỏ các biện pháp cấm vận kinh tế đối với các nước Iran, Liban, Siria, Libia và Venezuela, xóa bỏ các món nợ cho những nước nghèo nhất, và tiếp tục viện trợ cho các nước nghèo, và đừng dùng ngân quĩ giúp đỡ vào những mục tiêu khác.
Cha Augusto Zampini-Davis, người Argentina, Đồng Tổng thư ký Bộ phát triển, nói về tình trạng thiếu thốn lương thực trên thế giới, đè nặng trên những người dễ bị tổn thương nhất, trong đó có 370 triệu trẻ em có nguy cơ mất các bữa ăn tại các trường học, nếu các trường này bị đóng cửa. Tiếp đến là vấn đề khí hậu, tiếp tục cản trở việc sản xuất lương thực, gây tổn hại nhiều cho các nông dân nhỏ. Cha Zampini kêu gọi gia tăng sản xuất các nông phẩm và liên kết vấn đề này với việc bảo vệ môi trường, khuyến khích các nước dùng tiền mua võ khí vào các mục tiêu nâng đỡ dân chúng.
Sau cùng cha Bruno Maria Duffé, người Pháp, Tổng thư ký Bộ Phát triển, đã trình bày một số suy tư về đại dịch Covid-19 và sứ mạng của Giáo hội. Đại dịch này cho thấy sự dễ bị tổn thương của con người, chúng ta không thể tiếp tục nghĩ mình là toàn năng, không bị những tai ương thiên nhiên và khí hậu gây hại. Nó cũng cho thấy nền kinh tế của chúng ta là mong manh. Cha Duffé kêu gọi chia sẻ các phương thế để cứu vớt các sinh mạng, gia tăng các dự án chung về việc cứu trợ và giúp các nước, các cộng đoàn địa phương đang túng thiếu...
(Sala Stampa 16-5-2020)
Nguồn: http://vietnamese.rvasia.org