Bệnh sạn thận, nói cho đúng ra là sạn đường tiểu, vì sạn có thể ở thận, cũng có thể ở bọng đái. Bệnh khá phổ biến. Mỗi năm ở Mỹ tính trung bình, cứ một ngàn người lớn thì có một người phải vào bệnh viện vì sạn đường tiểu (trong một thành phố mức vừa phải, thí dụ có ba trăm ngàn người lớn, thì có khoảng ba trăm người vào bệnh viện mỗi năm vì bệnh này).
Cơ thể học đường tiểu
Mỗi người có hai quả thận nằm hai bên cột sống phía sau lưng. Nhìn bên trong qủa thận người ta, thì cũng giống như qủa bồ dục con heo bổ đôi, trong lòng quả thận là chỗ hứng tụ nước tiểu. Từ mỗi bên thận có một ống dẫn xuống bọng đái, rồi từ đó có một ống tiểu chạy ra ngoài.
Sạn đường tiểu có thể nằm ở trong lòng qủa thận, hay là ở bọng đái. Cơn đau dữ dội hay là biến chứng nhiễm trùng, là lúc sạn mắc kẹt ở ống dẫn nước tiểu.
Sạn đường tiểu sinh triệu chứng gì
Nếu sạn nằm yên vị ở trong lòng qủa thận, kể cả những cục sạn lón cồng kềnh như cục san hô, thì nhiều khi không có triệu chứng gì.
Đau vì sạn thận
Sạn nằm ở bọng đái thường sinh đau chỗ bụng dưới. Chỉ khi nào sạn chạy theo đường tiểu, rồi nửa chừng làm nghẹt ống dẫn tiểu, thì bấy giờ mới sinh đau lưng, hoặc là nhưng cơn đau bụng quặn dữ dội, khiến bệnh nhân nằm co quắp, ôm bụng mà la, đau toát mồ hôi. Đau từng cơn từ bên hông chằng ngang qua bụng, chạy xuống vùng hạ bộ, có người bị oí mửa, nóng sốt. Bệnh nhân đái dắt, có khi nước tiểu có máu. Nếu bạn có đọc qua Kim Bình Mai, thì thấy những triệu chứng trên đây đúng y chang lúc anh chàng Tây Môn Khánh bị bệnh sắp mất. Mấy nàng, từ đại nương tới lục nương cứ cho là anh ta vì phòng sự quá độ mà sinh bệnh (Bây giờ trong chúng ta cũng còn nhiều người nghĩ lầm là thận có liên hệ đến vấn đề sinh lý tình dục). Giá vào thời nay, thì kêu 911 chở anh ta đi bệnh viện chữa sạn thận chắc cũng không đến nỗi.
Nhiễm trùng
Khi sạn làm nghẹt ống dẫn tiểu, thì vi trùng, lúc thường có chút ít không đáng kể, nay bi ứ lại lâu, sinh sôi nẩy nở nhiều làm thành nhiễm trùng đường tiểu.
Làm thận bị sưng phình
Nếu sạn làm nghẹt ống dẫn tiểu lâu ngày, thì nước tiểu ứ lại và sức ép bên trong lòng qủa thận tăng lên, làm cho thận bị sưng phình (hydronephrosis), có thể làm hư hại cả chức năng lọc máu của thận.
Thử nghiệm để định bệnh
Bác sĩ có thể cho thử nước tiểu. Trong kính hiển vi, có dấu hiệu của máu và mủ, nếu nhìn mắt thường không thấy. Cũng có thể thấy tinh thể của hạt sạn. Ngoài ra, nếu cần, thì cho thử máu, tìm lượng các chất sinh sạn, thí dụ như Calci, acid uric v.v..
Chụp quang tuyến vùng bụng, cũng có thể thấy hình sạn, nếu chất sinh sạn có tính cản quang (nghĩa là hiện hình trăng trắng như hình xương ở trên phim quang tuyến).
Đó là trường hợp của những sạn do chất Calci, hay là hợp chất nhôm, phốt- phat và ma- nhê -si gọi là struvite.
Nếu sạn không có tính cản quang, thí dụ như sạn acid uric, thì phải cho chất cản quang vào trong đường tiểu để nó bao lấy cái sạn rồi chụp hình quang tuyến, như vậy sẽ thấy hình sạn hiện lên.
Cho chất cản quang vào trong đường tiểu thì có hai cách.
Cách thư nhất là chích chất cản quang vào máu, chất đó sẽ theo hệ tuần hoàn chạy về tim, trở ra khắp cơ thể và lọc qua đường tiểu. Canh giờ giấc cho đúng thì sẽ chụp đưọc lúc nó ở thận đi dần xuống phía dưới. Kỹ thuật này, tiếng Anh gọi là intravenous urography, tương đối đơn giản, nhưng lâu lâu có người bị dị ứng với chất cản quang.
Cách thứ hai là bơm chất cản quang trực tiếp vào đường tiểu, từ ống đái bơm lên bọng đái rồi ngược lên tới thận, tiếng Anh gọi là retrogade urography.
Chữa trị
Nếu là sạn nhỏ không gây triệu chứng phiền hà hoặc làm nghẹt hay nhiễm trùng thì cứ để vậy không cần chữa. Uống nhiều nước thì tiểu nhiều và như vậy nhiều khi một số sạn trôi theo ra ngoài.
Cũng có khi người ta "bắn" cho tan hạt sạn bằng siêu âm. Trước hết phải xác định vị trí của sạn bằng siêu âm, hay là quang tuyến. Tiếp theo, cái máy "bắn sạn" gọi là lithotriptor được ép sát sau lưng đúng vị trí của sạn, và làn sóng siêu âm sẽ làm sạn bị giập vụn ra. Rồi cho bệnh nhân uống nhiều nước, và sạn sẽ trôi theo nước tiểu ra ngoài. Kỹ thuật này thường dành cho những trường hợp sạn nhỏ hơn 1 cen-ti-met, ở trong lòng thận, hay là ở phía trên cùng của ống dẫn tiểu gần thận. Sau khi bắn sạn, có khi bệnh nhân bị bầm ở bụng, hoặc là nước tiểu có chút máu, nhưng không nguy hiểm gì.
Những sạn nhỏ ở phần dưới của ống dẫn tiểu, thì có thể dùng nội soi: dùng một ống mềm nhỏ thuôn từ dưới lên qua bọng đaí mà lấy ra.
Trường hợp sạn là chất acid uric, thì có thể uống thuốc. Acid uric hòa tan trong môi trường kiềm, vì vậy nếu cho bệnh nhân uống citrat Kali, thì nước tiểu sẽ sinh kiềm và sạn acid uric tan dần.
Nếu sạn lớn qúa làm nghẹt đường tiểu thì phải mổ.
Vấn đề phòng ngừa
Phòng ngừa cho sạn khỏi tái phát tùy thuộc loại sạn. Vì thế cho nên mới đầu phải thử xem sạn là chất gì.
Trong số các trường hợp sạn đường tiểu, thì có tới 80 phần trăm là chất cal-ci, mà phần lớn thì căn do là bị bệnh "nhiều cal-ci trong nước tiểu" (hypercalciuria). Những trường hợp này, có thể dùng thuốc lợi tiểu loại Thiazide sẽ đỡ bị tái phát. Cũng nên uống nhiều nước, và đừng ăn những thực phẩm có nhiều cal-ci.. Đồng thời, phải theo dõi độ cal-ci trong máu, vì nếu xuống thấp quá cũng không được. Cũng có khi bác sĩ cho uống Citrat Kali, vì chất này làm cho cal-ci khó đóng sạn. Cần kiêng cữ rau spinach, trà, sô cô la, vì những chất này sinh nhiều oxalat trong nước tiểu, mà oxalat thì lại làm cho cal-ci dễ đóng sạn.
Nếu sạn là chất acid uric, thì phải kiêng cữ thịt cá, vì sẽ sinh nhiều acid uric trong nước tiểu. Thuốc uống thì có hai loại: một là làm giảm chất acid uric, hai là làm cho nó khó đóng sạn.
Trường hợp sạn là hợp chất struvite, thì bác sĩ cho dùng trụ sinh vì liên hệ tới nhiễm trùng đường tiểu.
Bài này chỉ nhằm cung cấp những thông tin cõ bản về sức khỏe và y tế. Nếu cần chữa bệnh, xin liên lạc trực tiếp với bác sĩ của bạn.
Bác sĩ Vũ Quí Đài
Nguồn: http://www.maxreading.com/sach-hay/y-hoc-thuong-thuc