Bệnh nhân đái tháo đường nên tập luyện như thế nào?

Bác sĩ khuyến cáo, với người bệnh đái tháo đường cần duy trì hoạt động thể lực mức trung bình (đạt 50-75% nhịp tim tối đa), ít nhất 150 phút/tuần, thực hiện ít nhất 3 ngày/tuần. Việc tập luyện nên duy trì và tăng dần cường độ, thời gian, không nên nghỉ tập qúa 2 ngày.

Tập luyện là điều trị!

Sáng 6/11, tại buổi sinh hoạt câu lạc bộ thường kỳ của bệnh nhân đái tháo đường, PGS. TS. Đỗ Trung Quân, Chủ tịch Hội Nội tiết Hà Nội, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, nhiều người bệnh đái tháo đường băn khoăn việc luyện tập như thế nào, vì sợ các chấn thương sẽ gây nguy cơ với người bệnh.

Trên thực tế, việc tập thể dục với bệnh nhân đái tháo đường rất cần thiết. Ngoài những lợi ích chung như giảm nguy cơ tim mạch, giảm cân, kiểm soát đường huyết… việc tập luyện thường xuyên rất có ý nghĩa với người bệnh. Bởi sẽ giúp làm giảm nồng độ insulin nền và sau ăn; cải thiện sự nhạy cảm insulin. Việc tập luyện giúp cải thiện tăng huyết áp nhẹ hoặc trung bình, tăng sử dụng năng lượng, sức cơ và độ dẻo dai.

Riêng với những người có nguy cơ cao đái tháo đường typ 2, việc tập luyện có thể ngăn ngừa nguy cơ này.

“Nói tóm lại, việc tập luyện thể dục với người đái tháo đường không dừng ở sự khuyến khích, mà việc luyện tập nên là một phần của điều trị, bất kể có yêu cầu giảm cân hay không”, PGS Quân khẳng định.

Tập như thế nào?

PGS Quân lưu ý, mỗi bệnh nhân có khả năng vận động khác nhau, tùy tình trạng bệnh lý, sự thích nghi, trạng thái cơ thể mà có thể lựa chọn môn thể dục phù hợp, từ đi bộ, erobic... Vì thế chương trình luyện tập nên bắt đầu chậm và tăng từ từ, lựa chọn bài tập nên dựa vào sở thích/khả năng/động lực của bệnh nhân.

Ví như bài tập đi bộ, chạy bộ là loại hình phổ biến và dễ thực hiện nhất nhưng không khuyến khích với người có bệnh thần kinh ngoại biên và tự chủ. Mỗi người nên đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày, không nghỉ quá 2 ngày. Đối với bệnh nhân lớn tuổi, có thể chia ra đi bộ quãng ngắn (như 10-15 phút, 3 lần/ngày).

Những bệnh nhân đái tháo đường có bệnh thần kinh ngoại biên lại nên chọn các hoạt động không mang trọng lực như bơi lội, chạy xe đạp, tập tại ghế, tập tay... để giảm cảm giác đau và ngưỡng đau cao hơn có thể dẫn đến nguy cơ tổn thương da và nhiễm trùng.

Hay với người đái tháo đường mang biến chứng bệnh nhận cần chống chỉ định các hình thức luyện tập gắng sức. Với bệnh nhân kèm theo bệnh lý võng mạc đái tháo đường thì cần tránh các hoạt động làm tăng huyết áp như cử tạ, tránh các bài tập gắng sức hoặc kéo dài.

Vì thế, trước khi bước vào tập luyện, người đái tháo đường cần được kiểm tra về bệnh lý tim mạch; bệnh mạch máu ngoại biên; Khám chân (bao gồm sự lành lặn và biến dạng); bệnh lý thần kinh; bệnh lý võng mạc… Trên cơ sở kiểm tra này bác sĩ sẽ thảo luận với bệnh nhân lựa chọn bài tập, cường độ tập phù hợp.

Bệnh nhân đái tháo đường khi luyện tập cần chú ý mang giày vừa chân và kiểm tra chân để phát hiện tổn thương sớm. Chú ý uống đủ nước trước, trong và sau luyện tập để tránh mất nước. “Người bệnh cần lưu ý, khi tập luyện nên bắt đầu từ cường độ thấp đến tăng dần để thích nghi, không nên để huyết áp cao hơn 180 mmHg trước và trong khi luyện tập. Không tập nặng nếu đường huyết > 250-270 mg/dL, và/hoặc có ceton dương tính”, PGS Quân nói.

Những người bệnh đang dùng insulin, tránh luyện tập trong thời gian đỉnh tác dụng của insulin, và tiêm insulin trong khi đang hoạt động thể lực. Bên cạnh đó cần theo dõi sự hạ đường huyết trong và vài giờ sau luyện tập. Bên cạnh bên nhân đái tháo đường luôn phải có sẵn carbohydrate để kịp thời xử lý tình huống hạ đường huyết. Việc tập luyện ban đầu của bệnh nhân cũng nên có sự đánh giá của chuyên gia.

Do đặc thù mang bệnh lý mãn tính đái tháo đường, chuyên gia cũng khuyên người bệnh đeo vài vật dụng giúp nhận dạng người bệnh đái tháo đường, như vòng tay hay vòng cổ để giúp xử lý nhanh tình huống xảy ra (nếu có) với người bệnh.

Hồng Hải

nguồn: http://dantri.com.vn/suc-khoe/benh-nhan-dai-thao-duong-nen-tap-luyen-nhu-the-nao