Bao giờ đại dịch COVID-19 chấm dứt?

Khi nào đại dịch COVID-19 sẽ chấm dứt? Và nó sẽ chấm dứt như thế nào? Ðó là những câu hỏi mà toàn nhân loại đang đặt ra.

Theo các nhà sử học, các đại dịch thường kết thúc theo 2 cách: về mặt y tế, khi mà tỉ lệ tử vong và mắc bệnh giảm và về mặt xã hội, khi nỗi sợ về dịch bệnh tan biến đi. Nói cách khác, một đại dịch có thể kết thúc không phải vì bệnh đó biến mất mà là khi con người trở nên mệt mỏi với sự sợ hãi bệnh tật và học cách sống chung với nó.

Nhà sử học Allan Brandt, thuộc Đại học Harvard (Mỹ) cho rằng điều tương tự đang xảy ra với đại dịch COVID-19. “Như những gì chúng ta thấy trong cuộc tranh luận về mở cửa lại nền kinh tế trong mùa đại dịch, nhiều câu hỏi về cái gọi là kết thúc đại dịch lại được quyết định không phải từ dữ liệu y tế và sức khỏe cộng đồng, mà từ quy trình xã hội chính trị học”.

“Khi nào dịch COVID-19 chấm dứt?” là câu hỏi mà toàn nhân loại đang đặt ra.

“Khi nào dịch COVID-19 chấm dứt?” là câu hỏi mà toàn nhân loại đang đặt ra.

 

Những đại dịch khủng khiếp trong quá khứ

 

Trong 2.000 năm qua, bệnh dịch hạch nhiều lần xảy ra, giết chết hàng triệu người và làm thay đổi cả tiến trình lịch sử. Các nhà sử học đã ghi lại 3 làn sóng bệnh dịch hạch lớn trong lịch sử: dịch bệnh hạch Justinian vào thế kỷ 16, dịch bệnh hạch thời trung cổ vào thế kỷ 14 và đại dịch bệnh hạch vào cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. Bệnh hạch bắt đầu vào năm 1331 tại Trung Quốc, giết chết một nửa dân số Trung Quốc khi đó. Tiếp đến, bệnh dịch di chuyển dọc theo các tuyến thương mại đến châu Âu, Bắc Phi và Trung Đông. Từ năm 1347-1351, bệnh dịch này giết chết ít nhất 1/3 dân số châu Âu, trong đó có một nửa dân số ở Siena, Italy. Đại dịch kết thúc, nhưng dịch bệnh hạch vẫn tái diễn. Một trong những đợt bùng phát dịch bệnh hạch khủng khiếp nhất là vào năm 1855, tại Trung Quốc và lan truyền toàn cầu. Chỉ tính riêng Ấn Độ đã có 12 triệu người chết trong đợt dịch bệnh này.

Không rõ điều gì đã khiến bệnh dịch hạch được đẩy lùi và biến mất. Một số học giả cho rằng có thể nhờ thời tiết lạnh đã giết chết bọ chét mang mầm bệnh, sự thay đổi trong những con chuột - vật chủ mang virus gây bệnh, hoặc virus tự tiến hóa ít gây chết người hơn hay con người phòng ngừa bệnh tốt hơn... song không có giả thuyết nào là hoàn toàn thuyết phục.

Đại dịch cúm năm 1918 được coi là ví dụ điển hình về sự tàn phá của đại dịch và giá trị của kiểm dịch và giãn cách xã hội. Trước khi kết thúc, đại dịch giết chết 50 - 100 triệu người trên toàn thế giới. Sau khi càn quét khắp thế giới, bệnh cúm biến mất và phát triển thành một biến thể của bệnh cúm lành tính hơn, xuất hiện hằng năm.

Một số đại dịch cúm khác cũng “ghé thăm” loài người, ví dụ như dịch cúm ở Hồng Kông năm 1968, 1 triệu người trên toàn thế giới đã chết, trong đó có ở Mỹ có  100.000 người tử vong,  hầu hết là những người trên 65 tuổi. Cho đến nay, loại virus gây bệnh cúm này vẫn lưu hành dưới dạng cúm theo mùa và cũng có khả năng gây nhiễm bệnh và tử vong tương đối. Tuy nhiên loài người không còn quá sợ hãi như khi chúng xuất hiện lần đầu.

Sự kết thúc đại dịch COVID-19

Theo các nhà sử học, đại dịch COVID-19 có lẽ sẽ kết thúc xã hội trước khi kết thúc về mặt y tế. Mọi người có thể trở nên mệt mỏi với những hạn chế đến mức họ tuyên bố đại dịch đã qua, ngay cả khi virus vẫn tiếp tục âm ỉ trong dân chúng và trước khi tìm thấy vắc-xin và phương pháp điều trị hiệu quả. Điều này đã xảy ra khi một số bang ở Mỹ hiện đã dỡ bỏ các hạn chế, cho phép các tiệm làm tóc, làm móng và phòng tập thể dục mở cửa trở lại, bất chấp sự cảnh báo của các quan chức y tế công cộng rằng các bước như vậy là sớm.

Thách thức ở đây được đặt ra là, theo TS. Naomi Rogers - nhà sử học thuộc Đại học Yale (Mỹ), sẽ không có chiến thắng bất ngờ. “Cố gắng xác định sự kết thúc của dịch bệnh này sẽ là một quá trình dài và khó khăn” - TS. Rogers khẳng định.

Hà Anh

((Theo the New York Times))

Nguồn: Suckhoedoisong.vn