Báo động về căn bệnh đột quỵ:
Đột quỵ là căn bệnh gây tử vong thứ 3 trên thế giới sau bệnh tim mạch và ung thư. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế.
Theo thống kê của Hội Đột quỵ Hoa Kỳ, cứ mỗi 45 giây có 1 người đột quỵ và cứ 3 phút có 1 người tử vong do đột quỵ trên thế giới.
Ở Việt Nam, căn bệnh đột quỵ cũng đang là vấn nạn đáng lo ngại.
Theo con số thống kê năm 2015, mỗi năm có 200.000 người bị đột quỵ, hơn 50% trong số đó đã tử vong, 90% trong số người sống sót phải sống chung với các di chứng về thần kinh và vận động.
Trong 3 năm trở lại đây, số người phải nhập viện vì đột quỵ có chiều hướng gia tăng từ 1,7 – 2,5%. Nghiêm trọng hơn, độ tuổi bị đột quỵ đang trẻ hóa, từ 50 – 60 tuổi hạ xuống còn 40 – 45 tuổi.
Ngoài ra, ở một thống kê khác, số lượng bệnh nhân tàn tật về đột quỵ có xu hướng tăng mạnh (chiếm 90%) với những di chứng nặng nề như liệt nửa người, liệt chân tay, viêm phổi, co cứng gân cơ, suy giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần dạng trầm cảm…
Tính con số không đầy đủ, ở Việt Nam hiện nay có khoảng 486.000 người còn sống sót sau đột quỵ.
Tuy nhiên chỉ có khoảng 25 – 30% bệnh nhân là có thể tự đi lại phục vụ bản thân được, 20 – 25% số người đi lại khó khăn, cần có sự hỗ trợ trong sinh hoạt, 15 – 25% còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của người khác.
Những ai dễ bị đột quỵ?
Những người sau tiềm ẩn nhiều nguy cơ đột quỵ hoặc đột quỵ tái phát
– Người có bệnh tăng huyết áp: Tăng huyết áp nguy cơ hàng đầu bị đột quỵ.
– Người có bệnh đái tháo đường.
– Người có bệnh tim mạch đặc biệt là bệnh rung nhĩ, bệnh mạch vành, bệnh van tim.
– Người có tiền căn đột quỵ hay có cơn thiếu máu não thoáng qua.
– Người hút thuốc lá: Người hút thuốc lá nhiều và lâu năm làm tăng cao nguy cơ đột quỵ của chính mình.
– Người béo phì.
– Người bị tăng cholesterol, tăng mỡ máu.
– Người uống rượu nhiều.
– Người cao tuổi, đặc biệt người trên 60 tuổi.