10 tuổi đã bị xuất huyết não vì dị dạng mạch máu khó phát hiện
Theo bác sĩ Khánh một cháu bé gái mới hơn 10 tuổi ở Thái Nguyên, đau đầu dữ dội và diễn biến chỉ tính bằng giờ. Các bác sĩ chụp kiểm tra sọ não phát hiện máu tràn nội sọ, vỡ dị dạng mạch máu não, dù đã cấp cứu nhưng cháu không thể qua khỏi.
Bác sĩ Khánh cho biết, bệnh nhân bị khối dị dạng mạch máu não vỡ - đây là hội chứng bất thường trong não hầu như không thể phát hiện nếu người bệnh không chủ động đi chụp hệ mạch máu não kiểm tra dự phòng.
Vì vậy, khi các khối dị dạng mạch mãu vỡ, người bệnh ở thể rất bị động. Các y bác sĩ cũng không đủ thời gian xử trí (mổ cấp cứu, nút mạch…) để mang lại kết quả khả quan cho bệnh nhân. Sau vỡ mạch não dị dạng, máu thường "ngập" nội sọ, tiên lượng bệnh nhân sẽ rất dè dặt.
Một trường hợp bệnh nhân khác hơn 60 tuổi bị đau đầu cấp nhập bệnh việnv tuyến huyện Nghệ An sơ cứu và điều trị gần 1 ngày. Sau đó, tình trạng bệnh nhân tiến triển thành liệt nửa người.
Hình ảnh chụp kiểm tra sọ não ở bệnh viện tuyến tỉnh cho thấy, bệnh nhân bị thiếu máu não nửa bán cầu do tắc mạch, hiện tại bệnh nhân đang được điều trị và tập phục hồi chức năng ở một trung tâm thần kinh tại Hà Nội.
Cũng theo bác sĩ Khánh, hiện nay tỷ lệ dị dạng mạch máu não trong cộng đồng khoảng 1/1000 dân, tuy nhiên không pải bất cứ dị dạng nào cũng vỡ, nhưng đa phần người bệnh không phát hiện ra.
Chính vì vậy, bác sĩ Khánh khuyến cáo, mọi người có thể lựa chọn giải pháp chụp hệ mạch máu não, trong đó chụp cộng hưởng từ sọ não - mạch não có thể phát hiện sớm khối phình động mạch.
Còn với trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu não, dị dạng mạch máu nã là một trong hai thể của đột quỵ não (cùng với thể chảy máu não).
Thạc sĩ Khánh cho biết đột quỵ não là vấn đề y tế báo động ở các nước đang phát triển. Bệnh nhân thoát án tử cũng thường phải chịu những di chứng nặng nề như hôn mê, liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, suy giảm trí nhớ…
6 bí quyết bỏ túi để phòng bệnh
Dưới đây là các gợi ý của bác sĩ Khánh về các phương pháp phòng ngừa bệnh lý đột quỵ.
Thứ nhất: Tập thể dục thể thao đều đặn & thường xuyên là yếu tố rất quan trọng, giúp chúng ta kiểm soát cân nặng, giảm lượng mỡ thừa trong máu, tăng cường sức bền cũng như sức chịu đựng của quả tim và các thành mạch máu.
Đồng thời khi chúng ta vận động, nguy cơ hình thành các cục huyết khối (là một trong các nguyên nhân gây tai biến) cũng giảm đi rõ rệt.
Tập thể dục, ăn uống lành mạnh là cách phòng đột quỵ tốt nhất
Thứ hai: Những người bị cao huyết áp, đái tháo đường cần được điều trị và theo dõi bởi các bác sĩ chuyên khoa, vì đây là hai trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của tai biến mạch não. Đặc biệt, những bệnh nhân được chẩn đoán rung nhĩ, tăng lipid máu cần được điều trị & theo dõi sát bởi các bác sĩ chuyên khoa tim mạch.
Thứ ba: Thuốc lá và rượu cũng là hai trong số những yêu tố nguy cơ hàng đầu làm cho các thành mạch bị tổn thương, giảm sức bền, dễ bị vỡ. Từ bỏ thuốc lá là cách phòng bệnh hữu hiệu.
Thứ tư: Trong dinh dưỡng, người dân nên hạn chế ăn quá mặn, hạn chế cách chế biến xào - rán - quay - nướng, hạn chế ăn quá nhiều thịt đỏ (Bò, lợn, cừu, thú rừng..) và đồ ngọt cũng như các bữa ăn nhanh trong các nhà hàng...
Đồng thời, chúng ta cũng nên ưu tiên chế biến thức ăn bằng luộc, hấp, nấu canh, kho nhạt và ăn sống kiểu salad (nếu đảm bảo vệ sinh). Chế độ ăn nên ưu tiên các loại cá tươi, gia cầm, các loại đậu, rau xanh và trái cây.
Thứ năm: Duy trì đủ giấc ngủ ít nhất 6 tiếng mỗi ngày, một số nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu chúng ta ngủ quá nhiều (trên 10 tiếng mỗi ngày) cũng không tốt cho sức khoẻ và làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não.
Thứ 6: Tránh để cơ thể thay đổi nhiệt độ đột ngột trong những ngày mưa lạnh, đặc biệt là người già. Sau khi tỉnh giấc, chúng ta nên xoa lòng bàn tay và bàn chân vào nhau, khởi động cơ thể trong chăn 1 chút trước khi ra ngoài.
Ngoài ra, bác sĩ Khánh cũng lưu ý khi uống rượu trời lạnh mọi người nên mặc thật ấm, tránh phong phanh nhiễm lạnh rất dễ dẫn đến tai biến. Hoặc sau lao động nặng, trời nắng nóng đi về cũng không nên tắm ngay.