10 thói quen đơn giản để ngăn ngừa ung thư

Mặc dù bị bệnh ung thư không còn là "án tử" đối với nhiều người nhờ các tiến bộ vượt bậc của y học hiện đại, nhưng nó vẫn là gánh nặng cả về tài chính, thể xác và tinh thần đối với bệnh nhân và gia đình họ. Tuy nhiên, theo Quỹ nghiên cứu ung thư thế giới, chúng ta vẫn có khả năng phòng ngừa và cắt giảm khả năng mắc bệnh ung thư nhờ tự mình thực hiện 10 việc đơn giản sau đây.

Duy trì cân nặng khỏe mạnh

Thể trạng dư cân hoặc béo phì làm tăng nguy cơ mắc 10 loại ung thư, kể cả ung thư ruột, ung thư vú, ung thư gan và ung thư tuyến tiền liệt tiến triển. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, 1/6 số ca nhiễm ung thư có thể phòng tránh được nếu mọi người duy trì một cân nặng khỏe mạnh.

Trong thực tế, theo Quỹ nghiên cứu ung thư thế giới, sau việc không hút thuốc lá, sở hữu cân nặng khỏe mạnh là điều quan trọng nhất một người có thể làm để giảm thiểu nguy cơ bị mắc ung thư, cũng như bệnh tim và bệnh tiểu đường tuýp 2. Điều này được tin là do, các tế bào mỡ giải phóng những hoóc môn, chẳng hạn như oestrogen, có thể tăng nguy cơ ung thư như ung thư vú.

Ngoài ra, việc tích trữ quá nhiều mỡ cũng khuyến khích cơ thể sản sinh ra nhiều hoóc môn tăng trưởng gắn liền với bệnh, đồng thời kích thích một phản ứng viêm nói chung, tương tự như khi cơ thể người đang phải chống lại một viêm nhiễm, góp phần dẫn tới sự phát triển của nhiều bệnh ung thư.

Vì vậy, phụ nữ và đàn ông được khuyến nghị nên duy trì cân nặng khỏe mạnh với chỉ số khối cơ thể (BMI) trong khoảng 18,5 - 24,9.

Năng hoạt động

Vận động tích cực không chỉ tốt cho tim và phổi, mà còn giúp chúng ta giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự năng hoạt động có vai trò trực tiếp đối với việc phòng ngừa một số căn bệnh ung thư, như ung thư ruột, ung thư vú và ung thư tử cung.

Hiện các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ hoàn toàn việc tập luyện thể dục, thể thao có thể giảm nguy cơ ung thư như thế nào, nhưng họ thu được bằng chứng cho thấy, hoạt động thường xuyên có thể giúp duy trì nồng độ các hoóc môn trong cơ thể ở mức lành mạnh, tránh cho chúng ta bị tích mỡ, béo phì. Hoạt động thể chất tích cực cũng có khả năng củng cố hệ miễn dịch và giúp chúng ta duy trì các hệ thống tiêu hóa có lợi cho sức khỏe.

 Ăn nhiều rau, quả

Một chế độ dinh dưỡng giàu rau xanh, các loại hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu có thể giúp chúng ta tránh xa ung thư. Cụ thể là, theo các chuyên gia, rau, quả có khả năng làm giảm nguy cơ phát triển các khối u ở miệng - họng, thực quản, dạ dày và phổi. Chúng cũng chứa các hóa chất có nguồn gốc thực vật, có thể bảo vệ các tế bào trong cơ thể khỏi bị phá hủy, vốn rốt cuộc có khả năng dẫn đến ung thư. Hơn thế nữa, hàm lượng calo chứa trong rau, quả thấp, giúp chúng ta dễ duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Trong khi đó, chất xơ tồn tại trong các loại ngũ cốc nguyên hạt có tác dụng làm giảm nguy cơ ung thư ruột.

Uống ít rượu, bia hơn

Chất cồn được phát hiện có liên quan đến các bệnh ung thư miệng - họng, thực quản, gan, ruột và vú. Các nhà khoa học hiện vẫn đang nghiên cứu cách cồn có thể dẫn tới ung thư như thế nào, nhưng hiện có một giả thuyết cho rằng, chất cồn trực tiếp hủy hoại ADN của chúng ta, làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nghiên cứu cũng chỉ rõ, rượu cồn đặc biệt có hại khi kết hợp cùng việc hút thuốc lá.

Các chuyên gia khuyến cáo, mọi người nên hạn chế uống rượu, bia càng nhiều càng tốt để phòng ngừa ung thư. Đàn ông được khuyên uống không quá 20ml chất cồn/ngày, trong khi phụ nữ nên duy trì tửu lượng thấp hơn một nửa, tức là không quá 10ml chất cồn/ngày.

 Tránh đồ uống có ga và giảm đồ ăn vặt

Các đồ ăn vặt như sôcôla, khoai tây chiên, bánh quy, đồ ăn nhanh, ... cũng như các loại đồ uống có ga, nước tăng lực hay sữa khuấy đều chứa hàm lượng calo cao. Nếu thường xuyên tiêu thụ chúng, con người nhiều khả năng bị dư cân và béo phì, dẫn đến việc tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư. Vì vậy, để tránh xa các căn bệnh nan y này, các chuyên gia khuyên bạn nên tranh sử dụng các loại thực phẩm và đồ uống như vậy càng nhiều càng tốt.

Ăn nhạt hơn

Muối có thể gia tăng mùi vị của bữa ăn, nhưng đồng thời cũng làm leo thang nguy cơ phát triển bệnh áp huyết cao và ung thư dạ dày. Các nhà khoa học tin rằng, muối có liên quan đến ung thư, vì thứ gia vị này làm tổn hại thành dạ dày.

Cơ thể con người chỉ cần một lượng nhỏ muối - hợp chất hóa học cấu tạo gồm natri và clo. Lượng muối hấp thu hàng ngày của chúng ta được khuyến nghị dưới 6g (tức là 2,4g natri), nhưng trong thực tế, chúng ta có thể ăn ít muối hơn nữa.

Để ăn nhạt hơn, chúng ta nên giảm từ từ và sau đó loại bỏ việc thêm muối trong lúc nấu ăn hoặc trên bàn ăn và thay vào đó nên sử dụng các gia vị khác, rau thơm, tỏi và chanh. Tự tay nấu nướng từ nguyên liệu sống và tránh ăn các loại thịt, cá đã chế biến sẵn cũng sẽ giúp cắt giảm lượng muối thường được các hãng chế biến thực phẩm cho thêm vào thức ăn.

Cho con bú

Cho con bú sữa mẹ là cách giúp phụ nữ giảm lượng cân dư thừa do quá trình mang thai nhanh hơn, đồng thời giảm được nguy cơ bị ung thư vú. Tác dụng này có được nhờ khả năng nó làm giảm nồng độ một số hoóc môn liên quan đến ung thư trong cơ thể người mẹ. Cuối quá trình cho con bú, cơ thể người phụ nữ cũng loại bỏ được bất kỳ tế bào nào trong cặp "tuyết lê" có thể bị tổn hại ADN. Tất cả những thay đổi này sẽ giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư vú trong tương lai.

Nói "không" với xúc xích và thịt lợn muối xông khói

Các loại thịt đã qua chế biến không chỉ chứa nhiều muối, mà ăn chúng quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ ung thư ruột, theo một số nghiên cứu gần đây. Một nguyên nhân khả dĩ cho điều này là, hợp chất tạo nên màu sắc của thịt đỏ - haem - có thể phá hủy thành ruột. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những người ăn nhiều thịt đỏ có xu hướng ăn ít thực phẩm có nguồn gốc thực vật hơn, nên họ cũng hưởng lợi ít hơn từ các đặc tính chống ung thư của chúng.

Quỹ nghiên cứu ung thư thế giới khuyên mọi người không nên ăn quá 500g thịt đỏ đã nấu chín hàng ngày, như thịt bò, thịt lợn và thịt cừu. Chúng ta cũng được khuyến nghị ăn các loại thịt chế biến sẵn như thịt lợn muối xông khói, thịt giăm bông và xúc xích càng ít càng tốt, vì quá trình chế biến chúng đã tạo điều kiện hình thành các chất gây ung thư.

 Không nên phụ thuộc vào thuốc vitamin

Hầu hết mọi người đều từng uống các viên thuốc bổ sung vitamin hoặc khoáng chất, với hy vọng chúng tốt cho sức khỏe của mình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một số loại thuốc bổ với liều lượng cao thực tế có thể gây hại cho sức khỏe của chúng ta. Các nghiên cứu thậm chí còn phát hiện bằng chứng cho thấy, một số loại thuốc bổ có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

Do đó, Quỹ nghiên cứu ung thư thế giới khuyến nghị, với hầu hết mọi người, việc áp dụng một chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh là cách giảm nguy cơ ung thư tốt hơn uống thuốc bổ.

Loại bỏ thói quen xấu

Từ bỏ việc hút thuốc lá là điều quan trọng nhất mà một người có thể làm được để giảm thiểu nguy cơ bị ung thư, theo Quỹ nghiên cứu ung thư thế giới.

Thống kê cho thấy, khoảng 90% số ca ung thư phổi bắt nguồn từ việc hút thuốc lá. Các bác sĩ tin rằng, các hóa chất gây ung thư tồn tại nhiều trong khói thuốc đã làm thay đổi mô phổi ngay lập tức và phá hủy các tế bào ở vách phổi. Ban đầu, cơ thể người có thể tự sửa chữa tổn thương này, nhưng nếu chủ nhân tiếp tục hút thuốc, các tế bào phổi trở nên tổn thương nghiêm trọng hơn và vượt quá ngưỡng có thể tự hồi phục.

Ngoài ung thư phổi, hút thuốc lá còn có thể gây ra ung thư ở nhiều vùng khác của cơ thể, kể cả miệng, môi, họng, thanh quản, thực quản, thận, bàng quang, gan, dạ dày và tuyến tụy.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)

nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc