10 phát minh y học quan trọng

SKĐS - Có thể nói, sự phát triển không ngừng của y học và khoa học công nghệ đã góp phần quan trọng trong việc phát hiện và điều trị bệnh. Trong vòng 50 năm trở lại đây, nhiều phát minh y học đã được ứng dụng trong điều trị, song cần lưu ý tới 10 phát minh sau:

Chi giả (Active Bionic Prosthesis)

Chi nhân tạo không còn là những vật thể không thể hoạt động được. Kỹ thuật hiện đại ngày nay cho phép chúng ta tái tạo hoạt động của gân và cơ của người nhằm bắt chước các chuyển động tự nhiên của con người. Động cơ chạy bằng pin, các bộ vi xử lý và công nghệ Bluetooth cho phép người dùng tùy chỉnh các chức năng một cách dễ dàng chỉ với một chiếc điện thoại thông minh (smart phone) để đảm bảo chuyển động tự nhiên và thống nhất.

Công nghệ thông tin sức khỏe (Health IT)

Trên các thiết bị không dây/ điện thoại di động, các bác sĩ không còn phải lục tìm trong các tập tài liệu và sách vở dày cộp để có được thông tin mình cần. Giờ đây họ có thể tra cứu thông tin, truy cập bệnh án của bệnh nhân cũng như xem các thông tin sức khỏe kỹ thuật số chỉ trong vòng vài giây, dù họ đang ở bất cứ nơi đâu. Theo ước tính, 82% bác sĩ sử dụng điện thoại thông minh năm 2012.

Kỹ thuật hình ảnh chụp vú phân tử (Molecular Breast Imaging - MBI)

Trong khi kỹ thuật chụp Xquang tuyến vú là một trong số các phương pháp hàng đầu phát hiện ung thư vú trong nhiều năm, nhưng nó không phải là phương pháp hiệu quả để phát hiện khối u trong các mô dày đặc, MBI là phương pháp quét an toàn và hiệu quả hơn, đóng vai trò là sự thay thế tốt cho kỹ thuật chụp Xquang tuyến vú. MBI hiệu quả hơn gấp 3 lần phương pháp chụp Xquang tuyến vú trong phát hiện khối u trong các mô dày đặc ở vú.

Y tế từ xa (telehealth)

Sự kết hợp của các kỹ thuật hiện đại trong ngành viễn thông và chăm sóc sức khỏe cho phép bệnh nhân và bác sĩ kết nối với nhau mà không cần lo ngại về khoảng cách địa lý. Y tế từ xa hỗ trợ chẩn đoán, điều trị và giám sát chăm sóc bệnh nhân hiệu quả hơn bằng cách cho phép bác sĩ chia sẻ và tiếp cận hình ảnh chẩn đoán, video và dữ liệu của bệnh nhân. Theo Hiệp hội Chăm sóc sức khỏe tại nhà PA, giám sát từ xa giảm 75% nguy cơ nhập viện và 83% nguy cơ bệnh nhân phải cấp cứu.

Phương pháp điều trị kháng retrovirus (HAART)

Bằng cách kết hợp 3 phương pháp điều trị để tạo nên một phương pháp mạnh mẽ, cuộc chiến chống lại căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS đã có bước tiến lớn. HAART trì hoãn sự chuyển sang giai đoạn AIDS và kéo dài sự sống của bệnh nhân. HAART được dự tính kéo dài thời gian sống của người bệnh thêm từ 4 - 12 năm. Các thuốc HAART được phát triển trong 2 thập kỷ trước khi thành công ở những năm 1990. HAART không phải là thuốc chữa HIV/AIDS, nó cũng không ngăn chặn vĩnh viễn sự trở lại của các triệu chứng.

Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ các chức năng của não (MRI)

Kỹ thuật mới này theo dõi dòng máu trong não để giám sát các vùng hoạt động và có thể được sử dụng để theo dõi sự phát triển của khối u não, xác định các chức năng của não sau đột quỵ và giúp chẩn đoán bệnh Alzheimer. Nó còn có thể giúp xác định động kinh đến từ một vùng nào đó trong não. Một điểm mạnh của kỹ thuật này là nó ghi lại các tín hiệu trong não mà không gây nhiễu cũng như không có nguy cơ về bức xạ vốn có như các phương pháp quét khác, như CT hay PET.

Phẫu thuật bằng robot

Thay vì những vết rạch để lại sẹo lớn, các phẫu thuật này xâm phạm tối thiểu, chỉ để lại một vài vết nhỏ trên cơ thể người bệnh và cho phép phẫu thuật chính xác hơn, cũng như làm giảm thời gian hồi phục sau phẫu thuật. Robot được giới thiệu lần đầu tiên năm 1987 trong phẫu thuật nội soi đầu tiên. Song, một trong những thiết bị phẫu thuật robot được biết đến rộng rãi nhất là “da Vinci”, được chế tạo năm 1999 và đã chữa trị cho hơn 775.000 bệnh nhân trên toàn thế giới.

Phẫu thuật laser

Dù được sử dụng cho phẫu thuật chỉnh mắt, phẫu thuật thẩm mỹ da hay loại bỏ tổn thương tiền ung thư, phẫu thuật laser (Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation) cho phép độ tập trung chính xác hơn ở những vùng rất nhỏ trên cơ thể. Các máy laser được phát triển lần đầu tiên năm 1960, song đến tận năm 1987 chúng mới được sử dụng trong phẫu thuật, đầu tiên là để chỉnh thị lực.

Tim nhân tạo

Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Hoa Kỳ, khiến các nhà tim mạch học không ngừng tìm kiếm các biện pháp cải thiện sức khỏe trái tim. Hiện tại, tim nhân tạo tạm thời và vĩnh viễn đang được sử dụng để giúp người bệnh khỏe mạnh trong thời gian chờ ghép tim hoặc trong khi trái tim hiện tại của họ đang được chăm sóc. Robert Jarvik được biết đến là nhà sáng chế trái tim nhân tạo vĩnh viễn thành công đầu tiên, Jarvik 7, được cấy năm 1982.

Kỹ thuật hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp vi tính (CT)

Bằng cách kết hợp một loạt các hình ảnh, hay “lớp” chụp từ nhiều góc độ khác nhau, các bác sĩ có thể khám một cách chi tiết các phần riêng biệt của cơ thể, hay tạo ra hình ảnh 3D của khu vực đó, cho phép họ nhận biết các chấn thương bên trong và các bất thường một cách nhanh chóng và chính xác. Phương pháp chụp cắt lớp được phát triển bởi ngài Godfrey Hounsfield và tiến sĩ Alan Cormack. Nhờ phương pháp này họ được nhận Giải thưởng Nobel năm 1979.

(Theo HealthExecNews.com)

Phương Hà

nguồn:http://suckhoedoisong.vn/10-phat-minh-y-hoc-quan-trong