Yêu Thương Đến Cùng

Thứ Năm Tuần Thánh

“YÊU THƯƠNG ĐẾN CÙNG”

Lời ChúaGa 13, 1- 15

(1) Trước lễ Vượt Qua, Ðức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.

(2) Trong bữa ăn tối, ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simon Ítcariốt, ý định nộp Ðức Giêsu. (3) Ðức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, (4) nên bấy giờ Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. (5) Rồi Ðức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.

(6) Vậy, Người đến chỗ ông Simon Phêrô, ông liền thưa với Người: "Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?" (7) Ðức Giêsu trả lời: "Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu". (8) Ông Phêrô lại thưa: "Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!" Ðức Giêsu đáp: "Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy". (9) Ông Simon Phêrô liền thưa: "Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa". (10) Ðức Giêsu bảo ông: "Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!" (11) Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: "Không phải tất cả anh em đều sạch".

(12) Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Ðức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? (13) Anh em gọi Thầy là 'Thầy', là 'Chúa', điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. (14) Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. (15) Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.

Suy Niệm

Trong tờ Daily Mail số ra ngày 5/4/2014, có kể về một cậu bé tại Trung Quốc tên là Hiểu Thiên 5 tuổi đã được chẩn đoán có một khối u ác tính trong não. Trước đó vài tháng, mẹ của cậu bé (34 tuổi), cũng được chẩn đoán là mắc bệnh suy thận mãn tính, mà chỉ có thể chữa khỏi bằng cách ghép thận. Mặc dù đã cố gắng điều trị cho con, và bác sỹ nói có dấu hiệu tích cực về căn bệnh, nhưng cậu bé sẽ không thể sống tới tuổi trưởng thành.

Hiểu Thiên đã đề nghị hiến thận cho mẹ khi cậu bé từ giã cõi đời này. Ban đầu mẹ của cậu bé kịch liệt phản đối việc này, nhưng dưới sự khuyên nhủ của bà ngoại Hiểu Thiên và các bác sỹ, sự khẩn cầu thiết tha của con trai, mẹ cậu bé đã buộc phải đồng ý. Mẹ Hiếu Thiên sau ca mổ cho biết: “Điều an ủi tôi nhất bây giờ là trong cơ thể tôi có một phần của Hiếu Thiên con trai tôi".

Một phát ngôn viên của bệnh viện nói rằng: “Cậu bé Hiểu Thiên này đã làm một hành động rất dũng cảm, vì không những cậu đã di nguyện hiến thận trái cho người mẹ suy thận của mình, mà còn tặng thận phải cho một người phụ nữ 21 tuổi và lá gan cho một người đàn ông 27 tuổi, sau khi trút hơi thở cuối cùng vào hôm 2/4/2014. 

Cả 3 người đều được cấy ghép thành công. Cậu bé qua đời và đã cứu sống được 3 mạng người. Sự ra đi của cậu bé thật dũng cảm, tự chọn cái chết cho mình đã khiến toàn bộ đội ngũ y-bác sỹ, gia đình và cả những người không quen cảm phục, nên biết òa khóc trong đau đớn xót xa và cúi đầu tiếc thương em”.

Thưa quý ông bà và anh chị em, trước lễ Vượt Qua Đức Giêsu biết giờ của Người đã gần đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người đã yêu thương họ đến cùng. Hành động trước tiên mà Chúa Giêsu thực hiện đó là cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Một cử chỉ của yêu thương, khiêm tốn, phục vụ, và tha thứ.

Rửa chân là cử chỉ của sự yêu thương, trong Tin mừng thánh Gioan ghi lại cử chỉ rửa chân do chính Chúa Giêsu thực hiện vào đêm cuối cùng của cuộc đời Ngài trên trần gian. Đây là hành động yêu thương. Người rửa chân là “người thực hiện hành động yêu thương”, còn người được rửa chân là “người học được bài học về yêu thương”, đồng thời cũng có trách nhiệm yêu thương người khác.

Rửa chân là cử chỉ của sự khiêm tốn. Khiêm tốn chính là nền tảng mọi nhân đức. hành động rửa chân là bổn phận phục vụ và là công việc của tôi tớ hoặc của kẻ nô lệ. Với xã hội Do thái ngày xưa, tôi tớ phải rửa chân cho ông chủ. Ở Việt Nam không có tập tục rửa chân, nhưng tôi tớ lại phải khom lưng hoặc nằm xuống cho ông chủ bước qua,.rửa chân người khác là động thái chứng tỏ sự khiêm tốn đó.

Rửa chân là hàng động của người phục vụ: Chúa Giêsu là Thầy và là Chúa nhưng Ngài đã tự hạ mình để làm việc của người tôi tớ để rửa chân cho người khác, dù Ngài đã xác định: “Tôi tớ không trọng hơn chủ” (Ga 13:16a; Ga 15:20) và “kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi” (Ga 13:16b). Trước hành động cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta bài học về sự phục vụ người khác cách vô vị lợi. “Vì con người đến không phải để được hầu hạ, nhưng để phục vụ…”

Rửa chân là hành động của sự tha thứ: đứng trước lầm lỗi của nhân loại, Thiên Chúa luôn luôn đi bước trước. Nguyên tổ phạm tội bất tuân, Thiên Chúa biểu lộ sự tha thứ bằng việc hứa sẽ ban Đấng Cứu Thế đến để cứu chuộc. Sau này với các tội nhân, chính Chúa Giêsu luôn tìm cách và tạo mọi điều kiện để hoán cải và đưa họ trở về, như Matthêu, Giakêu, Phaolô…

Tóm lại, tham dự nghi thức ngày Thứ Năm Tuần Thánh hôm nay, mỗi người Kitô hữu chúng ta cần phải học được nơi Chúa Giêsu mẩu gương về tình yêu thương đến cùng, bằng hành động khiêm tốn, phục vụ và tha thứ. Nếu như cậu bé Hiểu Thiên trong câu chuyện trên, đã làm một hành động rất dũng cảm, trước khi từ giã cõi đời này vì đã di nguyện hiến cơ phận cho người mẹ, và tặng thận phải cho một người phụ nữ 21 tuổi và lá gan cho một người đàn ông 27 tuổi được sống.

Thì những cử chỉ và việc làm của Chúa Giêsu hôm nay thật cao vời vô tận. Không những Người đã cứu thoát chúng ta khỏi sự nô lệ tội lỗi, mà Người còn giải thoát chúng ta khỏi sự chết muôn đời. Và nếu như người mẹ của cậu bé Hiểu Thiên vui mừng và cảm động sau khi ca mổ thành công bà nói: “Điều an ủi tôi nhất bây giờ là trong cơ thể tôi có một phần của Hiếu Thiên con trai tôi".

Thì hành động tự hiến của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể còn huyền diệu và cao vời hơn biết mấy nữa, vì sự hiện diện của Chúa trong Bí Tích Thánh Thể không chỉ cứu sống một vài người, mà là toàn thể nhân loại. Nhất là mỗi lần chúng ta rước Mình Máu Người là chúng ta được ở trong Người và Người ở trong chúng ta. Bao lâu chúng ta còn tin nhận Người, thì bấy lâu chúng ta còn được Người ở lại trong chúng ta. Đó là điều chính Người đã hứa: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” và cũng là hành động của sự yêu thương đến cùng. Amen.

Antôn Nguyễn Chân Hồng. OH