Ý nghĩa của việc đi hành hương

Trong tiếng La-tinh cổ, “người hành hương”, pelegrīnus, thường được dịch là “người khách lạ”, “người lữ hành”. Thật ra, pelegrīnus là từ được tạo nên bởi hai thành tố: “per” nghĩa là “ngang qua”, và “ager” nghĩa là “cánh đồng”. Điều này mang đến cho người hành hương nhiều thách đố và hy vọng. Thách đố vì trong hành hương đòi người ta phải dấn thân, phải dám băng qua những khó khăn, chẳng hạn về địa lý hay tâm lý. Hy vọng vì đích đến là nơi người hành hương có thể gặp gỡ tha nhân và Thiên Chúa.

Hành hương (Pilgrimage) có một lịch sử tôn giáo từ thời xa xưa. Khi đó người Do Thái hành hương về Đền Thờ đầu tiên của họ tại Giêrusalem (được xây 957 TCN) để mừng ba lễ lớn: Vượt Qua (Passover), Lễ Ngũ Tuần (Pentecost), và Lễ Lều (Festival of Ingathering). Trên đường đi, họ hát những bài hành hương, hoặc thánh vịnh. Chẳng hạn:

 “Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi:

‘Ta cùng trẩy lên Đền Thánh Chúa!’

Và giờ đây, Giê-ru-sa-lem hỡi,

cửa nội thành ta đã dừng chân…”

                                                           (Tv 122,1-2).

Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, Kitô giáo nhanh chóng vượt ra khỏi vùng Palestine đến mọi miền trên thế giới, nhất là vùng trời Châu Âu. Từ đó nhiều đoàn người hành hương về Đất Thánh để đi lại những nơi Chúa Giêsu đã hiện diện. Qua lần trải nghiệm ấy, họ có thể hiểu biết, yêu mến và theo Chúa Giêsu sát hơn.

Thời Trung cổ (tk. 5-15) những chuyến đi của Kitô hữu Châu Âu không thuần túy là thăm quan những địa điểm thánh. Về chiều kích liên hệ đến bí tích hòa giải thì hành hương như một phương thế đền tội của hối nhân. Đó không hẳn là những tội nhẹ, nhưng là tội nặng (strong sins). Chẳng hạn cha giải tội có thể ra việc đền tội là đi đến một nơi thánh nào đó. Khi đến nơi, hối nhận sẽ nhận được giấy chứng nhận và trở về với tâm hồn tự do. Trong thời Thập tự chinh nếu người ta phạm lỗi gì đó, họ cũng có thể chọn giải pháp đi hành hương. Thời thánh I-nhã, Đáng sáng lập Dòng Tên, người ta thường hành hương theo nghĩa này.

 Thành thánh Giêrusalem nói riêng và đất nước Israel hiện nay quả là một nơi tuyệt vời để các tín hữu đi hành hương. Từ nhiều thế kỷ qua, thành thánh đón nhận vô số đoàn hành hương đến từ khắp năm Châu. Nhớ khi thánh I-nhã dưỡng thương trên giường bệnh và được ơn hóa cải, điều ước ao đầu tiên của ngài là muốn đi hành hương đất thánh như biết bao tâm hồn đạo đức thời bấy giờ. Họ muốn đi lại những bước đường mà Chúa Giêsu đã đi qua. Tâm tình thiêng liêng của các tín hữu được thắp lửa yêu mến hơn khi được chiêm ngắm, đụng chạm và cảm nghiệm một Thiên Chúa thật gần gũi với con người.

Bởi thế hằng năm người người trẩy hội lên Đền Thánh. Để ít là một lần trong đời, họ được hòa vào từng khu phố, con đường, từng lùm cây ngọn cỏ, từng ngôn ngữ văn hóa mà chính thầy Giêsu đã sống và hiện diện. Do đó hành hương là lên đường bước theo thầy Giêsu, đi lại những con đường của Thầy.

Chúng ta có thể đọc trong sách Youcat một giải thích gắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa về chủ đề hành hương (Bản dịch của Lm Antôn Nguyễn Mạnh Đồng.) Đi “Hành hương” có mục đích gì?

“Một ít người đi hành hương để “cầu nguyện bằng đôi chân”, họ có kinh nghiệm bằng các giác quan rằng cả cuộc đời mình là một cuộc hành trình dài tiến về cùng Thiên Chúa. Trong Cựu ước dân Israel hành hương lên Đền Thờ Giêrusalem. Các Kitô hữu thời Trung cổ cũng hành hương đến các nơi thánh, đến Giêrusalem, đến Rôma, đến mộ các thánh tông đồ… Kitô hữu đi bộ khi hành hương thường để đền tội, và thường người ta bị thúc đẩy bởi ý nghĩ sai lầm rằng những việc tự động hãm mình có thể làm cho mình nên công chính trước mặt Chúa. Ngày nay đã đổi mới, Kitô hữu đi hành hương để tìm sự bình an và sức mạnh xuất phát từ các nơi thánh. Nhiều người sống cô đơn lẻ loi, họ muốn ra khỏi cảnh tẻ nhạt đều đều hằng ngày, muốn được thoát thân khỏi những cái thừa thãi để nhẹ nhõm đi đến với Chúa. (Youcat, câu hỏi số 276.

Tại Việt Nam hằng năm có rất nhiều đoàn hành hương không chỉ đi du lịch Châu Âu, nhưng họ còn đến những nơi thánh thiêng để cầu nguyện và nhận được nhiều ơn ích thiêng liêng (Fatima, Lộ Đức, Rôma,v.v). Tuy nhiên số người hành hương như thế lại không nhiều vì những lý do khác nhau (tài chính, sức khỏe…). Trong khi đó, Việt Nam cũng có nhiều nơi hành hương như Đức Mẹ La Vang, Trà Kiệu, Núi Cúi, Măng Đen hay Cha Trương Bửu Diệp, v.v. Hoặc ít ra trong mỗi giáo phận đều có những nơi đáng để chúng ta thực hiện một chuyến hành hương, cá nhân hay theo nhóm. Rồi với tâm tình thiêng liêng, người hành hương muốn nhịp bước cùng với Chúa Giêsu đến một linh địa nào đó.

Chúng ta ước mong mô hình ấy ngày càng phát triển hơn nữa. Để mỗi khi lên đường hành hương, chúng ta có môi trường và cơ hội nhận ra niềm vui thiêng liêng và tìm được nguồn sức sống khi trở về cuộc sống thường ngày.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ  

Nguồn: dongten.net