Từ nhiều tháng nay có nhiều tin đồn về các tiếp xúc giữa Tòa Thánh và Nước Cộng hòa Nhân dân Trung quốc, tuy không có quan hệ chính thức nhưng hai bên đã có các cuộc đối thoại thường xuyên. Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin đã trả lời trên trang mạng “Vatican Insider”, một trang nối với nhật báo Ý “La Stampa” để làm sáng tỏ các quan điểm của việc đối thoại phức tạp với chính quyền có số dân đông nhất thế giới này.
Trong lần lên tiếng hiếm hỏi này, Đức Hồng y Pietro Parolin đã nêu lên các “kinh nghiệm đau khổ” của Giáo hội Trung quốc, ngài cho biết từ những năm 1980, đã có các cuộc tiếp xúc giữa các đại diện của chính quyền nhân dân Trung quốc và Tòa Thánh nhằm duy trì một tiếp cận mục vụ, tìm cách vượt lên các chống đối và làm thế nào để có một đối thoại tôn trọng và xây dựng với chính quyền dân sự”, như Đức Bênêđictô XVI đã đưa ra trong Thư gởi tín hữu Trung quốc năm 2007.
Lòng trung thành của tín hữu Trung quốc
Đức Hồng y Parolin ghi nhận lòng trung thành của tín hữu công giáo Trung quốc, “dù gặp bao nhiêu khó khăn và đau khổ, họ đã trau dồi đức tin chân chính của mình, kiên định giữ hiệp thông theo thứ trật giữa các giám mục và vị Thừa kế Thánh Phêrô”.
Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh cũng nhắc lại một khái niệm thiết yếu: “Sự hiệp thông giữa Giám mục Rôma và tất cả các giám mục là trọng tâm của hiệp nhất Giáo hội: đây không phải là vấn đề chỉ có giữa Giáo hoàng và các giám mục Trung quốc, cũng không phải giữa Tòa Thánh và các chính quyền dân sự”. Cùng đích của đối thoại đang theo đuổi là sự hiệp thông: “Ở Trung quốc, không có hai Giáo hội, nhưng có hai cộng đoàn tín hữu được gọi để dần dần hoàn thiện, tiến đến một con đường giải hòa để đi đến hiệp nhất”. Như vậy thách thức ở đây là tìm “các giải pháp mục vụ thực tế, giúp cho người tín hữu công giáo sống đời sống đức tin của mình và cùng nhau tiến bộ, để rao giảng Tin Mừng trong bối cảnh đặc biệt của nước Trung quốc”.
Về vấn đề bổ nhiệm các giám mục thì phải cần “thì giờ và kiên nhẫn”, nhưng Đức Hồng y Parolin tin tưởng vào sự kiện, một khi vấn đề này được tiến hành một cách thỏa đáng, thì “các khó khăn còn lại tự bản chất sẽ không còn ngăn cản tín hữu công giáo Trung quốc có sự hiệp thông giữa họ với Giáo hoàng”. Ngài nhắc lại, đối thoại này nhằm giúp tín hữu công giáo đóng góp một cách tích cực vào lợi ích chung cho toàn xã hội Trung quốc.
Chữa lành các tổn thương
“Vẫn còn các vết thương chưa lành”, trên các vết thương này cần xoa dịu với lòng thương xót nhưng cũng cần đòi hỏi hy sinh, dù nhỏ dù lớn và phải rõ ràng cho tất cả mọi người, đây không phải là cái giá phải trả cho một sự trao đổi chính trị, nhưng trong bối cảnh phúc âm của điều tốt nhất, điều tốt của Giáo hội Chúa Kitô. Hy vọng là chúng ta sẽ đến được, khi Chúa muốn và chúng ta không còn phải dùng các danh từ “hợp pháp” hay “bất hợp pháp”; “chính thức” hay “chui” khi nói đến các giám mục ở Trung quốc, nhưng là một sự gặp nhau trong tình anh em, cùng học một ngôn ngữ mới của hợp tác và của hiệp thông”. Kinh nghiệm này là điều kiện để tái tạo lại con đường phúc âm hóa và mang an ủi của Chúa đến cho người khác, bởi vì nếu chúng ta “chưa sẵn sàng để tha thứ thì, khổ thay, điều này có nghĩa chúng ta còn các lợi ích khác để bảo vệ; nhưng lợi ích này không phải là bối cảnh tốt cho phúc âm”.
Giải pháp chọn lựa trung thành với vị Thừa kế Thánh Phêrô phải được thực hiện “trong tinh thần vâng lời phụ tử, dù khi sự việc chưa rõ ràng và chưa được thông hiểu ngay lập tức”. Và dĩ nhiên cũng không thể quên các thử thách mà người công giáo Trung quốc đã trải nghiệm, nhưng “phải dâng hiến cả về mặt nhân bản và thiêng liêng của bao nhiêu thử thách này để xây dựng một tương lai trong một tinh thần huynh đệ hơn và ổn định hơn, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa”.
Đức Phanxicô trực tiếp theo dõi hồ sơ
Đức Hồng y Parolin cho biết, Đức Phanxicô trực tiếp theo dõi hồ sơ, ngài theo từng tiến triển một và hồng y nhắc lại, “lòng tin tưởng không phải là thành quả của sức mạnh ngoại giao hay của các cuộc thương thuyết. Lòng tin tưởng xây dựng trên Thiên Chúa là Đấng hướng dẫn đường đi của lịch sử. Chúng ta tin tưởng vào ý nghĩa đức tin của người Trung Hoa, họ hiểu hành động của Tòa Thánh được sinh động bởi lòng tin tưởng này, một lòng tin tưởng không đi theo các lôgic của thế gian. Lòng tin tưởng là phận sự đặc biệt của các mục tử, để giúp tín hữu nhận biết điểm quy chiếu nơi đường lối lãnh đạo của Giáo hoàng, để đón nhận chương trình hoạch định của Thiên Chúa trong bối cảnh hiện nay”. Như vậy phải có lòng khiêm tốn, trung hòa và một tinh thần đức tin để không rơi vào các “tranh luận không bổ ích, làm tổn thương đến sự hiệp thông và lấy đi hy vọng cho một tương lai tốt hơn của chúng ta”.
Con đường này cần có tinh thần “hoán cải trong mục vụ” của các nhân vật chính của hồ sơ này.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch(phanxico.vn)
Nguồn: https://phanxico.vn