SUY NIỆM BÀI THƯƠNG KHÓ
Vô cảm là thái độ dửng dưng trước nỗi đau của đồng loại. Thái độ vô cảm không chỉ xảy ra ở thời đại chúng ta. Đọc lại bài thương khó, tôi nhận ra ở đó là cả một sự vô cảm lớn của cả kẻ nắm quyền lẫn đám đông bình dân. Họ thể hiện sự vô cảm đến độ tàn độc, đến độ không còn nhân tính.
Giả sử, một người đáng tội chết, sau khi thi hành án tử cho người ấy, hoặc tàn nhẫn hơn, sau khi đã để người ấy bước vào cực hình đến mức sắp chết, thì những người xung quanh sẽ như thế nào? Có dám chỉ vào cái xác đang nằm đó mà nói rằng "mày trỗi dậy đi" không?. Chắc chúng ta sẽ không làm, ít ra còn chút tình người với nhau.
Tôi nghĩ rằng, người sắp chết ấy, dù thực sự đáng chết, dù không thể thương tình, không thể động lòng được, chúng ta cũng không tàn độc đến nỗi buông những lời khó nghe, thậm chí nhục mạ để phỉ báng, để nguyền rủa.
Đằng này đám người bên chân thánh giá - đã thực sự giết Chúa, đã vừa thực sự đóng đinh Chúa, đã thực sự treo Chúa lên rồi, và đang chứng kiến sự quằn quại của Chúa trên thánh giá, đang chứng kiến người bị mình xử chết dần trong máu, trong bi thảm - còn chưa hả hê, chưa lấy đó làm đủ, lại nỡ lòng nào dám chỉ vào thánh giá, chỉ thẳng vào con người đau thương đến cực độ ấy phỉ nhổ: "Ngươi xuống khỏi thập giá đi, nếu ngươi là Con Thiên Chúa thì xuống khỏi thập giá đi".
Tàn độc. Một sự tàn độc hết sức. Sự tàn độc khó có thể nói hết, khó có lời diễn tả. Dường như sự vô cảm một khi lên đến tột độ đã biến con người ác đến mức không còn nhân tính.
Tôi không thể hiểu nổi những kẻ nhân danh quyền bính, không thể hiểu nổi những kẻ nhân danh lề luật của Thiên Chúa, không thể hiểu nổi những kẻ nắm giữ Kinh Thánh trong tay, những kẻ hàng ngày giảng dạy đạo đức và là bậc thầy của thiên hạ, lại có thể nhẫn tâm đến vậy.
Nhất là trong tư cách đạo đức, trong tư cách của một rabbi mà lại có thể chỉ vào một người do chính mình giết hại, giờ đây chỉ còn có chết là chấm dứt tất cả, lại có thể thách thức: "Mày xuống khỏi thập giá đi". Một sự vô cảm đến lạ lùng, vô cảm đến mức khó hiểu, vô cảm đến độ giết chết chính lương tri của mình.
Nhưng dù suy tư về hình ảnh tang thương của Chúa đứng trước sự tàn bạo của những kẻ giết Chúa, thì không vì thế mà chúng ta lên án họ, cũng không nhằm moi lại lịch sử để xem ai tội lớn, ai tội nhẹ...
Đúng hơn, nhìn vào thái độ ác tâm của người xưa dành cho Chúa Giêsu để chúng ta soi lại lòng mình, khám phá lại bản thân mình, để thấy mình cần phải đi vào chính nội tâm và lương tâm của mình. Chúng ta xem lại, để rồi tự đánh giá lại bản thân: Tôi có vô cảm không? Tôi có từng là người đẩy xua anh em tôi không? Tôi có là người đóng lại đôi mắt, khép lại cánh tay để không phải nhìn thấy đau khổ của anh em, để khỏi phải chìa tay ra và nắm lấy anh em khi mà anh em cần đến tôi không?
Nếu sống giữa anh em mà tôi vẫn để thói vô cảm ngự trị hoặc để nó lộng hành đến độ chiến thắng tình yêu trong tôi, thì đó là thứ chai đá tệ hại của lòng tôi. Đó chính là thói sống tàn nhẫn.
Và nếu tôi để cho lòng mình xa lìa tình yêu anh em đến mức khốc liệt, thì đó là sự nhẫn tâm đáng sợ. Tôi cần phải loại trừ sự vô cảm khỏi lương tâm của một người Công giáo trong tôi.
Vì thế, nhìn vào cái chết của Chúa Giêsu xưa và nhìn vào khung cảnh của những con người đứng xung quanh thánh giá, chúng ta cần tự rút ra bài học cho mình về lòng yêu thương, cảm thông, chia sớt...
Chỉ có như thế, chúng ta mới mong mình biết yêu thương hơn, chan hòa hơn, biết để cho cái chết của Chúa bắt đầu từ đây lấp đầy trong tâm hồn mình, qua đó, chúng ta học bài học yêu của Chúa: Yêu cho đến chết không chỉ cho người mình yêu, mà còn cho cả kẻ thù của mình.
Hãy để tình thương của Chúa Giêsu ngự đầy trong thâm tâm, trong cõi đời, trong tấm linh hồn để không còn thứ vô cảm độc ác, không còn thứ vô cảm mà không có bất cứ cái gì có thể đẩy lùi được.
Hãy loại trừ sự vô cảm. Nhất là trong những ngày tuần Thánh, chúng ta thể hiện bằng tình yêu sắc bén hơn trước những anh chị em đồng loại, trước những con người là hiện thân của Chúa Kitô đang ở bên cạnh, đang ở giữa chúng ta.
Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG