Việc Nên thánh đối với các Bệnh nhân

NÊN THÁNH ĐỐI VỚI CÁC BỆNH NHÂN
CHỦ ĐỀ THÁNG 08/2020

Thân phận con người là hữu hạn: “hữu sinh, hữu tử”, nghĩa là có sinh ắt phải có tử. Nhưng ngày sinh thì biết, ngày tử thì không. Chết ở đâu, khi nào và chết bằng cách nào chúng ta không hề hay biết. Chỉ biết rằng sinh ra trong cõi đời này, sống trong cõi tạm này và ngày nào đó ta sẽ phải buông bỏ tất cả, chấm dứt cuộc đời chóng qua. Đời người được ví như một chuyến đi, một hành trình có khởi đầu và kết thúc mà không ai thoát khỏi.

‘Sinh, Lão, Bệnh, Tử’ đã trở thành quy luật của một đời người và là định mệnh của con người. Nói đến bệnh, ai trong chúng ta lại không cảm nghiệm được sự đau đớn, khó chịu, buồn bực, âu lo, sợ hãi… có nhiều người đã chán nản, thất vọng, buông xuôi, hụt hẫng, khi được tin bản thân có bạo bệnh. Điều này không ai phủ nhận và chê cười, nhưng điều quan trọng là làm thế nào, dù đau buồn với căn bệnh nơi thân xác nhưng chúng ta vẫn phải giữ được trạng thái của mình mà sống bình an, phó thác; sống lạc quan và yêu đời, mới mong có thêm tuổi thọ.

Nên thánh đối với bệnh nhân là giúp họ nhận ra ý nghĩa của đau khổ trong Thánh Kinh và đón nhận bệnh tật với cái nhìn đức tin. Quả vậy, nếu bệnh tật và tuổi tác là một thực trạng gắn liền với thân phận con người, và con người không sao thoát nổi, chỉ thì còn cách đón nhận nó và sống chung với nó. Người tin vào Chúa tìm được nơi Ngài nguồn trợ lực siêu nhiên để nhờ đó, những đau đớn thể xác được giảm bớt. Đức tin cũng hướng họ về cuộc sống vĩnh cửu, nơi không còn bệnh tật chết chóc và đau khổ. Giáo Hội yêu thương mọi con cái mình, trong số đó có các bệnh nhân. Giáo Hội cũng có nhiều hình thức giúp đỡ phục vụ người bệnh về tinh thần cũng như vật chất. Chủ đề “nên thánh đối với các bệnh nhân” cũng giúp các tín hữu là những người đang khỏe mạnh suy tư, cầu nguyện và thực thi bác ái đối với anh chị em đang gánh chịu nỗi đau thể xác và tinh thần do bệnh tật.

1- Bệnh tật như một tình trạng của đời sống

Trong tất cả mọi trường hợp, nói đến bệnh tật là nói đến một sự thay đổi về thể chất, một tình trạng trong đời sống, ảnh hưởng đến cá tính con người, các tương quan với bản thân, với người khác và thế giới. Trong thời gian đầu, người bệnh quan tâm đến cơ thể hay các bộ phận bị ảnh hưởng bởi bệnh tật, đến thân nhiệt, thuốc men, các kết quả xét nghiệm. Người bệnh tự quan sát mình, so sánh tình trạng hiện thời với các thành tích trong quá khứ và cảm thấy mình yếu kém: “mình không còn là mình”. Trước kia mình lãnh đạo, quyết định, hành động. Bây giờ mình phải chờ đợi quyết định và sự giúp đỡ của người khác. Với thời gian, người bệnh quen với bệnh tình của mình, với nếp sống và thế giới bị nhiều hạn chế do bệnh tật gây nên.

Thay đổi sâu sắc nhất thường xảy ra trong tương quan của người bệnh với người khác: người bệnh cảm thấy mình bị đối xử như một người yếu kém về tinh thần cũng như thể xác, một người sống bên lề những người khỏe mạnh, thậm chí như một người vô dụng. Được thân nhân bạn bè thăm hỏi động viên, nhưng người bệnh vẫn cảm thấy mình thuộc một thế giới khác. Bác sĩ, y tá quan tâm chăm sóc, nhưng họ cũng chỉ là những chuyên viên điều trị, tuy gần gũi nhưng vẫn xa cách. Người bệnh có thể tạo được những tương quan mới với người đồng cảnh ngộ: giữa người bệnh với nhau, người ta nghe nhau kể lể bệnh tình, và âm thầm động viên nhau.

Như vậy, bệnh tật không phải là một hiện tượng sinh học hay một hiện tượng xã hội. Bệnh tật chi phối toàn bộ con người tạo nên một tình trạng đời sống, một nếp sống ảnh hưởng sâu sắc đến cách suy nghĩ, phê phán, phản ứng và xử sự.

2- Phản ứng và thái độ

Ta có thể nói: có bao nhiêu người bệnh thì có bấy nhiêu phản ứng. Mỗi người phản ứng theo cách thế và thái độ của mình. Những phản ứng và thái độ này cũng có thể biến chuyển, thay đổi mau chóng, bất ngờ:

- Trong giai đoạn đầu, người bệnh thường tỏ ra mất tinh thần khi thấy sức khỏe suy sụp, tiêu hao. Bệnh tật gây hoảng sợ và phẫn nộ: tại sao lại tôi, chứ không phải người khác? Tôi đã làm gì để phải chịu một hình phạt bất công? Bạn bè ông Gióp trong Kinh Thánh Cựu ước cũng đã phản ứng như vậy.

- Từ phẫn nộ, người bệnh đâm ra sợ hãi: sợ đau, sợ mổ; sợ sống lệ thuộc vào người khác, sống xa người thân, sợ bị bỏ rơi, sợ cho tương lai, sợ chết, và đặc biệt sợ sự im lặng đồng lõa của những người thân cận.

- Trong một số trường hợp, đau đớn ở mức độ cao làm tê liệt sinh lực: người bệnh không còn biết đau, chỉ còn biết chịu đựng. Trong một số trường hợp khác, người bệnh trở thành sáng suốt hơn, có ý thức hơn, gồng mình chịu đựng đau khổ như một hình phạt bất công. Người bệnh nổi loạn chống đau khổ, chống người thân, bạn bè, thậm chí chống lại cả Thiên Chúa.

Trong những trường hợp này, người Kitô hữu cầu nguyện để vượt qua cơn cám dỗ. Trong tâm trạng cô đơn, không nơi nương tựa, người bệnh ý thức sâu sắc hơn thân phận con người mong manh hữu hạn. Không còn bị chi phối bởi các lo lắng trần tục, người bệnh chỉ còn nghĩ đến “điều cần thiết duy nhất” trong bối cảnh phù vân của cuộc đời. Người bệnh trở thành trầm lặng hơn, bình tĩnh hơn, có chiều sâu hơn. Được nuôi dưỡng bởi Đức tin, người bệnh đi từ thế giới chóng qua để vươn tới thế giới vĩnh cửu. Khi không còn tìm được nguồn trợ lực nơi trần gian, người bệnh kêu cầu và cậy trông vào Thiên Chúa. Một lúc nào đó, họ nhận ra rằng, sự đau khổ, nếu được chấp nhận, sẽ trở thành một sức mạnh có khả năng vươn lên, một môi trường có khả năng cứu độ và thánh hóa.

3- Ý nghĩa của đau khổ bệnh tật dưới cái nhìn Đức tin Kitô giáo

Con Thiên Chúa làm người đã không xóa bỏ bệnh tật và đau khổ khỏi kinh nghiệm nhân loại, nhưng chính Ngài đã đảm nhận chúng, đã biến đổi và mang lại cho chúng một chiều kích mới. Đức Giê-su khẳng định: sự chết không phải là tiếng nói sau cùng. Chết không phải là hết, mà là tái sinh biến đổi. Chính Chúa Giêsu đã đón nhận cái chết. Người sánh ví cái chết của Người như hạt giống gieo trong lòng đất, bị mục nát để nẩy mầm, sinh hoa kết trái. Chúa Giêsu là con đường và chúng ta có thể bước theo Người để gặp gỡ Chúa Cha, nhờ sức mạnh và ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần. Như Chúa Cha đã ban Con Một vì yêu thương, và Chúa Con đã hiến mạng sống mình cũng vì yêu thương, nên chúng ta cũng có thể yêu thương tha nhân như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, bằng việc hiến mình cho anh chị em chúng ta.

- Người bệnh nhìn lên Đấng Chí Tôn

Thánh Kinh dạy chúng ta ý nghĩa cuộc đời này là cõi tạm để bước vào đời sống vĩnh hằng:

“Đời chúng con tàn tạ, kiếp sống thoảng qua, một tiếng thở dài.Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi” (Tv 90,9-10). Thánh vịnh 90 dạy cho ta biết, cuộc đời mai sau mới là chốn để chúng ta hướng đến và đi tới. Vì thế, bệnh là cơ hội để chúng ta đến gần sự chết và qua cái chết để mỗi người bước vào ngưỡng cửa của đời sống vĩnh hằng. Cái chết không là ngõ cụt hay tận cùng, nhưng là cửa ngõ dẫn vào một cuộc sống mới, một cuộc sống trong Chúa Kitô và cùng với Ngài trong cõi Thiên Quốc.

Khi ý thức cuộc đời này là cõi tạm, con người sống tỉnh thức và khôn ngoan với năm tháng Chúa ban mà hướng về đời sống vĩnh cửu mai sau. Khi đặt niềm tin vào Thiên Chúa, thì dù bệnh tật hay khổ đau chúng ta vẫn được Thần Khí hướng dẫn, ban sức mạnh để vác lấy thập giá khổ đau. Qua thập giá chúng ta sẽ nhận ra được sự khôn ngoan đích thực của Thiên Chúa nơi phận người. Vì thế, chúng ta luôn xác tín vào Thiên Chúa toàn năng và hằng hữu: “Xin dạy chúng con biết đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv. 90,12).

- Thiên Chúa nhìn xuống người bệnh

Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa làm Người và ở giữa chúng ta. Ngài đến với nhân loại để chia sẻ phận người và cứu độ chúng ta. Ngài không chỉ đến với tội nhân nhưng Ngài đến với những con người khổ đau và bệnh tật. Chính Ngài đã trở nên, như Vị Lương y để chữa lành và ban lại sự sống cho những người ốm đau bệnh tật.

Rất nhiều dẫn chứng trong Tin Mừng cho chúng ta thấy Đức Giê-su chữa lành bệnh nhân cả thể xác cũng như tâm hồn: Câu chuyện Chúa cho anh Lazaro đã chết bốn ngày sống lại (Ga 11.1-45); Câu chuyện người đàn bà bị băng huyết (Mc 5, 25-43); Những phép lạ Chúa làm luôn đòi hỏi đức tin nơi người đang ao ước được chữa lành. Với người đàn bà bị băng huyết, Chúa nói: “lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (Mc 5,34).

4- Nên thánh đối với bệnh nhân

Nên thánh là ơn gọi chung của mọi tín hữu. Đối với các bệnh nhân, nên thánh là xác tín vào Chúa và nhận ra ý nghĩa của đau khổ trong cái nhìn Đức tin, để rồi lạc quan chuẩn bị cho cuộc lên đường cuối cùng của cuộc đời.

- Không đồng hóa bệnh tật với tội lỗi:

Bệnh tật là dấu chỉ một sự suy yếu của thể xác và như thế không phải là hậu quả do phạm tội hoặc chống đối Thiên Chúa. Đức Kitô đã chống lại quan niệm thông thường của người Do Thái thời đó, đồng hóa bệnh tật và tai họa với tội lỗi của các nạn nhân: “Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôa đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ có tội nặng hơn những người ở Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết: "không phải thế đâu" (Lc 13,4). Các môn đệ hỏi Đức Giêsu về người mù từ thuở mới sinh: “Ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta"? Đức Giêsu trả lời: “Không phải anh ta cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội, nhưng những chuyện đó xảy ra là để các việc của Thiên Chúa tỏ hiện nơi anh” (Ga 9,3). Đối với Đức Kitô, đau khổ không phải là hình phạt phát sinh từ tội lỗi cá nhân, mặc dù có một liên quan chặt chẽ giữa đau khổ và tội lỗi. Thật vậy, tội lỗi đã tạo nơi con người sự chống đối Thiên Chúa, và vì thế, đã gây nên một sự xáo trộn trong thế giới được tạo dựng mà đau khổ và bệnh tật là những hậu quả và biểu hiện. Vì thế, khi chữa lành các vết thương người bệnh, Đức Kitô cứu chuộc con người toàn diện, nhất là cứu chuộc con người khỏi tội lỗi.

- Vai trò ngôn sứ của người bệnh

Sự đau khổ của Đức Kitô biến đổi sự đau khổ của người bệnh: giữa những người mạnh khỏe, người bệnh sống như một chứng nhân, như một ngôn sứ không ngừng nói lên rằng con người sinh ra cho đời sống vĩnh cửu, từ những đau khổ và bất hạnh của đời này. Thật vậy, đại đa số những người sống ở đời này thường tỏ ra quá gắn bó với đời sống trần gian và không ý thức được rằng sự gắn bó này chỉ dẫn đến diệt vong. Họ tin có Thiên Chúa - một Thiên Chúa mà họ có thể kêu cầu trong trường hợp khẩn cấp - nhưng họ hy vọng sẽ không bao giờ phải sử đụng đến Thiên Chúa. Trên lý thuyết, họ tin rằng hạnh phúc là ở nơi Thiên Chúa, nhưng bao lâu họ còn tìm được hạnh phúc nơi khác, họ không cần đến Thiên Chúa.

Bệnh tật cũng nhắc ta tìm lại được tinh thần mà ta phải có khi sống ở trần gian: tiền tài, vật chất và trái đất này không phải là Thiên Chúa ta thờ, và kho báu đích thực ta phải tìm kiếm chính là Đức Kitô. Và đây là điều mà ta có thể gọi là vai trò ngôn sứ của người bệnh, Thiên Chúa dùng họ để nói với người khỏe mạnh rằng đời sống trần gian chỉ là đời tạm và mọi người đang trên con đường đi tới đất hứa để được an nghỉ trong bình an của Thiên Chúa. Người bệnh sống trong sự phó thác vào Thiên Chúa là con người sống trong sự thật.

- Hướng về đời sau

Bệnh tật nhắc ta rằng hạnh phúc con người quả thật mỏng manh và ta mang trong người một sự “thiếu thốn” mà cuối cùng ta sẽ khám phá ra. Ngày mà ta phải đối diện với Thiên Chúa, ta chỉ có thể tiến dâng Người một cái gì nhỏ nhoi mà ta còn giữ lại được. Ý thức sự mong manh của thân phận con người, chúng ta phải gắn bó và vươn tới cuộc sống vĩnh cửu. Chúa Giêsu loan báo NướcTrời như quê hương đích thực của chúng ta. Ai cũng phải trải qua sự chết để khởi đầu cuộc sống mới. Chính Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại. Người bảo đảm với chúng ta: những ai cũng chết với Người, thì cũng được sống lại với Người. Tin vào đời sau sẽ giúp chúng ta có nghị lực để chống chọi với bệnh tật, đồng thời luôn lạc quan tâm trí, thanh thản cõi lòng và sẵn sàng đón nhận những đau đớn do bệnh tật gây nên.

5- Bí tích Xức dầu bệnh nhân

Thánh Giacôbê đã viết: “Ai trong anh em đau yếu, hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân Chúa” (Gc 5,14).

Trước đây, người ta quan niệm việc lãnh nhận Bí tích Xức dầu như một thủ tục trước khi chết. Vì vậy, có nhiều người sợ hãi bí tích này, coi đó là một điều xui xẻo. Trước cải cách Phụng vụ của Công đồng Vatican II, Bí tích này được gọi là Bí tích xức dầu sau hết. Ngày nay, chúng ta gọi là Bí tích xức dầu Bệnh nhân. Bí tích Xức Dầu bệnh nhân ban ơn nâng đỡ bệnh nhân và người già yếu về phần hồn cũng như phần xác. Bằng việc đặt tay, xức dầu thánh và lời cầu nguyện của linh mục, Hội Thánh phó thác các bệnh nhân cho Chúa Kitô đau khổ và vinh hiển để Người an ủi và cứu độ họ. Khi cử hành Bí tích xức dầu bệnh nhân, Giáo Hội nhấn mạnh tới ơn tha thứ của Thiên Chúa. Ngài vừa tha thứ tội lỗi, vừa chữa lành những bệnh tật đau đớn phần xác. Bí tích này còn ban cho bệnh nhân sức mạnh thiêng liêng liêng để chống lại những cám dỗ trong những giây phút cuối cùng, trước khi kết thúc hành trình trần thế để về nhà Cha trên trời.

- Những ơn ban do Bí tích Xức Dầu bệnh nhân:

* Ân sủng trợ giúp đặc biệt của Chúa Thánh Thần để thêm tin tưởng, bình an và phó thác trong tay Chúa.

* Kết hợp với Đức Kitô chịu khổ nạn để sinh ơn cứu độ.

* Ơn tha thứ mọi tội lỗi đã phạm và mọi hình phạt do tội (qua việc lãnh ơn Toàn Xá).

* Ơn sức mạnh để chuẩn bị cho cuộc ra đi lần cuối, giúp họ an tâm trong cuộc chiến đấu cuối cùng trước khi về Nhà Cha.

Cũng như Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể hợp thành “ba bí tích khai tâm Kitô giáo”, thì Giải Tội, Xức Dầu bệnh nhân và Thánh Thể hợp thành “các bí tích chuẩn bị về Quê trời” hay là “các bí tích hoàn tất cuộc lữ hành trần thế”.

5- Trách nhiệm của những người khỏe mạnh và của cộng đoàn

Ngày nay, Chúa Giêsu cũng cần lòng tin của chúng ta để chữa lành cho thế giới. Lòng tin ấy được thể hiện bằng những hành động cụ thể như: an ủi, cảm thông, giúp đỡ, động viên, sẻ chia. Lòng tin ấy chính là một thể hiện tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Mỗi người chúng ta liên đới với những người đau khổ, những bệnh nhân của những căn bệnh hiểm nghèo. Người Kitô hữu luôn lấy đức tin để nhìn vào những đau khổ của mình và tha nhân hiệp với đau khổ của Đức Kitô trên Thánh Giá.

- Cảm thông: Chúng ta phải đồng cảm với những người đau khổ, tức là thực sự sống với những mất mát đau thương của họ, từ đó sẽ dễ dàng yêu thương và kiên trì giúp đỡ họ.

- Giúp đỡ: Lúc bệnh ai cũng có cảm giác đau khổ, cô đơn, buồn tủi và sức lực yếu đi. Lúc ấy họ muốn buông xuôi và sợ hãi trước cái chết, nếu biết cái chết gần kề với căn bệnh hiểm nghèo. Vì thế, họ cần nhiều bàn tay nâng đỡ, ủi an và yêu thương. Họ cần lòng nhân ái và sự bao dung của người mạnh khỏe. Họ cần lời động viên khích lệ của y bác sĩ và người thân hơn là cho họ món quà vật chất.

- Yêu thương: Yêu thương là cốt lõi của Tin Mừng, nhất là với người bệnh. Ước gì mỗi người chúng ta luôn có được đôi mắt nhân từ, trái tim thương cảm, vòng tay rộng mở của Chúa để nhạy bén với những nhu cầu, nỗi đau, thất vọng, mệt mỏi của bệnh nhân. Từ đó, chúng ta thông hiệp khổ đau và bệnh tật của người khác vào trong lời cầu nguyện với lòng tin được chữa lành qua sự chuyển cầu từ mẫu của Mẹ Maria và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Kết luận: Chúa Giêsu mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28). Hãy đến với Chúa để được Người ban ơn trợ giúp, nhờ đó, người bệnh sẽ được Chúa chữa lành thể xác và tinh thần, hoặc nếu không được chữa lành thể xác vì con người phải chết, thì ít ra cũng được thanh thản tâm hồn, phó thác và lạc quan trong những giây phút cuối đời. Chúa Giêsu cũng đồng hóa với người đau khổ, bệnh tật và bị bỏ rơi quên lãng. Người khẳng định: những ai giúp đỡ người bệnh tật, tù đày, trần truồng là giúp đỡ chính Chúa (x. Mt chương 25). Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 này, chúng ta đều nhận ra sự trân quý của cuộc sống. Sức khoẻ là quà tặng quý giá Thượng đế ban cho con người.  Dịch bệnh cũng là cơ hội để chúng ta nhận ra sự mong manh mỏng giòn của kiếp người. Những nghĩa cử quảng đại bác ái chia sẻ đã làm ấm lên tình người và tình đồng loại. Đại họa viêm phổi Vũ Hán chắc chắc sẽ qua đi, và chúng ta hy vọng tình liên đới chia sẻ sẽ còn đọng lại mãi và không ngừng được nhân lên. Xin cho các bệnh nhân được vững tin vào Chúa, và xin cho mọi người cùng nhau thực hiện đức bác ái yêu thương, giúp xoa dịu nỗi đau của người bệnh, giúp họ tìm thấy sự nồng ấm yêu thương của tình Chúa tình người.

Hà Nội, tháng 7-2020
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Nguồn: Tổng Giáo Phận Hà Nội