Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ (một số người quen gọi là đột quỵ não) đúng cách hỗ trợ giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn, giảm thiểu di chứng và nguy cơ tái phát đột quỵ. Gia đình cần lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân đột quỵ theo tư vấn từ bác sĩ.
Điều gì xảy ra sau cơn đột quỵ?
Đột quỵ là một tình trạng y tế khẩn cấp và người bệnh cần được điều trị càng nhanh càng tốt. Nếu được cấp cứu kịp thời và đúng cách, người bệnh có thể sống sót sau cơn đột quỵ và bắt đầu quá trình điều trị phục hồi.
Những ảnh hưởng lâu dài do bị đột quỵ sẽ khác nhau ở mỗi người, tùy thuộc vào nguyên nhân đột quỵ, mức độ nghiêm trọng của đột quỵ và vùng não bị ảnh hưởng, có thể bao gồm: (1)
Các di chứng nhận thức như suy giảm trí nhớ, khó diễn đạt được ý muốn bằng lời nói, lơ đãng,…
Các di chứng thực thể như yếu, tê liệt và khó nuốt,…
Các di chứng cảm xúc như trầm cảm, lo lắng, tự ti,…
Các vấn đề sức khỏe khác như khó ngủ, viêm phổi, mất kiểm soát nhu động ruột,…
Vai trò của chăm sóc người bệnh trong quá trình hồi phục sau đột quỵ
Sau điều trị đột quỵ, người bệnh cần tiếp tục được tập luyện, phục hồi nhiều chức năng nhất có thể và ngăn ngừa các cơn đột quỵ trong tương lai. Hầu hết người bệnh đều cần điều trị phục hồi chức năng sau đột quỵ. Quá trình phục hồi sau đột quỵ có thể chậm, kéo dài nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm liền, tùy thuộc vào mức độ đột quỵ, tình trạng sức khỏe, sự hồi phục và cách chăm sóc bệnh nhân sau đột quỵ.
Giai đoạn phục hồi sau đột quỵ có thể là một giai đoạn rất khó khăn với người bệnh. Những tổn thương gây ra ở não trong cơn đột quỵ có thể dẫn đến một số biến chứng về sức khỏe thể chất và tâm lý, gây cản trở quá trình phục hồi.
Vai trò của gia đình có ảnh hưởng đáng kể đến việc chăm sóc bệnh nhân đột quỵ. Với sự hỗ trợ phù hợp từ người chăm sóc và các thành viên trong gia đình, bệnh nhân bị đột quỵ có thể vượt qua những trở ngại về sức khỏe và tâm lý để phục hồi nhanh hơn, hạn chế những mặc cảm hay cảm xúc tiêu cực liên quan đến tình trạng sức khỏe của mình, sớm quay trở lại cuộc sống bình thường. (2)
Hướng dẫn lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân đột quỵ não đúng cách
1. Theo dõi trạng thái
Để chăm sóc người đột quỵ, cần theo dõi trạng thái sức khỏe của người bệnh một cách liên tục. Việc theo dõi diễn ra ngay sau khi người bị đột quỵ vừa được cấp cứu thành công.
Người chăm sóc cho người bệnh cần chú ý xem người bệnh có những dấu hiệu bất thường nào hay không để kịp thời thông báo với bác sĩ và đội ngũ y tế. Bất kề vấn đề bất thường nào của người bệnh như nôn ói, lú lẫn, hôn mê sâu không tỉnh,… cũng cần được theo dõi và thông báo với bác sĩ điều trị.
2. Giữ an toàn
Sau đột quỵ, người bệnh có thể bị yếu cơ, đi lại khó khăn hơn và dễ dẫn đến té ngã hơn. Té ngã đột ngột cũng có thể gây thương tích nghiêm trọng, làm chậm quá trình phục hồi. Đây cũng có thể là dấu hiệu của một cơn đột quỵ mới.
Người chăm sóc bệnh nhân đột quỵ cần chú ý thực hiện các biện pháp để giữ an toàn, phòng tránh té ngã cho người bệnh, đặc biệt là ở các khu vực nguy hiểm như cầu thang hay nhà tắm,..
Một số việc cần làm khi người bệnh trở về nhà gồm sử dụng thêm thảm trải sàn trống trơn trượt, dùng dép chuyên dụng chống trơn cho nhà tắm, lắp thêm tay vịn ở cầu thang và vách tường, dùng mút mềm bọc các cạnh bàn,… Ngoài ra, cần cung cấp cho người bệnh các phương tiện hỗ trợ như ghế ngồi, xe đẩy, gậy chống… (3)
Người chăm sóc cũng cần chú ý cách vận chuyển người bệnh để tránh biến chứng (ngã, gãy xương …) cho người bệnh. Khi người bệnh đột ngột té ngã, cần kiểm tra xem đó có phải là do mất thăng bằng, yếu liệt chân của cơn đột quỵ tái phát hay không.
3. Hỗ trợ các hoạt động sinh hoạt và chăm sóc bản thân hằng ngày
Một trong những vấn đề cần chú ý liên quan đến cách chăm sóc người bị đột quỵ chính là hỗ trợ người bệnh tự và tập luyện chăm sóc bản thân và thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày. (4)
Sau đột quỵ, người bệnh có thể gặp các di chứng như mất khả năng lập kế hoạch, giải quyết vấn đề và lý luận về các tình huống; bị hạn chế về khả năng thực hiện các hoạt động thể chất như mặc quần áo, vệ sinh cơ thể, đánh răng,… Người chăm sóc người bệnh cần chú ý để hỗ trợ người bệnh thực hiện các hoạt động này. Cần lưu ý, nên khuyến khích người bệnh tự làm càng nhiều càng tốt để nhanh phục hồi hơn. Người nhà chỉ trợ giúp khi người bệnh không tự làm được.
Thời gian đầu, có thể trực tiếp chăm sóc người bệnh rồi dần dần chuyển sang cầm tay, hỗ trợ người bệnh để người bệnh dần làm quen lại với các hoạt động chăm sóc bản thân.
4. Phục hồi chức năng
Phục hồi chức năng sau đột quỵ là một phần quan trọng trong quá trình phục hồi sau đột quỵ; giúp người bệnh cải thiện khả năng vận động, lời nói, sức mạnh của cơ bắp,… để cải thiện chất lượng cuộc sống. Các phương pháp phục hồi chức năng có thể phụ thuộc vào phần não bị ảnh hưởng bởi đột quỵ, theo tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ.
Một số lưu ý chung bao gồm. Khi chăm sóc người bệnh đột quỵ, cần tạo điều kiện cho người bệnh được luyện tập các bài tập phục hồi chức năng như các bài tập cải thiện sức mạnh cơ bắp, bài tập rèn luyện sự thăng bằng, bài tập cải thiện khả năng vận động,… Một số bài tập phục hồi chức năng có thể được thực hiện tại nhà theo hướng dẫn. Nhưng trong một số trường hợp, người bệnh cần kết hợp với công nghệ, các thiết bị máy móc hiện đại, có thể tập tại bệnh viện để tăng tốc độ cho quá trình phục hồi.
Để người bệnh được phục hồi các chức năng một cách nhanh chóng, khi chăm sóc người bệnh đột quỵ, nên hướng dẫn người bệnh tập vận động với các nguyên tắc sau:
Luyện tập thụ động nếu mất hoàn toàn vận động (lúc đầu)
Luyện tập chủ động khi đã hồi phục một phần (giai đoạn ổn định)
Luyện tập tất cả các cơ và các khớp bên liệt tuần tự từ gốc đến ngọn (kể cả ngón tay ngón chân) và làm tất cả các động tác mà khớp đó có (co, duỗi, dạng, khép và quay). Luyện tập ngày 3 lần, mỗi động tác của khớp làm 5 lần.
5. Hỗ trợ tinh thần cho người bệnh
Việc chăm sóc người bệnh đột quỵ còn tập trung vào việc hỗ trợ tinh thần cho người bệnh. Thông thường, những người may mắn được điều trị đột quỵ kịp thời vẫn có thể gặp di chứng về tâm lý, có cảm xúc lo lắng tình trạng đột quỵ tái phát, dẫn đến rối loạn lo âu hay trầm cảm. Những cảm xúc tiêu cực cũng khiến người bệnh dễ cáu gắt, có tính cách chuyển biến thất thường.
Vì vậy, cần an ủi, động viên người bệnh cũng như kiên nhẫn với những thay đổi trong tính cách, hành vi của người bệnh để giúp người bệnh có thể vượt qua cảm xúc tiêu cực đau khổ.
6. Luôn kiểm tra các loại thuốc và tác dụng phụ của thuốc
Người bệnh sau đột quỵ cần phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau. Do đó, người chăm sóc người bệnh đột quỵ cũng cần đảm bảo người bệnh uống thuốc đúng giờ, đúng chỉ định để tránh các biến chứng có thể xảy ra. Ngoài ra, cần theo dõi cẩn thận mọi tác dụng phụ có xảy ra sau khi người bệnh dùng thuốc để kịp thời đưa người bệnh đến bệnh viện trong trường hợp cần thiết.
7. Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Người bệnh sau đột quỵ cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý để giúp việc phục hồi diễn ra nhanh hơn. Cần đảm bảo cho người bệnh chế độ ăn đủ chất và cân đối.
Nếu không biết chăm sóc người bệnh đột quỵ cần chế độ dinh dưỡng như thế nào, nên tham khảo tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng để lên thực đơn phù hợp.
Một số lưu ý về chế độ ăn và cách cho ăn khi chăm sóc người bệnh đột quỵ như sau:
Trước hết nên cho người bệnh ăn ở tư thế ngồi trên giường hoặc trên ghế tựa cho khỏi ngã. Tư thế ngồi này an toàn và thức ăn dễ xuống dạ dày hơn.
Đặt đầu cao 45 độ nếu bệnh nhân ăn qua sonde dạ dày.
Ưu tiên lựa chọn thức ăn mềm và đặc (cháo, súp đặc). Không ăn thức ăn dạng lỏng khi bệnh nhân có biểu hiện sặc (trừ khi phải ăn qua Sonde). Thức ăn phải đủ chất dinh dưỡng, cân đối về thành phần, đủ năng lượng, ăn làm nhiều bữa. Kiêng sử dụng các chất béo và chất kích thích (rượu, bia, chè đặc, cà phê); hạn chế dùng muối.
Khi cho ăn, nên đưa miếng thức ăn vào sâu trong khoang miệng lệch về bên không liệt.
Bên cạnh đó, hàng ngày cần giúp người bệnh luyện tập, xoa các cơ ở mặt (cơ cắn, cơ nhai, cơ cổ) giúp cho sự phục hồi các cơ tham gia động tác nhai nuốt.
Xem thêm: Thực đơn cho người bị đột quỵ đầy đủ dinh dưỡng hỗ trợ hồi phục nhanh.
Lưu ý khi chăm sóc người đột quỵ
Một số lưu ý quan trọng khi chăm sóc người bệnh bị đột quỵ gồm có:
Có thể kết hợp xoa bóp, bấm huyệt theo tư vấn của chuyên gia đông y và dùng thuốc để nhanh chóng phục hồi các chi bị liệt.
Hỗ trợ người bệnh điều trị duy trì theo đơn của bác sĩ.
Trường hợp bệnh nhân có tăng huyết áp, nên dùng thuốc hạ huyết áp theo chỉ định và duy trì huyết áp ở mức 140-150/90 mmHg.
Tránh sự thay đổi nhiệt độ môi trường một cách đột ngột, kể cả khi trời quá lạnh hoặc quá nóng.
Tránh để người bệnh tắm khuya hoặc ở nơi gió lùa, nhất là với người bị cao huyết áp.
Tránh trạng thái căng thẳng thần kinh, xúc động mạnh.
Cố gắng giúp người bệnh ngủ ngon và đủ giấc, hạn chế mất ngủ.
Hỗ trợ người bệnh điều trị các nguyên nhân gây tai biến mạch máu não như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường, rối loạn nhịp tim.
Để người bệnh cải thiện khả năng nói, ban đầu nếu cần thì người chăm sóc có thể thay đổi cách giao tiếp với người bệnh bằng các phương pháp thông tin không lời qua dùng hình ảnh, chữ viết, ra hiệu (nếu không liệt tay). Sau đó giúp người bệnh luyện tập phát âm theo nguyên tắc luyện từng từ, cụm từ, câu ngắn, câu dài hơn.
Tránh để người bệnh vận động thể lực quá mức.
Dặn dò, đưa người bệnh tái khám đều đặn theo dặn dò của bác sĩ.
Đưa người bệnh kiểm tra sức khỏe, tầm soát đột quỵ tái phát định kỳ.
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh đột quỵ
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh đột quỵ cần lưu ý đầy đủ các nhóm dưỡng chất. Ưu tiên bổ sung nhiều trái cây và rau quả chứa chất chống oxy hóa để giúp giảm tổn thương mạch máu. Các loại rau củ quả giàu chất chống oxy hóa cũng chứa kali có thể giúp kiểm soát huyết áp. Chất xơ trong rau quả còn có thể làm giảm cholesterol, ngăn ngừa đột quỵ tái phát. (5)
Bên cạnh đó, người bệnh bị đột quỵ cũng cần lưu ý hạn chế ăn quá nhiều muối để tránh làm tăng huyết áp, thức ăn nhiều dầu mỡ để tránh tăng cholesterol cũng như không dùng nhiều đồ ngọt để tránh mắc bệnh tiểu đường – một bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ tái phát. Người bệnh bị đột quỵ cũng không nên uống nhiều rượu bia hay dùng các chất kích thích khác.
Tốt nhất khi chăm sóc người bệnh đột quỵ nên tự nấu ăn tại nhà để đảm bảo lượng gia vị nêm nếm trong thức ăn cũng như hàm lượng dinh dưỡng trong món ăn. Hạn chế cho người bệnh ăn ngoài hoặc sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn.
Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh kết hợp khoa Phục hồi chức năng, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là một trong những đơn vị uy tín trong điều trị đột quỵ và hỗ trợ phục hồi sau đột quỵ. Khoa quy tụ Đội ngũ Chuyên gia, Bác sĩ giàu kinh nghiệm, tận tâm điều trị, giúp người bệnh nhanh hồi phục và giảm tối đa biến chứng.
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại, hỗ trợ tích cực cho quá trình khám, chẩn đoán, điều trị đột quỵ và phục hồi sau đột quỵ. Có thể kể đến như: Máy chụp CT 1975 lát cắt & máy chụp CT 768 lát cắt, hệ thống chụp MRI 1,5 – 3 Tesla, hệ thống máy chụp mạch DSA, điện xung kích thích thần kinh cơ, máy kích thích từ trường xuyên sọ và các thiết bị, dụng cụ chuyên dụng khác…
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh luôn hướng đến dịch vụ chuyên nghiệp, phục vụ tận tâm với chi phí tiết kiệm, đảm bảo đầy đủ quyền lợi bảo hiểm y tế cho người bệnh.
Việc chăm sóc bệnh nhân đột quỵ đúng cách góp phần giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn. Người chăm sóc nên cố gắng tuân theo các hướng dẫn của bác sĩ về chế độ dinh dưỡng, các biện pháp giữ an toàn, cách tập luyện, lịch thăm khám,… để hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh sau đột quỵ.