Vâng Phục, Điều Kiện Trở Thành Môn Đệ Đức Giêsu

John Phạm

Trong môi trường xã hội khi chủ nghĩa dân chủ, tự do lên ngôi, khi con người thần thánh hóa ý muốn riêng, đã trở nên những thách đố đầy cam go đối với người môn đệ Đức Giêsu. Bởi vì, bước theo Đức Giêsu là chấp nhận hy sinh cái tôi của mình, để thay vào bằng cái tôi của chính Đức Giêsu, là kết hiệp nên một với Người trong tình yêu và hướng tới phục vụ tha nhân, đó là đòi hỏi của sự vâng phục. Vậy vâng phục chính là điều kiện để trở thành người môn đệ Đức Giêsu.

1. Khái Niệm

Trong các nhân đức, người ta thường nói rằng: nhân đức dễ nói nhất chính là vâng phục, nhưng nhân đức khó thực hành nhất thì cũng lại chính là vâng phục. Vì thế, khi nói về khái niệm vâng phục thì có vô vàn, song ở đây tôi trình bày theo ba nghĩa chính.
Theo Tiếng Việt: Vâng là nghe theo, làm theo, tuân theo lời sai bảo, mệnh lệnh hay lời khuyên răn dạy dỗ của người bề trên. Vâng còn là tiếng đáp lại lời người khác một cách lễ phép, tỏ ý nghe theo, tuân theo hoặc công nhận điều vừa được nghe.1

Theo Latinh: Vâng lời, bắt nguồn từ chữ “Obaudire”, nghĩa là lắng nghe, từ ấy gợi lên một thái độ tế nhị, thông minh và chăm chú. Lắng nghe có nghĩa là ra khỏi mình để đón nhận người khác, sự sống và vũ trụ. Như thế, vâng lời có nghĩa là đón tiếp anh em mình, là đón tiếp Thiên Chúa, là sự hòa hợp với lề luật và với bề trên những điều quy chiếu cho lương tâm ta ra khỏi mò mẫm và bối rối.2

Theo tôn giáo: Vâng phục là nhân đức luân lý giúp ta uốn ý muốn của mình cho phù hợp với ý muốn của người có quyền ra lệnh cho mình. Xét về mặt chất thể, vâng phục chỉ là thực hiện công việc được ra lệnh. Xét về mặt mô thức, vâng phục là làm một việc chỉ vì nó đã được một bề trên hợp pháp ra lệnh. Người ra lệnh càng rộng quyền, ta càng có nhiều điều phải vâng phục. Như thế, sự vâng phục đối với Thiên Chúa thì vô hạn; còn sự vâng phục đối với loài người thì bị giới hạn bởi thẩm quyền của người ra lệnh. Là nhân đức, vâng phục rất đẹp lòng Chúa vì vâng phục là hy sinh ý muốn của mình vì tình yêu Thiên Chúa.3

Theo tinh thần Kitô giáo, tất cả nguồn gốc, bản chất và cùng đích của vâng phục, đều được nên trọn qua mẫu gương hoàn hảo là Đức Giêsu Kitô.

Đức Giêsu, Gương Mẫu Đời Sống Vâng Phục

Đức Giêsu được Kinh Thánh giới thiệu là mẫu gương hoàn hảo về sự vâng phục. Trong cuộc sống gia đình trần thế của Đức Giêsu, sự vâng phục của Người được thánh sử Luca nhắc tới: “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các đấng” (Lc 2,51). Tuy nhiên, nơi Đức Giêsu thì sự vâng phục còn vượt lên trên cao hơn nữa, vì là Con hiếu thảo đối với Cha trong tương quan yêu thương: “Con là Con của Cha...” (Lc 3,22). Nơi Đức Giêsu, mọi lời nói, suy nghĩ và hành động của Người dù có ở trong tình trạng nào, thì cũng được xây dựng trên sự vâng phục. Thái độ này được thánh sử Gioan giới thiệu rất rõ ràng: Người đến là để chu toàn thánh ý của Thiên Chúa Cha (x. Ga 8,28-29); Người luôn luôn kết hợp với Chúa Cha: “Ta và Chúa Cha là một” (x. Ga 10,38); Người đã mặc khải: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34). Đỉnh cao của sự vâng phục nơi Đức Giêsu được thánh Phaolô tóm lại trong cuộc thương khó của Người: “Vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập giá” (Pl 2,8; x. Rm 5,19). Thư Do Thái cũng đồng một quan điểm: “Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục, và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người đã trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai vâng phục Người” (Dt 5,8-9).4 Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết như sau: "Một cách nhiệm mầu chính Chúa Kitô chấp nhận... chết trên một thập giá để nhổ tận gốc rễ tội kiêu căng khỏi trái tim con người, và biểu lộ một sự vâng phục toàn vẹn con thảo".5Chúng ta xác tín rằng: chính nhờ sự vâng phục mà Đức Giêsu đã trở nên nguồn ơn cứu độ đời đời cho toàn thể nhân loại và mọi thụ tạo (x. Rm 5,19).

Vâng phục, điều kiện để trở thành người môn đệ Đức Giêsu

Kinh Thánh giới thiệu cho chúng ta về Đức Giêsu gương mẫu hoàn hảo của sự vâng phục (x. Pl 2,6-11). Bước theo Thầy Giêsu, người môn đệ cũng phải đặt sự vâng phục lên hàng đầu và sống thái độ đó suốt cả cuộc đời.

Vâng phục là lắng nghe với thái độ của niềm tin

Như trong phần khái niệm đã cho chúng ta rõ hơn về nghĩa của vâng phục: tiên quyết đó là sự lắng nghe, sau đó mới đến thực hành. Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, một điều rất hiển nhiên là: hành động luôn đi sau sự lắng nghe và kết quả của hành động đó như thế nào thì tùy thuộc vào thái độ lắng nghe. Để có thể tìm hiểu hay đến với một ai đó, chúng ta phải lắng nghe: lắng nghe từ chính cuộc đối thoại, gặp gỡ với con người đó; lắng nghe qua người xung quanh; lắng nghe theo phán đoán của lý trí, của con tim... đặc biệt là phải lắng nghe với thái độ cởi mở, mới hy vọng có được những đánh giá khách quan hơn. Trong hành trình trở nên môn đệ Đức Giêsu cũng vậy, đó không phải là một nghề nghiệp, nhưng đó là một ơn gọi, ơn gọi xuất phát từ tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho chúng ta: “Ai muốn theo tôi...” (Mc 8,34). Vì thế, để có thể biết về Người, đến với Người, ở với Người và đi theo Người, chúng ta cần phải lắng nghe tiếng gọi với thái độ của niềm tin. Vì lắng nghe với thái độ của niềm tin, là lắng nghe bằng cả lý trí và con tim, tức là toàn bộ con người của mình. Theo Đức Giêsu, chúng ta sẽ trao phó toàn bộ quá khứ, hiện tại và tương lai của đời mình nơi Người. Qua sự vâng phục, chúng ta biết được Đức Giêsu là ai? Người sẽ là gì đối với tôi? Đi theo Người tôi sẽ được những gì? Tôi sẽ sống như thế nào để xứng đáng là môn đệ Người...? Đó là những câu hỏi quan trọng mà nhờ thái độ lắng nghe trong niềm tin chúng ta sẽ khám phá được; từ đó chúng sẽ thay đổi cái nhìn, suy nghĩ và lối sống sao cho phù hợp với người môn đệ Đức Giêsu.

Vâng phục là từ bỏ mình để theo Chúa

Sau khi chúng ta lắng nghe tiếng Chúa mời gọi trở nên người môn đệ, chúng ta phải biến thái độ đó qua hành động cụ thể của mình: “Ai muốn theo ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo ta” (Lc 9,23). Bước theo Thầy Chí Thánh Giêsu là chúng ta đang ra khỏi cái tôi ích kỷ, ra khỏi những cái tầm thường nơi con người, ra khỏi những gì là tham sân si... (x. Lc 14,25-33), để đón nhận thánh ý của Thiên Chúa, tháp nhập ý mình vào ý Chúa và thi hành ý muốn cứu độ của Người trên đời mình, như chính Thầy Giêsu: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý muốn của Ngài” (Dt 10,7). Người môn đệ bỏ mình là chấp nhận chết đi cái tôi của mình, để đón nhận sức sống mới nơi Đức Giêsu Kitô: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20; x. Mt 16,25). Vâng phục là chấp nhận từ bỏ chính mình để trở nên người môn đệ Đức Giêsu, phải chấp nhận một “cuộc lội ngược dòng”, chấp nhận con đường của thập giá để đạt được vinh quang: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã viết như sau: con đường "chịu mất chính mình", là điều cần thiết đối với con người, và nếu không có điều này, thì nó không thể tìm lại được chính mình".6 Như vậy, chính sự vâng phục là yếu tố cấu tạo nên đời sống người môn đệ Đức Kitô, là điều kiện căn bản để có thể đi theo Người và trở nên đồng hình đồng dạng với Người. 

Vâng phục để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô

Đức Giêsu, người của sự vâng phục tuyệt hảo, đã mời gọi tất cả chúng ta trở nên môn đệ của Người, chính vì thế khi chúng ta sống vâng phục là lúc chúng ta đang trở nên đồng hình đồng dạng với Thầy của mình. Thánh Inhaxiô đã nói rằng: “Sự vâng phục là của lễ toàn thiêu mà trong đó toàn thể con người, không giữ lại một chút gì, được hiến dâng trong ngọn lửa bác ái cho Tạo Hóa là Thiên Chúa... ít linh hồn hiểu được điều Thiên Chúa muốn thực hiện nơi họ, nếu họ không hoàn toàn từ bỏ chính mình cho Người và để cho ân sủng của Người khuôn đúc họ”.7 Nhờ vâng phục, người môn đệ đã tự nguyện hiến mình làm của lễ bản thân dâng lên Thiên Chúa với tinh thần hiếu thảo và hy sinh như Đức Giêsu (x. Pl 2,8); nhờ đó chúng ta được kết hiệp nên một với Người cách kiên trì và chắc chắn hơn: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô...” (Rm 8,35-36). Động lực của người môn đệ khi sống vâng phục, không gì khác là trở thành môn đệ Chúa Giêsu trong tình yêu; từ đó họ hướng đến mục đích là được kết hiệp nên một với Người trong chương trình cứu độ (x. Ga 17,22), để không chỉ nơi họ mà qua họ tất cả mọi người, mọi thụ tạo đều hưởng ơn cứu độ nơi Đức Giêsu Kitô (x. Ep 1,7).

Qua sự vâng phục, chúng ta lắng nghe được tiếng gọi của Thiên Chúa với thái độ tin tưởng. Từ đó, chúng ta sẽ thay đổi lối sống của mình cho phù hợp với người môn đệ Đức Giêsu, trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Tuy nhiên, trong môi trường xã hội đầy những phức tạp thì chúng ta cần phải có một vài phương thế giúp thực hành đời sống vâng phục tốt hơn.

Phương thế giúp thực hành vâng phục tốt hơn.

Khi con người đang đề cao chủ nghĩa cá nhân, tự do thì dường như vâng phục không có chỗ để tồn tại. Vì thế người môn đệ Đức Giêsu cần phải biết luôn khiêm tốn và năng cầu nguyện, sẽ giúp sống vâng phục tốt hơn được.

Khiêm tốn

Người ta thường nói: “Khiêm tốn bao nhiêu vẫn thấy thiếu. Tự kiêu một chút đã thấy thừa.” Quả đúng là như thế, chúng ta được sinh ra, mang trong mình thân phận con người đầy những giới hạn và khiếm khuyết, vì thế mà khiêm tốn sẽ giúp chúng ta có cái nhìn khách quan hơn về chính bản thân mình và người khác, như thánh Phaolô đã nói: “Đừng đi quá mức khi đánh giá mình...” (Rm 12,3). Có thể nói: “khiêm tốn là nhân đức trụ cột được Chúa Giêsu ưu thích nhất”.8 Nhờ kiêm tốn chúng ta mới thấy được giới hạn của mình, mới nhận ra được tình yêu quan phòng của Thiên Chúa dành cho chúng ta: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh" (1 Cr 4,7). Người môn đệ Đức Giêsu, khi mang trong mình thái độ khiêm tốn, sẽ giúp họ thấy được nguồn gốc và cùng đích của ơn gọi là ân ban nhưng không, xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ, nhờ đó họ sẽ sống vâng phục tốt hơn theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu.

Cầu nguyện

Cầu nguyện chính là yếu tố căn bản trong đời sống người môn đệ Đức Giêsu, bởi vì qua cầu nguyện, họ lắng nghe, nhận biết và thi hành thánh ý Thiên Chúa, kết hợp nên một với Người, đó là cốt lõi của sự vâng phục. Không có người môn đệ vâng phục nếu không có đời sống cầu nguyện, bởi vì không cầu nguyện ta đâu có biết Đức Giêsu là ai? Ta là ai? Đi theo người để làm gì...? Chúng ta có thể cầu nguyện bằng nhiều hình thức khác nhau, qua Thánh lễ, Kinh phụng vụ, lần chuỗi, suy niệm Lời Chúa...tất cả nhằm mục đích mở lòng mình để cho Chúa Thánh Thần hoạt động, để Người đưa chúng ta vào trong tình yêu với Thiên Chúa Cha qua Đức Giêsu.

Qua những gì đã trình bày, cho chúng ta có được cái nhìn rõ hơn một chút về vai trò của sự vâng phục trong đời sống người môn đệ Đức Giêsu. Có thể nói vâng phục chính là cánh cửa đưa chúng ta đến với Thiên Chúa và tha nhân. Qua vâng phục, ta lắng nghe và thi hành thánh ý Chúa, kết hiệp nên một với Người, sống phục vụ tha nhân như Đức Giêsu. Vâng phục chính là trung gian của các nhân đức khác và là điều kiện để trở thành người môn đệ Đức Giêsu.


Ghi Chú

"Nguyễn Như Ý, “Vâng” trong Từ Điển Tiếng Việt Thông Dụng (Hà Nội: Nxb. Giáo Dục, 1995), 1253.
Bùi Đình Cao, Thần Học Luân Lý Chuyên Biệt (ĐCV. Thánh Phanxicô Xaviê, 2014), 127-128.
Đặng Xuân Thành, “Vâng Phục” trong Từ Điển Công Giáo Phổ Thông, pd. Nhóm Chánh Hưng, (Tp. HCM: Nxb. Phương Đông, 2008), 640.
Bùi Đình Cao, Thần Học Luân Lý Chuyên Biệt, op. cit., 130.
Nguyễn Văn Độ, “Theo Chúa Phải Từ Bỏ Mình, Vác Thập Giá Mình”, “http://tonggiaophanhanoi.org. Truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2016.
Bênêđíctô XVI, Ðức Giêsu Thành Nagiarét, nd. Lm. Nguyễn Văn Trinh (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2007), 333.
Tymothy M. Dolan, Linh Mục Cho Ngàn Năm Thứ Ba, nd. Lm. Trần Đình Quảng (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2009), 112.
Ibid, 66.

Nguồn: http://nguoitinhuu.org