Tuần Thánh và những sắc màu của Tình Yêu

Giáo hội đã bước vào Tuần Thánh trong thinh lặng, chiêm ngắm và cầu nguyện, để có thể thông phần vào mầu nhiệm cứu chuộc của Đức Kitô cách trọn vẹn nhất. Trong thinh lặng và chiêm ngắm, chúng ta nhận ra nơi cuộc khổ hình của Chúa, từ phòng tiệc ly đến Đồi Sọ, là một bức tranh với đủ sắc mầu của thế trần. Có tình thương bao la của Đấng Chịu đóng đinh lẫn lòng hận thù của con người, có xót xa và đớn đau của sự chia ly và sự phản bội, có nỗi cô đơn, tuyệt vọng khi cảm nhận không còn một chút gì để bám víu… Nhưng tất cả được bao phủ bằng bức tranh lung linh của tình yêu mà chính Chúa Giêsu đã vẽ bằng chính màu mồ hôi và máu của mình đổ ra trên thập giá.  

1. Nơi phòng tiệc ly – sắc màu của yêu thương và sự phản trắc.

Nơi phòng Tiệc Ly, bầu không khí u uất, buồn phiền tăng lên đến ngột ngạt, ngột ngạt nhất là vì một kế hoạch, một ý đồ phản bội. Thánh Gioan kể rằng “Giuđa đã đi một mình vào đêm tối,” Giuđa đã phản bội Thầy mình bằng một cái hôn. Cái hôn của sự phản bội được đạo diễn bởi “bóng đêm,” đã giúp Giuđa diễn tròn vai của một người môn đệ “tình nghĩa” ngay trong chính đêm mà tình Thầy - Trò bộc lộ cách thắm thiết nhất, yêu thương nhất. Một sự phản bội ngay trên bàn ăn, nơi của cảm thông và chia sẻ.

Không chỉ Giuđa, mà cả Phêrô, vị tông đồ trưởng được Chúa yêu thương hết mực, trong cơn khốn cực của Thầy, Phêrô cũng chỉ lấp ló đằng xa để xem kết cục Thầy mình ra sao (x. Mt 26, 57-58).  Và khi tình thế trở nên căng thẳng, cấp bách, ông đã không do dự buông lời phản bội Thầy cách hèn nhát trước một người tớ gái: “Tôi thề là không hề biết người các ông nói đó. (Mc 14:70-71).

Nỗi đau xé nát tâm can này còn đau hơn cả lưỡi dao cứa vào vết thương, nhưng Chúa vẫn lặng lẽ, sáng tạo, và trung thành cho một tình yêu. Tình yêu ấy được bộc lộ qua hành vi Chúa cúi xuống “rửa chân cho từng người một.” Chúa cúi xuống thật sát, thật gần, thật sâu, để có thể yêu thương một cách toàn vẹn. Ngài cúi xuống những yếu đuối, giới hạn của các môn đệ để băng bó, chữa lành, hàn gắn cho các ông được “thông phần” với Ngài.

2. Nơi Vườn Cây Dầu – sắc màu của sự vô tâm, cô đơn và sợ hãi

Có lẽ Vườn Cây Dầu là nơi Chúa Giêsu đã trải qua những giờ phút cô đơn và sợ hãi nhất để hoàn tất sứ mạng cứu độ của Ngài. Ngài sợ hãi không phải vì “giờ đã đến” với những nhục hình sắp diễn ra, nhưng là nỗi sợ trước sức nặng của “Chén Cha trao” (x.Ga 18,11) “Chén” ấy giờ đây nó được bộc lộ cách phũ phàng và hèn nhát nhất, không chỉ nơi những người chống đối, lên án và loại trừ Ngài, mà ngay cả nơi những người môn đệ mà Ngài hằng yêu thương. Thế nên càng uống càng đắng, càng yêu càng thổn thức, cô đơn. Nỗi cô đơn càng lúc như dày xéo tâm can. Trong cơn sầu thương ấy, Ngài cảm nhận Chúa Cha như im lặng đứng nhìn, các môn đệ thì vô tâm bỏ mặc, ngủ vùi. Cô đơn tột cùng đến nỗi Ngài thốt lên: “tâm hồn thầy buồn đến chết được”(Mc 14,34), “Simon! Anh không thức nổi với thầy một giờ sao?” (Mc 14, 37).

Nhưng rồi mắt các ông vẫn nặng trĩu và ngủ thiếp đi. Chính giấc ngủ quá vô tư, bình thản nên các ông đã hoàn toàn không biết gì về cơn thử thách mà Thầy mình đang trải qua. Khi Chúa Giêsu bị bắt, các môn đệ chạy bán sống bán chết đến độ không còn một mảnh vải để che thân nữa (Mc 14,51-52). Chỉ còn ông Phêrô là “can đảm” theo Thầy xa xa. Những điều đó đã khiến cho Chúa Giêsu càng thêm sự lẻ loi cô độc.

Có nỗi đau nào đau hơn khi “giờ đã đến” giờ Thầy cần các ông ở lại chia sẻ nổi thống khổ với Thầy nhất thì các ông lại thờ ơ, lãnh đạm, vô tâm. Không người thấu cảm, chẳng ai sớt chia “Chén Đắng” cùng Thầy, một mình Thầy thổn thức với: “Nỗi sầu riêng mong người chia sớt, luống công chờ không được một ai; Đợi người an ủi đôi lời, trông mãi trông hoài mà chẳng thấy đâu” (Tv 69,21)

3. Trên đường đến Núi Sọ - sắc màu của nỗi ô nhục, bất công

Thật không sai khi ai đó nói rằng: “không gì nham hiểm và bất trị như lòng người,” điều này đã bộc lộ cách rõ nét nhất nơi cuộc thương khó của Chúa. Mới hôm nào kẻ đi trước, người theo sau, hò reo vang dậy: “Hoan hô Con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa” (Mt 21, 9), giờ đây họ lại đồng thanh quả quết rằng: “Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xê-da”(Ga 19,15). Mới ngày nào thôi còn ùn ùn chạy tới để chỉ mong được chạm lấy tua áo của Ngài để được chữa lành, được nghe Ngài giảng, miệng còn thốt lên: “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1,22), thì nay lại coi Ngài không bằng tên phản loạn Baraba, và sẵn sàng khạc nhổ, đánh đập, nhục mạ Ngài, “nếu mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi ! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào” (Mt 27,40)

Bị phản bội trong tình yêu, đó là nỗi đau đớn nhất. Đức Giêsu khao khát được yêu họ, được mang ơn cứu độ cho họ cho đến hơi thở cuối cùng, nhưng tất cả đều chối từ. Nỗi đau chẳng thể viết thành lời, đau nơi thân xác, đau trong cõi lòng: “Nghe trong tim mình đau thắt lại, bóng tử thần khủng khiếp chụp xuống con. Bao run sợ nhập cả vào người, cơn kinh hãi tứ bề phủ lấp” (Tv 54,5-6).

4. Trên thập giá – sắc màu của tình yêu trao hiến tận cùng, yêu thương tận cùng và tha thứ tận cùng

Chén Chúa Cha trao, Ngài đã uống cạn đến tận cùng cặn bã của nó, tuy rằng đã có lúc tưởng chừng không thể nuốt trôi “xin Cha cất chén này xa con” (Mc 14,36). Nhưng cơn khát của một tình yêu trao hiến đến cùng cho con người vẫn luôn cháy bỏng nơi tâm hồn Ngài, Ngài vẫn chọn không vì mình, không cho mình nhưng vì Cha và cho Cha, cho nhân loại: “xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39).

Theo thánh ý Chúa Cha, “Chúa Giêsu đã hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây Thập giá”( Pl 2,8). Trên thập giá, Người đã biến đổi chén đau thương thành suối nguồn của tình yêu trao hiến tận cùng. Tình yêu của Ngài là tình yêu nguyên tuyền không vương mùi thế tục. Lúc lòng thù hận, oán ghét của con người lên đến đỉnh cao chính là lúc đóa hoa tình yêu và lòng khoan dung tha thứ của Ngài từ cây thập giá tỏa hương nống ấm: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.” Lúc Ngài yếu đuối, trần trụi và cạn kiệt nhất chính là lúc ơn cứu độ được trổ sinh qua sự trở về nẻo chính đường ngay của tên trộm lành: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng" (Lc 23,43).

Giữa những vu khống, phản bội, ghen tương, bất công, nhục nhã, đau khổ, sợ hãi, cô đơn, hèn nhát, cái chết. Ngài thanh thản hứng chịu, chữa lành và tha thứ, để rồi cảm hóa chúng bằng tình yêu cứu độ. Vì chỉ có tình yêu mới làm cho mọi khổ đau có giá trị cứu độ. Chính sức mạnh tình yêu mới làm mọi chia rẽ được hàn gắn, mọi hận thù được xóa bỏ và mọi xa cách được nên hiệp nhất.
 
Nếu sám hối, ăn năn là gam màu chủ đạo của 40 ngày chay thánh, thì Tuần Thánh được diễn ra với đủ sắc màu của “nhân tình thế thái.” Có màu của yêu thương, phản bội, hận thù, tha thứ, cô đơn, chia ly, đau đớn, tủi nhục, bất công, hèn nhát …Những gam màu này tạo nên một bức tranh diễn tả rõ nét hơn về sứ mạng của Người Tôi Trung đau khổ. Ngài đã dang tay ôm lấy tất cả những gam màu đó để hòa trộn và biến đổi thành những gam màu tươi sáng của tình yêu thương tha thứ và ơn cứu độ cho nhân loại tội lỗi. 
 
Tình yêu ấy mời gọi chúng ta bước vào Tuần Thánh với tâm tình của những người môn đệ, bước gần hơn, sát hơn, quyết liệt hơn với Thầy của mình trong cuộc thương khó và phục sinh của Ngài. Để lại được cất lên niềm xác tín "vinh dự của tôi là Thập giá Chúa Giêsu Kitô, chịu đóng đinh vì Người, với thế gian mà tôi quên mình, mang thương tích vì Chúa Kitô.” Và trong niềm vui của ơn cứu độ, chúng ta lại trào dâng niềm tri ân qua khúc khải hoàn ca Alleluia, Chúa đã sống lại.
 
Tham Nguyen