Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, Lạy Chúa,
Muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con (Tv 130,1).
Thánh vịnh 130 diễn tả niềm cậy trông của người Do Thái nơi Thiên Chúa là Đấng cứu chuộc. Đây là một thánh thi thuộc thể loại “lên đền”, tức là người hành hương Do Thái thường hát khi tiến vào Đền thánh Giêrusalem. Phụng vụ Kitô giáo thường sử dụng thánh vịnh này trong các thánh lễ cầu hồn. Đây là tiếng kêu từ vực thẳm của những người cảm nhận rõ thân phận hèn yếu tội lỗi của mình trước mặt Chúa để nài xin Ngài đoái thương cứu vớt. Dù được vang lên “từ vực thẳm”, nội dung thánh vịnh không phải là tiếng kêu bi quan vô vọng, mà là lời cầu nguyện với niềm xác tín cậy trông. Trong tháng cầu cho các đẳng linh hồn, chúng ta hãy suy tư về ý nghĩa của thánh vịnh này.
“Vực thẳm” trước hết là lối so sánh giữa sự cao cả của Thiên Chúa và sự hữu hạn của kiếp người. Quả vậy, Thiên Chúa chí thánh vượt xa con người phàm trần tội lỗi. Ý thức được sự bất xứng của mình, tác giả thánh vịnh vẫn cả dám thân thưa với Chúa. Lời van nài của ông như vọng lên từ đáy vực sâu, và ông vẫn tin rằng Chúa sẽ nghe lời kinh thống thiết ấy. Không mặc cảm vì thân phận phàm hèn, chẳng thất vọng vì Chúa ngàn trùng xa cách, người tín hữu đang gặp thử thách gian nan vẫn vững lòng cậy trông và tin rằng Chúa sẽ nhận lời cầu nguyện của họ. Dẫu biết rằng tiếng kêu của mình giống như tiếng kêu từ vực thẳm, điều mà trong thế giới loài người tưởng chừng như vô nghĩa và vô vọng, tác giả vẫn chắc chắn rằng Chúa sẽ nghe và “lắng tai để ý”.
Khái niệm “vực thẳm” ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người cũng là một cách khiêm tốn thú nhận, nếu Chúa chấp tội theo kiểu người đời, thì chẳng có ai được cứu rỗi. Bởi lẽ con người ta ở đời chẳng lập công gì cho xứng. Nếu Chúa tha tội, là vì Ngài giàu lòng xót thương, chứ không phải vì công lao của chúng ta. Lời thánh vịnh tóm lược giáo huấn của Cựu ước về lòng khoan dung nhân hậu của Thiên Chúa. Ngài “chỉ giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời” (Tv 29,6). Lời cầu nguyện từ vực thẳm xuất phát từ niềm xác tín: “Bởi Chúa luôn từ ái một niềm”. Là Đấng từ ái bao dung, Thiên Chúa sẽ cứu giúp và sẽ cứu chuộc các tội nhân. Tin tưởng vào tình thương của Chúa, người tin Chúa vẫn tín thác một niềm: “Dù qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (Tv 23,4).
Theo Giáo lý Công giáo, những người đã qua đời mà còn vương mắc tội lỗi, thì họ cần phải được thanh tẩy trước khi xứng đáng ra trình diện trước nhan Đấng Tối cao. Nơi họ chịu thanh tẩy, được gọi là “Lửa luyện tội”, hoặc “Luyện ngục”. Sự hiện hữu của luyện ngục chứng minh Thiên Chúa vừa là Đấng công bằng, vừa là Đấng bao dung. Vì công bằng, nên những ai trước khi đến với Ngài phải đền bù tội lỗi họ đã phạm; vì bao dung, nên Ngài cho một cơ hội để tội nhân được thanh tẩy hết tội nhơ. Lời kinh “Từ vực thẳm” như một lời tự sự của các linh hồn đang bị giam cầm nơi luyện ngục. Chính từ nơi luyện tội này, mà các linh hồn cảm nhận được vực thẳm của sự yếu đuối tội lỗi, cũng là vực thẳm giữa Thiên Chúa chí thánh và con người phàm trần. Tại nơi này, các linh hồn bị thiêu đốt, không chỉ do ngọn lửa hình phạt, nhưng còn thiêu đốt do lòng khao khát được về với Chúa như về với cội nguồn. Nếu trong cuộc sống trần thế, chúng ta không cảm nhận được sự thánh thiện và vinh quang của Thiên Chúa, thì nơi luyện tội, các linh hồn lại thấy rõ những điều ấy. Vì thế mà lòng khao khát được kết hợp với Chúa càng trở nên mãnh liệt, để rồi, “mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người”.
Một hình ảnh rất sinh động được tác giả dùng để so sánh với nỗi thao thức mong chờ, đó là người lính canh đêm. Người lính canh đêm phải xa gia đình để thi hành công vụ. Anh chỉ mong cho trời sáng để về sum họp đoàn viên. Đêm vừa là thời gian xa cách, vừa là lúc có nhiều nguy hiểm rình rập. Vì vậy, anh mong chờ ánh bình minh lên, cũng là lúc không còn nguy hiểm và anh có thể trở về với người thân. Nỗi niềm mong đợi Chúa được diễn tả như sự sum họp đoàn tụ của người con với Cha mình. Đây cũng là niềm hy vọng của người Kitô hữu. Về với Chúa là về Nhà Cha, là về với cội nguồn, nơi có biết bao người thân đang mong đợi đón chờ.
Nếu các linh hồn nơi luyện ngục cảm nhận rõ sự tốt lành của Thiên Chúa và thân phận tội lỗi của mình, thì họ lại không làm được gì để tự thanh luyện mình. Đối với họ, giờ lập công đã hết, nay là thời đền tội. Điều mà họ có thể trình bày với Chúa, đó chỉ là sự yếu hèn tội lỗi, là hai bàn tay trắng hư không. Đó cũng là niềm ân hận khôn nguôi, tiếc nuối quãng thời gian Chúa ban mà đã để trôi đi một cách vô ích. Vì vậy, Giáo Hội nhắc nhớ chúng ta là những người còn sống, hãy cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục. “Mầu nhiệm các thánh cùng thông công” nhắc chúng ta hãy kêu cầu sự phù trợ của các thánh trên thiên đàng và hãy cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục. Trong truyền thống lâu đời của Giáo Hội, những việc đạo đức như xin dâng thánh lễ, cầu nguyện hằng ngày, thực thi bác ái… có thể rút ngắn thời gian tinh luyện của những người thân đã qua đời.
Thánh vịnh “Từ vực thẳm” (Tv 130) từ lâu đã được soạn thành “Kinh Vực sâu” và được đọc hằng ngày trong các cộng đoàn tín hữu. Khi đọc kinh này, các tín hữu thay lời cho người đã khuất, giãi bày tình trạng đáng thương của họ, nhưng không mất niềm hy vọng cậy trông vào lời hứa của Chúa: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Ta thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11,25). Cộng đoàn tín hữu tin rằng “Chính Chúa sẽ cứu chuộc Israen, cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn”. Cũng như trong phụng vụ tang lễ Công giáo không có hình thức điếu văn kể lể công trạng của người đã khuất, lời nguyện cầu trong Kinh Vực sâu chỉ nhắc đến lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa đối với con người, vì hết thảy đều là tội nhân, “nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được?”. Điều đó có nghĩa, ở đời này chúng ta chỉ là những “đầy tớ vô dụng” chẳng làm nên công trạng gì đáng kể trước mặt Chúa.
Thánh vịnh “Từ vực thẳm” cũng diễn tả tâm tình của các Kitô hữu đang đi trên hành trình cuộc đời. Thánh vịnh này được đọc trong giờ Kinh tối thứ Tư hằng tuần. Đây là lời nhắc nhở chúng ta ý thức thân phận còn nhiều khiếm khuyết của mình, để cậy trông vào Chúa và nương tựa nơi Ngài. Giữa những bộn bề bon chen của cuộc sống đời thường, có những lúc chúng ta chủ quan đánh giá mình quá cao trước mặt Chúa và anh chị em. Nhận ra thân phận hư vô của con người, chúng ta thấy cần được lòng thương xót của Chúa bao phủ đỡ nâng, để đức tin và lòng cậy trông của chúng ta ngày càng sâu đậm mãnh liệt.
Tháng Cầu hồn vừa gợi cho chúng ta nhớ đến những người thân đã khuất bóng, vừa giúp chúng ta ý thức thân phận yếu đuối tội lỗi của mình. Lời kinh cầu hồn vừa xin Chúa thanh tẩy các linh hồn nơi luyện ngục, vừa xin Chúa đỡ nâng chúng ta trong mỗi bước đi của cuộc sống. Lời kinh xuất phát từ niềm trông cậy, sẽ cứu các linh hồn ra khỏi vực thẳm luyện hình, và sẽ giải thoát chúng ta khỏi vực thẳm của tội lỗi đang bủa vây giam hãm chúng ta.
Tháng Cầu hồn 2016
Gm Giuse Vũ Văn Thiên
NGUỒN: http://hdgmvietnam.org/tu-vuc-tham