Tu huynh G.B Nguyễn Trường Thế tốt nghiệp nghành Bác sĩ Y học Cổ truyền

“Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công [...] Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu cầu và cũng không tự mình gợi ý cho họ [....]Dù vào bất cứ nhà nào, tôi cũng chỉ vì lợi ích của người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa [...] Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết...” Đó là vài trong số những lời thề Hippocrates kinh điển mà sinh viên nghành y nào cũng từng một lần cảm nghiệm trước khi ra trường với mong muốn có thể làm đúng với Y Đức của người thầy thuốc, mang tài năng và trí tuệ của mình để cống hiến cho người, cống hiến cho đời.

Tu huynh Gioan Baotixita Nguyễn Trường Thế, sau những năm theo học tại trường Đại học Y Dược TP. HCM, niên khoá 2013 - 2017 đã tốt nghiệp và nhận văn bằng Bác sĩ Y học Cổ truyền vào ngày 12.11.2017. Niềm vui khi vượt qua được những tháng ngày vất vả vật lộn với kiến thức, thực tập, thực tế tại môi trường bệnh viện để có thể nhận được tấm văn bằng tốt nghiệp hôm nay quả thực là một hành trình dài và đầy khó khăn mà mỗi một sinh viên ngành y, khi đã lựa chọn cho mình con đường Y Dược, nghiệp khoác lên mình tấm áo bluse thì đều biết đến những hấp dẫn mà cũng không ít gian nan. Ai cũng hiểu được rằng, đã thi vào trường Y phần lớn đều có mơ ước thánh thiện là làm thầy thuốc trị bệnh cứu người, nhưng quá trình hiện thực hóa nó không hề đơn giản, đòi hỏi người sinh viên Y khoa cần có nhiều tố chất khác. Một nghành học đòi hỏi nhiều bởi sự cần cù, nỗ lực, khả năng và trách nhiệm. Khi bước ra khỏi những dòng chữ lý thuyết, và đối mặt với những thách thức trong thực tế, của những khó khăn và bất lực của sự giới hạn, đối mặt với trách nhiệm của một thầy thuốc, đối mặt thật sự với những bất ổn, và nguy hiểm có đe dọa trực tiếp tới tính mạng con người, người thầy thuốc lại ý thức hơn sự cao cả của công việc chữa lành bệnh nhân và trách nhiệm  nặng nề vốn có mà ngành y đòi hỏi, nhất là làm sao có thể giữ vững lập trường với lương tâm của người thầy thuốc trước những giá trị sự sống đang bị xói mòn và thay đổi.

Tuy nhiên, một tu sĩ - thầy thuốc thì không chỉ dừng lại ở việc dùng hết khả năng với hy vọng chữa lành bệnh tật, nhưng hơn thế, họ phải chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân trong tinh thần phục vụ theo gương người thầy thuốc Giê-su, theo những giáo huấn của Giáo hội là tôn trọng và bảo vệ sự sống con người như hình ảnh của Thiên Chúa.

Thêm vào đó, là một tu sĩ Trợ thế thánh Gioan Thiên Chúa - Những tu sĩ chọn sống ơn gọi phục vụ bệnh nhân, thì việc chăm sóc và chữa lành cho họ còn là sứ mạng, là dấu chứng cho lòng nhân ái của chúa Giêsu vẫn còn trải dài trong đời sống nhân loại. Người tu sĩ Trợ thế ý thức rằng phục vụ bệnh nhân là đặc sủng được lãnh nhận từ Thiên Chúa qua thánh phụ Gioan Thiên Chúa, và họ cam kết sống để thực thi giới răn yêu thương đó. Như thế, Người tu sĩ Gioan Thiên Chúa, với niềm vui, chúng ta cống hiến bản thân cho việc giúp đỡ những người túng khổ bệnh tật với thái độ và hành vi có tính đặc thù, là phục vụ cách khiêm tốn, nhẫn nại và có trách nhiệm, tôn trọng và trung thành đối với con người. Biết cảm thông, nhân hậu và xả kỷ, chia sẻ  những âu lo và hy vọng của họ (HP 3). Làm sao để luôn trung thành với ơn gọi và sứ mạng đã lãnh nhận, làm sao để người nghèo và người bệnh tật được sẵn sàng tiếp đón, làm sao để họ có chỗ đứng ưu tiên trong công cuộc tông đồ Trợ thế và làm sao có thể mang đến cho họ sự phục vụ tốt nhất... những câu hỏi đó vẫn luôn là lời mời gọi, đòi hỏi và cả thách thức mà người tu sĩ Gioan Thiên Chúa vẫn không ngừng trăn trở, điều mà Thánh Phụ đã từng thảng thốt: “Trái tim tôi rướm máu khi nhìn thấy những người đau khổ bệnh tật mà không thể cứu giúp họ”.


Ban Truyền Thông OH